Những vấn đề gì đang còn tồn tại trong pháp luật dân sự Việt Nam về bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng và đòi hỏi có sự tập trung giải quyết? Có nhiều vấn đề có thể nêu ra ở đây, những nổi bật nhất là những vấn đề sau:
3.1.1. Hệ thống pháp luật bảo vệ người tiêu dùng về vấn đề này còn chưa hoàn thiện chưa hoàn thiện
Từ khi tiến hành mở cửa cải cách kinh tế đến nay, nước ta đã lần lượt ban hành nhiều luật liên quan đến việc bảo vệ người tiêu dùng như: Pháp lệnh bảo vệ người tiêu dùng, Pháp lệnh đo lường, pháp lệnh quảng cáo, một số điều trong Luật thương mại, những điều khoản chống sản xuất và buôn bán hàng giả trong Bộ luật Dân sự (Điều 12, 759, 796, 801, 803, 804, 805) và Bộ luật Hình sự (Điều 156, 157, 158, 171) … Tuy việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được quan tâm hơn, nhưng vẫn còn chưa đầy đủ, thể hiện ở các mặt sau: (i) Trước hết, hệ thống pháp luật bảo vệ người tiêu dùng chưa hoàn thiện, còn vừa thiếu và vừa yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của đời sống kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhiều vấn đề luật pháp còn giản lược, nhiều vấn đề còn chưa có luật pháp điều chỉnh như là: Luật quản lý giá, Luật chống độc quyền và khuyến khích cạnh tranh … Do đó, việc thực thi luật pháp để bảo vệ người tiêu dùng còn gặp nhiều khó khăn; (ii) Hai là, chưa có những biện pháp và chính sách đặc biệt để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, như chưa có luật về hợp đồng dân sự nói chung, đặc biệt như luật về hàng tiêu dùng bán trả góp, bán chịu, dịch vụ du lịch, mua bán hoặc cho thuê nhà cửa …