Áp dụng nguyên tắc xác định sự thật của vụ án

Một phần của tài liệu quyền im lặng của bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự việt nam (Trang 59 - 63)

5. Kết cấu của đề tài

3.2.2. Áp dụng nguyên tắc xác định sự thật của vụ án

3.2.2.1. Bất cập.

Theo Hiến pháp hiện hành khoản 1 Điều 31 Hiến pháp 2013 khẳng định: "Người bị buộc tội được coi là có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật". Đồng thời, đoạn 2 Điều 10, Luật Tố tụng hình sự 2003 quy định: “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc

phải chứng minh là mình vô tội”. Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 308 Luật hình sự 1999

lại quy định: “Người nào từ chối khai báo nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 22 của Bộ luật này hoặc trốn tránh việc khai báo, việc kết luận giám định hoặc từ chối cung cấp tài liệu mà không có lý do chính đáng, thì bị phạt cảnh

cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm”. Với

điều khoản này, rõ ràng người bị thẩm vấn bắt buộc phải khai báo (trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 22), phải cung cấp cho điều tra viên chứng cứ tự buộc tội chính mình nếu không muốn bị quy là phạm tội theo Điều 308 đã nêu. Một người vô tội bị bắt, nếu không muốn bị khép tội “từ chối khai báo” thì hoặc người đó phải tìm được

lý do chính đáng” hoặc người đó phải khai báo. Nếu không có gì để khai báo mà lại

không có lý do chính đáng” thì dù vô tội vẫn có thể trở thành có tội. Đây là một điểm

bất cập từ quyền trình bày lời khai của người bị tình nghi có hành vi phạm tội của Bộ luật tố tụng hình sự và Bộ luật hình sự. Điều này rõ ràng không đúng với thông lệ quốc tế về tư pháp và cũng không phù hợp với bản chất của quyền con người. Khiếm khuyết là ở chỗ luật chưa định nghĩa thế nào là “lý do chính đáng” để có thể từ chối khai báo. Nghi phạm là một con người chưa bị kết án, nghĩa là chưa thành tội phạm (dù thực tế có là người phạm tội) vì vậy đương nhiên người đó có quyền bảo vệ bản thân tránh sự trừng phạt của pháp luật, chính vì thế Luật tố tụng hình sự 2003 mới quy định việc chứng minh một người là có tội hay không có tội thuộc về cơ quan tố tụng. Như vậy thì việc từ chối khai báo để không tự kết án bản thân luôn là “lý do chính đáng” của người bị tình nghi có hành vi phạm tội.

Theo những quy định tại Điều 10 của Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo. Quy định của luật là vậy, nhưng trong thời gian gần đây có nhiều vụ việc liên quan đến vi phạm các quy định trong tiến hành tố tụng dẫn đến nhiều vụ án bị oan sai bởi chủ thể tiến hành tố tụng. Vấn đề được đặt ra ở đây là trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng đã chưa thật sự đảm bảo công bằng, khách quan, quyền và lợi ích cho người tham gia tố tụng. Thực tiễn áp dụng

pháp luật cho thấy, nhiều trường hợp do trình độ, năng lực, ý thức trách nhiệm hoặc do chạy theo thành tích, mà không ít Điều tra viên đã ép buộc người bị tình nghi là tội phạm phải khai theo những chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ nhằm phù hợp với tình tiết và diễn biến của vụ án, đã làm cho sự thật khách quan của vụ án bị sai lệch.

Về mặt tâm lý của người tiến hành tố tụng, cụ thể là Điều tra viên, Kiểm sát viên là những người đầu tiên tiếp xúc với các chứng cứ trong vụ án hình sự. Điều tra viên thường có tâm lý khó xác định người phạm tội nên có thể bỏ qua các chứng cứ gỡ tội mà chỉ chú ý đến các chứng cứ buộc tội, vì nhiều lý do khác nhau. Do áp lực từ phía cơ quan điều tra, do nóng vội, nhận định sai về vụ án dẫn đến đánh giá chứng cứ sai59… Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, Cơ quan điều tra có trách nhiệm chứng minh bị can, bị cáo có phạm tội hay vô tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhưng hiện nay trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng đã không được đảm bảo. Điều tra viên và Kiểm sát viên thiếu tinh thần trách nhiệm dẫn đến sai lệch hồ sơ vụ án dẫn đến oan sai ngày càng nhiều, vi phạm nghiêm trọng đến nguyên tắc xác định sự thật vụ án. Cơ quan điều tra chỉ căn cứ vào lời khai duy nhất của bị can để buộc tội, nhiều trường hợp bức cung, dùng nhục hình và mớm cung xảy ra do Điều tra viên nôn nóng muốn kết thúc sớm vụ án mà bỏ qua vấn đề cần phải xác minh sự thật của vụ án. Cơ quan điều tra mà cụ thể là Điều tra viên thường mang định kiến buộc tội một chiều khi tiến hành điều tra họ thường cố gắng thu thập chứng cứ để thuyết phục lời buộc tội của mình đối với bị can nhằm hướng cho bị can phải nhận tội.

