Dựa trên tình hình nuôi trồng và sản xuất cá tra của nước ta thì việc xuất khẩu cá tra ra thị trường thế giới cũng đã thu về những kết quả khả quan, đóng góp cho nền kinh tế của đất nước khá nhiều. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu thu về trong giai đoạn 2010-2012 đạt được là:
Bảng 4.2. Kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam giai đoạn 2010-2012.
KNXK (tỷ USD)
Chênh lệch so với năm trước (%)
Năm 2010 1,40 -
Năm 2011 1,81 29,29
Năm 2012 1,74 (3.87)
Nguồn: theo Báo cáo của Bộ NN & PTNT
Theo như kế hoạch đề ra, năm 2010 xuất khẩu cá tra sẽ đạt khoảng 1,5 tỉ USD nhưng hết tháng 11, xuất khẩu cá tra đạt gần 1,3 tỉ USD và cả năm 2010 sẽ chỉ đạt 1,4 tỉ USD. Nguyên nhân cá tra xuất khẩu không đạt như mục tiêu là
do giá chưa cao và chất lượng không ổn định. Giá xuất khẩu trung bình của cá tra giảm mạnh, tính chung 11 tháng đầu năm 2010 chỉ đạt 2,14 USD/kg, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2009. Giá xuất khẩu cá tra liên tục giảm trong những năm qua có nhiều nguyên nhân như sản lượng nuôi tăng quá nhanh, nhiều DN cạnh tranh xuất khẩu bằng cách hạ giá, chất lượng sản phẩm cũng giảm, gây tổn hại đến thương hiệu cá tra Việt Nam
Trong năm 2010, mặt hàng cá tra Việt Nam liên tục gặp phải nhiều rào cản từ thị trường tiêu thụ, cụ thể như: bộ Thương mại Hoa Kỳ tiếp tục duy trì thuế chống bán phá giá; Ukraine đã cảnh báo đối với sản phẩm thuỷ sản Việt Nam, trong đó có cá tra sang thị trường Brazil lại chịu sự thắt chặt kiểm soát và tăng thuế đối với cá tra nhập khẩu... Trước tình hình như vậy, các DN xuất khẩu cho rằng, cá tra Việt Nam chỉ có thể sống khoẻ nếu được nâng chất.
Tuy nhiên trong năm 2011, xuất khẩu cá tra đạt kim ngạch trên 1,8 tỉ đô la (tăng 29,29% so với năm 2010). Đây thực sự là một kết quả bất ngờ và gây ngạc nhiên bởi trước tình hình khó khăn của cá tra Việt Nam trên thị trường thế giới, khó có thể tin là kim ngạch của năm 2011 thu về từ mặt hàng này lại cao đến thế. Thực sư năm 2011 nhu cầu tiêu dùng thủy sản của thế giới bất ngờ tăng cao, đặc biệt là ở các thị trường chủ lực như EU, Mỹ, ASEAN,… cũng như thị trường Brazil mặc dù nếu so trong tổng thể là thấp nhưng lại có mức tăng trưởng cao rất nhiều so với các thị trường khác. Có lẽ một phần cũng bởi sự phục hồi dần dần nền kinh tế của các nước sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, mức sống của người dân cũng đã thoải mái hơn nên nhu cầu tiêu dùng là cũng được nâng cao nhiều hơn.
Trên đà tăng trưởng khá cao của năm 2011, dự đoán năm 2012 lại sẽ có một kịch bản tương tư nhưng sự thật đã chứng minh điều ngược lại, trong năm này, cá tra Việt Nam được xuất khẩu sang 142 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng so với 136 quốc gia và vùng lãnh thổ của năm 2011 tuy nhiên chỉ đạt giá trị 1,744 tỷ USD, giảm 3,87% so với cùng kỳ năm 2011, điều này chứng tỏ nhu cầu của một số thị trường đã giảm so với năm trước, đặc biệt là ở các thị trường lớn với tỷ trọng cao. Trong năm có 10 thị trường chiếm thị phần chính trong tổng thị phần nhập khẩu cá tra của Việt Nam gồm: Châu Âu, Mỹ, Asean, Trung Quốc và Hồng Kông, Mexico, BraziL, Ai Cập, Arập Xêut, Colombia, Australia, chiếm tỷ trọng 77,5% tổng giá trị xuất khẩu cá tra năm 2012, và trong số 10 thị trường nhập khẩu chính của cá tra Việt Nam thì có tới 7 thị trường giảm nhập khẩu cá tra trong năm 2012 so với năm 2011, trong đó giảm mạnh nhất là EU và Arập Xêut. Ba thị trường còn lại là Mỹ, Trung Quốc và Hong Kong, Ai Cập đều tăng lần lượt là 8,2%; 31,5% và 29,1%, tuy nhiên mức tăng này đều thấp hơn rất nhiều so với các năm trước đó.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn và biến động trong sản xuất và tiêu thụ cá tra trong năm 2012, bước sang năm 2013, với dự báo kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2013 có dấu hiệu phục hồi, tuy nhiên tốc độ phục hồi chậm đặc biệt là các nước thuộc khối EU, các nước nhập khẩu tiếp tục dựng các rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại để hạn chế cá tra Việt Nam xâm nhập thị trường nhiều hơn. Hội nghị cũng đã đề ra một số giải pháp tập trung vào việc rà soát tổng thể hiện trạng về sản xuất cá tra, đẩy mạnh khâu sản xuất giống, tăng cường liên kết chuỗi trong sản xuất và tiêu thụ cá tra, triển khai tốt các chính sách đã có, quản lý và điều tiết khâu chế biến xuất khẩu, tăng tỷ trong mặt hàng giá trị gia tăng. Năng cao chất lượng cá nuôi thông qua áp dụng VietGAP, kiểm soát tốt các yếu tố đầu vào, đầu ra...Bên cạnh đó cần có giải pháp hữu hiệu để người nuôi và DN có thể tiếp cận với nguồn vốn một cách thuận lợi nhất và đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh một cách hiệu quả.
Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), trong 7 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu cá tra “hầu hết các thị trường giữ tốc độ tăng trưởng ổn định”. Trong đó, vào Mỹ tăng 7,5%, cao nhất là Brazil tăng 77,3%. Đã xuất sang 137 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng so với 130 cùng kỳ năm ngoái. Tổng kim ngạch xuất khẩu 985 triệu USD, giảm 0,6% so với cùng kỳ, do thị trường EU giảm 12,7%. Giá cá tra nguyên liệu “phục hồi mạnh mẽ trong hai tuần đầu tháng 8”, tại ao hiện là 21.000 đ/kg, tăng ít nhất 2.000 đ/kg so với đầu tháng 8.