Vấn đề khiếu nại và bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng

Một phần của tài liệu Bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng theo pháp luật dân sự Việt Nam (Trang 83 - 84)

Theo pháp luật Việt Nam hiện hành, trong quá trình mua và sử dụng hàng hoá, dịch vụ nếu người tiêu dùng phát hiện ra hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng được đo lường không chính xác … thì người tiêu dùng có 3 kênh để có thể khiếu nại. Đó là khiếu nại trực tiếp tới nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà cung cấp dịch vụ; khiếu nại tới Ban Bảo vệ người tiêu dùng (thuộc Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương) hoặc Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở địa phương và khiếu nại tới cấp Toà án, nếu như không thoả mãn cách giải quyết của những cơ quan đơn vị nói trên. Như vậy, theo luật định có 4 chủ thể lớn bảo vệ quyền lợi và giải quyết các tranh chấp, khiếu nại của người tiêu dùng bao gồm: nhà sản xuất, kinh doanh, phân phối; cơ quan quản lý Nhà nước; Toà án và các cơ quan liên quan; Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các Hiệp hội ngành hàng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng chính là một chủ thể để bảo vệ quyền lợi và giải quyết các tranh chấp, khiếu nại của chính mình thông qua việc hiểu và nắm vững quyền của người tiêu dùng, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người tiêu dùng và có kiến thức, hiểu biết về tiêu dùng.

Quan điểm của các cơ quan quản lý Nhà nước về người tiêu dùng cho thấy, nếu quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng bị xâm phạm thì việc khiếu nại của người tiêu dùng là hoàn toàn chính đáng và được khuyến khích. Bởi vì chính việc bảo vệ các quyền và lợi ích của người tiêu dùng sẽ là một động lực để phát triển kinh tế – xã hội, đạo đức xã hội, xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của người tiêu dùng ở nước ta chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn. Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa chú trọng lắng nghe và tiếp thu ý kiến của người tiêu dùng, đặc biệt trong việc thực hiện cam kết bảo hành, giải quyết khiếu nại từ phía người tiêu dùng. Trong thực tế

khi nhận đơn khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến hàng hoá, dịch vụ do mình cung cấp, một số doanh nghiệp chưa có biện pháp xử lý và bồi thường thiệt hại một cách kịp thời và hợp lý. Trong nhiều trường hợp, do chưa ý thức được đầy đủ quyền và trách nhiệm xã hội của mình, do tâm lý ngại đấu tranh, ngại tranh chấp, ngại phiền hà nên nhiều người tiêu dùng còn bỏ qua quyền được khiếu nại. Một số người tiêu dùng chỉ lên tiếng khi bị thiệt thòi với giá trị kinh tế lớn hoặc khi một nhóm lớn các người tiêu dùng cùng chịu thiệt thòi. Người tiêu dùng, khi có các vấn đề cần khiếu nại, còn rất lúng túng không biết cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết khiếu nại của mình và thủ tục giải quyết như thế nào. Hơn nữa, người tiêu dùng còn có tâm lý e ngại các thủ tục pháp lý và các chi phí khởi kiện ra toà dân sự. Chính vì vậy, trong thời gian tới cần phân định rõ hơn nữa và triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan nhà nước có liên quan ở trung ương và địa phương.

Một phần của tài liệu Bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng theo pháp luật dân sự Việt Nam (Trang 83 - 84)