Mặt khác, tuy pháp luật không quy định việc không khai báo hoặc khai báo không thành khẩn là tình tiết tăng nặng, nhưng nếu trong các bản kết luận điều tra, cáo trạng, bản án thấy các lời nhận xét như bị can, bị cáo thiếu thành khẩn khai báo, không hợp tác, quanh co chối tội, gây khó khăn cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử... thì điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến việc xem xét, và xác định khung hình phạt cho bị cáo có thể là theo hướng tăng nặng. Hiện nay Bộ luật tố tụng tuy không quy định “quyền

im lặng” là một trong các quyền của bị can, bị cáo nhưng thực tế thì bị can, bị cáo vẫn

có quyền này. Nhưng thực tiễn xét xử hiện nay các vụ án oan sai ngày càng nhiều, do nguyên nhân chủ yếu là các cơ quan tiến hành tố tụng xem trọng lời khai của bị can, bị cáo hơn là điều tra truy tìm chứng cứ chứng minh. Mặc dù đã thu thập được các chứng cứ khác để chứng minh tội phạm nhưng Cơ quan điều tra vẫn muốn chính miệng bị can phải thừa nhận tội. Vì thế mới xảy ra tình trạng ép cung, mớm cung bị can. Chính điều này là sự vi phạm nghiêm trọng của nguyên tắc xác định sự thật vụ án. Nếu đưa

59

Lương Liễu, Nếu có căn cứ cần cho đối chất giữa điều tra viên và bị cáo ngay tại Tòa. Báo Đời sống và pháp luật, số 121, ngày 8/10/2014, trang 7.

vào luật quy định bị can, bị cáo có “quyền im lặng” thì có thể làm rõ hơn quyền này của bị can, bị cáo và nghĩa vụ chứng minh tội phạm của cơ quan tố tụng.

Nguyên nhân dẫn đến bất cập trên có thể là do trong quá trình tố tụng, việc xét hỏi bị can, bị cáo còn mang tính áp đặt, không dựa vào những đặc điểm khách quan của vụ án về mặt chứng cứ. Có thể thấy gần đây nhiều bản án sơ thẩm, phúc thẩm bị hủy án là do sự thiếu sót trong việc nhận định, xác minh và đánh giá chứng cứ. Sự hạn chế về năng lực, trình độ của Điều tra viên trong quá trình tiến hành tố tụng. Phương pháp điều tra chỉ chú trọng chủ yếu vào lời khai, lời nhận tội của bị can, bị cáo nên dẫn đến nhiều trường hợp bức cung, dùng nhục hình và mớm cung. Bên cạnh đó, là sự thiếu trách nhiệm hoặc cố ý vi phạm pháp luật của một số Điều tra viên, Kiểm sát viên khi thực hiện nhiệm vụ nhằm chạy theo thành tích cá nhân, tập thể hoặc vì động cơ vụ lợi cá nhân mà các chủ thể tiến hành tố tụng này xem nhẹ nguyên tắc xác định của sự thật vụ án dẫn đến tình trạng oan sai trong tố tụng diễn ra ngày càng nhiều.

3.2.2.2. Giải pháp.

Để nâng cao hiệu quả của nguyên tắc xác định sự thật vụ án trong cơ chế tiến tới nhằm bảo đảm quyền của bị can, bị cáo mà cụ thể ở đây là quyền im lặng thì cần phải có một hệ thống pháp luật ổn định. Khi đã quy định “Không được dùng lời nhận

tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội”, thì chúng ta cần phải cho bị

can, bị cáo được quyền im lặng trước cơ quan tiến hành tố tụng. Bởi cho dù lời khai của bị can, bị cáo có phải là sự thật hay không thì cơ quan tiến hành tố tụng cũng phải tiến hành xác minh, làm rõ những tình tiết của vụ. Quyền im lặng của bị can, bị cáo sẽ tạo thêm nghĩa vụ cho cơ quan tiến hành tố tụng phải tôn trọng quyền của bị can bị cáo trong việc xác định sự thật vụ án, nhưng bên cạnh đó cũng đem lại hiệu quả tích cực đòi hỏi ở Điều tra viên, Kiểm sát viên là những người phải có nâng lực thực sự và có trình độ chuyên môn cao để đảm bảo cho sự thật khách quan của vụ án.

