22
Nền văn học dân gian Nga phong phú, muôn màu vẻ đã và đang được giới thiệu đến đông đảo bạn đọc trên khắp thế giới. Thủa ấu thơ, khi đắm chìm vào thế giới cổ tích và truyền thuyết Nga, ít có ai lại chưa từng say sưa dõi theo bước chân của những chàng hoàng tử với những chiến công kì thú, những người khổng lồ với những cuộc phiêu lưu hấp dẫn, những chàng ngốc với những chuyến chu du hài hước. Có lẽ, hiếm có nền văn học dân gian nào mà tần số và mật độ sử dụng mô típ hành trình lại nhiều như văn học Nga.
Trong công trình nổi tiếng Hình thái học truyện cổ tích, khi phân chia các chức năng của những nhân vật hành động trong các truyện cổ dân gian Nga, tác giả Propp đã không dưới một lần gợi nhắc về sự di chuyển: Một trong các thành viên gia đình đi vắng [45, 50], Nhân vật chính từ giã nhà mình mà không thể lường trước những "chuyến phiêu lưu bất ngờ" [45, 66],
Nhân vật đi đến được chỗ đến hay được dẫn tới nơi có vật cần tìm, thực hiện "sự di chuyển về không gian giữa vương quốc" [45, 79], Nhân vật chính đến nhà hay đến một đất nước khác mà không ai nhận ra anh ta, tạo thành một "chuyến viếng thăm bí mật" [45, 91]. Đặc biệt, khi truy tìm gốc rễ lịch sử của các truyện cổ tích thần kỳ, Propp đã dành một phần để nói về "sự ra đi". Ông viết: "Sự ra đi đến một vương quốc khác nào đó giống như là cái trục của câu chuyện. Nó cũng là tâm điểm của câu chuyện. Có rất nhiều lí do để ra đi như tìm người yêu, tìm báu vật lạ, tìm con chim lửa, đi buôn. (…) Sự ra đi là điểm được nhấn mạnh, điểm nổi bật nhất của sự ra đi- chuyến viễn du của nhân vật. Cổ tích Nga có khá nhiều hình thức của sự ra đi" [45, 527]. Cũng trong phần này, Propp nêu lên các hình thức ra đi điển hình của nhân vật và lý giải các hình thức đó bằng các nghi lễ và huyền thoại cổ đại. Đồng thời, nhà nghiên cứu đã chỉ ra sự thay đổi và phát triển của các phương tiện để "ra đi" là dựa trên sự biến đổi của nền sản xuất qua các thời kỳ lịch sử.
23
Những phát hiện độc đáo của Propp trở thành cơ sở để khẳng định tầm quan trọng, vị trí và đặc điểm của mô típ hành trình trong văn học Nga từ cội rễ dân gian.
1.2.2. … đến văn học hiện thực thế kỉ 19
Trong văn học Nga, chúng ta thường bắt gặp đề tài hành trình, đề tài con đường. Mô típ hành trình nhiều lần được các nhà văn sử dụng như là một trong những phương tiện quan trọng để tổ chức cốt truyện. Nhưng đôi khi, tự bản thân nó lại trở thành một mô típ/ chủ đề cơ bản (leitmotif- tiếng Nga) với mục đích mô tả đời sống muôn màu của nước Nga tại một thời điểm lịch sử nào đó. Bởi chỉ khi thông qua nhân vật hành trình, thông qua sự di chuyển của nó, nhà văn mới có thể thực hiện được nhiệm vụ mang tính toàn cầu là "bao quát toàn bộ nước Nga".
Trước khi tiến đến thế kỉ 19 để xem xét diện mạo của văn học hiện thực Nga, chúng tôi muốn ngược dòng thời gian, nhắc lại một tác phẩm khá nổi tiếng của A. Radyshchev trong thế kỉ 18: Hành trình từ Petersburg đến Moskva. Trong tác phẩm này, cũng như các cuốn hành trình kí sự khác, người du khách đi từ tỉnh nọ đến tỉnh kia, qua các làng xóm, phố xá, dừng chân ở các trạm giao thông dọc đường, tiếp xúc, trò chuyện với các hạng người khác nhau và ghi lại cảm tưởng, suy nghĩ của mình sau mỗi chuyến đi. Hình thức du kí này giúp tác giả trình bày một cách khái quát nhiều phương diện của cuộc sống Nga, đề cập đến nhiều vấn đề như chính quyền quan liêu, vô nhân đạo, chế độ lao động cưỡng bức, việc mua bán nông nô, vấn đề tôn giáo, tình yêu, thơ ca…
Tiếp nối truyền thống của bậc tiền bối, trong thế kỉ 19, những nhà văn hàng đầu của nước Nga liên tiếp sử dụng mô típ hành trình làm điểm tựa nghệ thuật. Và từ lúc này, hành trình trong văn học Nga không chỉ là hành trình từ
24
Petersburg đến Moskva nữa, đó còn là những hành trình dọc đất nước, xuyên qua chiều dài lịch sử, kiếm tìm những ý nghĩa tinh thần và tư tưởng rộng lớn.
