Hồng Lĩnh từ sau cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay

Một phần của tài liệu Tìm hiểu một số di tích lịch sử văn hóa ở thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh (Trang 31 - 37)

Từ sau cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, “Bãi Vọt - Hồng Lĩnh đã bước một dặm dài với những bước đi có tốc độ của xe gắn máy" [19, 92].

Từ những xóm làng, thôn xã mộc mạc, lặng lẽ mang trên mình dấu tích của một thời chiến tranh và loạn lạc đã chuyển mình lên đô thị hóa. Từ một nền kinh tế nông nghiệp và thủ công nghiệp nhỏ lẻ đã tiến lên theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đô thị hóa. Đến tháng 9 năm 1981, Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định cắt phần đất của Hợp tác xã Thuận Bình (Bình Lãng cũ - Kẻ Vọt xưa) thành lập thị trấn Hồng Lĩnh. Một thị trấn tuy nhỏ bé nhưng nằm bên trục đường giao thông quan trọng nên cái khí sắc thị thành đã đẩy cái hoang dã lùi vào cõi xưa. Sáng trưng ánh đèn, xe cộ ngược xuôi, xe bốn hướng đổ về thị trấn rồi xe lại tỏa ra bốn hướng Nam, Bắc, Đông, Tây. Nhà

cửa mọc lên san sát, kinh tế có nhiều khởi sắc, đời sống người dân ngày một nâng cao.

Tiếp mười năm sau đó, ngày 2 tháng 3 năm 1992, Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định số 67 về việc thành lập thị xã Hồng Lĩnh trên cơ sở thị trấn Hồng Lĩnh. Sau khi phân vạch điều chỉnh địa giới hành chính thị xã Hồng Lĩnh có 6 đơn vị hành chính phường, xã gồm: phường Bắc Hồng, Nam Hồng và các xã Đậu Liêu, Đức Thuận , Trung Lương, Thuận Lộc.

Hơn 20 năm qua, Đảng bộ và nhân dân thị xã Hồng Lĩnh đã phát huy sức mạnh đoàn kết sáng tạo của mình để ra sức xây dựng cuộc sống mới trên mảnh đất 58km2 từng có 25 triệu tuổi với ba vạn sáu con người mang rất nhiều cái hay và cả những cái dở, cái kém do lịch sử để lại.

Đến nay, Hồng Lĩnh đã đi lên những bước dài và mang trên mình tầm vóc của một đô thị trẻ tràn đầy sức sống. Cái ấn tượng về một Bãi Vọt hoang dã đã lùi vào quá khứ. Giờ đây trong mắt nhìn của mọi người là một thị xã Hồng Lĩnh văn minh, hiện đại nhưng có bề dày lịch sử và đậm nét văn hóa Lam Hồng.

* Tiểu kết chương 1

Bãi Vọt - Hồng Lĩnh là một vùng đất cổ - một vùng đất văn hóa nằm trong cái nôi của văn hóa Lam Hồng. Trải qua bao biến động thăng trầm của lịch sử, đất và người nơi đây vẫn vươn lên vượt qua những khó khăn, thử thách. Xứng danh bởi thế đúng của 99 ngọn núi Hồng cùng dáng đẹp của của các dòng sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố hóa thành dòng La êm đềm chảy qua Hồng Lĩnh nhập vào sông Lam đổ ra biển cả. Mỗi một tên đất, tên làng, di tích lịch sử - văn hóa trên mảnh đất này như chứa đựng trong lòng mình những dấu tích của không gian, thời gian và chiều sâu văn hóa lịch sử đất Lam Hồng.

Các thế hệ cư dân trên vùng đất Hồng Lĩnh, dù đời sống vật chất còn nhiều gian khó, nhưng họ đã chung tay, góp sức, huy động tài lực xây dựng,

trùng tu, bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa ngay trên mảnh đất quê hương mình. Đó là chùa để thờ Phật, đền miếu thờ Thánh Thần. Có vị là nhân thần, có vị là nhiên thần, có người là anh hùng dân tộc hay người có công chiêu dân lập ấp, xây dựng xóm làng, ... Tất cả đều được trân trọng, nâng niu, gìn giữ như là một tài sản thiêng liêng của muôn đời.

Vùng đất “địa linh nhân kiệt”, do những đặc điểm riêng về địa - văn hóa, trải qua các thời kỳ lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm để bảo vệ quê hương, đất nước và chống thiên tai khắc nghiệt để tồn tại, phát triển, nhân dân Hồng Lĩnh đã sáng tạo xây đắp nên những nét riêng về cốt cách, những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác... Lớp trầm tích văn hóa ấy còn như lưu giữ rõ nét qua hệ thống di tích đã được xếp hạng Quốc gia và cấp tỉnh trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh. Đây chính là một minh chứng thuyết phục nhất cho những giá trị văn hóa đã và đang được bảo tồn trên mảnh đất này.

