Tài nguyên du lịch nhân văn

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại các làng chài trên Vịnh Hạ Long (Trang 43 - 53)

7. Bố cục của luận văn

2.2. Các điều kiện phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại các

2.2.2. Tài nguyên du lịch nhân văn

2.2.2.1. Dân cư

Ngư dân của các làng chài có nhiều nguồn gốc khác nhau, nhưng phần đông vẫn là là dân gốc Giang Võng, Trúc Võng. Giang Võng và Trúc Võng là hai vạn chài tiêu biểu sinh sống thủy cư ở vùng cửa sông Cửa Lục. Hiện trên Vịnh Hạ Long có 703 nhà bè, 648 hộ, 2.574 nhân khẩu sinh sống tại các làng

chài: Ba Hang, Cửa Vạn, Vông Viêng, Cống Đầm... Các làng chài này do UBND phường Hùng Thắng (Thành phố Hạ Long) trực tiếp quản lý. Cộng đồng ngư dân trên Vịnh hiện được chính quyền địa phương và Ban Quản lý Vịnh Hạ Long quản lý khá chặt chẽ, trên cơ sở các quy hoạch làng chài, các điểm nuôi trồng thủy sản, quy định vị trí neo đậu, quy định quản lý môi trường. Ngoài ra, ngư dân còn được đăng ký biển nhà bè, cấp chứng minh thư, khôi phục hương ước làng chài… Việc di chuyển dân từ trên bờ xuống Vịnh đã được quản lý.

2.2.2.2.Phong tục tập quán a. Hôn nhân

Ở gia đình ngư dân vạn chài Hạ Long, con trai, con gái trưởng thành, thường tự tìm hiểu nhau trong quá trình kiếm sống, khi chờ trăng lên... thả neo đợi con nước, mượn gió ngỏ lời qua câu hò điệu hát (gọi là hát giao duyên) hoặc thông qua mối lái, rồi bố mẹ hai bên tổ chức lễ cưới cho đôi bạn trẻ.

Lễ cưới của ngư dân làng chài có những phong tục tập quán riêng biệt như thường tổ chức hát đám cưới, đây là một nét độc đáo mang đặc thù của ngư dân làm nghề chài lưới. Sau khi các chàng trai cô gái quen biết, hẹn hò, qua những câu hát giao duyên đằm thắm trữ tình. Để nên vợ nên chồng bắt đầu một cuộc hôn nhân phải có vai trò của người làm mối gọi là Bồ Đa. Trình tự lễ cưới sẽ được tiến hành theo 4 bước sau:

+ Lễ dạm: Nhà trai mang lễ đến nhà gái để thưa chuyện, đặt vấn đề cho đôi trai gái được qua lại hai bên.

+ Lễ hỏi: Đại diện nhà trai đến xin ngày dẫn trầu.

+ Lễ dẫn trầu: là bước thứ 3 và cũng là bước quan trọng để tiến hành hôn lễ. Trong giai đoạn này lễ vật được mang đến khá đa dạng và phong phú như trầu cau, bánh nướng, bánh dẻo, rượu, xôi và phải có Bồ đa người đại diện cho họ nhà trai dẫn đầu. Bồ Đa là người đã có gia đình, cuộc sống hạnh phúc, khá giả, có tài ăn nói, am hiểu phong tục tập quán.

+ Lễ cưới: Là bước cuối cùng sau khi nhà trai đã chuẩn bị đầy đủ số tiền thách cưới và hai bên gia đình nộp cheo cho quỹ làng để thay thế giấy kết hôn,

coi như sự chứng nhận của làng xã cho một đám cưới hợp pháp. Trước khi rước dâu, nhà trai còn một thử thách khác là hát đối đáp - còn gọi là hát đám cưới. Đây được coi như một thử thách mang tính chất thủ tục vì chủ yếu nó làm tăng không khí vui vẻ trong lễ cưới, là lời chúc mừng của hai bên gia đình dành cho đôi vợ chồng trẻ và cũng là cơ hội để mọi người có dịp giao lưu kết bạn.

