Hoạt động của các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng

Một phần của tài liệu Bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng theo pháp luật dân sự Việt Nam (Trang 84 - 87)

Theo Điều 19 Chương V, Nghị định hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng được phép đăng ký tại Uỷ ban nhân dân địa phương và có quyền tiếp nhận các khiếu nại của người

tiêu dùng và tổ chức hòa giải giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh. Tổ chức bảo vệ người tiêu dùng cũng có trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ người tiêu dùng hoặc đại diện người tiêu dùng đưa khiếu nại tới các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Do đó, văn phòng khiếu nại của người tiêu dùng, nếu được triển khai tốt, sẽ là chiếc cầu nối giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp và giữa người tiêu dùng với cơ quan quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay, tại các tỉnh đã có hội bảo vệ người tiêu dùng thì hoạt động của hội cũng vẫn chủ yếu là ở khu vực thị xã, tỉnh lỵ, ít hội triển khai được hoạt động đến các huyện, chưa nói đến các khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, nơi mà người tiêu dùng còn ở trình độ thấp, là đối tượng cho các hành vi gian lận. Đó là những nơi người tiêu dùng cần sự bảo vệ nhiều nhất. Hơn nữa, các văn phòng khiếu nại của người tiêu dùng ở nước ta thường được đặt ở các địa điểm không thuận tiện và điều kiện hoạt động còn gặp nhiều khó khăn.

Do vậy, không những cần phải mở rộng phạm vi hoạt động của các hội và văn phòng khiếu nại đã được thành lập mà còn phải thành lập và phát triển các hội ở các khu vực mà điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Để làm được điều này, trong thời gian tới các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan ở trung ương và địa phương cần có biện pháp hỗ trợ việc xây dựng và phát triển các hội bảo vệ người tiêu dùng và văn phòng khiếu nại của người tiêu dùng. Hoạt động và sự phối hợp của cơ quan nhà nước và tổ chức bảo vệ người tiêu dùng là hai bộ phận hữu cơ, giúp bảo đảm tốt nhất quyền lợi của người tiêu dùng.

Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam là một tổ chức quần chúng, tuy giữ một vai trò quan trọng trong hoạt động bảo vệ người tiêu dùng ở nước ta, nhưng có rất nhiều việc chỉ có cơ quan nhà nước mới có thể giải quyết được. Hội chỉ có thể phát huy tốt hơn vai trò của mình trong sự cộng tác với cơ quan nhà nước để mở rộng hơn nữa hoạt động này ở nước ta.

Nhiều cơ quan nhà nước hiện nay vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc bảo vệ người tiêu dùng xét theo góc độ chức năng, quyền hạn và trách nhiệm của từng cơ quan ở những việc mà đáng lẽ họ phải làm nhưng đã không làm hoặc làm chưa đầy đủ. Hội đã chủ động hợp tác với các cơ quan, nhưng tiếc là còn không ít các cơ quan nhà nước chưa có được sự chủ động đó. Hầu như Bộ nào, không nhiều thì ít, cũng đều có những nội dung hoạt động liên quan đến việc bảo vệ người tiêu dùng trong phạm vi những mạng công việc mà Bộ đó quản lý. Nếu như thời gian qua các Bộ và các địa phương có sự quan tâm hơn nữa tới lĩnh vực này, chắc chắn chúng ta đã có nhiều bước tiến đáng kể trong việc bảo vệ người tiêu dùng ở nước ta. Trong thời gian tới, nếu nhược điểm này được khắc phục, ít nhất là bằng việc tăng cường phối hợp hành động giữa các cơ quan nhà nước với nhau và giữa Hội với các cơ quan nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ của từng bên, chúng ta có thể mở rộng quy mô và tăng cường hiệu quả của công tác bảo vệ người tiêu dùng lên cao hơn.

Vai trò của các đoàn thể, các tổ chức xã hội, các cơ quan nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo chưa được phát huy trong hoạt động này. Nhiều phong trào quần chúng, nhiều chương trình hành động của các đoàn thể, nhiều chương trình và đề tài nghiên cứu khoa học của các cơ quan, tổ chức, nhiều lớp đào tạo, chương trình giáo dục mà thực ra nội dung có liên quan đến tiêu dùng, đến lối sống tiêu dùng đều vắng bóng vấn đề này. Tình trạng này có phần do đây còn là vấn đề mới đối với ta nên nhiều người, nhiều cơ quan tổ chức chưa thấy rõ sự cần thiết của hoạt động này nên không làm, có phần do khả năng tài chính hạn chế, có phần do tuyên truyền vận động, tác động của Hội còn yếu. Khó khăn về tài chính là khó khăn chung của các Hội quần chúng – những tổ chức phải tự lo kinh phí để hoạt động, không được ngân sách cấp. Hoạt động bảo vệ người tiêu dùng mang lại lợi ích cho mọi thành viên trong xã hội chứ không chỉ cho hội viên của từng Hội, do đó, tuy thấy đây là việc cần làm, nhưng nhiều Hội hiện nay do kinh phí rất hạn hẹp chỉ có thể triển khai được những hoạt động liên quan trực tiếp đến chức năng của hội mình.

Một phần của tài liệu Bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng theo pháp luật dân sự Việt Nam (Trang 84 - 87)