Ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Một phần của tài liệu Bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng theo pháp luật dân sự Việt Nam (Trang 87 - 92)

Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đã thông qua được một hoặc nhiều văn bản pháp luật về người tiêu dùng. Ở Ấn Độ đạo luật bảo vệ người tiêu dùng đã đuợc thông qua từ năm 1986, Trung Quốc cũng thông qua Luật Bảo vệ các quyền của người tiêu dùng năm 1993. Các nước cũng đã thành lập cơ quan chuyên trách của chính phủ chịu trách nhiệm thực hiện các hoạt động thúc đẩy, tuyên truyền nâng cao nhận thức và bảo vệ người tiêu dùng.

Điển hình là Mỹ với rất nhiều luật, bao gồm luật của liên bang và các bang khác nhau để bảo vệ người tiêu dùng. Những luật này được áp dụng cho

hầu như mọi sản phẩm sản xuất, phân phối hay bán trên thị trường. Mỗi đạo luật bảo vệ người tiêu dùng được thực thi và giám sát bởi một cơ quan chính phủ liên bang. Đơn cử như Uỷ ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng Hoa Kỳ (CPSC) là một cơ quan liên bang độc lập được thành lập nhằm bảo vệ người dân trước nguy cơ bị thương hay tử vong liên quan đến các sản phẩm tiêu dùng. Những vụ mà CPSC từng thụ lý như thu hồi 150.000 lò sưởi điện của một nhà máy ở Chicago hồi năm 2004, do các mối nối điện bên trong lò sưởi có thể bị lỏng dẫn đến các bộ phận kim loại của lò sưởi có thể bị nhiễm điện gây nguy hiểm cho người dùng. Phạt công ty sản xuất đồ chơi ở Los Angeles 1,1 triệu USD do lỗi không báo cáo về khuyết tật của loại xe đồ chơi có bánh chạy bằng ăcquy hồi năm 2001 … Thông điệp từ các vụ việc này không gì khác hơn là “quyền lợi của người tiêu dùng phải là số một”. Bên cạnh đó, việc xử lý mạnh tay đối với những sản phẩm vi phạm an toàn sẽ giúp người tiêu dùng nhận thức được rằng họ luôn được bảo vệ.

Các nguồn luật bảo vệ người tiêu dùng bao gồm các luật của liên bang và các bang. Hoa Kỳ theo hệ thống pháp luật Anh - Mỹ (common law system - hệ thống thông luật) nên các phán quyết của toà án diễn giải các luật bảo vệ người tiêu dùng cũng trở thành luật.

Chẳng hạn, theo thông luật bảo vệ người tiêu dùng (Common Law Consumenr Protection), còn gọi là Luật về trách nhiệm đối với sản phẩm (Products Liability Law), cơ quan luật pháp Hoa Kỳ yêu cầu các nhà sản xuất, phân phối và bán lẻ phải có trách nhiệm đối với thương tật và thiệt hại do những khuyết tật của sản phẩm gây ra cho người sử dụng hoặc những người ở gần sản phẩm đó. Trách nhiệm sản phẩm thường dựa trên các nguyên tắc pháp lý về sự bất cẩn, vi phạm bảo hành hoặc trách nhiệm tuyệt đối. Theo nguyên tắc “trách nhiệm tuyệt đối”, nhà sản xuất, phân phối hay bán lẻ có thể phải chịu trách nhiệm đối với những thương tật do khuyết tật của sản phẩm gây ra, bất kể đã áp dụng các biện pháp đề phòng. Nói chung, khi nói đến trách nhiệm sản phẩm, người ta phân thành 03 loại khuyết tật: khuyết tật sản xuất (khi sản phẩm sai

lệch với thiết kế gốc mặc dù đã thực hiện tất cả những biện pháp cẩn trọng trong quá trình sản xuất và marketing); lỗi thiết kế (khi thiệt hại do sản phẩm gây ra có thể tránh được hoặc giảm nhẹ bằng một mẫu thiết kế hợp lý khác); và lỗi cảnh báo không đầy đủ (khi thiệt hại nhẽ ra có thể tránh hoặc giảm nhẹ bằng việc sử dụng những chỉ dẫn hay cảnh báo phù hợp). Mặc dù dây là những cách thông thường nhất để quyết định có hay không khuyết tật sản phẩm, song luật của các bang có thể khác nhau trong việc quyết định khuyết tật sản phẩm.