Điều đặc biệt là đám cưới đều được diễn ra trong không gian của thuyền bè ghép lại. Tuy hiện nay các thủ tục trình tự có đơn giản hơn, điều kiện đi lại, tổ chức được thuận lợi so với trước đây song lễ cưới vẫn luôn là một nét đẹp văn hoá của cộng đồng cư dân làng chài, điều đó đã chứng minh dù trong cuộc sống lênh đênh trên sông nước nhưng những đôi vợ chồng trẻ tại các làng chài vẫn có những ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời mình như bao thanh niên ở các vùng miền khác.

b. Lễ tết

Trong một năm quan trọng nhất là Tết Nguyên Đán. Ngư dân ở đây không có tục cúng ông Táo. Chiều 30 các thuyền có tục cúng Hà Bá cũng là cúng chung các thủy thần. Các thuyền quây quần theo chi phái trong dòng họ hoặc mời ông bà, cha mẹ sang thuyền mình ăn tết hoặc con cái sang nhà bố mẹ chúc tết và ăn cơm cùng gia đình.

Sau ba ngày tết, tùy từng dòng họ mà làm lễ ra binh vào ngày mùng 6 hoặc mùng tám tết. Lễ ra binh cốt lấy ngày, chỉ đánh một hai mẻ lưới ở những ngư trường gần, được nhiều cá thì coi như được một năm tốt đẹp thuận lợi.

Sau tết Nguyên Đán các thuyền đi lễ đền, miếu ở trên bờ. Chủ yếu là đền Cửa Ông (Cẩm Phả), đền Đức Ông (Hòn Gai), đình làng Giang Võng, Trúc Võng ở Bãi Cháy.

Ngoài tết Nguyên Đán dân chài chú trọng đến tết mùng 5 tháng 5 (Tết Đoan Ngọ), nhiều nhà không có rằm tháng 8, tết 3-3. Các ngày rằm trong năm thì rằm tháng 7 là cúng lớn nhất.

Những ngày không phải là tết nhưng người dân chài coi trọng là các ngày 30,01, 14 và rằm hàng tháng, sau đó là các ngày đầu con nước. Những ngày này các thuyền

thường kéo về quần tụ theo dòng họ, có lễ gia tiên và cúng thần sông. Thường cúng ở thuyền bố mẹ , nếu bố mẹ không còn thì cúng ở nhà con trai trưởng. Những ngày này người dân chài kiêng xin lửa, vay tiền, vay gạo, vay dầu và muối.

Riêng ngày 30, mùng 01 các tháng 3,6,9,12 dân chài còn có “lễ sông” từng thuyền hoặc cả chi ngành chèo thuyền ra vùng biển rộng làm lễ. Ngoài xôi, gà, thịt lợn phải có các loại cá Cháp, Ngừ, Nục (kiêng các loại cá không vảy, màu đen). Cá rửa sạch không mổ đem nướng hoặc để sống làm đồ cúng đặt trên mặt khoang. Chủ thuyền thắp hương khấn thần sông phù hộ cho đánh được nhiều cá.

c. Tang ma

Trong việc tang ma ở đây ngư dân có hai quan niệm: một mặt cho rằng việc chết là về với thế giới bên kia nên việc tang ma được xem như việc đưa tiễn, mặt khác coi cái chết là hết nên việc tang ma là việc xót thương.

