Các hình thức trách nhiệm do vi phạm

Một phần của tài liệu pháp luật về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (Trang 66)

5. Bố cục của đề tài

2.5.2. Các hình thức trách nhiệm do vi phạm

2.5.2.1. Các hình thức trách nhiệm do vi phạm theo quy định của CISG

Theo quy định của CISG, các hình thức trách nhiệm do vi phạm bao gồm: - Buộc thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng

Buộc thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng là việc bên có quyền lợi bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm phải thực hiện đúng theo quy định của hợp đồng đã thỏa thuận hoặc áp dụng các biện pháp khác để hợp đồng được thực hiện.

Theo quy định tại điều 46 của CISG, khi người bán vi phạm nghĩa vụ thì người mua có quyền yêu cầu người bán phải thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng, trừ phi người mua sử dụng một biện pháp bảo hộ pháp lý không phù hợp với yêu cầu đó. Trong trường hợp hàng hóa không phù hợp với hợp đồng, người mua có quyền yêu cầu người bán phải giao hàng thay thế nếu sự không phù hợp đó tạo thành một sự vi phạm cơ bản hợp đồng. Mặt khác, nếu xét thấy cần thiết, người mua còn có quyền yêu cầu người bán phải loại bỏ sự không phù hợp của hàng hóa đối với hợp đồng, trừ trường hợp khi điều này không hợp lý xét theo tất cả các tình tiết. Yêu cầu về việc thay thế hoặc loại bỏ sự không phù hợp của hàng hóa chỉ có hiệu lực khi được đặt ra cùng một lúc với việc thông báo những dữ kiện chiếu theo điều 39 của CISG hoặc trong một thời hạn hợp lý sau đó.

Bên cạnh đó, điều 61 của CISG quy định trong trường hợp người mua không thực hiện một nghĩa vụ nào đó thì người bán có thể yêu cầu người mua trả tiền, nhận hàng hay thực hiện các nghĩa vụ khác, trừ phi họ sử dụng một biện pháp bảo hộ pháp lý khác không thích hợp với các yêu cầu đó.

Khi áp dụng chế tài buộc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, CISG quy định rằng bên bị vi phạm có thể cho bên vi phạm một thời hạn bổ sung hợp lý để thực hiện nghĩa vụ. Đồng thời, trừ phi bên bị vi phạm đã được bên vi phạm thông báo rằng sẽ không thực hiện nghĩa vụ, bên bị vi phạm không được sử dụng đến bất cứ biện pháp bảo hộ pháp lý nào khác trước khi thời hạn bổ sung kết thúc. Tuy nhiên, bên bị vi phạm sẽ không mất quyền yêu cầu bên vi phạm phải bồi thường thiệt hại do bên vi phạm chậm trễ trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình.

- Hủy hợp đồng

Trong thực tiễn hoạt động thương mại, hủy hợp đồng là biện pháp chế tài được áp dụng khi việc áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng không còn ý nghĩa. Khi áp dụng chế tài hủy hợp đồng, hợp đồng sẽ không còn hiệu lực kể từ thời điểm ký kết.

Theo quy định của CISG, bên bị vi phạm có thể tuyên bố hủy hợp đồng nếu bên vi phạm có sự vi phạm về điều kiện chủ yếu của hợp đồng. Ngoài ra, bên bị vi phạm còn có thể hủy hợp đồng khi bên vi phạm không thực hiện nghĩa vụ theo quy định của hợp đồng trong trường hợp bên bị vi phạm đã cho thêm một thời hạn để thực hiện nghĩa vụ nhưng họ đã không thực hiện hoặc tuyên bố không thực hiện nghĩa vụ trong thời hạn được gia hạn này.

Khi áp dụng chế tài hủy hợp đồng, CISG quy định bên hủy hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc hủy hợp đồng, nếu không thông báo ngay mà gây thiệt hại cho bên kia thì bên hủy hợp đồng phải bồi thường thiệt hại nếu có. Trong trường hợp chưa kịp thông báo ngay cho bên vi phạm nhưng bên vi phạm đã thực hiện nghĩa vụ thì bên bị vi phạm mất quyền hủy bỏ hợp đồng.

