Thời điểm chuyển rủi ro theo CISG

Một phần của tài liệu pháp luật về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (Trang 59 - 61)

5. Bố cục của đề tài

2.4.2.1.Thời điểm chuyển rủi ro theo CISG

Về nguyên tắc, thời điểm chuyển rủi ro từ người bán sang người mua liên quan đến hai sự kiện pháp lý hoàn toàn khác nhau, đó là thời điểm chuyển quyền sở hữu và thời điểm giao hàng. Pháp luật của một số nước quy định rủi ro đối với hàng hóa được chuyển

từ người bán sang người mua đồng thời với việc chuyển quyền sở hữu. Trong khi đó, pháp luật một số nước khác lại quy định rủi ro được chuyển từ người bán sang người mua tại thời điểm người bán hoàn thành nghĩa vụ giao hàng theo quy định của hợp đồng.79

Còn theo CISG, việc xác định thời điểm chuyển rủi ro đối với hàng hóa từ người bán sang người mua được quy định rõ tại điều 67. Theo đó, trường hợp hợp đồng không có quy định rằng hàng hóa phải được giao tại một địa điểm nhất định thì thời điểm chuyển giao rủi ro từ người bán sang người mua là thời điểm kể từ khi hàng được giao cho người vận tải đầu tiên để chuyển hàng cho người mua theo quy định của hợp đồng. Trong trường hợp hợp đồng có quy định rõ hàng hóa phải được giao tại một địa điểm nhất định, thời điểm chuyển giao rủi ro đối với hàng hóa từ người bán sang người mua là khi hàng được giao cho người vận tải tại địa điểm nhất định đó.

Như vậy, việc xác định thời điểm chuyển rủi ro trong trường hợp này sẽ phụ thuộc vào từng phương thức giao hàng cụ thể. Tuy nhiên, rủi ro không được chuyển sang người mua nếu như hàng hóa không được đặc định hóa rõ ràng cho mục đích của hợp đồng bằng ký mã hiệu, bằng các chứng từ chuyên chở, bằng một thông báo gửi cho người mua hoặc bằng bất kỳ phương pháp nào khác.

Theo quy định tại điều 68 của CISG, trong trường hợp hàng hóa được bán trên đường vận chuyển, người mua sẽ phải chịu rủi ro từ thời điểm hàng hóa được giao cho người chuyên chở là người đã phát hành chứng từ xác nhận hợp đồng vận chuyển. Trừ trường hợp nếu vào lúc ký kết hợp đồng mua bán, người bán đã biết hoặc không thể không biết rằng hàng hóa đã bị mất mát hay hư hỏng nhưng không thông báo cho người mua.

Ngoài các trường hợp trên, rủi ro còn được chuyển sang người mua trong trường hợp họ chậm tiếp nhận hàng hoặc không chịu tiếp nhận hàng kể từ thời điểm mà theo quy định của hợp đồng, hàng hóa phải được đặt dưới sự định đoạt của người mua. Nếu như người mua bị ràng buộc phải nhận hàng tại một nơi khác với nơi có xí nghiệp thương mại của người bán thì rủi ro được chuyển giao cho người mua khi người bán thực hiện giao hàng đúng thời hạn quy định và người mua biết rằng hàng hóa đã được đặt dưới quyền định đoạt của họ tại nơi đó.80

Ở đây cần lưu ý rằng, thời điểm rủi ro đối với hàng hóa được chuyển từ người bán sang người mua là thời điểm mà người mua phải thực hiện nghĩa vụ nhận hàng được quy định trong hợp đồng chứ không phải là thời điểm người mua thực hiện hành vi nhận hàng trên thực tế.

79

Nguyễn Văn Luyện, Lê Thị Bích Thọ, Dương Anh Sơn, Giáo trình Luật Hợp đồng Thương mại quốc tế, Nxb. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2005, tr.194.

Một phần của tài liệu pháp luật về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (Trang 59 - 61)