Sự mở rộng và sáng tạo các tiểu loại đề tài, chủ đề

Một phần của tài liệu vẻ đẹp tâm hồn nguyễn trãi qua thơ nôm (Trang 69 - 73)

Một trong những đặc điểm của Đường thi là tính cao nhã. Sự câu thúc của thi pháp Đường thi bắt buộc thơ Đường hướng về thể hiện những đề tài, chủ đề nghiêm chỉnh, lớn lao, trọng đại, gắn với đời sống quý tộc. Viết về con người phải là những nhà Nho hành đạo, là chí khí của người quân tử; viết về thiên nhiên phải là mây, núi, trăng hoa, tuyết, núi, sông.Thế nhưng, Nguyễn Trãi đã thể hiện trong Quốc âm thi tập sự tiếp biến đầy ý thức dân tộc khi đa dạng hóa đề tài, chủ đề và triệt để hóa dân dã hệ thống đề tài, chủ đề đó.

Không hoàn toàn tách khỏi thi pháp cổ điển nhưng thơ Nôm Đường luật của Nguyễn Trãi đã bằng một lối đi riêng để đến gần hơn với tâm hồn Việt, văn hóa Việt, ngôn ngữ Việt. Thơ Đường luật lâu nay vốn cách biệt với đời sống thôn dã nhưng

bước vào thơ Nguyễn Trãi lại căng đầy sức sống của hồn cốt dân gian. Đề tài, nhân vật, cảnh vật trong Quốc âm thi tập là những gì rất gần gũi cuộc sống thôn quê. Đó là một cây chuối đang trề sức sống đầy vẻ xuân tình, một cây xoan hoa nở lớp lớp đang khoe sắc, một rừng cây mở cửa đợi chim về, một ao sen chờ trăng lên in bóng, một áng chiều tà, một vầng trăng xao xuyến,…Từ con mèo, con chó, con ngựa đến ao rau muống, giậu mồng tơi, quả núc nác, củ ấu, lảnh mùng, khóm vầu, bụi tre… tất cả đều ùa vào thơ ông như chính sự sống vốn có. Những mảnh đời bất hạnh hay đạo vợ chồng, tình cha con, bằng hữu luôn ẩn chứa trong mỗi hình tượng thơ.

Nguyễn Trãi đã đa dạng và thông tục hóa đề tài, chủ đề của thơ Đường luật. Đến với thiên nhiên, trong thơ Nguyễn Trãi vẫn không mất đi hình bóng của những loài cây, loài hoa quen thuộc của Đường thi như tùng, trúc, cúc, mai,.. Thế nhưng, ngồn ngộn sống dậy trong thơ Nôm Nguyễn Trãi là cả một thế giới thiên nhiên dân dã, quen thuộc ở nông thôn nước Việt. Đọc thơ Nguyễn Trãi, có cảm giác như bao nhiêu cảnh vật, con người đời thường dân dã đều bước vào thơ hồn hậu, tự nhiên đầy vẻ nguyên sơ. Xuất hiện rất nhiều trong tập thơ là những hình ảnh thiên nhiên rất dân dã, tưởng như không thể đi vào thơ như bè rau muống, quả núc nác, lảnh mùng tơi hay bông bụt (mộc cận), cây mía (giá), cây chuối, cây lê,... Và cả những đối tượng xuất hiện nhiều trong ca dao nhưng hiếm gặp trong Đường thi như cây đa, hoa sen, hoa nhài cũng là đề tài gợi nhiều cảm hứng cho thi nhân. Thiên nhiên dân dã đã bình dị bước vào thơ Nôm Nguyễn Trãi, sống động như một người bạn vui cùng nhà thơ cảnh điền viên trong công việc làm nông:

"Tả lòng thanh vị núc nác Vun đất ải, lảnh mùng tơi"

(Ngôn chí – Bài 9) Hay:

"Ao cạn vớt bèo cấy muống Đìa thanh phát cỏ ương sen"

(Thuật hứng – Bài 24)

"Ao quan thả gửi hai bè muống Đất Bụt ương nhờ một luống mùng.

Hiện lên trong tập thơ là hình ảnh Nguyễn Trãi “Cơm ăn chẳng quản dưa muối

Áo mặc nài chi gấm thêu” giữa một thiên nhiên rất giàu cảm xúc và đậm nét đời thường:

"Quê cũ nhà ta thiếu của nào Rau trong nội, cá trong ao"

(Mạn thuật – Bài 13)

Với Nguyễn Trãi, vạn vật dù bình dị nhất của cuộc sống đều có thể là đề tài gợi thi hứng. Điểu đó thể hiện sự thay đổi nhận thức và cảm hứng sáng tạo, cảm hứng thẩm mỹ của thi nhân: cái bình dị, cái đời thường cũng trở thành đối tượng của cái đẹp.

