- Nhà thượng điệ n: Tòa thượng điện là nơi cao và thâm nghiêm nhất của di tích Tòa thượng điện được xây hoàn toàn bằng ghạch, vôi, vữa,
2.2.2 Di tích danh thắng
2.2.2.1 Chùa và hồ Thiên Tượng
Chùa Thiên Tượng được dựng từ đời Trần trên một ngọn núi cùng tên thuộc dãy Ngàn Hống, ở địa phận làng Quỳnh Lâm xưa, nay là phường Trung Lương. “ Ngọn Thiên Tượng ở phía tây sườn núi có đá hình con Voi nên gọi tên như thế. Trên núi có ngôi chùa gọi là Thiên Tượng. Chùa này cùng với chùa Hương Tích đều là thắng cảnh, cho nên nói đến danh lam Hồng Lĩnh tất phải kể đến Hương Tích và Thiên Tượng’’. [52, 151 - 152 ]
Chùa Thiên Tượng từng được xem là "Đệ nhị danh thắng Hoan Châu" (sau chùa Hương Tích) trên dãy núi Hồng Lĩnh 99 ngọn. Tương truyền vị Thiền sư Chuyết Công người Trung Hoa cùng đệ tử của mình sang Việt Nam truyền đạo. Khi đi qua đây thấy khung cảnh nên thơ, tĩnh mịch và trang nghiêm nên đã dừng chân tu tập tại chùa gần 3 năm trước khi tiếp tục hành hương ra Bắc lập nên dòng Lâm Tế phía đàng ngoài. Vì vậy, Thiên Tượng được xem là Ngôi tổ đình uy nghi và có nhiếu dấu tích của các bậc tổ sư. Trải qua hàng trăm năm kể từ khi thiền sư Chuyết Công cắm cây tích trượng khai sáng đạo Phật trên mảnh đất này, nối gót bậc tiền nhân, đã có nhiều vị tổ sư đạo cao, đức trọng vân tập về chùa tu tập hoằng khai chánh pháp (Dẫn theo lời Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng ban Hoằng pháp TW GHPGVN, Trưởng ban trị sự PG Hà Tĩnh)
Năm Minh Mệnh thứ 17 (1836), được khắc hình tượng vào Anh Đỉnh - Cửu Đỉnh đặt tại Kinh thành Huế. Rồi đến năm Thiệu Trị thứ ba (1842), khi Bắc tuần, nhà vua làm thơ vịnh có khắc ghi vào bia dựng ở phía tả đường đi phía nam dãy Hồng Lĩnh:
Cửu thập cửu phong thứ đệ bài, Tầng tầng trữ lập vọng thôi ngôi. Triền già Hương Tích kim do tại Cơ chỉ Trang Vương sự dĩ khôi. Dã hạc tương truyền thê đỉnh thượng Chính hồng phản vị trước danh lai. Sầm khâm điệp chướng liên thiên bích. Bản lĩnh vân phong, bản vị khai.
(Thiệu Trị- Tam niên- Thập nhị nguyệt- Ngự đề). Dịch nghĩa: Chín chín non cao khéo sắp bày,
Tầng tầng thẳng đứng tựa thành xây. Chùa chiền Hương Tích nay còn đó, Nền móng Trang Vương trước phải đây? Chim kể đầu non bầy hạc đậu
Tiếng đồn trên nhỏn vạt hồng bay. Non cao trời thẳm xanh liền dải Nửa núi thanh quang nửa núi mây.
(Tháng chạp, năm thứ ba, nhà vua đề thơ). (Võ Hồng Huy dịch)
‘’Năm Tự Đức thứ ba, nhận núi Hồng Lĩnh là danh sơn của Hà Tĩnh và ghi vào điển thờ” [53, 151]. “ Ngọn Thiên Tượng ở địa phận xã Bình Lãng – Bân Xá (Quỳnh Lâm). Mạch núi chảy dài từ Ngọc Lễ đến, sừng sững mọc lên một ngọn núi cao. Đó là nhánh cao nhất của nhánh phía Tây Bắc. Phía Tây là là đường quan lộ, phía Đông có có đường xuyên qua các dãy núi... Ngọn núi Thiên Tượng hơi thoải dốc về phía Tây, có hang đá bằng phẳng, trong hang có chữ khắc trên đá ghi chiến công đời trước. Trước hang lại có hòn đá to hình con Voi nên gọi là “đá Voi” hay “Voi đá” đầu ngoảnh về phía Nam, đuôi, lưng ngoảnh về phía Bắc...nên gọi là núi Thiên Tượng. Trên núi có chùa Tiên cho người quanh vùng đi lễ Phật. Hai bên là dãy nhà tăng có
mấy chục phòng, cửa chùa sát hồ, hồ này do nước ở khe chảy mà thành” [42, 53].