Do đó, để đảm bảo cho nguyên tắc xác định sự thật vụ án vấn đề cần quan tâm đó là cần phải nâng cao và mở rộng đào tạo chuyên môn cho cán bộ tư pháp. Trình độ, năng lực kinh nghiệm đầy đủ, nhận thức khách quan ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả của một vụ án. Vì họ là những người trực tiếp chứng minh sự thật của vụ án, nếu họ không nhìn nhận vụ án một cách toàn diện khách quan, thì thực trạng bức cung, dùng nhục hình vẫn xảy ra khi việc định kiến người bị tình nghi phạm tội là người có tội vẫn còn xuất hiện trong tư tưởng của những chủ thể này. Nâng cao sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong các cơ quan tiến hành tố tụng, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và chất lượng của đội ngũ kiểm sát viên trong các hoạt động tố tụng nhằm đảm bảo cho nguyên tắc xác định sự thật vụ án được áp dụng. Để góp phần đấu tranh phòng và chống các hành vi bức cung, dùng nhục hình, góp phần đảm bảo cho nguyên tắc xác định sự thật vụ án, và bảo đảm quyền lợi của bị can, bị cáo, nên quy

định việc cho phép thiết bị công nghệ như camera để theo dõi những nơi lấy lời khai của bị can, bị cáo. Bị can, bị cáo không phải lo bị nhục hình, bức cung và những chủ thể tiến hành tố tụng cũng tránh được bị tố cáo và mang tiếng oan là bức cung, dùng nhục hình trong quá trình tố tụng.

Nhằm giúp cho nguyên tắc xác định sự thật vụ án trở nên khách quan và toàn vẹn hơn chúng ta cần hoàn thiện nguyên tắc xác định sự thật vụ án hơn nữa, một mặt nhằm nâng cao hơn trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, mặt khác nhằm bảo đảm quyền lợi cho bị can, bị cáo. Dự thảo sửa đổi bổ sung Điều 10 của Bộ luật tố tụng hình sự có đề cập vấn đề đặt “tình tiết giảm nhẹ” lên trước “tình tiết tăng nặng” trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo nhằm góp phần thể hiện sự nhân đạo trong quá trình tố tụng, mọi sự cáo buộc đều cần phải đặt vấn đề bị can, bị cáo là người vô tội lên hàng đầu để tìm ra sự thật của vụ án chứ không thể như trước đây là tập trung vào việc tìm chứng cứ để buộc tội. Bên cạnh đó, dự thảo sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự còn thêm cụm từ “Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra” cũng phải có trách nhiệm trong hoạt động xác định sự thật của vụ án, do trước đây những cơ quan tại Điều 111 Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành cũng có thẩm quyền điều tra vụ án, nhưng trách nhiệm chứng minh sự thật của họ chưa được đảm bảo bằng một quy định cụ thể như hiện nay. Đồng thời, điều này đã mở rộng thêm nghĩa vụ tôn trọng sự thật khách quan của vụ án mà từ trước đến nay luật chỉ quy định cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án mới là chủ thể có trách nhiệm xác định sự thật của vụ án.

Việc ghi nhận thêm cơ quan có nghĩa vụ chứng minh sự thật vụ án và việc xem trọng tình tiết giảm nhẹ trước khi xem xét tình tiết tăng nặng chính là góp phần nhằm đảm bảo cho sự thật khách quan được tôn trọng và bảo vệ. Đảm bảo sự nhân đạo của luật trong quá trình chứng minh vụ án không còn nghiêng về hướng buộc tội giúp cho bị can, bị cáo. Theo quy định này thì trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án. Đồng thời, với định hướng phân định rõ chức năng, thẩm quyền của các cơ quan tiến hành tố tụng như Nghị quyết 49 Bộ chính trị đã nêu thì nên bỏ trách nhiệm chứng minh tội phạm của Tòa án do trách nhiệm này thuộc chức năng của Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát. Mặt khác, việc phải chứng minh tội phạm sẽ ảnh hưởng tới tính khách quan của Tòa án khi ra bản án và phán quyết của mình, đồng thời thiên chức “trọng tài anh minh”, “người cầm cân nẩy mực” của Tòa án dễ bị hiểu sai lệch60.

Đồng thời, cũng cần xét đến vai trò của người bào chữa trong việc đưa ra chứng cứ chứng minh góp phần vào việc bảo đảm tính khách quan cho sự thật của vụ án. Nếu

60Nguyễn Ngọc Chí, Các nguyên tắc cơ bản trong Luật Tố tụng Hình sự- những đề xuất sửa đổi, bổ sung, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Kinh tế- luật 24(2008). trang 249.

như trước kia luật chỉ quy định việc kiểm tra đánh giá chứng cứ là quyền và nghĩa vụ của cơ quan tiến hành tố tụng thì hiện nay cần phải cho phép người bào chữa có quyền thu thập và đánh giá chứng cứ như cơ quan tiến hành tố tụng. Cần phải sửa đổi bổ sung thêm tại Điều 66 của Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành theo hướng: “Người bào chữa có quyền đánh giá chứng cứ do Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ

tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án thu thập”. Nhằm góp phần

đảm bảo cho nguyên tắc xác định sự thật vụ án được khách quan cũng như việc đảm bảo chứng cứ của vụ án là xác thực để tránh trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng làm sai lệch hồ sơ của vụ án, và thu thập những chứng cứ không khách quan để buộc tội bị can, bị cáo dẫn đến tình trạng oan sai như hiện nay.

Một phần của tài liệu quyền im lặng của bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự việt nam (Trang 59 - 63)