tỉnh Hà Nam qua hai lần cải lương của thực dân Pháp
Hai đợt cải lương hương chính đã được chính quyền thực dân tiến hành rộng khắp trên các tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Kì trong đó có huyện Thanh Liêm. Sớm nhận thức được “luật làng” có “tầm quan trọng đặc biệt, luật lệ là nề nếp của làng xã. Những quy tắc này chi phối đến đời sống của dân chúng phải được áp dụng thành nề nếp” [32, 42] nên ở huyện Thanh Liêm thực dân Pháp đã triển khai nhanh chóng những ý đồ cải lương của chúng. Trong cuộc cải lương lần thứ nhất theo tài liệu lưu giữ ở Viện Hàn Lâm khoa học xã hội Việt Nam huyện Thanh Liêm mới có 1 quyển hương ước làng Cát Trì, tổng Động Xá năm 1922 thì đến năm 1932 đã có 21 xã lập hương ước theo chính sách cải lương hương chính của Pháp với tổng số trang là 245. Như vậy, trong đợt một và đợt hai của cuộc cải lương hương chính, huyện Thanh Liêm có 21
hương ước được lập, trong đó có 20 quyển được lập vào đợt một và có 1 quyển của thôn Châu Pháp được lập vào đợt hai (1932). So với số lượng hương ước được lập ở toàn tỉnh Hà Nam trong cả ba đợt thì huyện Thanh Liêm có số lượng hương ước nhiều nhất với số lượng là 130 quyển.
Các bản hương ước trong đợt 1 và đợt 2 của cải lương hương chính ta thấy do phải khai theo bản mẫu nên bố cục khá giống nhau. Mở đầu là “tôn chỉ của việc cải lương” tiếp đó được chia thành 2 phần rõ rệt là phần Chính trị và Tục lệ. Phần thứ nhất “Điều lệ tổng cục” đến năm 1927 gọi là “phần Chính trị” thường từ điều 1 đến điều 71, phần thứ 2 là “phần Tục lệ” từ điều 72 đến điều 77; cuối cùng là “phần Tổng tắc” thường từ điều 78 đến điều 82. Tuy nhiên, một số bản nội dung ít hơn 82 điều như tục lệ xã Nham Kênh, tổng Cẩm Bối lập năm 1924 và hương ước xã Ninh Thái, tổng Hòa Ngãi lập năm 1923 chỉ có 77 điều; Một số hương ước ngoài 83 điều còn ghi thêm phần phụ thường ở trang cuối cùng, ghi các tục lệ của làng mà trong hương ước mẫu không có hoặc bổ sung vào cho phù hợp với làng. Cuối mỗi bản hương ước thông thường có chữ ký, con dấu của Lý trưởng, Tiên chỉ, Thứ chỉ. Bên cạnh đó, một số hương ước có cấu tạo giống hệt nhau được soạn ở hai đợt cải lương của thực dân Pháp. Các hương ước của làng Yên Phú, tổng Cẩm Bối; hương ước xã Kinh Động, tổng Cẩm Bối và nhiều hương ước các làng xã khác trong huyện Thanh Liêm đều có đầy đủ 82 điều.
Tất cả các bản hương ước được lập trong hai lần đều được viết tay trên giấy vở học sinh bằng chữ Quốc ngữ và ghi bằng mực bút máy màu xanh, màu tím hoặc mực bút bi đen do Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam chép lại vì mực nhòe như hương ước làng Cát Trì, tổng Cẩm Bối (1922). Có một số hương ước ở trang bìa vừa ghi chữ Nôm vừa ghi chữ Quốc ngữ và cả chữ Pháp như hương ước làng Cát Trì, hương ước làng Cẩm Du trang bìa chỉ ghi chữ Pháp. Hương ước nào cũng có chữ ký, con dấu của quan viên trong làng xã, chủ yếu là của Lý trưởng, Tiên chỉ. Năm lập được ghi cụ thể, căn cứ
vào đó cho biết các bản này được lập vào đợt nào của cuộc cải lương. Chỉ có 16 quyển là không ghi năm, trong đó có 10 hương ước, 5 tục lệ và 1 tờ trình của xã Chi Thuật, tổng Mỹ Xá.
Số lượng trang giữa các hương ước cũng có sự chênh lệch, 3 trang là hương ước của xã Bích Trì, tổng Mễ Tràng, được lập năm 1923. Cá biệt có hương ước lên tới 39 trang như hương ước của làng Cẩm Du, tổng Cẩm Bối. Các hương ước trên 10 trang khá phổ biến. Trong các bản hương ước lỗi chính tả khá nhiều, đặc biệt là ở phần Tục lệ. Ngôn ngữ nói được sử dụng phổ biến. Ngôn ngữ mang tính quy phạm cao, từ ngữ khô khan, cứng nhắc như: “phải”, “cấm không”, “không ai được”, “trừng trị”, “phạt”… Hương ước được giao cho một người có học trong làng chép tay để trình quan trên. Bên cạnh đó, để đảm bảo theo đúng mẫu mà thực dân Pháp quy định, hầu như bản nào ở cuối trang hoặc đầu trang đều có ghi là “nay thừa sao”, “phụng sao y bản chính”, “nay trình sao”, “bản kê khai”.