Các tài liệu “Hoàng Việt nhất thống dư địa chí”, “Đại Nam nhất thống chí” đều ghi rõ:
“Chùa Thiên Tượng dựng từ đời Trần, Phạm Sư Mạnh (thế kỷ XIV) khi làm chuyển vận sứ Nghệ An từng đến thăm chùa để lại bài “Sơn hành” (Đi trong núi) như sau:
Hắc vụ âm vân đôn quách thanh Ngẫu nhiên quân hạ tác sơn hành
Thiên khai du mạc cổ tùng ảnh Địa chấn cổ bề hàn giản thanh HươngTượng phong cao môn Bắc Đẩu
Đồng Long hải khoát hỗ Nam chinh Hí đồng đăng lãm chư liễu hữu
Nhàn phất đài bi ký tính danh
Dịch nghĩa:
U ám mây mù chợt lạnh tênh Ngẫu nhiên nhàn rỗi bước sơn hành Trời giăng màn trướng bóng tùng cổ Đất rộn trống dồn dòng suối vang Hương Tượngnon cao vời Bắc Đẩu Đồng Long biển rộng giúp Nam chinh
Vui cùng bạn bè lên thăm núi Chùi nhẹ rêu bia ký tính danh
(Ngô Đức Thọ dịch) [22, 3]
Như vậy, căn cứ vào nguồn tài liệu sử sách và các hiện vật được tìm thấy tại chùa Thiên Tượng như Rồng bằng đất nung, gạch, bát bằng đất nung...có thể khẳng định chùa đã được kiến tạo từ đời Trần (thế kỷ XIV). Cũng có thể là sớm hơn vì Phật Giáo đang thịnh hành dưới hai triều Lý –
Trần, địa thế chùa nằm bên cạnh con đường thiên lý Bắc – Nam nên rất thuận tiện trong quá trình xây dựng chùa cũng như lễ vật, vãn cảnh của phật tử, tao nhân mặc khách...Trải mấy trăm năm từ triều Trần, Lê rồi Nguyễn, tiếng chuông của Thiên Tượng vẫn thả vào thinh không những nhịp khoan hòa, nối nhịp cầu tâm linh giữa cuộc đời dâu bể với chốn thiền tâm. Bao tài tử, văn nhân từng in gót lãng du và thả hồn mình vào câu chữ đề tặng thơ ca khi về với Thiên Tượng. Như Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (thế kỷXVIII) khi đến thăm chùa đã viết:
Trải xem thế giới khắp ba nghìn Ðồi một là đây chốn Tượng Thiên Ánh ới chim ca, vang tiếng kệ
Nhặt khoan tiếng suối, tổ rừng Thiền
Ðến đầu thế kỷ 19, chùa Thiên Tượng vẫn là ngôi chùa đẹp, là chốn u tịch, thâm nghiêm nhất. Nhưng vào năm Ất Dậu 1885, sau biến cố kinh thành Huế, vua tôi Hàm Nghi chạy ra Sơn Phòng, Hương Khê phát động phong trào Cần Vương thì vùng Hồng Lĩnh cũng trở thành nơi hoạt động chống thực dân Pháp. Vì vậy, thực dân Pháp đã cho đốt chùa và tàn phá chùa thành phế tích. Ðến năm 1901, Tổng đốc An Tĩnh là Ðào Tấn đã cho trùng tu xây dựng lại chùa. Trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, tại khu vực núi và chùa Thiên Tượng đã diễn ra các hoạt động cách mạng của các chiến sỹ cộng sản. Thêm lần nữa chùa bị tàn phá, các tăng ni bị giết hại, nghiêm cấm tu hành...Thiên Tượng tự hoang phế, đồ thờ tự, tượng Phật và chính tên Thiên Tượng Tự cũng không còn. Nằm trong vùng ác liệt đi qua hai cuộc chiến tranh cùng với sự lãng quên của thời gian và con người, chùa Thiên Tượng đã hầu như xóa dấu chỉ còn lại nền đất cũ và bóng dáng chùa xưa đọng lại qua thơ ca, ký ức của thời gian....
