14 Xem Edward Wasiolek, The Creation of Nikolai Gogol by Donald Fanger, Comparative Literature, Vol 32, No 4, p 429 430.
3.1.2. Ngôn ngữ Nga
Khi Gogol viết Những linh hồn chết, nước Nga đang ở trong giai đoạn tìm kiếm và xác định một chiều hướng đúng đắn cho sự phát triển văn hóa, xã hội. “Sự ám ảnh về những căn tính Nga, cái đang được đặt ở trung tâm của những cuộc tranh luận văn hóa trong thế kỉ 18 và 19, di chuyển giữa 2 đối cực: bắt chước những cách thức Châu Âu hay khám phá từ những giá trị bản địa” [Maguire, 15, 6]. Gogol đã tham gia vào cuộc đối thoại lớn với nước Nga để bàn luận xem nước Nga nên sao chép văn hóa nước ngoài hay tự sáng tạo từ những di sản của đất nước. Cùng thời với Gogol, biết bao nguời đã lựa chọn bắt chước nền văn hóa nước ngoài, đặc biệt là văn hóa Pháp một cách sống sượng. Nhưng Gogol là một người Nga từ trong cốt tủy, không cho phép bản thân mình và những người đồng bào của mình đánh mất bản sắc. Trong
Những linh hồn chết, rất nhiều lần, Gogol giễu nhại và mỉa mai sự thâm nhập của văn hóa nước ngoài vào đời sống người Nga. Ông còn mượn lời Sobakievich để công khai lên án những giá trị sai lầm của nó: "Bọn thầy thuốc Đức và Pháp lại còn giỏi bày đặt lắm thứ lắm(...). Quân vô lại ấy tưởng
90
có thể coi rẻ những dạ dày Nga, nhưng chẳng được đâu, tôi cam đoan với bác như vậy! Không, tất cả những trò ấy đều chỉ là lừa bịp cả..." [7, 152].
Gogol kiên quyết giữ hồn cốt của văn hóa Nga, và tinh hoa của hồn cốt dân tộc, không gì khác chính là ngôn ngữ. Chưa có tác phẩm nào, một nhà văn lại ca ngợi ngôn ngữ của dân tộc mình bằng những lời tán tụng nhiệt thành đến thế: “Như một cách ngôn viết trên giấy trắng mực đen, một câu nghĩ sâu, nói rõ không thể nào dùng rìu mà đẵn xuống được. Và tế nhị biết bao, mãnh liệt biết bao tất cả những gì từ sâu thẳm tiếng Nga, nơi không có tiếng Đức, Phần Lan hay bất kỳ một pha tạp nào, nơi mà giống nòi còn tinh khôi, sống động…” [7, 168]. Gogol tin rằng những căn tính Nga, nếu chúng muốn diễn tả bản thân một cách chân thực, phải làm điều này trong chính tiếng Nga. Trong Những linh hồn chết, người kể chuyện quả quyết rằng sức mạnh của ngôn ngữ Nga là khả năng chuyển hóa được các ý niệm một cách chính xác: "Dân Nga có những tiếng thật là ốc sạo. Họ mà đặt cho ai một cái biệt hiệu thì người ấy lưu truyền nó lại cho con cháu, mang nó đến suốt đời, đến Petersburg, đến tận cùng thế giới", "chỉ một nét là đã vẽ xong chân dung của anh toàn vẹn từ đầu đến chân rồi" [7, 168]. Người kể chuyện đặc biệt nhắc đến Petersburg vì nơi đây, những ngôn ngữ nước ngoài, viện cớ của cái gọi là văn hóa, đang được sử dụng tràn lan và lạm dụng nhất.
Người kể chuyện trong Những linh hồn chết nhận xét rằng những ngôn ngữ khác cũng có những khả năng đáng khâm phục của riêng chúng: “Tiếng nói của người Anh chứng tỏ một sự am hiểu sâu sắc lòng người và cuộc đời, tiếng nói của người Pháp rực rỡ một ánh sáng nhẹ nhàng, duyên dáng, phù phiếm, người Đức nhai đi nhai lại mãi một câu cầu kỳ mà không ai hiểu được” [7, 169]. Tuy thế, người kể chuyện nhấn mạnh, tiếng Nga vẫn là ngôn ngữ tuyệt vời nhất: “Không một lời nói nào bộc phát từ quả tim, mà sôi sục, rung động một sinh lực mãnh liệt như một câu tiếng Nga có ý nghĩa” [7, 169].
91
Niềm tự hào của Gogol về sự linh diệu của tiếng Nga đã đẩy sự công kích của nhà văn hướng thẳng vào việc sử dụng tiếng nước ngoài trong các tầng lớp trên ở Nga cũng như những tầng lớp thượng lưu ở Petersburg đã và đang dùng chúng một cách phổ biến.
