Hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm xử lý các vi phạm của doanh nghiệp

Một phần của tài liệu Bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng theo pháp luật dân sự Việt Nam (Trang 92 - 94)

doanh nghiệp

Các quy định về xử lý các vi phạm của doanh nghiệp cần lưu ý đến chủ thể thực hiện hành vi. Cách tiếp cận của pháp luật hiện hành là cố gắng liệt kê đầy đủ những kiểu vi phạm và dự liệu mức xử lý thích đáng. Điều 7 Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã liệt kê 04 loại hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng là sản xuất kinh doanh hàng cấm, hàng giả; sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường, nguy hại đến tính mạng, sức khoẻ của con người, trái với thuần phong mỹ tục; thông tin quảng cáo sai sự thật; các hành vi vi phạm khác nhằm lừa dối người tiêu dùng. Bên cạnh đó, nhiều văn bản pháp luật trong các lĩnh vực cạnh tranh, khuyến mại, quảng cáo … có các quy định nghiêm cấm hành vi của các tổ chức, cá nhân kinh doanh xâm phạm lợi ích người tiêu dùng. Pháp luật bảo vệ người tiêu dùng nên bổ sung thêm và làm rõ về từng hành vi vi phạm. Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực xây dựng các quy định đầy đủ và rõ ràng về vấn đề này, pháp luật cũng cần phân hoá cách xử lý theo đối tượng thực hiện hành vi. Với những đối tượng khác nhau, cách thức vi phạm, mức độ và phạm vi xâm hại sẽ khác nhau nên cách thức xử lý không thể giống nhau.

Dưới góc độ cạnh tranh, hệ thống doanh nghiệp Việt Nam đang bị phân hoá theo mức độ và khả năng chi phối thị trường. Thực tế và lý luận đã cho thấy, vị trí của người tiêu dùng trước doanh nghiệp giảm dần khi khả năng chi phối thị trường tăng lên. Trước những doanh nghiệp có quyền lực thị trường, người tiêu dùng luôn yếu thế do thiếu kinh nghiệm và bị hạn chế quyền lựa chọn. Nhu cầu

của họ bị lệ thuộc vào mức độ cung ứng của doanh nghiệp. Thế nên, phản ứng của tập thể và của từng cá nhân người tiêu dùng cũng yếu ớt và mờ nhạt hơn trước sự vi phạm của nhà độc quyền hoặc thống lĩnh so với vi phạm của các doanh nghiệp bình thường. Thậm chí, có thể xuất hiện những thái độ bất chấp dư luận của các doanh nghiệp độc quyền hoặc thống lĩnh. Đâu đó đã có hiện tượng doanh nghiệp tận dụng vị trí thống lĩnh hoặc độc quyền để bóc lột người tiêu dùng. Thậm chí, một vài doanh nghiệp còn khai thác cơ chế chủ quản để hợp pháp hoá hoặc duy trì những điều kiện giao dịch không có lợi cho người tiêu dùng … Qua các vụ việc về hành vi làm sai lệch cơ chế đo lường của điện kế điện tử tại Thành phố Hồ Chí Minh, của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, liên minh duy trì giá vận tải của các doanh nghiệp taxi, các doanh nghiệp vận tải hành khách, vận tải hàng hoá … cho thấy phạm vi chịu thiệt hại khá lớn và mức độ thiệt hại không nhỏ. Nguy hại hơn là lòng tin của người dân vào năng lực quản lý của Nhà nước có phần suy giảm. Cơ chế xử lý vi phạm sẽ không có được kết cục tốt đẹp cho xã hội nếu được áp dụng chung cho mọi loại doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp có hay không có quyền lực thị trường. Với khả năng chi phối thị trường, các tập đoàn, nhóm doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp thống lĩnh, doanh nghiệp độc quyền hoàn toàn có đủ điều kiện tác động đến quyết định của người tiêu dùng bởi nhu cầu của họ đang bị lệ thuộc vào doanh nghiệp. Chưa kể đến khả năng doanh nghiệp sử dụng các quan hệ có sẵn chi phối các quyết định của người có thẩm quyền xử lý. Như vậy, việc xử lý các hành vi vi phạm đơn lẻ của một vài doanh nghiệp sẽ đơn giản hơn so với các doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh hoặc so với việc xử lý các thoả thuận bóc lột người tiêu dùng của nhiều doanh nghiệp hoạt động trên cùng thị trường liên quan. Khi quyền lựa chọn còn trong tay người tiêu dùng, sự phản ứng của tập thể có thể là cơ chế tự vệ hiệu quả. Ngược lại, người tiêu dùng sẽ không còn khả năng tự vệ khi bị mất quyền lựa chọn. Với cùng một hành vi, mức độ và phạm vi thiệt hại sẽ khác nhau tuỳ theo người thực hiện có hoặc không có vị trí thống lĩnh thị trường. Thế nên, pháp luật khó phát huy được giá trị điều chỉnh nếu quy trình xử lý, thẩm

quyền xử lý và các biện pháp xử lý không phân hoá theo chủ thể vi phạm. Một mức xử phạt nào đó có thể đủ để răn đe đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng lại không có tác dụng khi áp dụng cho doanh nghiệp thống lĩnh hoặc độc quyền.

Vì những lý do nêu trên, trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng không thể trao tuyệt đối cho một đạo luật và một cơ quan duy nhất nào đó. Cần có sự phối hợp nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau để xử lý vi phạm tuỳ theo đối tượng thực hiện hành vi, đặc biệt phải lưu ý đến quan hệ giữa pháp luật cạnh tranh và pháp luật về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Luật Cạnh tranh với các thiết chế đặc dụng có thể điều tiết và xử lý hành vi của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, doanh nghiệp độc quyền và các thoả thuận hạn chế cạnh tranh xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng. Hiện nay, các quy định của Luật Cạnh tranh năm 2004 về kiểm soát hành vi hạn chế cạnh tranh cũng đã quan tâm đến việc bảo vệ người tiêu dùng bằng các quy định cấm đoán các hành vi ấn định giá mua, giá bán bất hợp lý, ấn định giá bán lại; hành vi phân chia thị trường để tạo lập vị thế độc quyền cục bộ; hành vi chi phối cung cầu của thị trường … Tuy nhiên, vẫn tồn tại những hành vi bị bỏ sót như phân biệt đối xử hoặc áp đặt các điều kiện mua bán hoặc các nghĩa vụ không liên quan đến đối tượng của hợp đồng mà người bị thiệt hại là người tiêu dùng. Vì thế, bên cạnh việc xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cần phải rà soát các quy định của Luật Cạnh tranh (tương tự với những văn bản khác có liên quan) để phát huy hiệu quả của cả hệ thống pháp luật trong việc duy trì sự công bằng cho người tiêu dùng.

Một phần của tài liệu Bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng theo pháp luật dân sự Việt Nam (Trang 92 - 94)