Lý do điều chỉnh chính sách cải lương hương chính của Pháp

Một phần của tài liệu Luận văn: Hương ước cải lương huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam (1921 – 1942) (Trang 93 - 96)

i, Sự quân điề n thổ

3.1. Lý do điều chỉnh chính sách cải lương hương chính của Pháp

Năm 1930, Đảng cộng sản Việt Nam được thành lập. Từ thời điểm này “hồi chuông khai tử cho toàn bộ chính quyền thuộc địa rung lên mạnh mẽ” [49, 261]. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cách mạng nước ta bước vào quỹ đạo của thời đại mới. Với đường lối đúng đắn do Đảng lãnh đạo, cách mạng nước ta đã giành được thắng lợi qua các phong trào như: Xô Viết – Nghệ Tĩnh (1930 – 1931), cuộc vận động dân chủ (1936 – 1939)…

Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ đặc biệt là từ năm 1940, tình hình trong nước và thế giới có những thay đổi nhanh chóng. Ở Châu Âu, nước Pháp đế quốc đầu hàng nước Đức phát xít. Ở Đông Dương, quân phiệt Nhật đổ bộ vào Bắc Kì, phong trào đấu tranh cách mạng phát triển mạnh mẽ ở nông thôn, đe dọa nền thống trị của thực dân Pháp ở cả 3 kỳ. Trong bối cảnh đó, đợt ba của cải lương hương chính thực hiện ở Bắc Kì, Nam Kì và Trung Kì. Ở Trung Kì đã tiến hành đợt cải lương đầu tiên và duy nhất nhằm cải tổ lại nền hành chính hương thôn để nắm vững nông dân, ngăn chặn mọi âm mưu nổi dậy lật đổ chính quyền bảo hộ Pháp. Cuộc cải lương hương chính lần thứ ba ở Bắc Kì được thực hiện vào năm 1941, qua Đạo dụ của Bảo Đại ngày 23/05/1941, với nội dung cơ bản là quay lại với hình thức truyền thống của bộ máy quản lý làng xã: Hội đồng kỳ mục.

Lý do mà Pháp tiến hành cải lương hương chính còn xuất phát từ mâu thuẫn nội tại ở phương thức tiến hành cải lương trong hai đợt trước đó. Vì thế, đợt cải lương hương chính năm 1941, nhằm mục đích khắc phục hậu quả của những sai lầm, thiếu xót trước. Âm mưu can thiệp vào nông thôn nước ta của

thực dân Pháp đã vấp phải sự kháng cự bền bỉ và quyết liệt của các tập tục truyền thống. Trong quá trình thực thi chính sách cải lương hương chính, thực dân Pháp phải điều chỉnh các quy định cho phù hợp, cũng có sự nhân nhượng đáng kể với tập tục của làng xã trong đợt cải lương năm 1927; nhiều chính sách của Pháp khi đi vào thực tế không đúng như ý định ban đầu.

Các làng không lập sổ thu chi hoặc có lập nhưng khai gian trá để ẩn lậu công quỹ, hoặc lập không đúng thời hạn hay các hương ước lập ra chỉ để đối phó với với quan trên là thực trạng mà chính quyền thực dân phải thừa nhận và không thể giải quyết triệt để. “Ví như một huyện có 80 xã, quan huyện nào việc cai trị, việc kiện án, lại ký sổ xét 80 tập sổ dự toán hay kế toán cho kịp đệ trình thì cũng khó mà xem xét kỹ được, trong 80 tập sổ ấy có chỗ sai lầm trái với hương ước, trái với nghị định cũng không xét tới được. Gia-chi-dĩ dân cứ lần-lữa thôi-thúc mãi mới thúc người đem lên nộp, thì đã ngặt kỳ rồi, không kịp xét nữa. Lên đến tỉnh, cũng đến hơn 800 xã, công việc bề bộn, huyện đã y thì tỉnh cũng y luôn, dân thấy thế nào cũng được lại càng man-trá” [64, 551]. Tình trạng ẩn lậu tài sản công vẫn diễn ra mà chính quyền thưc dân không thể kiểm soát hết được. “Những ruộng đất không phải công điền thì 10 phần chỉ khai vào sổ thu-chi độ 5-6 phần. Lợi-lộc của ruộng đất ấy đồng niên 10 phần chỉ khai 4-5 phần là nhiều. Tuy có phép đấu-giá thì họ cũng chỉ cách-đấu giá rẻ để bớt ra, thế là để ăn uống hà-lạm, thuê người làm sổ sách” [64, 550]. Nghị định năm 1921, có nội dung thay thế HĐKM bằng lớp tân học trẻ tuổi song trên thực tế những kỳ mục cũ vẫn có tầm ảnh hưởng sâu rộng.

