Quy định về trách nhiệm bồi hoàn của nhà nước

Một phần của tài liệu Bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng theo pháp luật dân sự Việt Nam (Trang 106 - 111)

Các quyền cơ bản của người tiêu dùng đã được pháp luật Việt Nam ghi nhận trong Chương II (từ Điều 08 đến Điều 13) Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Với quyền được thông tin, người tiêu dùng phải được cung cấp thông tin trung thực về sản phẩm đang lưu hành hợp pháp trên thị trường. Trong bối cảnh việc quản lý của Nhà nước đang can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh như hiện nay, việc đảm bảo cung cấp thông tin cho người tiêu dùng không chỉ là nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh mà còn là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có liên quan. Tuy nhiên, dường như pháp luật hiện hành đang chỉ tập trung truy cứu trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh khi cung cấp thông tin không trung thực cho người tiêu dùng mà chưa có những chế tài và xây dựng trách nhiệm bồi hoàn của Nhà nước, khi người gây ra thiệt hại là các cơ quan có thẩm quyền do có hành vi cung cấp thông tin gian dối hoặc không cung cấp thông tin kịp thời (đôi khi có hành vi ém thông tin). Trên thực tế, đã xuất hiện nhiều vụ việc xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng mà người vi phạm là các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vụ việc về các thông tin mắm tôm có chứa vi khuẩn gây tiêu chảy cấp, vụ việc Thanh tra Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh không cung cấp thông tin về nước tương có chất gây ung thư

… là những điển hình. Trong các vụ việc trên, có lẽ do chưa có cơ chế hợp lý nên người tiêu dùng đã không lên tiếng đòi những cơ quan trên bồi hoàn thiệt hại và không có những khảo sát, tính toán về thiệt thại mà xã hội đang gánh chịu. Dù sao chăng nữa, quyền được thông tin của người tiêu dùng mà pháp luật quy định đã bị xâm phạm nghiêm trọng.

Từ quan điểm về một xã hội dân sự tiến bộ, khi có hành vi xâm phạm đến trật tự quản lý của Nhà nước, người dân phải gánh chịu những chế tài cần thiết. Ngược lại, để sòng phẳng, Nhà nước cần chịu trách nhiệm trước cá nhân, tổ chức về hành vi vi phạm pháp luật do chính mình xây dựng, trong đó bao gồm những hành vi vi phạm quyền lợi hợp pháp của người dân - người tiêu dùng. Mặt khác, một khi Nhà nước tự nhận trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng thì cũng phải sẵn sàng chịu trách nhiệm trước xã hội và từng cá nhân người tiêu dùng nếu các cán bộ nhà nước lạm dụng trách nhiệm hoặc thiếu trách nhiệm gây thiệt hại. Vì vậy, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đang được xây dựng trong thời gian tới cần ghi nhận trách nhiệm tôn trọng quyền của người tiêu dùng không chỉ của tổ chức, cá nhân kinh doanh mà còn của các cơ quan, các cán bộ nhà nước và mọi tổ chức có liên quan. Từ trách nhiệm này, các lĩnh vực pháp luật khác có thể hỗ trợ để truy cứu người vi phạm, trong đó có pháp luật về bồi thường nhà nước.

KẾT LUẬN

Mức độ phát triển và văn minh của một số quốc gia không chỉ được đánh giá bằng tốc độ tăng trưởng của GDP, của thu nhập bình quân đầu người mà còn phụ thuộc vào giá trị công bằng và khả năng thực thi của pháp luật. Một nền pháp chế văn minh phải ưu tiên bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Có lẽ vì thế, pháp luật về quyền của người tiêu dùng luôn là một bộ phận không thể thiếu trong hệ thống pháp luật dân sự - thương mại của các quốc gia phát triển và đã trở thành vấn đề pháp lý quốc tế.

