Không gian thành phố

Một phần của tài liệu Mô típ hành trình trong Những linh hồn chết của N V Gogol (Trang 58 - 60)

11 Chúng ta thấy rất rõ vai trò quan trọng của số 3 với những tác giả tràn đầy niềm tin vào Cơ đốc giáo như Dante (sau này là Gogol nữa)

2.2.1.Không gian thành phố

2.2.1.1. Từ không gian thực...

Thành phố mà Chichikov ghé thăm không được nhắc tên trong tác phẩm, chỉ biết rằng đó là thành phố của tỉnh lị N. Quang cảnh đầu tiên đón chào người khách lạ là cảnh trí ở một khách sạn. Chỉ bằng một vài câu miêu tả, Gogol đã lột tả thần tình đặc tính của nó: "Mặt trước khách sạn cũng cùng một điệu với bên trong tòa nhà: hai tầng dài lê thê, tầng trên quét màu vàng, theo tục lệ thông thường, bất di bất dịch; tầng dưới vách không trát vữa, phô trần những viên gạch đỏ thẫm, vốn đã khá bẩn..." [7, 11]. Cách miêu tả như trên mang đến cảm giác về một không gian cũ kĩ, nhàm tẻ.

Khi Chichikov thực hiện chuyến du hành vào thành phố, người trần thuật đã thu mình vào điểm nhìn của nhân vật để thỏa sức quan sát và miêu tả. Thành phố trong ánh mắt chăm chú của người khách lạ mặc dù được cho rằng đã làm cho khách thích thú vì "y không thấy thua kém các tỉnh lị khác tí nào cả" nhưng thực tế, tính chất đơn điệu đã từng có ở không gian khách sạn lại tiếp tục lan toả. Vẫn là màu vàng cố hữu của các ngôi nhà: "Màu vàng chói chang của các nhà đá nổi bật bên màu xám khiêm tốn của các nhà gỗ" [7, 16] Vẫn là một kiểu kiến trúc thường gặp: "Các nhà đều chỉ một tầng, có khi hai tầng hay chỉ có gác thấp, cái gác cố hữu, mà theo các kiến trúc sư tỉnh nhỏ là rất đẹp" [7, 16]. Bên cạnh vẻ đơn điệu, ta nhìn rõ sự nhốn nháo trong cách sắp xếp của các ngôi nhà: "Có chỗ, những ngôi nhà này tựa hồ lạc lõng giữa một đường phố rộng thênh thang như một cánh đồng và một dãy hàng rào vô tận, có chỗ lại chen chúc nhau từng cụm và ở đấy phố xá có vẻ nhộn nhịp, trù phú

55

hơn" [7, 16]. Không chỉ thế, sự góp mặt của các tấm biển hiệu càng làm tăng thêm vẻ hỗn loạn của quang cảnh: "Lác đã thấy những tấm biển, bị nước mưa xóa gần sạch, vẽ những chiếc bánh khô giòn, những đôi ủng, có nơi thì biển vẽ một chiếc quần xanh (...), nơi khác lại vẽ mấy cái mũ lưỡi trai vải, lưỡi trai da..." [7, 16]. Lố bịch nhất là tấm biển: "Đây là trụ sở" thể hiện rõ sự ngô nghê và thừa thãi của ngôn từ. Ngay cả con đường thành phố cũng chung một vẻ thảm hại: "Đá lát đường nơi nào cũng hỏng". Và đây nữa, điểm nhìn của nhân vật dừng lại ở công viên: "mấy chòm cây gầy xác, chống đỡ bằng cái nạng hình tam giác sơn màu lục, những cây ấy chẳng cao gì hơn cây sậy" [7, 17]. Công viên thành phố cũ nát, tiêu điều như bất kỳ nơi nào trong thành phố.

Nhưng đối lập với cái không gian vật thể cũ kĩ và tẻ nhạt, không gian sinh hoạt của người dân thành phố náo nức và rộn rịp đến chóng mặt: "trong lúc các phố xép, ngõ cụt được dùng làm sân khấu cho những tấn tuồng và câu chuyện thường diễn ra trong cái giờ ấy, ở tất cả mọi thành phố đông nhung nhúc những lính tráng, người chở xe thuê, thợ thủ công,..." [7, 204]. Thành phố quay cuồng trong những bữa tiệc xa hoa, những buổi dạ hội hào nhoáng ở dinh tỉnh trưởng, những lời xã giao bóng bẩy của tầng lớp thượng lưu. Dường như con người không mảy may chú ý đến "bộ mặt" khắc khổ của những ngôi nhà, những con đường, những công trình phúc lợi xung quanh họ.

Đằng sau sự miêu tả này, những mũi dùi công kích của Gogol đã hiển thị thật rõ nét. Mặc dù Gogol mượn lời người khách lạ miêu tả thành phố nhưng trong những đoạn tả cảnh, ta vẫn thấy rất rõ chất mai mỉa và chế giễu đặc trưng của nhà văn - cái chất giọng đã từng xuất hiện trong các truyện ngắn viết về chủ đề thành phố trước đó. Vì vậy, trong cái thành phố không tên ở

Những linh hồn chết, người đọc dường như thấu thị hình bóng của biết bao thành phố có tên khác trên khắp nước Nga.

56

2.2.1.2. ... đến không gian giễu nhại

ánh sáng chói loà của thành phố từng một thời vẫy gọi người thanh niên tỉnh lẻ Gogol, từng một thời đồng nghĩa với những khát khao tuổi trẻ. Nhưng thành phố Nga, mà điển hình ở đây là thủ đô Petersburg, chỉ mang lại cho Gogol cảm giác thất vọng ê chề. Trong một lá thư gửi mẹ, Gogol đã viết: “Petersburg không giống tất cả những thủ đô của Châu âu hay Matxcơva. Thông thường, mọi thủ đô đều được nhận dạng bởi những cư dân sống ở đó - những người mang dấu ấn quốc tịch rõ rệt. Nhưng Petersburg lại không có đặc trưng của mình. Trong khi những người nước ngoài ở đây giữ nguyên vẹn bản sắc của họ thì những người Nga trong chiều hướng của mình lại biến thành người nước ngoài, họ không giữ được chất Nga thuần nhất…” [15, 1]. Với nhận xét này, trong các truyện ngắn, Gogol đã tái hiện một Petersburg của những mảnh vỡ, của sự rối loạn, pha tạp, kỳ quái. Chẳng thế mà nền văn hóa Nga đã nhắc đến Petersburg như là một "Petersburg của Gogol".

Tại sao chúng tôi dừng lại để nói về Petersburg - một chủ đề dường như lạc điệu? Đó là bởi, trong Những linh hồn chết, mặc dù Gogol chỉ chọn miêu tả một thành phố N. nào đó, không hề nhắc đến tên Petersburg nhưng trong rất nhiều chi tiết, bằng các thủ pháp so sánh, phúng dụ tài tình, tác giả đã ám chỉ và công kích trực diện vào thủ đô. Robert Maguire trong bài viết “Địa điểm như nó vốn có” đã phân tích vai trò của Petersburg trong các truyện của Gogol và truy tìm sự phát triển của hình tượng thủ đô trong các đoạn ngắn của

Những linh hồn chết13

[15, 2]. Tham khảo các ý kiến phân tích này, chúng tôi càng có cơ sở để khẳng định rằng không gian thành phố N. chính là một không gian giễu nhại của Petersburg.

Một phần của tài liệu Mô típ hành trình trong Những linh hồn chết của N V Gogol (Trang 58 - 60)