14 Xem Edward Wasiolek, The Creation of Nikolai Gogol by Donald Fanger, Comparative Literature, Vol 32, No 4, p 429 430.
3.2.2. Bộ mặt của giai cấp thống trị
Bên cạnh những số phận nông nô đáng thương, Gogol còn bóc trần bộ mặt thật sự của giai cấp địa chủ qua sự so sánh và mở rộng phong phú. Rõ
100
ràng, giai cấp địa chủ của nước Nga không chỉ thu hẹp trong năm gương mặt đã hiện lên qua các cuộc hành trình của Chichikov. Hiện tượng Manilov, Korobochka, Nozdriov, Sobakievich, Pliushkin không phải là những hiện tượng đơn lẻ, mang tính bề ngoài. Gogol đã sử dụng những cái tên của chúng như một loại danh từ chung, mang hàm nghĩa phổ quát rộng lớn.
Miêu tả Korobochka, nhà văn dừng lại hỏi xoáy vào nhận thức của độc giả: "Có lẽ bạn sẽ nói: - Này, nhưng mà cái mụ Korobochka lại ở một địa vị thấp kém đến thế trên bậc thang xã hội kia à? Một cái hố sâu đến thế, ngăn mụ ta với người em mụ, đang ngự ở chốn thâm nghiêm sau những bức tường của một toà nhà quý tộc có thang bằng sắt rèn lộng lẫy, giữa những đồ đồng, đồ gỗ đào hoa, những đệm thảm?" [7, 89]. Phải chăng Korobochka chỉ là một mụ địa chủ nhà quê ngu độn, chẳng giống ai? Phải chăng sự mù mờ và trì trệ của Korobochka chỉ là một hiện tượng đơn nhất? Gogol trả lời ngay: tính cách Korobochka có thể tồn tại trong cả những tầng lớp thượng lưu "Vị phu nhân cao quí ngáp ngắn, ngáp dài trước một quyển sách đang đọc dở, tha hồ trổ hết tài trí và phát biểu những ý kiến đã được đúc sẵn. Mà những ý kiến rất đúng thời thượng từ tám hôm nay không liên quan gì cả đến công việc làm ăn của bà" [7, 90]. Korobochka và những người chị em của mụ đang có mặt trên khắp đất nước này. Tác giả thấy lòng se lại trong một nỗi xót xa: "tại sao trong những phút vui vẻ tư lự, ta lại cảm thấy cái buồn len lén trong lòng ta?" [7,90].
Như chính Gogol đã tâm sự trong lá thư số 56: “Tôi không giận dữ với những kẻ thù địch với văn chương của tôi - những kẻ mà tài năng của chúng được dùng để mua bán - những kẻ từng chửi rủa tôi. Nhưng tôi buồn khi nhìn thấy những sự ngu dốt phổ cập đã di chuyển đến thủ đô, thật buồn khi bạn phải chứng kiến một nhà văn xấu hổ và nhục nhã biết bao bởi sự đánh giá ngu
101
xuẩn và sự phỉ nhổ của dư luận, đã và đang ảnh hưởng đến họ và dẫn dắt họ đi bằng sự nhạy bén của mình”.
Địa chủ Nozdriov thô lỗ, tập hợp đủ mọi thói tật xấu nhưng hoàn toàn không phải là một nhân vật duy nhất. Bởi "Bọn Nozdriov đã hết đâu sớm thế. Trong chúng ta vẫn còn nhiều Nozdriov, nhưng chắc là vì chúng đã thay áo ngoài nên những bộ óc hời hợt không nhận ra chúng mà thôi" [7, 111]. Bằng một sự chỉ trích ngầm ẩn, Gogol đã cho ta hiểu: bọn địa chủ xấu xa nhan nhản trong cuộc đời thực, chúng đắp đậy bản chất của mình bằng những vẻ bề ngoài tử tế, nhưng mỗi người hãy tỉnh táo và cảnh giác để phát hiện ra bọn chúng.