Bảo vệ người tiêu dùng là trách nhiệm của Nhà nước cũng như của mọi người trong xã hội. Bản thân người tiêu dùng phải có trách nhiệm tự bảo vệ mình, phải có hiểu biết để sử dụng đồng tiền của mình một cách phù hợp với yêu cầu, phải quan tâm đến mọi người, môi trường xung quanh, phải cảnh giác và phối hợp với các bên có liên quan trong việc ngăn chặn và trừng trị những vấn đề tiêu cực trong xã hội … Người sản xuất - kinh doanh muốn phát triển vững chắc phải quan tâm đến người tiêu dùng, do đó họ phải lắng nghe người tiêu dùng, phải làm công việc tiếp thị một cách tốt nhất, phải phục vụ tốt người tiêu dùng: bảo hành, sửa chữa, hướng dẫn người tiêu dùng và tiếp nhận khiếu nại, đền bù cho người tiêu dùng. Trên thế giới các nhà sản xuất, kinh doanh đã lập ra tổ chức để khuyến khích sản xuất kinh doanh lành mạnh và với mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng, như hình thức tổ chức BBB (The Better Bussiness Bureau) ở Mỹ có hàng trăm văn phòng ở trong nước và trên thế giới. Các hình thức Hội khoa học kỹ thuật, tập hợp các nhà khoa học, kỹ thuật, các nhà sản xuất, kinh doanh và giới tiêu dùng vào một tổ chức để giúp đỡ các nhà sản xuất, kinh doanh làm ăn chân chính và bảo vệ người tiêu dùng như Hội VINASTAS ở nước ta, có thể coi là một cách tổ chức theo hướng này.

Tại Việt Nam, với quan niệm người tiêu dùng là chủ thể trong các giao dịch dân sự - thương mại, pháp luật luôn hướng đến việc bảo vệ sự công bằng và duy trì tính minh bạch của các hợp đồng là đối tượng điều chỉnh của Bộ luật Dân sự, Luật Thuơng mại … Trong những năm gần đây, Nhà nước ta luôn quan tâm,

coi trọng việc hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung, các quy định về bồi thường thiệt hại nói riêng. Vấn đề này được đặc biệt quan tâm nhất là khi chúng ta đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và xuất phát từ quan điểm: thứ nhất, thiệt hại phải được bồi thường kịp thời và đầy đủ; thứ hai, đảm bảo sự công bằng cho những người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, góp phần nâng cao trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong quá trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước của mình, đặc biệt là các cơ quan tham gia tố tụng. Có thể nói rằng, đây vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển, đảm bảo sự công bằng đồng thời cũng là đáp ứng nhu cầu khách quan của xã hội Việt Nam trong quá trình hội nhập, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bảo vệ người tiêu dùng đã thực sự trở thành một lĩnh vực pháp luật độc lập và có vị trí đáng kể trong hệ thống pháp luật dân sự – thương mại kể từ khi các văn bản pháp luật quan trọng điều chỉnh lĩnh vực này ra đời: Bộ luật Dân sự 2005, Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được ban hành năm 1999 và Nghị định hướng dẫn thi hành…

Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng và hoàn thiện các quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng, tuy nhiên thực trạng vi phạm quyền của người tiêu dùng ở Việt Nam ngày càng nghiêm trọng. Các nhà khoa học, các cơ quan có thẩm quyền và các hiệp hội của người tiêu dùng đã có nhiều cố gắng tìm kiếm và phân tích các nguyên nhân của tình trạng trên như sự thờ ơ của người tiêu dùng trong việc sử dụng các công cụ pháp lý để tự bảo vệ, sự lãnh cảm của các cơ quan có trách nhiệm, thực trạng đôi ngũ cán bộ, công chức áp dụng pháp luật khi xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại còn khá nhiều bất cập, vai trò mờ nhạt của các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng … Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng nhất được quy về cho sự không đồng bộ và thiếu hiệu quả của hệ thống pháp luật. Các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này cũng như việc áp dụng các quy định đó còn chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn về sự đầy đủ, tính thống

nhất và các yêu cầu khác của một thể chế pháp luật trong một xã hội đang phát triển không ngừng. Để giải quyết tình trạng trên, Nhà nước đang cố gắng nâng cấp Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đây là việc làm cần thiết để khẳng định giá trị pháp lý của lĩnh vực pháp luật này. Song nhiệm vụ quan trọng hơn vẫn là pháp luật phải có nội dung hợp lý và xây dựng được thiết chế thực thi hiệu quả. Trong đó, đạo luật đang được xây dựng cần khắc phục được những nhược điểm căn bản của các văn bản hiện hành và được đặt vào môi trường pháp lý thuận lợi thì mới có thể phát huy giá trị thực sự.

Một phần của tài liệu Bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng theo pháp luật dân sự Việt Nam (Trang 106 - 111)