Một số ví dụ thực tiễn áp dụng Luật về trách nhiệm đối với sản phẩm ở Hoa Kỳ: Một bồi thẩm đoàn ở hạt San Diego ngày 03/06/2004 đã ra phán quyết buộc một hãng xe hơi Hoa Kỳ phải trả cho một phụ nữ bị tai nạn khi lái xe do hãng này sản xuất số tiền kỷ lục là gần 369 triệu USD, gồm 246 triệu tiền phạt và 122,6 triệu tiền bồi thường. Theo luật sư của bên nguyên trong vụ kiện này, một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn thuộc về lỗi kỹ thuật thiết kế xe. Chiếc xe có trọng tâm cao, có khoảng cách giữa bánh xe trước và sau hẹp khiến người lái khó kiểm soát được tay lái trong những lúc quẹo cua gắt. Vì thế vào tháng 1/2002, trên xa lộ liên bang phía đông San Diego, chủ nhân chiếc xe bị tai nạn này đã tránh một chướng ngại vật trên đường và bị mất kiểm soát tay lái dẫn đến xe bị lật mấy vòng. Khi xe bị lật mui xe đã sụp xuống đè lên người nạn nhân làm bà ta bị liệt nửa người.

Không chỉ nhà sản xuất, mà các nhà phân phối và bán lẻ những sản phẩm có khuyết tật cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm một cách nghiêm khắc. Trong những trường hợp nhất định, các nhà phân phối và bán lẻ có thể chuyển trách nhiệm cho nhà sản xuất. Do vậy, việc soạn thảo hợp đồng và đơn mua hàng một cách cẩn thận có vai trò quan trọng trong vấn đề này. Nhà sản xuất, phân phối và bán lẻ có thể được giảm nhẹ hoặc thậm chí miễn trách trong một số trường hợp, ví dụ như trong trường hợp khách hàng sử dụng sai hoặc thay đổi sản phẩm.

Trong thời gian tới, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chỉ khi có luật và trên cơ sở đó có các văn bản dưới luật, các văn bản pháp quy khác để điều chỉnh thì các cơ quan thực thi pháp luật

mới có cơ sở triển khai thực hiện, sức mạnh của bộ máy chính trị mới phát huy tác dụng. Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm xây dựng pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các nước trên thế giới, kế thừa những quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm của Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 1999, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nên tập trung điều chỉnh các nội dung: Hệ thống các quyền của ngừơi tiêu dùng và những trách nhiệm của cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ; Các hành vi thương mại không lành mạnh như hành vi thông tin gian dối, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, cưỡng ép người tiêu dùng …; Các vấn đề về hợp đồng tiêu dùng, trong đó có quy định về điều khoản hợp đồng không công bằng, ngôn ngữ hợp đồng, bảo hành và một số loại hợp đồng tiêu dùng đặc thù như hợp đồng bán hàng trực tiếp, hợp đồng cung ứng dịch vụ liên tục, hợp đồng bán hàng từ xa …; Các vấn đề về trách nhiệm sản phẩm (phân chia trách nhiệm chịu rủi ro trong quá trình tiêu dùng sản phẩm); Cơ quan chuyên trách về bảo vệ người tiêu dùng và các quyền năng của cơ quan này, nhất là quyền thanh tra, kiểm tra, quyền xử lý vi phạm; Các biện pháp chế tài và trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp chế tài, trong dó cần bổ sung các loại chế tài như cảnh báo, công bố công khai hành vi vi phạm, khuyến nghị phương thức chấp hành pháp luật …; Các quy định về Hội bảo vệ người tiêu dùng, trong đó cần nêu rõ cơ chế hỗ trợ tài chính cho các Hội này hoạt động.