Đám tang tổ chức dưới thuyền cũng không khác trên bờ là mấy, họ cũng thuê đội kèn trống ở trên bờ xuống. Đám tang cũng được thực hiện tuần tự các nghi lễ từ che mặt cho người chết đến cúng ba ngày, tuần đầu, 49 và 100 ngày. Vào các ngày này họ thường mượn các thầy về cúng. Nếu chết do ngã sông thì phải bắc cầu cho linh hồn người chết nhập vào xác. Hầu hết trước kia họ đều chôn người trên núi những hiện nay họ chôn ở nghĩa địa trên đất liền.

d. Lễ giở mũi thuyền

Lễ giở mũi thuyền tại làng chài thường được tiến hành vào thời điểm sau tết, khi các gia đình tạm dừng công việc đánh bắt làm ăn để chuẩn bị đón tết Nguyên Đán. Vào các ngày tốt (ngày hoàng đạo), ngư dân sắm lễ cúng tổ tiên, thần thánh xin được làm lễ giở mũi thuyền, sau đó cho thuyền nhổ neo xuất hành đầu năm để lấy ngày. Hướng xuất hành phải là hướng đẹp đã được chọn trước, hợp với tuổi của chủ nhà, không có vật nào hay thuyền khác chắn trước thuyền của mình (theo quan niệm của ngư dân nếu có vật nào, hay thuyền chắn trước thuyền mình, báo hiệu cả năm làm ăn không thuận lợi và gặp nhiều trở ngại). Đây là một tục lệ vô cùng quan trọng của ngư dân, thể hịên hướng xuất hành làm ăn đầu năm mang theo niềm hi vọng đuợc mùa trong cả năm đó.

e. Tục trồng cây nêu

Trong những ngày lễ, ngày tết hay ngày giỗ, con cháu trong các gia đình ngư dân Hạ Long thắp lên ban thờ một nén nhang, đặt một ít lễ vật bày tỏ tấm lòng thành kính, tưởng nhớ đến tổ tiên, những người đã khuất. Ngoài các hình thức này có một tập tục đã được duy trì trong nhiều năm có liên quan đến việc thờ phụng tổ tiên đó là tục trông cây nêu. Tục trồng cây nêu của ngư dân vạn chài diễn ra vào thời điểm trước Tết, khi các gia đình quần tụ đông đủ, sắm sửa, dọn dẹp nhà cửa khang trang để đón tết về. Không giống như các vùng miền khác với ý nghĩa để xua đuổi tà ma quấy nhiễu, cây nêu của ngư dân được làm từ chính cây dứa dại - một trong những loại cây phổ biến trên các đảo núi của Vịnh Hạ Long. Cây nêu được trồng trước mũi thuyền hoặc treo trên cột buồm chính tuỳ theo mỗi hộ với ý nghĩa là dấu hiệu, đặc điểm riêng của từng gia đình để linh hồn tổ tiên nhận biết mà theo về sum họp cùng con cháu. Bởi các ngư dân ở đây đều tin rằng con người sau khi chết, linh hồn vẫn tồn tại mãi mãi, vẫn lui tới thăm nom, phù hộ cho con cháu.

f. Tục đàn ông đỡ đẻ cho vợ

Do điều kiện cuộc sống lênh đênh trên mặt nước, trong những lúc người phụ nữ trở dạ thì họ không đủ thời gian cập thuyền vào bến hay đi tìm bà mụ để đỡ đẻ: Trách nhiệm đó được trao cho người chồng. Khi đó anh ta sẽ neo thuyền vào một nơi kín gió, rồi phải lo chuẩn bị mọi thứ để đón đứa con chào đời. Vì thế nên, ngay từ lúc nhỏ các chàng trai ít nhiều đã được bố mẹ, anh em hay các thế hệ đi trước truyền lại những kiến thức nhất định về việc này.