Việc hủy hợp đồng sẽ làm phát sinh một số hậu quả pháp lý như giải phóng các bên khỏi nghĩa vụ của mình được quy định trong hợp đồng, trừ những khoản bồi thường mà bên vi phạm phải gánh chịu có thể có. Việc hủy hợp đồng có liên quan đến hiệu lực của các quy định của hợp đồng về giải quyết tranh chấp hay liên quan đến các quyền và nghĩa vụ các bên trong trường hợp hợp đồng bị hủy. Khi hợp đồng bị hủy, bên nào đã thực hiện toàn bộ hay một phần nghĩa vụ hợp đồng thì có thể yêu cầu bên kia hoàn lại những gì đã được giao hay đã được thanh toán khi thực hiện hợp đồng. Nếu cả hai bên đều bị buộc phải hoàn lại thì họ phải thực hiện nghĩa vụ này đồng thời.

- Bồi thường thiệt hại

Bồi thường thiệt hại là hình thức trách nhiệm do không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ hợp đồng, được tất cả các hệ thống pháp luật trên thế giới áp dụng. Theo quy định của CISG, nếu bên vi phạm hợp đồng gây ra thiệt hại cho bên bị vi phạm thì bên vi phạm có trách nhiệm phải bồi thường các thiệt hại đó. Thiệt hại này là tổng số các tổn thất mà bên bị vi phạm phải gánh chịu do hậu quả của việc vi phạm hợp đồng mà bên vi phạm đã gây ra, bao gồm: thiệt hại thực tế (hàng hóa bị mất mát, hư hỏng, các chi phí để khôi phục lại tình trạng hàng hóa,…) và các khoản lợi đáng lẽ được hưởng. Mức bồi thường thiệt hại không cao hơn mức tổn thất và khoản lợi được hưởng mà bên vi phạm nhìn thấy trước hoặc buộc phải nhìn thấy trước khi ký kết hợp đồng.90

Nguyên tắc tính các khoản thiệt hại:

+ Nếu sau khi hợp đồng bị hủy, trong thời gian hợp lý, người mua đã mua hàng thay thế hay người bán đã bán lại hàng thì thiệt hại trong trường hợp này được tính là khoản tiền chênh lệch giữa giá trong hợp đồng đã bị hủy và giá hàng mua thay thế hay bán lại hàng. (Điều 75)

+ Nếu sau khi hợp đồng bị hủy mà người mua không mua hàng thay thế hay người bán không bán lại hàng thì thiệt hại trong trường hợp này là phần chênh lệch giữa giá ấn định trong hợp đồng và giá vào thời điểm hủy hợp đồng. (Điều 76)

Khi yêu cầu bồi thường thiệt hại, bên bị vi phạm phải có nghĩa vụ chứng minh là có sự tổn thất và mức độ tổn thất do vi phạm nghĩa vụ hợp đồng gây ra. Còn khi có sự yêu cầu bồi thường thiệt hại, bên vi phạm không thể được miễn trách nhiệm do việc chứng minh mức độ thiệt hại gặp khó khăn. Bên cạnh đó, khi có sự vi phạm hợp đồng, bên bị thiệt hại có nghĩa vụ phải áp dụng những biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất kể cả khoản lợi đáng lẽ được hưởng phát sinh từ việc vi phạm hợp đồng. Nếu bên đòi bồi thường không áp dụng những biện pháp hợp lý trên thì bên vi phạm có thể yêu cầu giảm mức bồi thường thiệt hại bằng mức tổn thất đáng lẽ có thể hạn chế được.