Đặc biệt nhất là ở hình tượng Sobakievich, Gogol không che giấu niềm căm phẫn và sự khinh bỉ khi ông miêu tả: "Trên mặt hắn, không thấy thoáng qua một vẻ gì cả, cái thân hình trơ trơ, bất động, tựa hồ không có cả linh hồn nữa, hay ít ra nếu có chăng thì linh hồn ấy không ở cái chỗ nó phải ở..." [7, 155]. Nhà văn cũng chỉ đích danh nguồn gốc và chân tướng của một tên kulăk: "mày cha sinh mẹ đẻ đã là loài gấu, nếu không thì cũng là đời sống trong cái hang này, công việc ruộng đồng, những sự đôi co với bọn nhà quê của mày, đã làm cho mày hóa gấu, cho mày thành ra một thằng keo kiệt, siết chặt nắm tay như người ta thường nói" [7, 163]. Thậm chí, tác giả không che đậy sự phê phán công khai vào thủ đô: "giá mày mà có được giáo dục theo thời thượng, giá mày có cố vươn lên và hiện nay ở Petersburg đi chăng nữa, mày cũng sẽ hệt như thế thôi"; "ở đây mày không kiếm chuyện với nông dân và gây thiệt hại gì cho chúng vì làm thiệt cho chúng tức là tự làm thiệt cho mày, còn ở Petersburg thì mày sẽ bóc lột bọn thuộc lại và cướp bóc của nhà nước. Đã siết chặt nắm tay thì không thể mở ra được nữa" [7, 164]. Hơn ai hết, Gogol hiểu rõ đời sống trống rỗng và tầm thường của những viên chức thủ đô. Nhà văn nhấn mạnh: hình tượng Sobakievich có thể nảy sinh trong
102
những hoàn cảnh khác nhau. Và hắn - cái con người kulăk đáng ghê tởm ấy không chỉ là sản phẩm của môi trường địa chủ nhỏ bé ở tỉnh lẻ mà còn là "con đẻ" của cả cái xã hội rộng lớn đang chịu ảnh hưởng của đầu óc con buôn tư sản.
Trong câu chuyện về Đại úy Kopaykin, Gogol trực tiếp lên án chế độ Nga hoàng ăn chơi, sa đọa đã không quan tâm đến số phận của nhân dân, đẩy họ vào tình thế phải nổi loạn để tự cứu mình. Mặc dù kết thúc truyện, Gogol vẽ lên một viễn tưởng màu hồng về sự cao thượng của Hoàng đế nhưng ai cũng hiểu đó chỉ là một sự châm chọc. Mũi dùi châm chích của Gogol không kiêng nể một ai. Chẳng thế mà khi lần đầu tiên nghe Gogol đọc bản thảo
Những linh hồn chết, Pushkin đã trầm ngâm thốt lên: "Nước Nga của chúng ta buồn quá!"
Giai cấp thống trị trong Những linh hồn chết không phải là những cá nhân lẻ tẻ mà chúng là một liên minh bền vững, cùng cai quản xã hội bằng sự lưu manh, lạnh lùng và vô nhân đạo. Chichikov không thể thành công trong việc mua bán, đổi chác các nông phu chết lấy tài sản Nhà nước nếu như không được sự trợ giúp của những ông tỉnh trưởng, cảnh sát trưởng mà Sobakievich gọi là những tên kẻ cướp, nếu như không được cả bộ máy viên chức tham lam, chuyên ăn hối lộ của thành phố N. tiếp tay cho việc hợp thức hóa các thủ tục. Kế hoạch kỳ quái của Chichikov chỉ là một hệ quả tất yếu của chế độ chuyên chế nông nô hủ lậu, độc ác, đúng như lời Chichikov tự nói với mình "Bây giờ đang là lúc tốt nhất, nhờ ơn Chúa, một trận dịch vừa giết chết bao nhiêu người. Bọn trang chủ nướng hết tiền vào bài bạc, tiệc tùng, nhiều tay phải đi làm công chức thuê ở Petersburg, điền trang bỏ mặc, quản lý thế nào thì quản (…), có thể nhân dịp này mình sẽ kiếm được ít nhiều kopek gì chăng" [7, 404].
103
Như vậy, Gogol "không đối lập cái đương thời với cái vĩnh cửu nhưng đối với ông, đương thời không bao giờ bị qui về một tập hợp của những dấu hiệu bề ngoài" (Khrapchenko). Gogol đã nhìn thấy bộ mặt bền vững của nếp sống đương thời của cả một dân tộc đã và đang tác động mạnh mẽ đến những thành viên khác nhau của xã hội. Bằng đường dây liên tưởng phong phú, Gogol đã lật tẩy bản chất tha hóa của giai cấp cầm quyền, chỉ rõ sự xuống cấp nghiêm trọng về các giá trị đạo đức và tinh thần của chúng. Bức chân dung ông vẽ về chế độ nông nô có biết bao điển hình sống động, giống như một cái "tát" mạnh vào chế độ cũ và vẫn còn tiếng vang đến tận bây giờ.