Như vậy, ngay từ buổi đầu cải lương hương chính, thực dân Pháp đã có xu hướng sử dụng Kỳ mục như là nòng cốt cơ bản của HĐTB, cộng thêm lệ bầu cử theo tộc họ đã khiến bộ phận này trở thành nguồn gốc của tệ bè phái, tranh giành quyền lợi giữa các cá nhân trong dòng họ. Người Pháp đã nhận thức được vai trò của dòng họ trong đời sống của làng xã Việt Nam, nhưng lại đánh

giá quá cao vai trò ấy. Hơn nữa, từ lâu các dòng họ đã không còn giữ vai trò là một đơn vị sản xuất, không giữ một vị trí chức năng nào trong công việc của làng. Cho nên chủ trương thiết lập bộ máy quản lý nông thôn, trên cơ sở đại biểu các dòng họ của Pháp ngay từ đầu thiếu những điều kiện và cơ sở xã hội để thành công. Năm 1927, Pháp phải đưa ra quy chế mới, có chiếu cố đến cơ cấu tổ chức cổ truyền một cách thiết thực, lập lại HĐKM bên cạnh HĐTB. Thành phần được tuyển chọn vào Hội đồng ấy bên cạnh những cá nhân mới chính quyền thuộc địa vẫn chấp nhận sự tham gia của các cựu học, cựu lý dịch, cựu quan viên. Điều này đem lại một kết cục là sự cồng kềnh và nặng nề thêm những nghĩa vụ của người nông dân, làm cho mâu thuẫn nông thôn thêm gay gắt. Chính sự cồng kềnh và hoạt động không hiệu quả của bộ máy quản lý làng xã, khiến thực dân Pháp trong đợt cải lương hương chính lần thứ ba có sự điều chỉnh cơ cấu bộ máy hành chính cấp xã, nhằm củng cố vững chắc nền thống trị của chúng.

Đợt ba của cải lương hương chính được thực hiện ở Bắc kỳ là vào năm 1941, trong giai đoạn cuối của thời kỳ thuộc địa. Lúc này, quân Nhật đổ bộ vào Bắc kỳ, Pháp cấu kết với Nhật để áp bức nhân dân ta, phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ ở vùng nông thôn, đe dọa tính mạng của chính quyền tay sai ở các làng xã. Thời gian này, chính quyền thực dân đã đổi chủ, đứng ngôi duy trì cải lương hương chính không phải là Thống sứ Bắc Kì với các Nghị định như trước kia nữa, mà là vua An Nam Bảo Đại. Ngày 23/05/1941, vua Bảo Đại đã ra đạo dụ số 31, về tổ chức bộ máy hành chính Bắc Kì. Đạo dụ này đã được toàn quyền Đông Dương chuẩn y bằng Nghị định số 3702, ký ngày 29/05/1941. Tinh thần cơ bản của lần cải lương hương chính này là việc trở lại với hình thức truyền thống của bộ máy quản lý làng xã.

Chúng ta đều thấy, bất kỳ một chính sách nào của chủ nghĩa thực dân (kiểu cũ hay kiểu mới), chỉ nhằm củng cố địa vị thống trị của chúng mà thôi;

không bao giờ và ở bất cứ đâu, bọn thống trị thực dân lại có những chính sách nhằm thực sự cải thiện đời sống cho nhân dân những nơi bị chúng thống trị cả. Thực dân Pháp đã thiết lập được một mạng lưới “hương đảng tiểu triều đình” tay sai cấp cơ sở trên toàn bộ nước ta. Với chiêu bài “hợp tác” thực dân Pháp đã biến vua quan Nam triều thành công cụ thống trị của chúng ở cấp chính quyền trung ương. Bằng chứng là việc Nam triều trực tiếp nắm việc “cải lương hương chính” trong đợt cải lương lần thứ ba vào năm 1941.

3.2. Quá trình thực hiện cải lương hương chính và sự hình thành các bản hương ước mới ở huyện Thanh Liêm

Một phần của tài liệu Luận văn: Hương ước cải lương huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam (1921 – 1942) (Trang 93 - 96)