2.2.2.3. Tôn giáo tín ngưỡng a. Thờ cúng tổ tiên

Từ ngàn đời nay, thờ cúng tổ tiên ông bà đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống tâm linh, là phong tục tập quán, chuẩn mực đạo đức và nguyên tắc làm người của người Việt Nam. Với mỗi gia đình người Việt, thờ cúng tổ tiên là một tín ngưỡng dân gian đặc trưng và có các hình thức khác nhau tuỳ từng vùng miền, từng dân tộc. Với những người dân chài trước đây sống nay đây mai đó thì

thờ cúng tổ tiên vẫn là nhiệm vụ thiêng liêng và cao cả. Trên những con thuyền chật hẹp về diện tích, ban thờ vẫn được bố trí trang trọng thành kính ở khoang giữa, phía bên trái gọi là bên vuôn. Còn trên các nhà bè hiện nay ban thờ được đặt ở gian giữa - nơi bày tỏ lòng thành kính của con cháu với các bậc tổ tiên của mình. ở nhiều gia đình không chỉ có 2,3 bát hương mà có thể lên tới gần chục bát hương, mỗi bát hương biểu hiện tên tuổi của một người đã khuất theo sự truyền miệng của các thế hệ trong gia đình, dòng họ. Nhiều gia đình có tục lệ thờ người đã khuất bằng hình thức tạc tượng. Đối với các dòng họ lớn thường có những miếu thờ riêng được đặt kín đáo trong các khe núi. Vào những ngày rằm, mùng một hay lễ tết, lễ cầu khấn tổ tiên được thực hiện trang trọng vừa biểu hiện lòng thành kính của con cháu với những người đã khuất, vừa cầu mong tổ tiên ở thế giới bên kia linh thiêng phù hộ cho các thành viên trong gia đình có sức khoẻ, làm ăn gặp nhiều may mắn.

b. Thờ cúng thần thánh

Nếu như trên đất liền, cư dân thờ các vị thổ công - vị thần cai quản đất đai để cầu mong yên ổn, tránh động thì với các ngư dân vạn chài, thuỷ thần (thường gọi là ông Sông bà Bể) lại có vai trò quan trọng trong đời sống của họ. Miếu thờ thuỷ thần nằm rải rác trong các khe núi hay ven chân đảo trên khắp Vịnh. Theo quan niệm của ngư dân, thuỷ thần là vị thần nắm giữ sức mạnh của biển cả, sóng gió bão tố luôn chứa đựng nhiều hiểm hoạ nơi mà ngày ngày họ phải đối mặt vì cuộc sống mưu sinh đầy tính may rủi. Chính vì vậy mỗi khi ra khơi đánh bắt hay trong các dịp quan trọng, ngư dân đều cúng lễ thuỷ thần cầu mong sóng yên bể lặng, che chở cho mình vượt qua mọi thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên. Có thể nói đây là một vị thần vô cùng quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của các gia đình vạn chài, có vai trò tiếp thêm sức mạnh cho họ trong cuộc chiến đấu chinh phục với biển cả để mưu sinh.

c. Thờ cúng nhân thần

Ngoài các miếu thờ với quy mô nhỏ được tận dụng khoảng trống trên các vạ núi đá để thờ cúng, thì bạn sẽ bắt gặp nhiều ngôi đền miếu khác có quy mô lớn

hơn được xây dựng khá khang trang trên các bãi đất ven chân đảo, núi đá hay nằm ven bờ biển. Đó là nơi thờ các vị nhân thần có thật trong lịch sử hay theo truyền thuyết dân gian như các vị tướng lĩnh nhà Trần, ông Hoàng Ba, Hoàng Bẩy. Theo quan niệm, tư duy tín ngưỡng của ngư dân vạn chài, họ là những người có công với dân với nước lại gắn bó với vùng biển, với con người nơi đây. Khi hoá, vẫn hiển ứng phù hộ độ trì cho dân gặp nhiều may mắn trong cuộc sống, đánh bắt nhiều tôm cá. Các đền, miếu linh thiêng không chỉ các ngư dân, mà cả những tổ chức cá nhân có các hoạt động trên biển biết đến. Thường xuyên mồng một hôm rằm hương khói, thờ phụng như đền Trần Quốc Nghiễn, đền Bà Men, đền Đầu Mối...

d. Tín ngưỡng liên quan đến công cụ sản xuất

Đối với cuộc sống của ngư dân, con thuyền đóng vai trò quan trọng. Nó vừa là không gian sinh hoạt gia đình vừa là nơi cư ngụ sản xuất.

