+ Thông tin văn hoá - nghệ thuật
Văn bản Đại hội IX đã nêu đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với cộng đồng NVNONN: "Đồng bào định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Đảng và Nhà nước chăm lo cung cấp thông tin về tình hình đất nước, bảo hộ quyền lợi chính đáng của đồng bào, nâng cao lòng yêu nước và trách nhiệm công dân, ý thức cộng đồng, tinh thần tự trọng và tự hào dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hoá và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, tôn trọng pháp luật nước sở tại và góp phần tăng cường đoàn kết hữu nghị với nhân dân các nước. Có những chính sách tạo điều kiện thuận lợi để kiều bào về thăm quê hương, mở mang các hoạt động văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, sản xuất kinh doanh, góp phần thiết thực xây dựng đất nước". Về công tác thông tin - văn hoá, ngày 28/6/2002, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị cho các cơ quan hữu quan khẩn trương thi hành các giải pháp thúc đẩy công tác thông tin, tăng cường cung cấp các sản phẩm văn hoá và cử các đoàn nghệ thuật ra nước ngoài phục vụ kiều bào.
Công tác văn hóa - nghệ thuật phục vụ cộng đồng NVNONN đã thu được những thành tựu mới với dấu ấn là lần đầu tiên Hội nghị chuyên về giữ
gìn bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc đã được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất (tháng 11/2009) với sự tham gia của đại diện kiều bào đến từ nhiều nước và đông đảo đại diện lãnh đạo bộ, ngành trong lĩnh vực này.
Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã cố gắng tổ chức đoàn văn nghệ đi phục vụ cộng đồng tại những nơi có đông người Việt Nam sinh sống (Thái Lan, Nga, Nhật Bản, Phần Lan, Đan Mạch …). Tại nhiều địa bàn, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật được cộng đồng tổ chức thường xuyên, gắn với các ngày lễ, tết của dân tộc và có sự tham gia của nhiều cơ quan, đoàn thể khác. Xu hướng đồng tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa, nghệ thuật với sự phối hợp giữa cộng đồng với cơ quan đại diện ta, các doanh nghiệp trở nên phổ biến. Các "Ngày Việt Nam", "Tuần Việt Nam", các sự kiện như Cầu truyền hình quốc tế hướng về Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội... nhận được sự hỗ trợ tích cực của các hội đoàn người Việt ở các nước sở tại. Kiều bào vừa là người hưởng thụ những món ăn tinh thần, vừa là người trực tiếp quảng bá, giới thiệu những giá trị văn hóa - nghệ thuật của Việt Nam tới nhân dân sở tại và bạn bè thế giới.
Bộ Văn hoá - Thông tin đã cử nhiều đoàn nghệ thuật đi biểu diễn, giao lưu ở nước ngoài, phục vụ cộng đồng người Việt. Bộ cũng đã phối hợp với Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài làm một số phim về cộng đồng và nhiều phim tài liệu nghệ thuật nói về văn hoá Việt Nam giới thiệu cho cộng đồng. Các hoạt động đó bước đầu đã đạt được một số kết quả như:
- Khơi dậy niềm tự tôn dân tộc, tự hào và tình yêu đối với quê hương, Tổ quốc của kiều bào.
- Giúp kiều bào nâng cao ý thức cộng đồng, tăng cường đoàn kết, tương trợ, giúp nhau ổn định cuộc sống giữ gìn bản sắc văn hoá Việt Nam, tôn trọng pháp luật nước sở tại, hoà nhập vào xã hội và đất nước cư trú.
- Giúp kiều bào hiểu tình hình đất nước, phát huy khả năng góp phần xây dựng quê hương, đất nước trên nhiều lĩnh vực, bằng nhiều hình thức phù hợp với khả năng, lợi thế của mỗi người, kết hợp lợi ích của mình và của đất nước.
- Góp phần xây dựng quan hệ hữu nghị, hợp tác của nước ta với nước sở tại. Không sử dụng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vào mục đích can thiệp vào công việc nội bộ và chủ quyền của nước khác, đồng thời chống lại âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài chống lại Nhà nước Việt Nam.
Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ cộng đồng được tổ chức thường xuyên hơn với sự phối hợp hỗ trợ của các tổ chức trong nước, cơ quan đại diện của Việt Nam, các hội đoàn và doanh nghiệp kiều bào, đặc biệt là việc tổ chức các “Ngày Việt Nam”, “Tuần Việt Nam”, triển lãm nghệ thuật dân tộc, hội chợ triển lãm hàng Việt Nam, thi Hoa hậu Thế giới người Việt… với sự tham gia của các nghệ sỹ trong nước và kiều bào đã tạo được ấn tượng tốt đẹp đối với khán giả, góp phần quảng bá, giới thiệu văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Trong thời gian qua, nhiều nghệ sỹ, ca sỹ, diễn viên kiều bào đã được phép về nước tham gia vào các chương trình, sự kiện văn hóa, nghệ thuật. Riêng trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật năm 2008, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cấp phép cho gần 400 nghệ sĩ là người Việt Nam ở nước ngoài về nước biểu diễn và ghi băng. Nhiều nhà văn hóa, nhạc sỹ, hoạ sĩ... có tên tuổi như giáo sư Trần Văn Khê, nhạc sỹ Nguyễn Thiện Đạo, nhạc trưởng Lê Phi Phi ...đã về định cư hoặc làm việc thường xuyên tại Việt Nam. Các đạo diễn, nhà sản xuất, diễn viên điện ảnh kiều bào cũng được tạo điều kiện thuận lợi khi về nước làm việc.