Trải qua các thời kỳ lịch sử từ thủa khai sơn lập làng cho đến những ngày thành lập thị xã Hồng Lĩnh non trẻ. Trong lòng đất và người Hồng Lĩnh chứa đựng nhiều dấu ấn lịch sử. Góp phần giữ gìn các nguồn tài liệu đó chính là hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa - nguồn tư liệu quý giá để tìm hiểu về Hồng Lĩnh xưa và nay.

Chương 2. DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA 2.1. Khái quát chung về các di tích lịch sử - văn hóa

Hồng Lĩnh là một thị xã trẻ nhưng có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa. Trong quá trình tồn tại, phát triển con người nơi đây đã tạo nên những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần to lớn để lại cho con cháu muôn đời sau. Vùng đất dưới chân núi Hồng này có hệ thống di tích như danh thắng, đình, đền, chùa, miếu, nhà thờ họ ... Cùng với những tên đất, tên làng đã có từ ngàn xưa như một minh chứng cho chiều sâu không gian văn hóa và chiều dài thời gian lịch sử của một vùng đất cổ. Tất cả đã góp phần tạo nên hệ thống di tích lịch sử - văn hóa phong phú, đa dạng và chứa đựng những trầm tích văn hóa.

Thị xã Hồng Lĩnh là một miền quê mang vẻ đẹp đặc trưng của xứ Nghệ, với núi Hồng, sông La, với biết bao tráng ca huyền thoại của hàng ngàn năm thấm đẫm từng vỉa tầng văn hóa. Trải qua các cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước, con người Hồng Lĩnh luôn đứng vững và vươn lên trong khắc nghiệt của khí hậu, vượt qua mưa bom lửa đạn của chiến tranh cùng những thử thách nghiệt ngã của thời gian.

Dù phải trải qua bao thăng trầm biến cố của lịch sử nhưng con người nơi đây vẫn gìn giữ và bảo vệ những công trình mang giá trị văn hóa tinh thần, tâm linh. Ngày nay, trên đất Hồng Lĩnh còn có rất nhiều các di tích lịch sử - văn hóa. Thống kê lại có: 5 ngôi chùa đó là chùa Thiên Tượng, Chùa Long Đàm, chùa Đại Hùng, chùa Tiên Sơn ; 7 ngôi đền đó là đền Đô Đài, đền Song Trạng Sử, đền Tiên, đền Tích Thiện, đền thờ Thánh thợ Vân Chàng, đền Lục Vị Thánh, đền Bình Lãng. Còn miếu có tới trên 10 miếu đó là miếu cô, miếu cậu, miếu Bà Chúa Kho rồi thờ các vị thần, các tăng ni phật tử ....Còn các đình làng như đình Quỳnh Lâm, đình Yên Lãng, đình Giao Tác; chùa Hàm Long, chùa Cực lạc, ... nay chỉ còn lại dấu tích. Ngoài ra còn có rất nhiều nhà thờ của các dòng họ và các trạng nguyên, tiến sĩ như tiến sỹ Phan Hưng Tạo,Thái Kính, Bùi Đăng Đạt .... Các di tích trên chủ yếu được xây dựng dưới thời Lý, Trần, Lê. Trong hệ thống các di tích ở đây có 3 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia và 10 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Các công trình còn lại đã và đang phục dựng, nâng cấp, lập hồ sơ trình xin xếp hạng.

Ngoài ra còn có nhiều các địa danh lịch sử, văn hóa, di tích mới được phát hiện và kê khai như chùa Cực Lạc, chùa Hàm Long, chùa Hang ...trên núi Hồng Lĩnh thuộc phường Bắc Hồng.

Đối với mảng kiến trúc đền, chùa đây là loại hình kiến trúc mà cho đến nay vẫn tồn tại với số lượng nhiều nhất. Đền là trung tâm tín ngưỡng của cả vùng. Đền không phải là nơi bàn bạc việc công làng xã như đình, đền chỉ có chức năng giống đình là chức năng tôn giáo. Bởi vậy hiểu một cách thông thường đền là một ngôi nhà thờ thần thánh, hoặc nhiều khi là nơi thờ tổ tiên của các dòng họ với ý nghĩa là từ đường.

Về chùa chiền, theo thống kê thì có 5 ngôi chùa to, nhỏ rải đều trên Hồng Sơn và có từ thời Lý - Trần. Điều đó nói lên hoạt động Phật giáo ở nơi đây phát triển rầm rộ từ xa xưa đến nay. Chùa thờ Phật thì nhiều, song phần lớn là không có sư sãi chỉ có thầy chùa coi sóc. Hoạt động Phật giáo diễn ra vào các ngày rằm, mùng một và lễ tết khá trang nghiêm.