2.5.2.2. Các hình thức trách nhiệm do vi phạm theo pháp luật Việt Nam

Điều 292 Luật Thương mại 2005 quy định, các biện pháp chế tài được áp dụng trong trường hợp một trong các bên của hợp đồng vi phạm nghĩa vụ bao gồm: buộc thực hiện đúng nghĩa vụ, phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại, các biện pháp tạm ngừng, đình chỉ, hủy hợp đồng và các biện pháp khác do các bên thỏa thuận. Khi xem xét các quy định về các biện pháp chế tài, có thể nhận thấy rằng khác với CISG, luật Việt Nam công nhận phạt vi phạm là một biện pháp chế tài do vi phạm hợp đồng. Bên cạnh đó, khác với Luật

Thương mại 1997, Luật Thương mại 2005 quy định thêm hai loại chế tài mới, đó là tạm ngừng thực hiện hợp đồng và đình chỉ thực hiện hợp đồng.

- Buộc thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng

Tương tự như CISG, luật Việt Nam quy định buộc thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm thực hiện đúng hợp đồng hoặc dùng các biện pháp khác để hợp đồng được thực hiện và bên vi phạm phải chịu các chi phí phát sinh.91 Căn cứ để áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng là có hành vi vi phạm hợp đồng và có lỗi của bên vi phạm. Hành vi vi phạm hợp đồng ở đây là các hành vi vi phạm các điều khoản về số lượng, chất lượng hàng hóa và yêu cầu kỹ thuật của công việc. Theo quy định của Luật Thương mại 2005, khi bên vi phạm giao thiếu hàng, cung ứng dịch vụ không đúng hợp đồng, bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bên vi phạm phải giao đủ hàng, cung ứng dịch vụ theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng. Nếu bên vi phạm giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ kém chất lượng thì bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bên vi phạm phải loại trừ khuyết tật của hàng hóa, thiếu sót của dịch vụ hoặc giao hàng khác thay thế, cung ứng dịch vụ theo đúng hợp đồng. Trường hợp bên vi phạm không thực hiện yêu cầu phải thực hiện hợp đồng, bên bị vi phạm có quyền mua hàng, nhận cung ứng dịch vụ của người khác để thay thế theo đúng loại hàng hóa, dịch vụ ghi trong hợp đồng thì bên vi phạm phải trả khoản tiền chênh lệch giá và chi phí liên quan nếu có. Bên bị vi phạm có quyền tự sửa chữa khuyết tật của hàng hóa, thiếu sót của dịch vụ và bên vi phạm phải trả các chi phí thực tế hợp lý. Bên bị vi phạm phải nhận hàng, nhận dịch vụ và thanh toán tiền hàng, thù lao dịch vụ nếu như bên vi phạm đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ trên.

Trường hợp bên vi phạm là bên mua thì bên bán có quyền yêu cầu bên mua trả tiền, nhận hàng hoặc thực hiện các nghĩa vụ khác của bên mua được quy định trong hợp đồng và trong Luật Thương mại 2005. Khi áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng, bên bị vi phạm có thể gia hạn một thời gian hợp lý để bên vi phạm thực hiện nghĩa vụ hợp đồng và không được phép áp dụng các chế tài khác (trừ chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại) trong thời gian này, trừ phi bên vi phạm đã tuyên bố không thực hiện đúng hợp đồng.

- Phạt vi phạm

Nếu như CISG không quy định phạt vi phạm như là một biện pháp chế tài do vi phạm hợp đồng thì theo quy định của pháp luật Việt Nam, phạt vi phạm cũng là một trong những biện pháp chế tài được áp dụng trong trường hợp xảy ra vi phạm hợp đồng. Theo

đó, bên vi phạm hợp đồng phải trả cho bên bị vi phạm khoản tiền nhất định theo thỏa thuận trong hợp đồng hoặc theo pháp luật quy định. Chế tài phạt vi phạm có mục đích chủ yếu là tác động vào ý thức của các chủ thể hợp đồng nhằm giáo dục ý thức tôn trọng hợp đồng, hạn chế tình trạng vi phạm hợp đồng. Với mục đích như vậy, phạt vi phạm được áp dụng một cách phổ biến đối với các vi phạm hợp đồng.

Theo điều 300 Luật Thương mại 2005, chế tài phạt vi phạm chỉ được áp dụng nếu như trong hợp đồng có thỏa thuận. Mặt khác, để áp dụng các hình thức chế tài phạt vi phạm, cần có hai căn cứ là có hành vi vi phạm hợp đồng và có lỗi của bên vi phạm.

Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp phạt vi phạm do kết quả giám định sai được quy định tại điều 266 Luật Thương mại 2005.92 Ở đây có một điều cần lưu ý, đó là Luật Thương mại 2005 đã giới hạn mức phạt vi phạm không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm. Điều này không phù hợp với thực tiễn hoạt động thương mại bởi vì trong trường hợp các bên có thỏa thuận mức phạt vi phạm thì dù thiệt hại có lớn bao nhiêu đi nữa thì bên vi phạm cũng chỉ phải trả tiền tối đa 8% giá trị nghĩa vụ bị vi phạm. Mặt khác, khi quy định về vấn đề phạt vi phạm, Bộ luật Dân sự 2005 không có giới hạn mức phạt vi phạm là bao nhiêu, điều này cho thấy sự không thống nhất giữa luật chung và luật chuyên ngành. Ngoài ra, Bộ luật Dân sự 2005 và Luật Thương mại 2005 còn không thống nhất khi xem xét mối quan hệ giữa phạt vi phạm với chế tài bồi thường thiệt hại. Bộ luật Dân sự 2005 quy định trong trường hợp các bên không có thỏa thuận về bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm chỉ phải nộp tiền phạt vi phạm.93

Trong khi đó, Luật Thương mại 2005 quy định rằng, trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.94 Sự không thống nhất này sẽ gây rất nhiều khó khăn cho thực tiễn áp dụng luật để giải quyết tranh chấp sau này.

- Bồi thường thiệt hại

Khác với phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại là hình thức chế tài được áp dụng nhằm khôi phục, bù đắp những lợi ích vật chất bị mất của các bên vi phạm hợp đồng mua bán. Giá trị thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng. Với mục đích này, bồi thường thiệt hại chỉ phát sinh khi có đủ các yếu tố như: có hành vi vi phạm hợp đồng, có thiệt hại thực tế và hành vi vi phạm hợp

92

Điều 301 Luật Thương mại 2005.

93 Khoản 3 điều 422 Bộ luật Dân sự 2005.

đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại.95 Về nguyên tắc, bên vi phạm hợp đồng phải bồi thường toàn bộ thiệt hại vật chất cho bên bị vi phạm. Tuy nhiên, như đã phân tích, các khoản thiệt hại đòi hỏi bồi thường phải nằm trong phạm vi được pháp luật chấp nhận.

Theo quy định tại điều 304 Luật Thương mại 2005, bên yêu cầu bồi thường thiệt hại có nghĩa vụ phải chứng minh tổn thất, mức độ tổn thất do hành vi vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm. Đồng thời, bên yêu cầu bồi thường thiệt hại còn có nghĩa vụ hạn chế tổn thất bằng cách áp dụng các biện pháp hợp lý; nếu như bên yêu cầu bồi thường thiệt hại không áp dụng các biện pháp đó thì bên vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu giảm bớt giá trị bồi thường thiệt hại bằng mức tổn thất đáng lẽ có thể hạn chế được.

Khi áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại, cần lưu ý mối quan hệ giữa phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại. Với bản chất của hợp đồng, các bên trong hợp đồng có quyền thỏa thuận về các hình thức chế tài phù hợp với các quy định của pháp luật. Các bên có quyền thỏa thuận về việc bên vi phạm chỉ phải nộp tiền phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa nộp tiền phạt vi phạm vừa bồi thường thiệt hại. Theo quy định của Luật Thương mại 2005, bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại trong trường hợp các bên không có thỏa thuận phạt vi phạm. Trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm, bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.96

- Tạm ngừng, đình chỉ và hủy hợp đồng

Tạm ngừng, đình chỉ và hủy hợp đồng đều là những hình thức chế tài được áp dụng trong trường hợp xảy ra vi phạm hợp đồng.

Tạm ngừng thực hiện hợp đồng là việc một bên tạm thời không thực hiện nghĩa vụ

Một phần của tài liệu pháp luật về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (Trang 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)