Sự giao lưu văn hóa, nghệ thuật giữa cộng đồng với cội nguồn đã và đang tiếp thêm sức mạnh tinh thần giúp kiều bào nuôi dưỡng và phát huy tâm
hồn, cốt cách dân tộc Việt trong quá trình hội nhập vào xã hội sở tại. Hợp tác, giao lưu văn hoá đối ngoại được mở rộng, các hoạt động văn hoá quốc tế lớn được triển khai mạnh mẽ đã tạo điều kiện cho thông tin đối ngoại phát huy hiệu quả. Nó giúp cho nhân dân trong nước hiểu hơn tình hình quốc tế và ngược lại cho thế giới nhận thức đúng hơn và hiểu rõ hơn hình ảnh Việt Nam, văn hoá Việt Nam và con người Việt Nam....
+ Thông tin về tôn giáo, tín ngưỡng
Ngoài việc thông tin cho NVNONN hiểu rõ về chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về tự do tôn giáo và tín ngưỡng, chúng ta tổ chức các đoàn đi nghiên cứu khảo sát tại các nước, đồng thời tham gia các hội nghị, diễn đàn quốc tế về những vấn đề liên quan tới tôn giáo (Đại hội đồng giám mục Á châu, ngày Quốc tế giới trẻ, Diễn đàn Phật giáo thế giới, Đối thoại quốc tế về sự hợp tác giữa các tín ngưỡng và tôn giáo,..); tham gia Hội nghị Pháp luật và tôn giáo, Nhà nước và Giáo hội do Học viện quốc tế về tôn giáo và luật pháp Mỹ tổ chức hàng năm.
Nắm bắt được nhu cầu về tâm linh, tín ngưỡng của kiều bào, bên cạnh việc phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức các chuyến hoàng dương Phật pháp tới các địa bàn có đông tín đồ phật giáo (Séc, Nga, Đức, Hungary...), Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã tổ chức các buổi nói chuyện về đạo pháp và giới thiệu sách của thiền sư Thích Huyền Diệu, trụ trì chùa Việt Nam Phật quốc tự tại Ấn Độ và Nê-pan, đón đoàn thiền sư Thích Nhất Hạnh; Đặc biệt, trước nhu cầu của đông đảo Phật tử kiều bào, thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” bên cạnh các hoạt động có tính chất thường niên như đoàn kiều bào về dự Quốc giỗ Hùng Vương, Quốc khánh mùng 2/9. Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã chủ trì tổ chức lễ tưởng niệm-cầu siêu và chương trình giao lưu nghệ thuật nhằm tưởng nhớ, tri ân và đền ơn, đáp nghĩa các anh hùng liệt sỹ tại các địa danh lịch sử, như: Côn Đảo Nghĩa trang Đường Chín, Nghĩa trang liệt sỹ Việt - Lào, Nghĩa
trang Trường Sơn, Điện Biên, Trường Sa… Các hoạt động này được kiều bào đánh giá là rất có ý nghĩa, được các địa phương nơi tổ chức và các cơ quan hữu quan tích cực phối hợp và được Lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện để kiều bào hiểu biết rõ hơn về chính sách của Đảng và Nhà nước về tự do tôn giáo và tín ngưỡng.
Trong năm 2008, Đại lễ Phật đản VESAK Liên hợp quốc được tổ chức thành công tại Hà Nội do Ủy ban Nhà nước về NVNONN phối hợp với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các cơ quan liên quan; tiếp đó là Hội nghị Ni giới Thế giới năm 2009 và năm 2010.
