- Đối tượng quản lý nhà nước về báo chí:
3- Lịch sử phát triển pháp luật báo chí cách mạng Việt Nam cho thấy
2.2.1.4. Về chế độ nhuận bút
Trong Nghị định số 61/2002/NĐ-CP ngày 11/6/2002 của Chính phủ về chế độ nhuận bút quy định: Chế độ nhuận bút đối với tác phẩm quy định khoản tiền nhuận bút trả cho tác giả hoặc các tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm khi tác phẩm được sử dụng nhằm bảo đảm quyền lợi quyền lợi và khuyến khích tác giả sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị cao; khoản tiền thù lao cho người thực hiện các công việc có liên quan đến tác phẩm.
Ngoài những quy định về nguyên tắc chung trả nhuận bút, Nghị định 61 cũng quy định rõ nhuận bút cho từng loại hình cụ thể. Theo đó, nhuận bút cho tác phẩm báo chí (báo in, báo điện tử) căn cứ vào thể loại, chất lượng tính theo hệ số trong khung nhuận bút. Đó là các thể loại: tin, trả lời bạn đọc, chính luận, phóng sự, bài phỏng vấn.... tương ứng với các hệ số 1-10, 10-30. Tùy theo thể loại, chất lượng tác phẩm, Tổng biên tập quyết định mức hệ số nhuận bút của tác phẩm. Giá trị một đơn vị hệ số nhuận bút bằng 10% mức tiền lương tối thiểu. Đối với cơ quan báo chí tự cân đối được kinh phí và có lãi do hoạt động báo chí và các hoạt động kinh tế hỗ trợ, căn cứ vào chất lượng, thể loại theo khung hệ số nhuận bút, Tổng biên tập có thể trả cho tác giả cao hơn mức nhuận bút bình quân chung, nhưng không vượt quá nhuận bút cho phép.
Nhuận bút cho tác phẩm phát thanh, truyền hình (báo nói, báo hình) được căn cứ tùy theo thể loại tác phẩm. Tác phẩm phát nhiều lần trên sóng hưởng nhuận bút theo thỏa thuận trong hợp đồng.
Ngày 1/7/2003, Bộ Văn hóa - Thông tin phối hợp với Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 21/2003/TTLT-BVHTT-BTC hướng dẫn việc chi trả nhuận bút, trích lập và sử dụng quỹ nhuận bút đối với một số loại hình quy định tại Nghị định 61.
Nhìn chung, với một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về nhuận bút, trong nhiều năm qua các văn bản này đã thực sự tạo dựng được tính pháp lý và phát huy hiệu quả trong việc chi trả và hưởng thụ thù lao nhuận bút cho các tác giả có tác phẩm, đồng thời góp phần khuyến khích được sự sáng tạo nhiều tác phẩm báo chí có giá trị. Tuy nhiên, vấn đề nhuận bút hiện nay vẫn là "quy hoạch treo", không phản ánh thu nhập thực của báo, Bộ Văn hóa chỉ nắm "vỏ": tên báo, tôn chỉ, mục đích... còn không nắm được "lõi" tức là thu nhập thực của các báo từ chuyên trang, quảng cáo - lớn hơn rất nhiều so với thu nhập bán báo. Một ví dụ điển hình là hệ số nhuận bút lạc hậu, chung chung gây nên tình trạng mạnh ai nấy trả, tạo nên tình trạng việc chi trả nhuận bút ở mỗi đơn vị sử dụng tác phẩm có sự chênh lệch lớn, làm mất tương quan giữa giá trị chi trả và hưởng thụ thù lao nhuận bút trong cùng một ngành, một loại hình báo chí...
Bên cạnh đó, trong nội dung của các văn bản quy phạm pháp luật về chế độ nhuận bút còn thiếu sự thống nhất, gắn kết giữa các loại hình báo chí. Về vấn đề này, do sự không thống nhất trong việc xác định loại hình của cơ quan báo chí nên vấn đề thực hiện chế độ tài chính của cơ quan báo chí có nhiều bất cập, nhất là hệ thống báo đảng địa phương, có những cơ quan báo chí vì sức ép của chế độ nhuận bút với việc phát hành nên đã chạy theo những lợi ích kinh tế báo chí tầm thường, góp phần tạo nên xu hướng thương mại hóa báo chí.