14 Xem Edward Wasiolek, The Creation of Nikolai Gogol by Donald Fanger, Comparative Literature, Vol 32, No 4, p 429 430.
3.2.1. Số phận người nông nô
Gogol không miêu tả người nông nô trên bề mặt văn bản của Những linh hồn chết. Với tác phẩm này, người nông dân chỉ là cái cớ để các nhân vật và xung đột chính lộ diện. Nhưng khi Chichikov trở về sau chuyến thu mua thành công mỹ mãn, Gogol đã tạm gác lại dòng sự kiện chính để mượn lời nhân vật nói về số phận người nông nô. Và chỉ từ những cái tên, đi kèm những biệt danh mà các địa chủ cẩn thận ghi lại, trí tưởng tượng phong phú đã lần tìm và tưởng tượng ra biết bao cuộc đời bằng xương bằng thịt. "Mỗi danh sách hình như có một đặc tính và truyền cái đặc tính ấy lại cho những người mujik có tên trong danh sách", không những thế, danh sách của các địa chủ khác nhau lại có những đặc điểm rất khác: "Nông nô của bà Korobochka thì phần lớn đều có tên tục kèm theo"; "tờ ghi của Pliushkin nổi bật vì gọn và rõ"; "tờ liệt kê của Sobakievich làm cho người ta chú ý vì nhiều chi tiết phong phú, tất cả mọi tính tốt của nông phu đều được ghi lại" [7, 212]. Dù có một
97
vài điểm khác biệt trên những tờ giấy kê khai thì trong cuộc đời thực, số phận của người nông nô ở đâu cũng giống nhau.
Họ giống nhau vì họ chỉ là những người làm công khốn khổ, không có lấy một chút tài sản, bị phụ thuộc hoàn toàn vào bọn địa chủ. Họ bị làm cho mê muội trong bốn bức tường của trại ấp. Như đứa hầu gái của Korobochka đã lên tám tuổi mà vẫn không phân biệt được bên phải và bên trái. Người nông nô còn hiện hình trong những anh xà ích Selifan nát rượu, anh hầu Petrushka nhếch nhác và dốt nát - những con người đã bị sự áp bức làm cho biến chất. Trong hình ảnh của họ, ta thấy có hình ảnh nhẫn nhịn, đáng thương của những người nông dân trên khắp thế giới.
Địa chủ coi nông phu của chúng chỉ như một món hàng hóa rẻ tiền. Mụ Korobochka khoe với Chichikov là vừa bán được hai đứa nông nô, mỗi đứa một trăm rúp. Sobakievich lạnh lùng nói đến việc mua bán nông phu như là mua lúa mì, hắn gọi những nông phu còn sống "đúng ra chỉ là ruồi thôi" [7, 159]. Dù Chichikov chỉ đặt vấn đề mua nông phu chết, ta vẫn thấy trong kế hoạch này sự tàn nhẫn đến lạnh lùng của chế độ chuyên chế nông nô.
Người nông dân ở bất kỳ trại ấp nào cũng có số phận thật cay đắng. Mỗi năm, có biết bao nông dân ở trại ấp Manilov, Sobakievich, Korobochka đã chết vì mất mùa, bệnh tật, biết bao nông dân ở trang trại của Pliushkin đã qua đời vì bị chủ bỏ đói. Con số hàng trăm nông nô chết mà Chichikov mua được ở vài trại ấp thôi đã tố khổ, tố cực cho người nông dân trong chế độ Nga hoàng cũ. Kể cả khi chết đi rồi, họ cũng chưa được yên thân. Những địa chủ tham lam chỉ cần ngửi thấy hơi tiền đã sẵn sàng sử dụng chút linh hồn cuối cùng của họ để kiếm chác, sẵn sàng cò kè trên những thây người miễn sao mang về nhiều lợi nhuận nhất cho chúng. Rẻ rúng và đau xót thay những linh hồn nông phu chết được Chichikov mua bằng cái giá 2, 3 rúp một đứa! Mụ
98
già Korobochka còn mò mẫm lên tận thành phố để khảo sát giá cả nông phu chết giống như khảo sát giá của lúa gạo hay bánh mì vậy.
