Không gian làng quê

Một phần của tài liệu Mô típ hành trình trong Những linh hồn chết của N V Gogol (Trang 64 - 69)

13 Về vấn đề không gian trong sáng tác của Gogol, Robert Maguire đã lý giải cặn kẽ trong chuyên luận Exploring Gogol, Stanford University Press,

2.2.2.Không gian làng quê

Theo hành trình của Chichikov, không gian tác phẩm được chuyển đổi từ thành phố về nông thôn: "Phố phường vừa mới qua hết thì hai bên đường đã trải ra cái cảnh đơn điệu của thiên nhiên Nga; những túp lều lụp xụp, những khu rừng bách, những khóm thông gày, những bụi thạch thảo, những thân cây,..." [7, 34]. Ngay từ lúc Chichikov mới xuất hành, không gian nông thôn đã loang loáng hiện ra với những ấn tượng không mấy tốt đẹp. Không gian này còn hiện ra rõ nét hơn khi nhân vật trải nghiệm hành trình của mình ở những trại ấp cụ thể. Đến đây, chúng tôi muốn dừng lại phân tích các kí hiệu không gian của từng trại ấp mà Chichikov đã lên kế hoạch thăm viếng hoặc vô tình ghé vào, từ đó khái quát những đặc tính của không gian làng quê Nga.

Không gian trại ấp Manilov. Đi qua những con đường "đất mềm" dẫn về làng quê, nơi đầu tiên Chichikov ghé thăm là trang trại của Manilov. Dưới sự quan sát của Chichikov, không gian ở đây hiện lên với những gam màu xám lạnh: ở dưới đất là "rải rác hai hay ba khóm tử đinh hương và dạ hợp hoa vàng, năm hay sáu cây bạch dương ngọn vàng úa" [7, 35]; nhìn lên trên chỉ thấy "một cái đình nhỏ, nóc tròn màu lục, có những hàng cột màu xanh và mang dòng chữ Đền Trầm tư Mặc tưởng" [7, 35], xa hơn là "khối âm u của một khu rừng thông làm thành một vệt xanh ảm đạm" và ngay cả bầu trời cũng "cùng một màu xám tẻ ngắt như màu những bộ binh phục cũ" [7, 36]. Sự phác tả này gợi cho ta liên tưởng đến bức tranh thiên nhiên trong tiểu thuyết

Cha và con sau này của Turghenev. Cũng một màu nhạt và mờ như thế trong hình ảnh bầu trời, lá cây, khóm liễu. Chỉ có điều, dụng ý của Gogol đi xa hơn

61

Turghenev: sắc điệu nhạt nhẽo và thiếu sức sống của các vật thể trong không gian không chỉ là biểu hiện của một cuộc sống buồn lặng mà còn là những ẩn dụ đắc địa cho tính cách mờ nhạt, ủy mị của người chủ Manilov. Đứng trên bậc thềm tam cấp để đón khách, Manilov với "chiếc áo len màu lục" dường như hoà hợp vào sắc điệu của mọi cảnh vật quanh chàng, thậm chí còn giống như một "kí hiệu" tan biến vào không gian tẻ ngắt đó.

Không gian trại ấp Korobochka. Từ giã Manilov, Chichikov gặp một cơn bão lớn và bị đưa đẩy đến trại ấp của bà Koroboska. Xuất hiện giữa đêm khuya một cách bất ngờ nhưng Chichikov đã được gia chủ tiếp đón khá nồng hậu. Sáng hôm sau, tỉnh dậy sau một giấc ngủ ngon lành, Chichikov mới bắt đầu quan sát xung quanh. Người lữ khách say sưa để lọt vào tầm mắt hình ảnh: "nhung nhúc những gà mái, gà tây mái, một con gà trống vênh vang giữa đám mái, vừa đi vừa vẫy mào"; "một con lợn nái sục mõm vào một đống rác"; "một cái vườn rộng trồng đầy bắp cải, khoai tây, củ cải đường và các thứ rau" [7, 73]. Đối với trại ấp Korobochka, Chichikov quan sát từ cửa sổ phòng ngủ, không thể mở rộng tầm mắt như khi ở trại ấp Manilov. Dù vậy, một vài nét tả giản dị đã đủ làm bằng chứng cho cuộc sống trù phú và đủ đầy. Tuy vậy, khác với Manilov, bà chủ Korobochka không có được sự hoà nhập vào không gian của mình. Sự tằn tiện, tích cóp của bà đối lập hoàn toàn với vẻ sung túc của cảnh vật. Giữa không gian ngồn ngộn sự sống, tính nhặt nhạnh, tiết kiệm của Korobochka giống như một sự tự "cầm tù" bản thân.

