b. Nguyên tắc hoạt động ngày càng chặt chẽ hơn
2.2.2. Về phát triển thành viên
Ban đầu, “Nhóm Hiệp Ước Thượng Hải” ra đời năm 1996 chỉ với sự tham gia của năm nước thành viên. Gần năm năm sau, vào năm 2000, tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ năm của “Nhóm Hiệp ước Thượng Hải” được diễn ra tại Dushanbe, thủ đô của Tajikistan đã chấp nhận Uzbekistan là quan sát viên của “Cơ chế” này. Hội nghị Thượng đỉnh lần này còn có một cái tên khá thân mật là “Cuộc gặp Thượng đỉnh 5 + 1”, đây là lần họp cuối cùng của cơ chế “Nhóm Thượng Hải – 5” bởi vì vào Hội nghị Thượng đỉnh năm 2001, Uzbekistan đã được kết nạp trở thành thành viên chính thức và nâng “Nhóm Hiệp ước Thượng Hải” trở thành Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Rõ ràng, sự kết nạp này không đơn giản chỉ là một sự tăng số lượng đơn thuần, mà nó chứng tỏ rằng Tổ chức Hợp tác Thượng Hải đang bắt đầu trưởng thành hơn, trở thành một tổ chức kiện toàn hơn có tính mở trong khu vực.
Tính mở ở đây có nghĩa là S.C.O sẵn sàng kết nạp thêm thành viên vào tổ chức, với điều kiện tiên quyết là các nước đăng ký tham gia phải có đường biên giới gần kề với các nước thành viên của tổ chức này.
Hội nghị Thượng đỉnh năm 2004 lần đầu tiên thông qua việc cấp “Quy chế quan sát viên” cho các nước gồm Ấn Độ, Pakistan, Iran và Mông Cổ. Động thái này cho thấy rằng, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải luôn muốn mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình nhằm làm cho tổ chức trở lên lớn mạnh hơn nữa.
Năm 2006, trong cuộc tập trận có sự tham gia của thành viên thứ 7, đó là Iran. Điều này chứng tỏ các nước S.C.O đang có ý định muốn gia nhập thêm Iran trở thành thành viên chính thức. Tuy nhiên, năm 2010, Iran đã chịu lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc về vấn đề hạt nhân, nên ý định này đã bị gác lại.
Việc bàn bạc về khả năng mở rộng tổ chức vẫn thường được đưa ra trong các cuộc họp, bởi ngoài Iran, các nước khác như Pakistan hay Ấn Độ đều đã đệ đơn chính thức xin gia nhập S.C.O.
Trong Hội nghị Thượng đỉnh năm 2010, lần đầu tiên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải đã thông qua cơ sở pháp lý về việc kết nạp các quốc gia thành viên mới, văn bản quy phạm pháp luật sẽ xác định những tiêu chí và điều kiện để kết nạp thành viên mới vào tổ chức S.C.O. Theo đánh giá của Elena Ponomareva, thuộc Viện Quan hệ quốc tế Moscow, sự kiện này mang lại những ý nghĩa sau đây:
- Sự chấp nhận kết nạp các thành viên mới của S.C.O là một hướng đi tích cực. Tổ chức S.C.O đang bước vào giai đoạn mới, chuyển đổi thành một tổ chức không chỉ trong khu vực, mà còn là một tổ chức siêu quốc gia có thể cạnh tranh với các tổ chức khác như EU trong tương lai.
- Việc mở rộng của S.C.O sẽ thúc đẩy tiềm năng kinh tế của tổ chức. Vì thế, tác động chính trị tổ chức trên thế giới sẽ rất lớn.
- Việc thông qua cơ sở pháp lý để kết nạp chứng tỏ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải đã có bước đi đúng đắn về sự mở rộng của mình, không phải cứ đệ đơn là sẽ được gia nhập, những quy phạm này tỏ ra rất khắt khe, điều này chứng tỏ S.C.O rất thận trọng trong việc lựa chọn quốc gia thành viên mới. Nhiệm vụ chính của tổ chức S.C.O là giải quyết xung đột nội bộ của các quốc gia trong khối. Sự mở rộng mà không cân nhắc kỹ sẽ hủy hoại tổ chức, S.C.O tránh để mình rơi vào tình trạng của một tổ chức lỏng lẻo như APEC hay sự phức tạp của EU.
- Việc kết nạp các thành viên mới nói trên nếu được thực hiện sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với nỗ lực mở rộng ảnh hưởng và tăng cường vai trò của S.C.O trên trường quốc tế. Vì ngoài khu vực Trung Á, với việc kết nạp thêm các nước có vai trò nổi bật như Iran ở Trung Đông và Ấn Độ ở Nam Á, S.C.O có thể vươn tầm ảnh hưởng tới hai khu vực vốn nhiều bất ổn này. S.C.O có vai trò ngày càng nổi bật được đánh giá cao đối với an ninh ở Afganistan nên tổ chức này có vị trí quan trọng để đối thoại về an ninh ở Trung Á. Hiện nay, sứ mệnh của Mỹ ở Trung Đông và Afganistan đang ngày càng khó khăn. Mỹ và NATO khó có thể hóa giải
được tình hình bế tắc ở đây nếu không có sự trợ giúp của Nga, Trung Quốc, các nước Trung Á, Pa-ki-xtan, Ấn Độ và cả Iran nữa. Trong tình thế đó, vai trò của S.C.O càng trở nên nổi bật [59].