Đầu thế kỷ thứ X, có con đường Thiên Lý từ kinh đô Hoa Lư - Ninh Bình chạy qua Kẻ Lách men theo chân núi Hồng qua Bãi Vọt - Kẻ Treo vào núi Nam Giới - Cẩm Xuyên. Về sau có thêm con đường nối từ đường Thiên Lý lên Chi La - Đức Thọ, qua Phố Châu - Hương Sơn xuyên qua dãy Trường Sơn sang Lào. Đã đưa vùng đất này hòa nhập với các vùng miền của đất nước. “Ngày ấy, nơi đây có những tên đất, tên làng cổ kính như : Kẻ Bấn, Kẻ Vọt, Kẻ Treo, Kẻ Rục, Nhà Dào, Nhà Chàng, Làng Chạu,..”[44,126]. Mỗi làng lúc đầu chỉ là một chòm nhỏ khoảng năm bảy gia đình. Đến đời nhà Lý (1010-1225), nhiều dòng họ phía Bắc vào lập nghiệp ven sông Minh. Rồi những xóm làng mới lại mọc lên như Bình Lãng, Yên Lãng, Vân Chàng, Ngọc Sơn, Tiếp Vỏ, Ninh Vỏ, Đỗ Liêu, Quỳnh Lâm, Phúc Sơn, Hồng Thuận ... Dân cư ngày một đông đúc, kinh tế ngày càng phát triển hơn. Đến nay các cụ già còn kể lại truyền thuyết về Lý Nhật Quang mở đất ở vùng Bấn Vọt. Tri châu Lý Nhật Quang - con thứ tám của vua Lý Thái Tổ, được cử vào coi châu Nghệ An ( 1041) và lập làng ở nhiều nơi trong đó có vùng đất Bãi Vọt. “Trong hơn 10 năm làm việc tại đây, Nhật Quang không chỉ củng cố vùng châu lỵ (Tả Ao) mà còn lập trại Bà Hòa và khuyến khích nhân dân khai hoang, lập ấp. Theo Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên (đầu thế kỷ XVI) Lý Nhật Quang đã mở thêm được 5 châu, 22 trại, 56 sách” [10, 126 – 127]. Cùng với nhân dân ở các huyện Can Lộc, Nghi Xuân, Đức Thọ... nhân dân thôn Bình Lãng (phường Bắc Hồng - thị xã Hồng Lĩnh) đã lập đền thờ phụng ông và hương khói rất chu đáo, trang nghiêm.
Cũng dưới thời Lý, cư dân nơi đây không chỉ làm nghề nông mà còn giỏi giang về nghề truyền thống như nghề rèn, nghề hàng xáo... ngoài ra họ
còn mở quán bán cơm xôi, chè, nước phục vụ khách qua đường ... Những câu ca, câu vè sau đã nói lên điều đó :
"Cơn (cây) da ba nhánh chín chồi. Ai về quán Bấn ăn xôi thì về " Hay
" Bấm chí làm giàu.
Cái nghề xay xáo là đầu đi buôn. Em được cả khéo đến khôn,
Cũng đủ nghề đong chạm. Ló (lúa) đong về đầy lẫm, Tiền chất để đầy rương. Em con gái Trung Lương Cũng tay già, tay sọi(sõi)...”
( Vè hàng xáo Minh Lang )
Đến đời Trần (1225 -1400), vùng đất dưới chân núi Hồng trở thành những làng nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trù phú. Nghề nông và các nghề thủ công truyền thống đều phát triển. " Lại cả nghề học hành nữa. Ở đây đã sớm có hai ông trạng đời Trần. Nhiều tài liệu lịch sử, khảo cổ đã chứng minh dọc mé Nam rào Rum ( sông Lam ) từ Hồ, Trổ xuống Tả Ao từ thế kỷ X - XI đã thịnh vượng”…
" Quả thật, vùng bãi Vọt này là một trong những địa phương ở xứ Nghệ xưa có sự phát triển khá sớm và khá rực rỡ về kinh tế, về học vấn và văn hóa. Là một vùng đất "văn vật hữu dư". Đoạn vè sau đây nói đến một cách tự hào chính đáng :
"... Kể ra tứ thú Ngàn Hồng Lĩnh dưa kề Trăm ngọn nước chầu về
Đất này đại địa Gẫm tả hữu đôi bên Chữ phú quý lưu truyền Nhờ tiền nhân ngày xưa Nhờ cựu tiền thuở trước
Ơn trời lộc nước. Đất văn vật hữu dư..."
