26
Như vậy, điểm qua một vài tác giả xuất sắc nhất, chúng ta đã thấy rất rõ sự tồn tại của mô típ hành trình trong văn học Nga thế kỉ 19 gắn liền với những trăn trở về con đường đi của nước Nga. Mỗi nhà văn tự chọn cho mình một hình thức nghệ thuật riêng nhưng hành trình trong sáng tác của họ đều là những hành trình kiếm tìm giá trị tinh thần, xác định ý nghĩa tồn tại của cá nhân và ngưỡng vọng một hướng đi cho tương lai đất nước. Không sai khi nói rằng, mô típ hành trình với tư cách là mô típ chủ đề/ cốt truyện, chính là tiền đề cho sự xuất hiện của mô típ nhân vật "con người tìm đường" rất phổ biến trong văn học Nga thời kì này.
1.2.3. …và những "niềm vinh quang" tiếp bước
Văn học hiện thực Nga thế kỉ 19 khép lại trong hào quang của những tên tuổi lẫy lừng. Nền văn học xô viết thế kỉ 20 tiếp tục nối bước với sự xuất hiện và đan xen đầy phức tạp của nhiều trường phái/ khuynh hướng sáng tác khác nhau. Những "niềm vinh quang" mới- những cây bút xuất sắc, tiêu biểu cho lớp nhà văn "cổ điển mới"- nở rộ trên văn đàn Nga. Trong sáng tác của họ, mô típ hành trình được tái hiện dưới những hình thức nghệ thuật mới mẻ và với ý nghĩa biểu trưng độc đáo.
"Cánh chim báo bão" Maksim Gorky chứng minh bản sắc nghệ thuật của mình ngay trong những truyện ngắn ở thời kỳ đầu sáng tác. ở những tác phẩm này, chúng ta không thể tìm kiếm mô típ hành trình giản đơn trong sự bó hẹp của một câu chuyện cụ thể. Thực chất, nhà văn đã thể hiện một hành trình xâu chuỗi, xuyên suốt những truyện ngắn của mình bằng lời kể của nhân vật xưng "tôi" xuất hiện trong tất cả các câu chuyện. Trong sáng tác của Gorky, mô típ hành trình thường gắn liền với mô típ "vô gia cư", với kiểu nhân vật "phiêu bạt", chân đất. ở đây, nhân vật "tôi" không thông báo rõ ràng cho người đọc được biết những chuyến đi của mình. Nhưng khi ta say sưa dõi theo lời kể từ truyện ngắn này sang truyện ngắn khác, ta mới chợt nhìn rõ con đường mà
27
người ấy- hay chính là hình bóng của Gorky- tìm đến với nhân dân lao động và xác nhận những chân lí cuộc đời. Đồng hành cùng nhân vật "tôi" phiêu bạt "trên những nẻo đường của nước Nga" (như tên gọi một tập truyện của Gorky), từ thảo nguyên miền Trung Nga bát ngát đến duyên hải phương Nam tươi đẹp, gặp gỡ biết bao con người Nga nhỏ bé, lắng nghe những câu chuyện đời thường của những lão Makar Trudra, bà lão Idecghin, của những người chân đất như Emelyen Pilay hay Konovalov8, người đọc hiểu thấu hơn nhiệm vụ mà nhà văn vô sản xuất sắc đang khao khát thực hiện, đó là "đi tìm những hạt vàng trong tâm hồn con người", tìm một điểm tựa vững chãi cho con người neo dựa và phấn đấu trong thời đại bão táp.
Sau Gorky, văn học Nga thế kỉ 20 sẽ tiếp tục được chứng kiến những hành trình đau khổ "tìm lại Tổ quốc" và bản thân mình của lớp trí thức (Con đường đau khổ- A. Tolstoy) hoặc hành trình tìm kiếm, "lựa chọn con đường thứ ba" đầy ảo vọng của người kozăc sông Đông (Sông Đông êm đềm- M. Sholokhov) trong thời đại cách mạng và nội chiến.
Tiếp đó, không thể không kể đến nhà văn của "núi đồi và thảo nguyên"- Ch. Aitmatov- người đã tái hiện một kiểu hành trình mới qua tiểu thuyết mang tính chất huyễn tưởng: Và một ngày dài hơn thế kỷ. Chiều kích của chuyến du hành trong tác phẩm này không thể đo đếm bằng những cột mốc không gian và thời gian thông thường. Thực chất, cuộc hành trình tưởng chừng ngắn ngủi của bác công nhân đường sắt Edigei trên quãng đường đưa người bạn thân đến khu nghĩa trang huyền thoại Ana- Beyit lại là một cuộc du hành đằng đẵng xuyên qua chiều dài quá khứ, nối kết bề rộng không gian và đan quyện trong chiều sâu lịch sử. Thông qua hành trình kì lạ này, Ch. Aitmatov muốn gửi gắm những thông điệp mang tầm thời đại: con người không được phép đánh mất những giá trị nhân bản tốt đẹp, cần phải coi ký ức