Trong một ngữ đoạn, các quí bà ở N. rất cẩn thận để có thể ăn nói một cách “đúng mực” và “hợp thời”: “Không quá khi nói rằng những phu nhân ở N. thực sự nổi bật, cũng như các phu nhân ở Petersburg, bởi sự thận trọng trong lời ăn tiếng nói” [7, 250]. Trong khi điều này được xác nhận là điểm đáng tuyên dương trong thời đại của Gogol thì thực chất, sự đúng mực đáng noi gương của các quí bà chỉ là một sự sai lệch, đầy kì dị và nực cười: “Không bao giờ họ nói „Tôi xì mũi‟, „Tôi toát mồ hôi‟, „Tôi khạc nhổ‟ mà sẽ nói đúng là „Tôi làm cho cái mũi nhẹ bớt, Tôi đã nhờ đến cái khăn quàng cổ‟” [7, 250]. Vẻ quí phái giả tạo của các quí bà làm cho lời nói của họ trở nên ngu xuẩn, làm chủ đề của cuộc hội thoại trở nên chắp vá bởi chúng thực sự mơ hồ: “Họ không nói thật là một cái cốc hay một cái đĩa có mùi hôi, họ cố tránh một câu nói trực tiếp mà thay vào đó họ sẽ nói quanh co, kiểu như: „Cái cốc này ăn ở không tốt‟ hoặc một điều gì đó thật bóng gió” [7, 250]. Trong khi các quí bà cố gắng sáng tạo ra những phúng dụ nghệ thuật, họ đã đặt những câu nói kỳ cục, những ngữ pháp ngớ ngẩn làm giảm đi ý nghĩa trực tiếp giản dị của ngôn ngữ Nga: “Gogol đã tạo nên sự tương phản trong cách các nhân vật sử dụng ngôn ngữ, ông dùng những so sánh và ẩn dụ để mô tả những cái tự nhiên lại giống như những điều giả tạo và ngược lại” [Katherina, 15, 8].
Bên cạnh sự xuyên tạc tiếng Nga bằng những câu nói ngớ ngẩn, các quí bà ở N., cũng giống như những bản sao ở Petersburg của họ, còn thường xuyên nói tiếng Pháp: “Để quí tộc hóa tiếng Nga hơn nữa, họ phế trừ một nửa các từ Nga và thay vào bằng những thành ngữ Pháp, nhiều khi còn thô tục
92
hơn” [7, 250]. Gogol tin rằng ngôn ngữ mà một người nói ra sẽ cho ta biết về văn hóa, đất nước và bản thân người đó. Đối với ông, sự lạm dụng ngôn ngữ sẽ dẫn đến phạm vi hiểu lầm rất lớn. Những kiểu hiểu lầm như thế này được minh họa bằng cuộc đối thoại giữa hai người đàn bà ở N. Chính sự trao đổi của họ đã làm rõ lý do vì sao chỉ bằng những lời “tao nhã”, họ đã có thể đẩy Chichikov hay bất cứ ai vào rắc rối. Một người phụ nữ bắt đầu cuộc trò chuyện bằng những tin tức về Chichikov mà Korobochka đã cung cấp. Mặc dù những quí bà không thể nhận ra sự lố bịch trong những tiếng nói chuyện của họ, Gogol đã sử dụng đoạn hội thoại này để giễu nhại những cuộc hội họp mà ở đó các nhà quí tộc lớn thường nói tiếng Pháp. Một phụ nữ bắt đầu bằng sự phát âm sai mà người khác không thể nắm bắt được: “Thật là cả một câu chuyện, chị biết không, một câu chuyện, có thể gọi là một ixtoa- người khách nói với giọng gần như van lơn” [7, 287].
Những bạn đọc của Gogol, những người biết tiếng Pháp, có thể sẽ hiểu được cách phát âm sai của các quí bà. Trong khi họ cười nhạo sự ngu ngốc của những người tỉnh lẻ, họ có thể sẽ cười chính họ khi lần đầu nói tiếng Pháp. Gogol đã dùng tiếng cười để tấn công vào những tầng lớp thượng lưu sính dùng ngoại ngữ. Bởi lẽ nhà văn đã nhận ra điều này thực sự bất lợi cho tiếng Nga. Ông hiểu rằng những phần tinh túy của tiếng Nga không thể gây hứng thú trong những cuộc đối đầu hay những sự chỉ trích nghiêm trọng.
Bên cạnh những kiểu ngữ pháp mà các quí bà tạo ra, họ còn nói “orerre” thay cho “horreur” và “scandaleusities” thay cho “scandals”. Quan trọng hơn, những lời tiếng Pháp mơ hồ và rối rắm của họ đều liên quan đến việc Chichikov mua Những linh hồn chết. Những quí bà đều chăm chú theo cách của họ mà không nhận ra tầm quan trọng của những thông tin trong cuộc đối thoại. Theo học giả người Nga V.V. Vinogradov, lời nói của các quí bà còn chứa rất nhiều từ ngữ đặc biệt của Pháp. Cũng như những bản sao ở thành
93
phố, họ thể hiện sự ngu dốt của mình trong việc sử dụng những câu văn lỗi thời. Gogol chế giễu rằng đó là “những lời nói mới lạ gây xúc động, đầy tính thi vị và sự tưởng tượng”.
Khi Gogol công kích sự đua đòi của tầng lớp thượng lưu đang làm giảm đi vẻ đẹp trong sáng của tiếng Nga, nhà văn đồng thời cũng bằng chính tác phẩm Những linh hồn chết cung cấp cho dân tộc mình một thứ tiếng Nga đầy đủ và xứng đáng. Sau khi tác phẩm ban hành, rất nhiều từ ngữ được sử dụng trong đó đã được bổ sung vào từ điển tiếng Nga. Cuộc hành trình nhận diện và bảo vệ bản sắc ngôn ngữ của Gogol đã đạt được mục đích chân chính.