Một biểu hiện khác của sự phát triển kinh tế, văn hóa của " đất văn vật" là các công trình, các di tích văn hóa, các đền chùa miếu mạo ... trong vùng là khá nhiều và khá cổ kính" [19, 33 - 34].
Trong vòng hai trăm năm từ cuối thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XVIII, dân Bãi Vọt có cuộc sống khá ổn định, làm ăn khấm khá, đời sống vật chất tinh thần đều tốt lên có thể sánh với các vùng xung quanh.
Từ đời Hậu Lê đến năm Tự Đức thứ tư (1851) Bãi Vọt là huyện lỵ Thiên Lộc. Vùng đất này đã gắn với nhiều dấu ấn lịch sử dân tộc. Đó là chiến tranh Trịnh - Nguyễn xảy ra bảy lần kéo dài 45 năm (1627 – 1672). Nơi đây năm 1655-1657, đã diễn ra những trận đánh đẫm máu của quân Trịnh- Nguyễn phân tranh ngay trên vùng Đồng Trận (Bắc Hồng) và Đồng Chại (Nam Hồng). Chiến tranh đã làm: “Các huyện đồng ruộng bỏ hoang, nhân dân đói khổ. Dịch trễ lại phát sinh, người chết đến quá nửa. Nhân dân xiêu dạt, hoặc tan tác vào nam ra bắc. Trong cõi Nghệ An (gồm cả Hà Tĩnh) đìu hiu vắng tanh” [54,33]. Trong khoảng gần nửa thế kỉ hai bên đánh nhau, chiến trường của chiến tranh Trịnh – Nguyễn chủ yếu là vùng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình ngày nay. Trong đó, Hà Tĩnh và vùng bắc Quảng Bình là miền chiến địa ác liệt nhất. Cũng chính trên mảnh đất này còn in dấu chân của nghĩa quân Tây Sơn. Tương truyền trong những chuyến ra Bắc Hà diệt Trịnh và đánh quân Thanh, đại quân của Quang Trung đã dừng lại nghỉ chân dưới núi Bạch Tị và Rú Vọt. Mặc dù “Hà Tĩnh không giữ vị trí trọng yếu trong lịch sử Tây Sơn, nhưng đã chứng kiến nhiều cuộc hành quân ra Bắc vào Nam
của đại quân Tây Sơn và nhân dân vùng này đã có nhiều cống hiến góp phần vào thắng lợi vẻ vang của phong trào Tây Sơn, nhất là trong kháng chiến chống quân Thanh” [10, 240].
"Cuối thế kỷ XIX Hồng Lĩnh là nơi đóng đồn binh nghĩa quân phong trào Cần Vương chống Pháp, người dân Vân Chàng, Trung Lương đã rèn gươm, mài giáo cho nghĩa quân. Ngô Quảng và Hà Văn Mỹ đã tổ chức được một lực lượng lớn, lập căn cứ ở vùng Hồng Lĩnh. Nghĩa quân hoạt động một thời gian, đến giữa năm 1886 thì nhập với đội quân Cao Thắng” [11, 362].
“Bến đò Đò Trai (Đức Thuận) là nơi chứng kiến sự ra đời của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Năm 1930 nhân dân Hồng Lĩnh nhất là các đảng viên kiên trung của Chi bộ làng Giao Tác xã Thuận Lộc đã lãnh đạo nhân dân địa phương đứng lên hưởng ứng phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh " [44, 102].
Trong cách mạng tháng 8 - 1945, người dân Bãi Vọt cũng như nhân dân trong cả nước hăng hái sản xuất vượt qua nạn đói và phát triển kinh tế, củng cố hậu phương, xông pha tiền tuyến, quyết tâm giành lại chính quyền và độc lập tự do. Chính điều đó đã góp phần làm nên kết quả Hà Tĩnh là một trong những tỉnh giành chính quyền sớm nhất cả nước.