Để pháp luật bảo vệ người tiêu dùng được thực thi hiệu quả, Nhà nước và pháp luật phải phát huy được vai trò cơ bản và chủ động của từng người tiêu dùng trong việc tự bảo vệ và thiết lập các cơ chế để họ thực hiện quyền năng của mình một cách tích cực. Bởi lẽ, pháp luật chỉ có thể đem lại giá trị thực tế khi người tiêu dùng nhận biết và có khả năng vận dụng một cách hiệu quả quyền năng của mình. Nhà nước không thể tự cho mình hoặc tự thành lập những tổ chức có vai trò bảo vệ người tiêu dùng, trong khi chính người được bảo vệ không nhận biết và không có được môi trường để thực hiện quyền tự vệ. Sự thiếu hiểu biết pháp luật của người tiêu dùng lại tạo nên cơ hội cho doanh

nghiệp thực hiện hành vi vi phạm. Như một tất yếu, khi người tiêu dùng không nhận thức trọn vẹn địa vị pháp lý của mình và không thể tự vệ, sẽ xuất hiện hiện tượng coi thường pháp luật từ các doanh nghiệp; thái độ thờ ơ, lãnh cảm trước pháp luật và sự cam chịu của người tiêu dùng. Để thay đổi được thực trạng, cần có những cải cách mang tính đột phá về hình thức và nội dung của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đang được xây dựng. Trong pháp luật hiện hành, công thức chung của các quy định về địa vị pháp lý của chủ thể thường là liệt kê các quyền, nghĩa vụ hoặc trách nhiệm. Sự liên kết không giải thích hoặc không được cụ thể hoá bằng cơ chế thực thi thích hợp đã làm cho các quy định của pháp luật trở thành những tuyên ngôn không có giá trị thi hành trên thực tế. Đặc thù của lĩnh vực pháp luật này là các quyền của người tiêu dùng phát sinh và được thực hiện chủ yếu trong quan hệ giữa từng cá nhân có nhu cầu tiêu dùng với doanh nghiệp hoặc với các cơ quan nhà nước khi có khiếu nại, khiếu kiện. Do đó, với nguyên lý đối ứng, quyền của người tiêu dùng chỉ được tôn trọng khi pháp luật có cơ chế hợp lý ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp, của các cơ quan nhà nước, các cán bộ có liên quan một cách chi tiết, cụ thể. Ví dụ, quyền được thông tin của người tiêu dùng chỉ được thực hiện trên thực tế khi pháp luật xác định cụ thể nội dung minh bạch thông tin của các doanh nghiệp liên quan đến sản phẩm mà họ cung cấp. Đương nhiên, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không thể dự liệu tất cả các vấn đề và cơ chế ràng buộc trách nhiệm cho doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực của nền kinh tế. Mỗi lĩnh vực với đặc thù riêng về sản phẩm và cách thức cung cấp, tiêu thụ sẽ có những quy chuẩn khác nhau cho doanh nghiệp và những người có liên quan trong việc cung cấp thông tin. Vì vậy, xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phải được thực hiện đồng thời với công tác rà soát hệ thống pháp luật hiện hành có liên quan để khi ghi nhận một quyền năng nào đó cho người tiêu dùng cần dự liệu những nguyên tắc cho việc hoàn thiện cơ chế thực thi ở những lĩnh vực pháp luật tương ứng. Bên cạnh đó, việc nâng cao nhận thức pháp lý cho người tiêu dùng cần được thực hiện bằng các biện pháp tuyên truyền, giáo dục hiệu quả. Đầu tư cho các cuộc hội thảo

khoa học về vấn đề này có lẽ chỉ giải quyết các yêu cầu mang tính chiến lược, định hướng cho công tác xây dựng pháp luật và hoàn thiện cơ chế thực thi. Giá trị thực tế của một đạo luật hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ và sự hợp tác của các chủ thể là đối tượng áp dụng của đạo luật đó. Vì vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật vẫn còn là một nhu cầu cấp thiết trong điều kiện hiện nay.

Một phần của tài liệu Bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng theo pháp luật dân sự Việt Nam (Trang 87 - 92)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)