Thiên nhiên trong thơ Đường luật thường mang giá trị biểu trưng cho con người. Trong thơ Nôm Đường luật của Nguyễn Trãi, có khi ông cũng khai thác hình ảnh thiên nhiên ở giá trị biểu tượng, biểu trưng của chúng. Đó có thể là bộc lộ khí tiết, nhân cách như khi Nguyễn Trãi viết về hồng cúc:

"Chuốt lòng son, chăng bén tục

Bền tiết ngọc, kể chi sương"

(Hồng cúc)

Hay viết về cây tùng cũng để khẳng định lòng mình:

"Thu đến cây nào chẳng lạ lùng Một mình lạt thưở ba đông

(Tùng)

Tuy vậy, thiên nhiên còn bước vào thơ Nguyễn Trãi trong tư thế hoàn toàn mới. Không dừng lại ở giá trị biểu trưng, thiên nhiên đã trở thành cái đẹp, là đối tượng thẩm mĩ để thi nhân thưởng ngoạn, bầu bạn tri âm. Những năm ở ẩn tại Côn Sơn, Nguyễn Trãi đã hòa mình trong thiên nhiên. Trở về với thiên nhiên là trở về với cội rễ, với nguồn sống, với cái bản nguyên trong mỗi con người. Vì vậy, thiên nhiên đến trong thơ Nguyễn Trãi tự nhiên không rào đón với tư thế:

"Núi láng giềng, chim bầu bạn

(Thuật hứng 19).

Thiên nhiên không chỉ là đối tượng đề vịnh để nói chí, nói khí mà Nguyễn Trãi đã thay đổi cách nhìn, thay đổi cách khai thác giá trị đã trở thành công thức của Đường thi. Điều đó rất hiếm gặp trong thơ Đường thời bấy giờ. Thiên nhiên trở thành đối tượng thẩm mĩ trong thơ. Những cảnh bình dị như một ánh trăng, một buổi chợ, một bông hoa nở, một nõn chuối, một luống mồng tơi, hay một tiếng chim kêu,... tất cả đều gợi lên trong tâm tưởng Ức Trai những tứ thơ mênh mông, lai láng, những khoảnh khắc say sưa, nồng nhiệt. Thật đúng như lời Nguyễn Trãi “Non nước cùng ta đã có duyên”(Tự thán– Bài 4). Ông đã biểu hiện thiên nhiên ấy với nhiều màu sắc, đường nét, âm thanh. Thiên nhiên ấy mang hồn người, mang tư tưởng, tình cảm của nhà thơ.

Thưởng thức lại những vần thơ cô đọng mà thấm đượm vẻ tình tứ trong bài Ba tiêu, ta mới thấy Nguyễn Trãi đã vượt trước thời đại mình biết bao nhiêu trong cách lựa chọn và thể hiện đề tài, chủ đề:

"Tự bén hơi xuân tốt lại thêm

Đầy buồng lạ mầu thâu đêm Tình thư một bức phong còn kín

Gió nơi đâu gượng mở xem"

(Ba tiêu)

Hiếm gặp hình ảnh cây chuối – một loài cây vô cùng dân dã, gắn bó với thôn quê – trong thơ Đường luật. Thế mà, nó lại trở thành đối tượng gợi thi hứng cho nhà thơ. Không những thế, cây chuối bước vào thơ Nguyễn Trãi với vẻ đẹp thật mới lạ. Có lẽ khứu giác tinh tế, tâm hồn nhạy cảm của nhà thơ nhận biết sự biến dịch linh diệu, huyền vi nơi tạo vật của thiên nhiên khi muà xuân đến: “”Tự bén hơi xuân tốt lại thêm/ Đầy buồng lạ mầu thâu đêm”. Thế nhưng hai câu thơ trên đâu chỉ là nói về cây chuối như tốt tươi thêm vì “bén hơi xuân” và ngào ngạt hương buồng chuối chín. Vậy phải chăng ẩn hiện đằng sau những câu thơ còn là hình ảnh của người con gái đang tuổi dậy thì và cái buồng lạ kia có thể hiểu là buồng khuê ngào ngạt hương thơm người thiếu nữ đang e ấp chờ gió gượng mở xem. Bài thơ hay không chỉ ở sự sáng tạo, dân dã hóađề tài mà còn hay và thú vị bởi chất phong tình của tứ thơ, ý thơ. Thơ Nôm Nguyễn Trãi vì vậy dường như đã vượt xa khỏi những lối cũ đầy công thức của thơ Đường luật để vươn đến cách thể hiện mới mẻ, đầy sáng tạo.

Có thể nói, thông tục hóa, dân dã hóa đề tài trong thơ Nôm Đường luật Nguyễn Trãi đã cho thấy tư duy nghệ thuật mới mẻ của nhà thơ. Nó đã mang đến cho thơ Đường luật một sắc diện mới, đậm đà hồn quê nước Việt. Sựsáng tạo này của Nguyễn Trãi đã mở ra một con đường mới cho thơ Đường luật Việt Nam trong quá trình khẳng định bản sắc riêng, thể hiện sức sống riêng.

Một phần của tài liệu vẻ đẹp tâm hồn nguyễn trãi qua thơ nôm (Trang 69 - 73)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(85 trang)