Từ thập kỷ 90, cùng với chính sách trồng rừng của địa phương đã dần phủ xanh khu vục núi và khuôn viên cảnh quan xưa của chùa được phục dựng. Chính quyền địa phương cùng nhân dân và Phật tử xa gần đã đón mời
sư trụ trì hành đạo, sưu tầm, bổ sung đồ tế khí, xây dựng lại chùa xưa. Đặc biệt tiến hành trùng tu Thượng Tịnh làm nơi hành đạo, dựng tượng Quan Âm Bồ Tát và Đại Đức Lạt Ma uy nghi, đường bệ.
Với lịch sử 600 năm tồn tại, sự hưng vong của thực thể ngôi chùa cũng theo quy luật thịnh - suy - bỉ - thái trong lẽ vô thường. Việc phục hồi những giá trị văn hóa của ngôi chùa cổ, một danh lam thắng cảnh của Ngàn Hống cũng là việc phải làm của hôm nay và mai sau.
Về kiến trúc chùa Thiên Tượng, như phần trên đã nói về sự tàn phá của kẻ thù vào năm 1885, 1931 cùng với chiến tranh ác liệt và quá trình hợp tự, thiên nhiên nghiệt ngã. Đến nay, kiến trúc của chùa khong còn giáng vẻ đồ sộ theo mặt bằng như trước nữa. Phần kiến trúc những mảng cấu kiện còn lại dáng nổi thuộc về lần trùng tu năm Thành Thái thứ 13 (1901) tức cách đây 100 năm.
Chùa Thiên Tượng có Thượng Tịnh, Hạ Tịnh, Tháp lớn gồm có Lưu Ðức tháp và Thạch Sơn tháp, trong chùa có Ðại Hồng Chung và nhiều tượng Phật như tượng Đản sinh, tượng La Hán bằng gỗ, đất nung được xác định là các cổ vật có giá trị nghệ thuật cao...
Thượng Tịnh còn giữ nguyên kiến trúc thời Nguyễn (trùng tu năm Thành Thái thứ 13 -1901). Mặt tiền Thượng Tịnh cao 6m, dài 10m chia làm 3 cửa chính hình vòm, mỗi cửa cao 2m, cách giữa và hai bên là hệ thống chân trụ và tường dày 0,45m. Trên cùng là hình lưỡng long chầu nguyệt với biểu tượng nhà Phật. Hai bên đài sen được đắp rất tinh xảo đỡ 3 chữ Hán đắp nổi “Thiên Tượng Tự”. Lưỡng long dài 1,5m uốn lượn dáng sống động là biểu tượng vân phù tạo nên sự hoàn hảo của mặt tiền.
Bên tả có hai chữ “Trang nghiêm”, bên phải là “Chân ý”. Hoa văn mặt tiền Thượng Tịnh là kiểu hoa văn đối xứng, vẽ, tập phỏng mô tả danh từ Phật giáo, nhỏ và sắc sảo, hầu như vẫn giữ nguyên trạng hình khối, màu sắc từ khi trùng tu (1901) đến nay. Hai trụ giữa là hai câu đối:
Thanh Sơn nhiễu xá bạch thủy tuần trừ. Hoa vũ di thiên từ vân phú địa.
(Nghĩa là: Non xanh ôm chùa suối vờn trắng xóa. Mưa hoa đầy trời mây che rợp đất.)