+ Về công tác thanh niên
Ban Thường vụ Trung ương Đoàn đã ban hành Kết luận số 157 ngày 15/01/2009 về một số giải pháp "Tăng cường đoàn kết, tập hợp thanh niên và xây dựng tổ chức Đoàn, Hội ở nước ngoài giai đoạn 2008-2012" đồng thời ký kết Nghị quyết liên tịch với Đảng uỷ Ngoài nước về "Tăng cường công tác Đoàn Hội và đoàn kết tập hợp thanh niên Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2008-2012". Từ năm 2004 đến nay, Bộ Ngoại giao phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức "Trại hè Việt Nam" hằng năm dành cho thanh thiếu niên kiều bào về từ nhiều quốc gia trên thế giới về nước tham dự nhằm tìm hiểu lịch sử, truyền thống, văn hóa dân tộc, giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lao động và học tập với nhau và với thanh niên trong nước, trau dồi tiếng Việt. Việc tổ chức giao lưu giữa thế hệ trẻ kiều bào với thanh niên trong nước đã được thực hiện theo hướng ngày càng đa dạng và phong phú. Ủy ban Nhà nước về NVNONN cũng đã tổ chức thành công hai Festival thanh niên là "Gặp gỡ sinh viên thanh niên kiều bào một số nước châu Âu tại Séc năm 2007 và tại Nga năm 2008, với sự tham gia của đại biểu ở nhiều nước ở khu vực châu Âu. Các hoạt động này đã thu hút, gắn kết tuổi trẻ ngoài và trong nước,
nuôi dưỡng niềm tự hào dân tộc và tình yêu quê hương đất nước của thế hệ trẻ người Việt Nam ở nước ngoài.
Một số địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Trà Vinh... cũng tổ chức giao lưu giữa thanh niên địa phương với thanh niên kiều bào dưới nhiều hình thức như trại hè, hoạt động tình nguyện, nhân đạo...
Trung ương Đoàn phối hợp với Đảng uỷ Ngoài nước đã triển khai lựa chọn và mời các đại diện thanh niên Việt Nam ở nước ngoài về dự các sự kiện chính trị quan trọng của Đoàn, Hội trong nước. Ngoài ra, Ủy ban Nhà nước về NVNONN và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã phối hợp với Tập đoàn Vincom tổ chức thành công hai cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt (2007 và 2010) vinh danh trí tuệ và sắc đẹp của phụ nữ Việt Nam, hướng sự quan tâm của các bạn trẻ kiều bào và cộng đồng tới các hoạt động được tổ chức tại Việt Nam.
+ Về phát hành các ấn phẩm văn hóa
Nhà Xuất bản Thế giới đã cho ra đời nhiều bộ sách dịch quan trọng bằng tiếng nước ngoài, góp phần giới thiệu Việt Nam theo ngôn ngữ của từng nước. Thị trường sách đã được mở rộng ở hầu hết các khu vực trên thế giới. Các công ty xuất nhập khẩu như XUNHASABA, CULTURIMEX... ngày càng mở rộng thị trường, kim ngạch xuất tăng đáng kể qua từng năm. Việc tham gia các hội chợ triển lãm của các công ty này, với các ấn phẩm, tranh hội hoạ, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại nhiều nước, với hàng chục cuộc mỗi năm là cơ hội tốt cho việc giới thiệu văn hoá Việt Nam ra thế giới. Việc cho sản xuất nhiều phim phóng sự tài liệu của Trung tâm Hợp tác Báo chí và Truyền thông quốc tế, hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương ... và cung cấp thường xuyên cho các cơ quan ngoại giao của ta ở nước ngoài đã được thực hiện có hiệu quả, đóng góp quan trọng cho quá trình thực hiện nhiệm vụ thông tin tuyên truyền về Việt Nam ra thế giới. Theo các kế hoạch tuyên truyền đối ngoại, Bộ Văn hoá Thông tin đã sản xuất nhiều bộ ảnh thông tin
đối ngoại giới thiệu về Việt Nam gửi ra nước ngoài. Các bộ ảnh "Ấn tượng Việt Nam", "Chiến thắng Điện Biên Phủ", "Việt Nam tiến vào thiên niên kỷ mới", "Hồ Chí Minh, danh nhân văn hoá Việt Nam", "Việt Nam - 30 năm thống nhất"..., nhiều sách báo tạp chí đối ngoại, các loại phim thông tin tuyên truyền về Việt Nam trên đĩa DVD, VCD, băng Betacam đã được chuyển tải tới các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức văn hoá nước ngoài đã phát huy hiệu quả tốt. Việc gửi sách báo và các văn hóa phẩm cho một số cộng đồng theo yêu cầu tiếp tục được duy trì như đối với cộng đồng tại Kharkov (Ucraina), Chanthaburi (Thái Lan)... Nhân dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long vừa qua, được sự giúp đỡ của Thành phố Hà Nội và Nxb Hà Nội, Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã tặng cho các đoàn kiều bào về tham gia diễu hành hàng trăm cuốn sách quý về Thủ đô.
+ Về hoạt động thể thao
Thông tin về những hoạt động thể thao đặc sắc trong nước cũng được giới thiệu kịp thời tới kiều bào thông qua phương tiện thông tin đại chúng.
Bên cạnh đó, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Ngoại giao tìm hiểu khả năng và đã mời một số vận động viên kiều bào về tham dự các đội tuyển quốc gia thi đấu quốc tế (cờ vua, bóng đá, quần vợt...); mời đoàn bóng chuyền thanh niên kiều bào ở Na-uy, đoàn quần vợt thanh niên kiều bào ở Mỹ về thăm và thi đấu tại Việt Nam.