Trải qua bao thăng trầm biến cố của lịch sử, chiến tranh loạn lạc khiến các ngôi chùa ở đây đã từng bị tàn phá nhưng nay đã được phục hồi gần như nguyên bản. Hiện nay, được sự quan tâm của các cấp chính quyền nên các chùa đã được trùng tu tôn tạo và nâng cấp khá khang trang.

Người Việt Nam vốn có đạo lý, truyền thống sâu xa: “uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”. Các thế hệ tiếp sau luôn tôn kính và biết ơn các vị tiền nhân, biết ơn tổ tiên, gia đình, dòng họ. Từ truyền thống đạo lý đó đã phát triển thành hình thức văn hóa tinh thần và tín ngưỡng độc đáo đó là tục thờ cúng Tổ tiên của dân tộc, dòng họ và từng gia đình Việt. Bên cạnh các ngôi Đền, Chùa thì ở Hồng Lĩnh còn có một loại hình kiến trúc tín ngưỡng khá phổ biết xuất hiện khá sớm và được duy trì cho đến ngày nay. Đó là những nơi từ đường thờ cúng tổ tiên các dòng họ, loại hình di tích này không phải của chung cả làng, song tác động của nó tới đời sống xã hội chung không phải là nhỏ. Nhà thờ họ vừa thể hiện tính cộng đồng bền chặt của mối

quan hệ thân tộc, đồng thời là chỗ dựa của các cá nhân, gia đình trong mối quan hệ làng xóm trước những biến động của hoàn cảnh...

Thông thường mỗi dòng họ ở đây đều có một nhà thờ tùy theo điều kiện gia đình, dòng họ mà nơi từ đường có kiến trúc to hay nhỏ. Có những dòng họ ít đinh thì thờ cúng tổ tiên ngay trong nhà trưởng tộc. Ngược lại có những dòng họ lớn có người làm quan hay kinh tế khá giả thì xây dựng ngôi từ đường khang trang để làm nơi thờ cúng tổ tiên. Trong số những ngôi từ đường của các dòng họ, có những ngôi mới được tân trang, sửa chữa theo kiểu kiến trúc hiện đại nhưng vẫn mang đậm những nét kiến trúc truyền thống. Ngược lại cũng có những ngôi từ đường được xây dựng từ nhiều thế kỷ trước nay còn được lưu giữ được những nét văn hoá - lich sử thời kỳ hình thành. Trong đó có nhiều hiện vật quý, với nhiều tư liệu thành văn, sắc phong chứa đựng những giá trị lịch sử văn hóa cổ đặc sắc.

Nếu như nhà thờ họ là nơi thờ cúng tổ tiên của mỗi dòng họ, thể hiện đạo hiếu của các thế hệ con cháu đối với tổ tiên. Thì nhà thờ các vị tiến sĩ xưa là sự thể hiện lòng tôn kính và biết ơn của nhân dân địa phương đối với những người đã vượt qua bao khó khăn, gian khổ để bảng vàng bia đá ghi danh. Đồng thời để ghi nhớ những đóng góp của họ đối với quê hương đất nước và điều quan trọng nữa là để tôn vinh lịch sử.

Hồng Lĩnh là một mảnh đất có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời. Tại đây, con người Hồng Lĩnh dù phải đối mặt với bao khó khăn của thiên nhiên như mưa, nắng, lụt bão, chiến tranh tàn phá vẫn không ngừng vươn lên. Từ thế hệ này đến thế hệ khác đã dày công vun đắp xây dựng nên biết bao nhiêu công trình văn hóa nghệ thuật, với bao loại hình kiến trúc khác nhau. Cho đến hôm nay thì số lượng di tích còn lại tương đối nhiều và là những di tích lịch sử văn hóa có giá trị về nhiều mặt trong đời sống tinh thần của cư dân nơi đây. Gắn liền với các di tích trên là các lễ hội truyền thống của vùng miền như lễ hội đua thuyền ở Trung Lương, lễ hội Hát Sắc Bùa ở Thuận Lộc, lễ hội Báo Ân Đô Đài Ngự sử Bùi Cầm Hổ, lễ hội Khai Hạ, ... Tất cả đã tạo nên

nét văn hóa đặc sắc khó lẫn của vùng đất Hồng Lĩnh và góp phần làm phong phú nền văn hóa Lam Hồng.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu một số di tích lịch sử văn hóa ở thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh (Trang 31 - 37)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(154 trang)
w