Hai trụ tả hữu có chiều cao 5m, rộng 0,5m và đế 0,5m x 0,5m, đỉnh cao 1m trên đầu đỉnh là đài sen bao quanh mặt trụ là hoa văn vân phù long phi, thân trụ có đôi câu đối:
"Thị không thị sắc Phật gia pháp ngôn Nhất thụ nhất thạch thủ trung chân ý"
Nghĩa là : Không và sắc ấy là tuyên ngôn của nhà Phật Cây cùng đá nhuốm màu thánh thiện
Bố trí nội thất Thượng Tịnh gồm ba gian mỗi gian lại chia thành hai hình vòm. Mái vòm cuốn gạch chỉ, toàn bộ phần được xây bằng gạch chỉ, vữa, vôi, mật. Toàn bộ phần trần, vòm có hệ thống hoa văn tinh xảo, một phần mô phỏng theo kinh Phật và có bố cục đối xứng. Bàn thờ kiến trúc theo lối chữ công (như chữ H nằm ngang). Chính giữa thờ đức Phât Thích Ca, tả hữu thờ Quan Thế Âm Bồ Tát và các vị La Hán. Cho đến nay đúng 100 năm tồn tại, tòa Thượng điện vẫn bảo lưu được kiến trúc xưa bền vững, đường bệ, với nhiều hiện vật mang tính đặc thù của nhà Phật, trở thành nơi hành lễ, thắp hương của phật tử, của thiện nam tín nữ .
Hạ Tịnh là ngôi nhà lớn 3 gian, 2 chái, có 6 mái hình chữ nhật, chu vi dài 13m và rộng 10,5m. Căn cứ vào vị trí chân cột và tường cho thấy lòng nhà 3 gian, mỗi gian 2,5m, hai chái Nam - Bắc 2,5m, hàng hiên Đông - Tây 1m. Hệ thống cột bố trí dày đặc và vững chắc. Mảng tường dày 0,45m có hai trụ được xây bằng hỗn hợp vôi vữa trộn mật và đá có sẵn. Mái lợp bằng ngói âm dương là thứ ngói truyền thống của địa phương. Về thờ tự gian giữa thờ Phật, gian trái thờ Đức thánh Trần Quốc Tuấn, gian phải thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sau một thời gian trùng tu xây dựng, ngày 29- 01- 2013, ngôi nhà thờ và tôn tượng Tổ sư chùa Thiên Tượng đã được hoàn thành. Đó là thành quả
và tấm lòng cao quý của quý Phật tử thập phương, cũng như sự phát tâm cúng đường của các thí chủ xa gần.
Tháp lớn : Nằm ở phía Tây Nam của chùa có hai tháp lớn đó là Lưu Đức tháp và Thạch Sơn tháp. Theo nghi lễ của chùa, tháp cũng đồng thời là lăng của các vị cao tăng khi viên tịch trở về cõi siêu linh để tinh thần siêu thoát và hầu hết đến bến giác ngộ bằng thuyền bát nhã.
- Lưu Đức tháp có từ thế kỷ XVIII, cao 6,3m,phân thành 3 tầng. Hai tầng trên cao 3m, tầng dưới 3m, tầng dưới cấu trúc theo khối hình hộp 4 cạnh 1,8m với 4 mái, dưới mái 2,5m, có 4 mũi đao vút cong, chiều rộng mái 0,5m lợp ngói âm dương. Độ cao tháp xếp tầng, cứ mỗi tầng bớt 0,5m về độ dài nên hai tầng trên mỗi tầng cao 1,5m với cạnh 1,3m và 0,8m. Trên đỉnh tháp là đài sen, tượng trưng hình ảnh Phật Thích Ca đang tịnh tọa ở cõi niết bàn. Mỗi tầng của tháp đều có những mảng hoa văn mô phỏng cảnh trí đẹp mắt, dù màu sắc đã phai mờ do nắng mưa dãi dầu song về bố cục hình thể vẫn hài hòa, sắc sảo.
- Thạch Sơn tháp có khoảng trên 100 năm. Theo lời sư trụ trì đây là mộ tháp của nhà sư bị “Hổ táng”. Kiểu giáng tháp kiến trúc tương tự Lưu Đức tháp.
Ngoài hai tháp lớn đã mô tả thì vườn tháp của chùa còn có các tháp nhỏ và điều đặc biệt dọc con đường đi bộ lên chùa rải rác còn có các tháp ẩn khuất trong các tàng cây. Điều này góp phần minh chứng Thiên Tượng là ngôi chùa đã tồn tại từ rất lâu đời.