Lễ phạt mộc: được tiến hành khi người ta đóng mới hay sửa chữa lại thuyền, ngư dân tổ chức cúng ngay trên đất của xưởng đóng thuyền. Thường người ta cúng hai mâm: một mâm để cúng gia tiên, một mâm cúng Hà bá và Thổ công. Họ cầu xin ông bà Tổ tiên, Hà bá phù hộ độ trì cho thuyền được hoàn tất, làm ăn trôi chảy, họ xin phép Thổ Công cho họ được đưa thuyền lên đất liền vài ngày để sửa chữa. Buổi lễ được tính từ lúc bắt đầu xẻ gỗ. Lễ vật cúng thường có hoa quả, xôi, gà, vàng hương…

Lễ hạ thủy: Sau khi thuyền được hoàn tất thì ngư dân tiến hành cúng gọi là lễ hạ thủy để đưa thuyền xuống nước. Lễ cúng được chia làm hai phần.Một lễ cúng gia tiên, mâm thứ hai đặt ở mũi thuyền. Cũng như lễ khánh thành nhà, buổi lễ hạ thủy thường là buổi ăn mừng của anh em họ hàng, bạn thân đến chúc nhau.

Như vậy con thuyền không chỉ là nơi ngụ cư hay không gian sinh tồn mà nó còn gắn với niềm tin thiêng liêng trong đời sống tâm linh của người ngư dân.

2.2.2.4. Tri thức văn hóa dân gian a. Hát giao duyên

Hát giao duyên là một loại hình văn hoá độc đáo đặc sắc của người dân chài trên biển. Thông qua những điệu hò, câu hát vang vọng ngân dài cùng các cung

bậc khác nhau đã thể hiện được tâm tư nguyện vọng muốn được giãi bày của ngư dân Hạ Long. Hát giao duyên gồm có hát đúm, hát chèo đường và hát đám cưới.

Mục đích chính của cuộc hát không phải là phân định thắng thua mà cái chính là hát để giao lưu, để tìm bạn, để bày tỏ tình cảm. Nhiều đôi trai gái quen nhau, yêu nhau rồi nên vợ nên chồng qua lời ca tiếng hát.

Lối hát giao duyên này có ở nhiều cộng đồng người, nhiều vùng miền đất nước như: hát Sli, hát lượn của người Tày – Nùng, hát Soong Cọ của người Sán Chay, hát Pạy Y của người Dao, hay xuôi xuống vùng đồng bằng châu thổ sông Hồngcó quan họ Bắc Ninh, hát Ví, hát Ghẹo ở Vĩnh Phúc, hát Ví Dặm ở miền Trung… Tuy những làn điệu đó có nhiều nét tương đồng nhưng trong bối cảnh địa văn hóa biển đảo Quảng Ninh mà nội dung và hình thức diễn xướng của lối hát có nét đặc trưng, khác biệt so với lối hát của các vùng địa phương khác.

Trình tự gồm 4 phần: hát chào, hát tìm, hát hỏi, hát gặp.

Hát chào: khi người con trai muốn hát với người con gái, họ không đường đột vì bên con gái còn có chủ thuyền, cha mẹ hoặc người lớn tuổi nên họ có câu chào.

Hát tìm: Điệu hát đi tìm thường nói lên tình cảm thiết tha muốn gặp người con gái song trong lời ca thực chất muốn khoe mình biết nhiều tên làng xóm quê hương.

Hát hỏi: Đây là cách thử tài, thử sức. Trong hát hỏi có nhiều bài hát đố

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại các làng chài trên Vịnh Hạ Long (Trang 43 - 53)