Chấp nhận chào hàng

Một phần của tài liệu pháp luật về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (Trang 39 - 40)

5. Bố cục của đề tài

2.2.1.2. Chấp nhận chào hàng

Chấp nhận chào hàng là sự thể hiện ý chí của người được chào hàng đồng ý với những đề nghị của người chào hàng. Về bản chất, chấp nhận chào hàng chính là chấp nhận giao kết hợp đồng. Chấp nhận chào hàng có thể được thực hiện bằng lời nói hoặc hành vi cụ thể.

Một sự chấp nhận chỉ có giá trị làm phát sinh quan hệ hợp đồng khi người chào hàng nhận biết được sự chấp nhận của người được chào hàng thông qua lời tuyên bố hoặc bằng hành vi biểu thị sự đồng ý của mình đối với nội dung của chào hàng. Như vậy, sự im lặng hoặc không hành động của người được chào hàng sẽ không mặc nhiên được hiểu là chấp nhận.37 Theo quy định của CISG, chấp nhận chào hàng sẽ có hiệu lực kể từ thời điểm người chào hàng nhận được chấp nhận của người được chào hàng. Chấp nhận chào hàng sẽ không phát sinh hiệu lực nếu như không được gửi tới người chào hàng trong thời hạn mà người này đã quy định trong chào hàng. Trường hợp người chào hàng không có quy định về thời hạn trả lời trong chào hàng thì thời hạn đó sẽ được xác định trong một thời hạn hợp lý xét theo các tình tiết của sự giao dịch.

Như đã nói ở trên, chấp nhận chào hàng có hiệu lực từ khi người chào hàng nhận được chấp nhận. Tuy nhiên, không phải sự chấp nhận nào cũng có giá trị pháp lý, một chấp nhận chỉ có giá trị pháp lý khi nó thỏa mãn hai yêu cầu sau:

Một là, chấp nhận phải vô điều kiện, là sự chấp nhận hoàn toàn của người được chào hàng đối với nội dung chào hàng mà người chào hàng đưa ra. Theo quy định của Công ước, trong trường hợp người được chào hàng có khuynh hướng chấp nhận chào hàng nhưng có đưa ra một số điều khoản bổ sung hay những điều khoản khác thì việc chấp nhận này cũng có giá trị như chấp nhận vô điều kiện, nếu như những điều kiện này không làm thay đổi nội dung cơ bản của chào hàng.38

Hai là, chấp nhận phải được gửi cho người chào hàng trong thời hạn đã ghi trong chào hàng hoặc trong thời gian hợp lý.39

Tính hợp lý về mặt thời gian được xác định như sau:

- Nếu chào hàng bằng miệng thì phải được chấp nhận ngay (trừ các trường hợp đặc biệt);

37

Khoản 1 điều 18 Công ước Viên 1980.

38 Khoản 2 điều 19 Công ước Viên 1980.

- Nếu chào hàng bằng các phương tiện thông tin khác thì thời gian hợp lý là thời gian có tính đến các tình tiết của giao dịch như tốc độ của các phương tiện liên lạc mà người chào hàng đã sử dụng;

- Nếu chấp nhận chào hàng có ngày cuối cùng rơi vào ngày nghỉ hay ngày lễ thì sẽ được kéo dài tới ngày làm việc đầu tiên kế tiếp các ngày đó.

Ngoài ra, một chấp nhận chào hàng chậm trễ vẫn có hiệu lực nếu được người chào hàng chấp nhận hoặc không bày tỏ ý chí phản đối.40 Sự chấp nhận chậm trễ do lỗi của người được chào hàng sẽ không mặc nhiên có giá trị mà chỉ có giá trị khi được người chào hàng bày tỏ ý chí chấp nhận. Đối với sự chấp nhận chậm trễ do những yếu tố khách quan thì sẽ mặc nhiên có hiệu lực nếu người chào hàng không bày tỏ ý chí phản đối ngay lập tức.

Chấp nhận chào hàng có thể bị hủy bỏ nếu thông báo không chấp nhận chào hàng tới người chào hàng trước hoặc cùng một lúc với chấp nhận. Quy định này được áp dụng trong trường hợp người được chào hàng đã chấp nhận chào hàng và bày tỏ quan điểm đó bằng một thông báo chính thức gửi đến người chào hàng nhưng ngay sau đó, vì lý do gì đó mà họ thay đổi ý kiến là không chấp nhận chào hàng và gửi thông báo hủy cho người chào hàng.

Một phần của tài liệu pháp luật về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (Trang 39 - 40)