Tuy bị khinh rẻ, nhưng qua miệng của bọn địa chủ và qua những bản danh sách ghi lại, nông nô hiện lên là những người lao động có rất nhiều phẩm chất tốt: "Tên người này có chua rõ: thợ mộc khéo, tên người kia: thông minh và không bao giờ say rượu", "Fêđôtôp nào đó mang đặc điểm: không biết bố là ai, mẹ là con hầu buồng Kapitôlin, nhưng thật thà và hạnh kiểm tốt" [7, 212]. Đến tên địa chủ Sobakievich tham lam và mụ Korobochka đần độn cũng phải dành những lời khen ngợi về tài năng và phẩm chất cho những người lao động ở trại ấp của chúng. Có thể nói, những người nông dân này lương thiện và tốt đẹp hơn rất nhiều so với bọn địa chủ đang nắm quyền cai quản họ.
Nhưng Gogol không chỉ thấy thái độ thụ động của người nông nô mà còn hiểu thấu lòng khao khát tự do và tinh thần đấu tranh của họ. Dưới tay Gogol, bản danh sách ghi tên những nông nô đã chết hoặc bỏ trốn khỏi trại ấp địa chủ cựa quậy đầy sức sống và trở nên sinh động lạ thường. Sự liên tưởng đưa Gogol đến gần cuộc đời của nông phu hơn, ông đã thông qua những bản tiểu sử ngắn để chứng thực về số phận đắng cay vất vả và khát vọng tự do của bao nông nô đã chết.
Đó là "Stepan Nút chai, thợ mộc, gương mẫu về tính điều độ", "chu du khắp các tỉnh, đôi ủng đeo trên vai, cái rìu giắt thắt lưng...", "không biết đã qua đời ở chốn nào?" [7, 213]. Đó là "Abakum Furov! Chú em đã dông dài đến tận nơi đâu? Có lẽ tình cờ chú đã đến sông Vonga chăng? Chú đã để cho cuộc đời phóng khoáng của những kẻ kéo thuyền trên sông cám dỗ chăng?". Dòng liên tưởng đưa người đọc đi từ nơi này sang nơi khác, từ những nơi có bước chân lang bạt của những người lao động nhỏ bé, đến những nơi mà có thể họ đã vùi thân: "Mày đã về chầu Chúa trên đường cái lớn rồi à? Có phải
99
bạn bè mày đã khử mày đi...? Hay lại là, đang mơ màng trong các gác xép của mày, mà không cưỡng lại nổi ý muốn xộc vào một tiệm rượu, rồi từ đấy xăm xăm lao ra sông, chẳng ai hay ai biết?" [7, 215].
Thông qua câu chuyện của mấy tên quan chức trong tỉnh, Gogol nhắc đến việc nông dân mấy làng đã họp nhau trừ khử tên trợ tá Drobiajkin dâm đãng, chuyên ức hiếp dân làng. Hóa ra người nông dân một khi đã bị đè nén quá mức sẽ có thể tạo thành sức mạnh "chừng như đã quét sạch bọn cảnh sát hương thôn khỏi trại ấp". Đặc biệt quan trọng là câu chuyện về Đại úy Kopaykin mà Gogol xem là không thể thiếu được trong tác phẩm này. Bọn kiểm duyệt của Nga hoàng buộc Gogol phải sửa lại chuyện nhưng cùng với thời gian, khi tái bản lại thiên trường ca nổi tiếng, câu chuyện vẫn nằm ở vị trí mà nó cần phải xuất hiện. Tại đây, theo bước chân đại úy Kopaykin, tác giả đã chĩa thẳng ngòi bút công kích vào thủ đô Petersburg xa hoa, nơi "người ta giày xéo lên tiền bạc, trong không khí phảng phất như có mùi bạc nghìn rúp" [7, 329]. Chính nơi đây là trung tâm của nước Nga chuyên chế, nơi mà mọi sự bóc lột diễn ra công khai và bất nhẫn, người ta chà đạp lên mọi cuộc đời lương thiện, giành giật của họ đến miếng ăn cuối cùng. Sự nổi loạn của đại úy Kopaykin là một điều tất yếu, chứng minh cho chân lý con giun xéo mãi cũng quằn, đồng thời thể hiện bản chất quật cường của người lao động.
Với trí tưởng tượng sống động, Gogol đã tạc dựng số phận và những tính cách điển hình của người nông nô Nga. Trong tác phẩm này, phần lớn họ chỉ xuất hiện dưới những dòng tên lạ lẫm, phần lớn họ đều được cho rằng đã chết, nhưng ta lại thấy họ đang "sống" rất thật trước mắt ta, dưới cái nhìn trìu mến và biết bao thương xót của Gogol.