5. Bố cục của đề tài
2.5. Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng
Khi một hợp đồng mua bán hàng hóa được xác lập có hiệu lực pháp luật, các bên trong hợp đồng phải thực hiện các nghĩa vụ đã thỏa thuận. Việc vi phạm các nghĩa vụ theo hợp đồng mua bán như không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ sẽ dẫn đến bên vi phạm phải chịu những chế tài do pháp luật quy định. Về bản chất, trách nhiệm do vi phạm hợp đồng mua bán là một dạng cụ thể của trách nhiệm pháp lý phát sinh trong lĩnh vực mua bán hàng hóa, nó có ba đặc điểm cơ bản sau:
Thứ nhất, được áp dụng trên cơ sở hành vi vi phạm hợp đồng mua bán có hiệu lực pháp luật;
Thứ hai, có nội dung gắn liền với việc thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc trách nhiệm về tài sản;
Thứ ba, do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền áp dụng hoặc do bên bị vi phạm áp dụng trên cơ sở pháp luật.
Chế định trách nhiệm do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa có nội dung chủ yếu là các quy định về căn cứ áp dụng trách nhiệm, các hình thức trách nhiệm và các trường hợp miễn trách nhiệm. Những quy định này có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong quan hệ hợp đồng mua bán cũng như đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật về hoạt động mua bán hàng hóa. Vai trò của chế định trách nhiệm do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa được thể hiện ở hai khía cạnh cơ bản sau:
Một là, chế định trách nhiệm do vi phạm hợp đồng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ hợp đồng mua bán. Đối với bên bị vi phạm, chế định trách nhiệm do vi phạm hợp đồng cho phép bên bị vi phạm tự mình hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng các hình thức trách nhiệm (chế tài) đối với bên vi phạm (buộc
thực hiện đúng hợp đồng, phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại, tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ hợp đồng, hủy bỏ hợp đồng). Bên cạnh đó, chế định trách nhiệm do vi phạm hợp đồng còn bảo vệ quyền lợi cho bên vi phạm, đảm bảo cho bên vi phạm chỉ phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại do pháp luật quy định.
Hai là, chế định trách nhiệm do vi phạm hợp đồng chủ trương áp dụng các biện pháp chế tài đối với mọi hành vi vi phạm hợp đồng (trừ trường hợp được miễn trách theo quy định của pháp luật hoặc bên bị vi phạm không yêu cầu áp dụng). Từ đó có tác dụng ngăn ngừa và hạn chế vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của các chủ thể hợp đồng trong việc thực hiện hợp đồng.