Thiên nhiên đã ban tặng cho nơi đây những nét kỳ thú hiếm thấy. Ngoài Voi đá để có tên núi, tên chùa, ngay phía cửa Bắc của chùa có dãy đá lớn, có phiến đá bằng phẳng tựa chiếc bàn to, nổi lên hai tượng đá hình nhân cao 4m, đứng song song giống hình hộ vệ nên gọi là đá hộ pháp
Khuôn viên chùa chừng 150.000 m2 được giới hạn bởi hai suối lớn là suối Bắc và suối Nam, cả hai suối đều bắt nguồn từ đỉnh Thiên Tượng mà hợp thành. Ðường lên chùa được xếp đá công phu theo từng bậc như thang đá. Từ chùa nhìn xuống toàn cảnh thị xã Hồng Lĩnh đẹp như một bức tranh. Ngoài các công trình đã có chùa Thiên Tượng đang được đầu tư xây dụng nhiều
hạng mục công trình như hoàn thành đường bê tông lên chùa, dãy nhà tăng, nhà tổ, khuôn viên, tu bổ con đường bộ song hành với đường bê tông...
Hồ Thiên Tượng
Từ chùa Thiên Tượng theo đường chim bay về phía Đông - Nam chừng hai km là đến Hồ Thiên Tượng, một thắng cảnh đẹp nằm trên dãy núi Hồng Lĩnh hùng vĩ và thơ mộng. Hồ là túi nước khổng lồ nằm trên độ cao 100m, được tạo thành từ nguồn nước của Suối Tiên bắt nguồn từ đỉnh Thiên Tượng chảy theo hướng Nam - Bắc, uốn theo triền núi song song với đường quốc lộ 1A. Phía Đông và Tây của hồ là vách núi dựng đứng tạo thành một lưu vực yên tĩnh trong lành của nguồn nước tự nhiên. Hồ Thiên Tượng có hình dáng như một bàn tay thiếu nữ. Hồ có chiều dài 650m, chiều rộng 180m, sâu trung bình 8m, nơi sâu nhất khoảng chừng 15m. Diện tích mặt hồ hơn 100.000 m2với dung tích 800.000 m3 nước tự nhiên trong sạch. Quanh hồ là những dải thông xanh soi bóng xuống mặt hồ phẳng lặng tạo thành bức tranh thủy mặc độc đáo, nguyên sơ giữa một thị xã trẻ trung đang vươn mình phát triển.
Hồ Thiên Tượng không chỉ là thắng cảnh đẹp, hấp dẫn du khách mà còn là nơi tĩnh dưỡng tâm hồn, là "trung tâm điều hòa nhiệt độ" và cung cấp nguồn nước trong lành cho nhân dân thị xã.
Dưới Hồ Thiên Tượng là Suối Tiên, tương truyền đây là nơi xưa tiên tắm và còn để lại dấu chân tiên trên đá Thạch Bàn. Quanh năm Suối Tiên rì rào chảy, tạo thành bản nhạc thiên nhiên êm đềm bên Hồ Thiên Tượng giữa núi non xanh mát ngàn thông.
Về Thiên Tượng hôm nay chúng ta càng cảm nhận được sự hoà hợp, đồng hành của Phật giáo với dân tộc. Là một minh chứng nữa được thể hiện nơi đây phương châm: "Đạo pháp dân tộc" luôn được coi trọng và thực hành. Chúng ta càng thấm thía lời phát biểu của Thượng toạ Thích Bảo Nghiêm - Trưởng ban Trị sự Phật giáo Việt Nam, nhân lễ đón nhận Bằng DTLSVH Quốc gia của chùa và hồ Thiên Tượng tháng 3- 2004: "Đạo Phật xưa nay không tách rời đời sống thế tục, đạo Phật luôn gắn liền với sự tồn vong, hưng
thịnh của quốc gia, dân tộc. Đạo Phật có dành trọn tâm tư, tình cảm vì dân tộc này thì dân tộc này mới mở rộng tấm lòng để đón nhận đạo Phật, mới nhận thấy được những giá trị thiết thực cụ thể của đạo Phật và mới sẵn sàng đóng góp sức người, sức của cho công cuộc hoàng dương chánh pháp, mới tự coi việc giữ gìn và truyền bá đạo Phật là trách nhiệm của mình ".