Không gian trại ấp Nozdriov. Bị Nozdriov lôi kéo về nhà, hành trình của Chichikov một lần nữa lại bị đưa đẩy đến những địa điểm bất ngờ. Lần này, trong sự quan sát của người lữ hành, ta không thấy hiện lên bất kỳ một cảnh trí thiên nhiên nào mà chỉ thấy xuất hiện một cái tàu ngựa với đôi ngựa cái "một con màu xám lốm đốm, một con màu hồng", "lại có một con ngựa giống, mình hồng bờm đen, nom khá tồi tàn mà Nozdriov bảo là đã mua mất

62

mười nghìn rúp" [7, 113]. Nào đã hết, trong sân là một bầy chó săn "đủ các thức lông- dài, ngắn, hoe lốm đốm đen, hạt dẻ, gạch non, huyết dụ, đen có chấm vàng vàng" [7, 113]. Thêm vào đó là những đồ vật bất thường trong ngôi nhà: mấy thanh kiếm, hai cây súng trường, cây phong cầm đã hỏng máy và "tiếng huýt kéo dài tới mấy phút" [7, 115], một bộ sưu tập các loại tẩu thuốc "tẩu bằng gỗ, bằng đất, bằng đá bọt, tẩu mới nguyên, tẩu đen ngòm vì cặn thuốc, tẩu có túi đựng bằng da hoẵng..." [7, 115]. Không gian chen chúc của đủ loại đồ đạc và vật nuôi như đang ngầm bộc lộ bản chất thô lỗ, trọc phú của người chủ. Nozdriov đã mang không gian riêng đó đến mọi nơi và luôn cố gắng lôi kéo người khác bước vào không gian của mình bằng những lời gạ gẫm đánh bạc, đổi chác...

Không gian trại ấp Sobakievich. Trên hành trình trải nghiệm các miền không gian khác nhau của Chichikov, tính cho đến lúc đó, không một bức vẽ nào nhiều chi tiết bằng bức vẽ về trại ấp của Sobakievich. Có thể, trong tầm nhìn của Chichikov, đây là nơi gây ấn tượng mạnh về tính chất và cách sắp xếp của các vật thể trong không gian. Một cái ấp khá lớn với hai khu rừng, "một khu rừng bạch dương, một khu rừng thông, nằm hai bên như hai cái cánh", "Một hàng rào gỗ gồm những thanh gỗ to tướng vây quanh sân" [7, 143]. Ta thấy rõ, không gian trại ấp Sobakievich được bao bọc bằng những rào cản cực kỳ chắc chắn, khác biệt hoàn toàn với trại ấp Manilov trơ trọi "nằm một mình trên một cái gò, cỏ mọc lưa thưa và bốn bề gió lộng" [7, 35], càng hơn hẳn những đường ranh giới tủn mủn mà Nozdriov đã chỉ cho khách xem- "đây, biên giới nhà tớ: một cái mốc và cái hào hẹp" [7, 114].

Người khách đến đây lần đầu đã nhận ra ngay "chủ nhà rất chuộng sự chắc chắn" vì "tàu ngựa, nhà xe, chuồng xí đều cột kèo to lớn, chấp thời gian hàng thế kỷ" [7, 143]. Cảm giác về sự vững chãi lan toả đến mọi vật thể: "nhà của nông dân nom cũng khác thường, những izba toàn bằng gỗ, không trang

63

trí những bức chạm thủng nhưng cột kèo đều hết sức chắc chắn" [7, 144], thậm chí các bức tranh trang trí trong nhà đều là hình ảnh những nhân vật to lớn, lực lưỡng - các ông hộ pháp, nữ anh hùng Hi Lạp "chỉ một cái chân cũng đồ sộ hơn toàn thể thân hình của những chàng công tử bột nhan nhản ở các phòng khách ngày nay" [7, 146]; cái bàn giấy "chẳng khác gì một con gấu bằng da bằng thịt", tóm lại là "cái bàn, cái ghế bành, ghế tựa, tất cả đều nặng và hết sức bất tiện" [7, 147]. Không thể cầm lòng và cũng vì ấn tượng không gian gây ra quá mạnh, người khách nhiều lần buông lời nhận xét về tính chất của các vật thể, về sự hoà hợp tuyệt đối giữa Sobakievich và môi trường quanh hắn: "tất cả mọi thứ mà Chichikov trông thấy đều vững vàng, nặng nề, dày dặn, đồ sộ" [7, 144], "mọi thứ trong phòng đều chắc chắn, nặng nề, phục phịch và giống chủ nhà một cách lạ thường" [7, 147]. Không gian trại ấp Sobakievich là một phúng dụ sinh động và đậm nét cho đặc tính nặng nề và vững chãi của gia chủ.

Không gian trại ấp Pliushkin. Điểm dừng chân cuối cùng của Chichikov là trại ấp Pliushkin - một địa danh không có trong kế hoạch nhưng người lữ khách không thể bỏ qua vì theo lời của Sobakievich "nông phu ở đó chết như ruồi" [7, 167]. Khi dừng lại ở không gian nhà Sobakievich, ta tưởng như đó đã là một phác đồ tinh vi đến từng nét nhưng không ngờ, sự miêu tả của Chichikov về trại ấp của Pliushkin còn tỉ mỉ và chi li hơn rất nhiều. Có cảm giác, người quan sát đã di chuyển rất chậm để từ từ thu vào tầm mắt những cảnh rộng lớn cho đến những tiêu điểm không gian hẹp dần.