A. Pushkin- người khởi đầu của văn học hiện đại thế kỉ 19, trong tiểu thuyết bằng thơ Evgeni Onegin đã kể về một thanh niên Nga vì chán chường với cuộc sống thành phố tầm thường và vô dụng, quyết định chuyển về nông thôn sinh sống. Nhưng rốt cuộc, hành trình đi tìm chân lí và giá trị cuộc sống của chàng Onegin vấp phải thất bại thảm hại. Không dám đón nhận tình yêu, không thể định hướng cho mình một con đường đúng đắn, không biết sẽ phải làm gì để thoát khỏi kiếp sống thừa thãi, chàng quay lại nơi "đơn điệu, ồn ào" mà chàng từng rời bỏ. Cuộc du hành luẩn quẩn của Evgeni Onegin mở đầu cho một loạt hình ảnh "con người thừa" trong văn học Nga thế kỉ 19 mà ta sẽ bắt gặp rất nhiều trong tác phẩm của Yu. Lermontov, N. Chernyshevsky, N. Nekrasov, I. Turgenev, Lev Tolstoy…
Trong tiểu thuyết Ruđin, bắt nối mạch nguồn mà Pushkin đã khơi lên, Turgenev xây dựng hình ảnh lớp trí thức Nga mang đầy hoài bão nhưng cuối cùng vẫn rơi vào ảo tưởng và kết thúc cuộc sống trong vô vọng. Điển hình cho tầng lớp này là Ruđin, một thanh niên say mê triết học, tràn đầy hoài bão khám phá và luôn ao ước được cống hiến cho nhân loại bằng những cải cách có hiệu quả. Ruđin đã theo học ở Moskva, từng du lịch ra nước ngoài, nhưng khi trở về tỉnh lẻ nhỏ bé của mình, chàng không thể áp dụng thành công những kiến thức đã được tiếp nhận. Cứ thế, Ruđin liên tiếp thất bại trên hành trình đi tìm lời giải đáp cho cuộc sống. Chàng buộc phải thực hiện hành trình cuối cùng: hành trình đi tìm cái chết (bằng cách tham gia vào một phong trào quần chúng trên chiến lũy Paris năm 1818) và hành trình cay đắng này đã đạt được "thành quả". Cái chết của Ruđin là hồi chuông thức tỉnh cho cách sống của một bộ phận thanh niên Nga lúc đó.
25
Nửa cuối thế kỉ 19, mô típ hành trình được thể nghiệm mới mẻ ở sáng tác của nhà văn Nga kiệt xuất Lev Tolstoy, đặc biệt trong bộ tiểu thuyết sử thi nổi tiếng Chiến tranh và Hoà bình. Trong tiểu thuyết trường thiên này, vấn đề "Đi đến đâu? Để làm gì?" được đặt ra nhức nhối và thống thiết hơn lúc nào hết. Từ lúc trang sách mở ra đến khi khép lại trong chung cục, các nhân vật chính Andrei và Pie không ngừng khao khát được đến với những cái đích chân chính của cuộc sống. Andrei rời bỏ phòng khách thượng lưu chật hẹp để xả thân trên chiến địa rộng lớn, những mong đạt được "giấc mộng Toulon". Pie quyết tâm đi tìm ý nghĩa cuộc đời trong những thuyết lý đầy ẩn ý của hội Tam điểm. Cả hai đều thất bại trong hành trình đầu tiên của mình. Nhưng may mắn thay, họ đã thức tỉnh và nhận ra: hành trình có ý nghĩa nhất là hành trình đến với nhân dân. Con đường đến với cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại cũng chính là con đường "lột xác" của cả hai nhân vật. Hành trình cuộc đời đã tìm được lời giải đáp, dẫu cho nhân vật phải trả một cái giá quá đắt: bằng cả sinh mạng mình7.
Chúng ta cũng không thể bỏ qua những sáng tác của A. Chekhov với các mô típ liên quan đến hành trình. Chekhov- cây bút thành công rực rỡ với thể loại truyện ngắn và kịch- đã mang đến cho người đọc một thế giới nghệ thuật với bao ý vị triết lý sâu xa. Từ những trang viết gọn gàng nhưng đầy sức nén của Chekhov, cái cảm giác về sự tù đọng, chật chội, tầm thường của cuộc sống cứ bám riết lấy ta. Những nhân vật trong Thảo nguyên, Người trong bao, Phòng số 6, Vườn anh đào... quẩn quanh với muôn kiếp sống mòn, cảm thấu rất rõ một "nỗi buồn phiêu lãng" và luôn khao khát "lên đường" để thoát khỏi cuộc sống đó. Chính đây là một biến điệu của mô típ hành trình mà Chekhov đã ngầm sử dụng trong rất nhiều tác phẩm.