3.3.1. Ngôn từ bác học
Chịu ảnh hưởng bởi quan niệm thẩm mỹ của văn chương trung đại và thi pháp thơ Đường, thơ Nôm Nguyễn Trãi vẫn mang tính uyên bác và sử dụng nhiều điển cố, điển tích và những hình ảnh mang tính tượng trưng, ước lệ của văn học truyền thống.
Trong Quốc Âm thi tập, Nguyễn Trãi sử dụng rất nhiều điển cố, điển tích, cụ thể là trong 71 bài, với nhiều cách đa dạng và phong phú. Các điển cố, điểntích này có thể quy vào các loại, được thống kê như sau:
Mượn tên địa danh: 18 địa danh, xuất hiện 23 lần. Mượn tên học phái: 2 học phái, xuất hiện 6 lần. Mượn tên ẩn sĩ: 14 người, 23 lần.
Mượn tên Nhà thơ: 5 người, 9 lần. Mượn tên Người đẹp: 7 người, 8 lần.
Các tên tuổi khác: quan tốt, trung thần, tài tử, đạo sĩ, thuyết khách, nhà thám hiểm, mạnh thường quân…
Mượn các câu nói, câu truyện nổi tiếng: 15 lần.
Đặc biệt có những tên tuổi là điển hình cho nhiều phương diện, ví dụ như Đỗ Phủ vừa là nhà thơ, vừa là trung thần, ẩn sĩ… Lý Bạch là nhà thơ, tài tử, hiệp khách, ẩn sĩ…
Các tên tuổi mà Nguyễn Trãi nhắc đến nhiều nhất là Nhan Uyên (6 lần), Lâm Bô (4 lần), Đỗ Phủ (3 lần), Lý Bạch (3 lần)… nhiều nhất là Nhan Uyên. Đây là một sự thể hiện tư tưởng, chí hướng, thái độ với cuộc sống của Nguyễn Trãi. Những con người này đã có ảnh hưởng rất lớn đến nhân sinh quan của ông. Nhan Uyên là học trò yêu nhất của Khổng Tử, vừa là một bậc trí thức lỗi lạc, sống thanh bạch, vừa là người
có tấm lòng nhân đức phi thường và là một người con có hiếu. Lâm Bô là một ẩn sĩ không giao du với người đời, chỉ làm bạn với mai và hạc, tương truyền là tiên tại thế. Về Đỗ Phủ, Lý Bạch thiết nghĩ không phải bàn nữa. Qua những tên tuổi này ta nhận thấy ở Nguyễn Trãi một tấm lòng nhân rất lớn nhưng mang nặng nỗi sầu bất đắc chí nên đành sống cuộc đời ẩn dật.
Các câu nói, câu truyện nổi tiếng được Nguyễn Trãi sử dụng xoay quanh chuyện làm thơ: đìa cỏ, chày đâm cối nguyệt, hỏi trăng, cầm đuốc chơi xuân…, thuật xử thế: ai ai khác, mắt xanh, cửa thầy, hiền nhân rượu thết, hột cải mũi kim…, thái độ đối với giai cấp thống trị: tường đào ngõ mận, thái bình mười chước…
Đa số các điển mà Nguyễn Trãi sử dụng đều phổ biến, được các nhà nho thường dùng nên tương đối dễ hiểu. Chỉ thỉnh thoảng do học vấn quá uyên bác của Nguyễn Trãi nên có một vài điển khó hiểu, nhưng đây chỉ là số ít.
Ông quan tâm nhiều đến các nhà nho, các vị công thần hết lòng vì đất nước. Điều đó thể hiện tấm lòng ưu quốc ái dân của Nguyễn Trãi luôn dào dạt không lúc nào vơi cạn:
"Sầunặng Thiếu Lăng biên đã bạc
Hứng nhiều Bắc Hải chén chưa không"
(Thuật hứng - Bài 5)
Ông ca ngợi những con người trung thực, thẳng thắn, nhân hậu: "Thương nhẫn Biện Hoà ngồi ấp ngọc Đúc nên Nhan Tửtiếc chi vàng"
(Tự thuật - Bài 6)
Ông đặc biệt ưu ái khí tiết của người quân tử, thậm chí đôi khi muốn thoát khỏi vòng đời ô trọc, vươn mình đến gần gũi cõi tiên:
"Trúc Tưởng Hủnên thêm tiết cứng
Mai Lâm Bôđâm được câu thần"
(Tự thán - Bài 11)
Ông còn gửi gắm cả tâm sự buồn đau trước luật đời hưng phế, và nỗi tủi thân khi bị vua bỏ rơi:
"Én từ nẻo lạc nhà Vương Tạ
Quạt đã hầu thu lòng Tiệp Dư"
(Mạn thuật - Bài 14)
Các điển trên dều là tên của các bậc hiền giả, những người được xem là chuẩn mực trong xã hội Trung Hoa ngày xưa, và dù người đọc không hiểu được "Biện Hòa ngồi ấp ngọc, én lạc nhà Vương Tạ, quạt lòng Tiệp Dư, ..." như thế nào cũng phần nào
hiểu được ý nghĩa của chúng thông qua ngữ cảnh mà Nguyễn Trãi đã khéo léo cung cấp. Đó là một nét đặc sắc của ông khi sử dụng điển, nó cũng là một trong những yếu tố đã ghóp phần làm nên hồn thơ Nguyễn Trãi tinh tế và cũng không kém phần sâu sắc.
Nhìn chung, so với truyện Kiều của Nguyễn Du thì Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi sử dụng điển cố với mật độ ít hơn, thiên về tính danh hơn là về tích truyện, có tác dụng gợi nhớ, gợi liên tưởng để so sánh giữa những con người có những điểm tương đồng với nhau. Trong cùng một bài thơ, ông không sử dụng quá nhiều điển cố, tối đa một bài sử dụng từ hai đến ba điển, và không phải bài thơ nào cũng dùng điển. Điển cố trong Quốc âm thi tập có độ hàm súc cực cao, vì ông dùng rất ít từ để diễn tả. Điểm mạnh của Nguyễn Trãi trong phần điển tích từ sử truyện và thơ là ông đã Việt hóa hầu hết chúng để giữ lại cái phong vị nôm na của quê hương. Điều đó chứng tỏ ông rất yêu tiếng mẹ đẻ.