Ban đầu là cảnh bao quát cả thị trấn với "nhiều mái nhà thủng lỗ chỗ như mặt sàng", ở đó "các cửa sổ chẳng có một tấm kính nào cả, thi thoảng có cái lại bịt bằng giẻ rách hay một cái áo cũ", các nhà thờ "một cái bằng gỗ đã hoang phế, cái kia bằng đá, tường quét màu vàng đã hoen ố, nứt nẻ" [7, 173]. Cách gợi tả như trên cho ta hình dung về một nơi đã khô kiệt sự sống.

64

Nhưng vẻ tiều tụy của thị trấn chẳng thấm vào đâu so với "cái gia trạch kỳ quái, dài vô tận" của trang chủ. ở đây, "đôi mái u ám che không kín cảnh già nua của nó", "những bức tường nứt nẻ đã chịu đựng sự nguyền rủa của thời gian", "phần lớn các cửa sổ đóng kín mít", "cái vườn rộng bỏ hoang" với những loài cây mọc tùy ý, ở góc vườn, mấy cây hoàn diệp liễu "để rủ xuống những cành lá teo tóp" [7, 175]. Sự quan sát của người khách di chuyển từ không gian dãy nhà ra không gian vườn rồi lại trở về không gian nhà: ''nhìn gần lại càng thê lương hơn", "kho lương, nhà xe, chuồng xí, đều cùng một vẻ đổ nát", "chẳng có gì làm cảnh sinh động lên một tí" [7, 176]. Kinh khủng hơn cả là đồ đạc trong ngôi nhà với một cảnh lộn xộn khó thấy: "một chiếc ghế gãy, kèm theo một cái đồng hồ mà quả lắc đã đứng im để cho một con nhện chăng tơ. (...) vô số đồ vật linh tinh: một chồng giấy rách chép đầy một thứ chữ nhỏ, để dưới một cái chắn giấy, một cuốn sách cũ đóng bằng bìa da dê, một quả chanh khô cứng như sừng, (...), một thỏi xi, một mảnh giẻ rách, hai ngòi bút lông dây mực be bét và khô đét lại như người ho lao..." [7, 178]. Người chủ sở hữu những đồ vật này chắc chắn là một kẻ thích nhặt nhạnh và cực kỳ hà tiện.

Chỉ trong vài chục dòng miêu tả, tác giả phải dùng đến không biết bao nhiêu lần các từ rách, nát, hỏng, cũ, hoang phế... Sự lặp đi lặp lại này giúp nhấn mạnh bản chất của không gian. Thêm vào đó, cách miêu tả không gian lần này không theo một qui luật nào cả. Bản thân các vật thể cũng được xếp chỗ hết sức tùy tiện. Trật tự và vẻ bề ngoài của các vật thể tạo thành một môi trường hoàn hảo, tố cáo sự chắp vá, bủn xỉn của trang chủ. Pliushkin giống hệt ngôi nhà và các đồ vật của hắn, chỉ là những thứ mục nát và vô tích sự.

Năm không gian khác nhau nhưng đều là những mặt nghiêng của một bức tranh rộng lớn về làng quê Nga. Không gian làng quê không khoáng đạt và sung túc như ta vẫn tưởng. Mặc dù ở đôi ba nơi, vẫn thoáng thấy dấu ấn

65

của sự trù phú trong nếp sinh hoạt của người dân quê nhưng tinh thần chung toát lên từ những không gian ấy đều là sự khô lạnh. Những ngôi nhà lộn xộn trong sự phô trương. Những con đường cong queo và ngập trong cỏ dại. Cảnh vật thiên nhiên bao trùm một vẻ đơn điệu và tẻ ngắt.

Con người là tác nhân tạo ra không gian xám xịt và thiếu sinh khí trên. Đến lượt mình, hoàn cảnh sống lại trói chặt con người vào những nút buộc ma mị. Hơn ai hết, Gogol đã chỉ ra sự gắn liền của con người với thế giới đồ vật, khi mà "hoàn cảnh có thể là một loạt dấu hiệu của nhân vật, còn nhân vật là dấu hiệu của đồ vật". "Nhà văn đã ghi lại lối sống tầm thường, nặng nề, trong đó cuộc sống thảo mộc hằng ngày của các nhân vật của ông hoà lẫn với sự gắn bó cuồng loạn của chúng với đồ vật, với đầu óc kiếm lợi khô cứng" [19, 105].

Một phần của tài liệu Mô típ hành trình trong Những linh hồn chết của N V Gogol (Trang 64 - 69)