CÁC YÊU CẦU ĐỐI VỚI TÒA ÁN TRONG NHÀ NƢỚC PHÁP QUYỀN

Một phần của tài liệu Tòa án trong nhà nước pháp quyền (Trang 33 - 35)

Ngay từ thời cổ Hy Lạp, La Mã người ta đã khẳng định: ở đâu có pháp luật thì ở đó có một hệ thống bảo đảm cho pháp luật được thi hành một cách nghiêm túc. Sự bảo đảm đó trước hết phải bằng hoạt động của các cơ quan trong hệ thống các cơ quan nhà nước. Đó là hệ thống các cơ quan tư pháp có chức năng xét xử những hành vi vi phạm pháp luật nhà nước.

Chính vì vậy, khi đưa ra các tiêu chí về Nhà nước pháp quyền, vai trò của Tòa án được đặt ra như điều kiện tiên quyết trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền. Bởi vì, Tòa án là thiết chế có khả năng nhất đảm bảo cho các đặc trưng, bản chất của nhà nước pháp quyền được thực hiện. Xét cho đến cùng, mục đích của Nhà nước pháp quyền là bảo vệ nhân quyền và Tòa án chính là thể chế thực hiện mục đích ấy.

PGS.TS. Nguyễn Đăng Dung cho rằng thể chế Tòa án đã cung cấp cho xã hội một phương pháp xác định sự thật và sự công bằng trong các hành động của tư nhân và nhà nước trên ba phương diện: một là, đảm bảo sự bình ổn cho xã hội, tránh sự trả thù dã man giữa con người với con người; hai là, cùng với sự phát triển của kinh tế và sự phồn thịnh của xã hội, chẳng có cơ chế nào quan trọng hơn hệ thống tư pháp để giải quyết các tranh chấp giữa các doanh nghiệp, các công dân và các cơ quan nhà nước, làm sáng tỏ những điều còn mơ hồ của luật pháp và những quy định buộc phải phục tùng; ba là, chỉ có hệ thống tư pháp mới có quyền chính thức phán quyết sự hợp pháp của các hoạt động của hành pháp và lập pháp cũng như hành vi của công dân. Tư pháp cũng chính là một trong những biện pháp giới hạn quyền lực nhà nước bảo vệ nhân quyền [26, tr.612].

Thực tế cho thấy khi người ta có quyền lực trong tay, người ta luôn có xu hướng lạm dụng quyền lực, vi phạm nhân quyền. Để chống lại mọi hành vi cưỡng bức của công quyền, người ta nghĩ ra rất nhiều phương thức, trong đó có phương thức trao cho Tòa án những quyền năng đặc biệt. Dù ngành lập pháp ban hành những quy tắc hiến định và thủ tục cho Tòa án, ngành hành pháp có quyền chỉ định các thẩm phán nhưng không một cá nhân, tổ chức nào kể cả Chính phủ và Quốc hội có quyền chỉ thị cho thẩm phán hoặc bãi chức, miễn chức của thẩm phán vì lý do bất đồng quan điểm. Trên tất cả điều đó, nguyên tắc ngự trị vẫn là tính độc lập của Tòa án. Đây là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của nền tư pháp trong Nhà nước pháp quyền. Tư pháp có độc lập thì mới đảm bảo

được tính tối cao của Hiến pháp và pháp luật, đảm bảo được nguyên tắc phân quyền và có khả năng kiểm soát, giới hạn quyền lực nhà nước và cũng để đảm bảo các quyền con người.

Một phần của tài liệu Tòa án trong nhà nước pháp quyền (Trang 33 - 35)