Mở đầu hầu như bản hương ước nào cũng có phần “tôn chỉ của việc cải lương” hay “chú ý cải lương” với nội dung “Khoản hương ước các làng lưu truyền từ xưa, hoặc chỉ khẩu truyền, mà không có minh văn hoặc có minh văn mà không hợp thời thế. Bởi vậy cần nên cải lương xuy xét hiện tình thời nay so sánh khoản lệ thuở trước điều nào hại thời đổi, điều nào lợi thời theo, mục đích làm sao cho gia tộc được thịnh dần dân làng có trật tự. Sau sẽ theo trình độ tiến hóa mà cải bổ thêm” [93, 1]. Có hương ước lại đi thẳng vào phần chính trị, đó là trường hợp hương ước xã Ninh Thái, tổng Hòa Ngãi được soạn năm 1923, hương ước làng Hùng Phú, tổng Kỷ Cầu được soạn năm 1924…
Lợi dụng hương ước, khéo léo lồng vào nội dung của cuộc cải lương hương chính để phổ biến trong nhân dân là cách mà chính quyền bảo hộ đã làm và đã thành công. Các làng xã trong thời gian này lập hương ước đều làm theo hương ước mẫu mà chính quyền thực dân đã soạn sẵn. Phần chính trị đều
truyền tải được nội dung chủ đạo của các Nghị định và Thông tư cải lương. Mỗi hương ước lập ra đều được trình lên để chính quyền cấp trên phê duyệt mới được thi hành. Mỗi bản hương ước được sao thành 4 bản, 1 bản làng xã giữ để thực hiện, còn 3 bản gửi chính quyền cấp trên. Các hương ước ra đời phải dựa trên nguyên tắc là bám sát vào nội dung của cuộc cải lương hương chính. Xem xét kỹ lưỡng các bản hương ước được lập ở đợt 1 chúng ta thấy bố cục có sự khác nhau nhưng nội dung vẫn bám sát tư tưởng cải lương, còn lại tất cả các hương ước đều giống nhau về cấu trúc, các nội dung cần kê khai.
2.2.2.1. Phần chính trị
i, Việc chính trị
Tính áp đặt được thể hiện rất rõ trong phần Chính trị. Nếu hương ước ra đời trong đợt một thì phải chiểu theo Nghị định ngày 12/08/1921 của quan Thống sứ, còn trong đợt 2 thì phải chiểu theo Nghị định 25/02/1927. Hầu hết các hương ước của huyện Thanh Liêm đều ghi về phần Chính trị như sau: “Việc chính trị của làng… thì phải chiểu theo Nghị định quan Thống sứ ngày… Về việc chỉnh đốn Hương hội và phải tuân theo truyền định bản Nghị định ấy mà thi hành”. Không có một bản hương ước nào kê khai về HĐKM, HĐTB nhưng các hương ước cũng nhắc tới tộc biểu ở phần chính trị về vai trò của họ trong quyết nghị việc làng xã. Tính áp đặt thể hiện rất rõ ở phần Chính trị.
HĐTB thành lập thay HĐKM trước kia được tổ chức có kỷ luật rất nghiêm. Hàng tháng cứ ngày mồng một, ngày rằm mở Hội đồng một lần để bàn việc làng. Trong những trường hợp khẩn cấp Hội đồng có thể triệu tập thêm những phiên họp bất thường. Những quyết nghị của Hội đồng chỉ được thông qua khi có quá nửa số thành viên tham gia. Tộc biểu nào tự ý vắng mặt, Hội đồng sẽ bỏ ngôi tộc biểu của người ấy, nếu có việc thì phải “làm giấy báo cáo”. Nếu tộc biểu nào làm gì trái với hương ước hoặc trái với quy định của họ thì sẽ bị phạt tiền. Nếu làm tổn hại đến quyền lợi chung của nhân dân thì
Hội đồng chức sắc sẽ trình quan xử, cách chức người ấy. “Chức sắc kỳ hào” là thành viên của HĐKM mà Nghị định số 1949 của chính phủ bảo hộ tuyên bố xóa bỏ thì trên thực tế nó vẫn tồn tại ở một số làng quê và duy trì quyền lực của mình trong đời sống chính trị xã hội chốn hương thôn. Trong lúc họp, người dân được đến dự nhưng phải trật tự, nếu “ai say thì cấm không được dự Hội đồng”. Những việc nào liên quan đến lợi ích chung của làng xã thì Lý trưởng không được phép quyết định mà phải chờ ý kiến của Hội đồng. Công việc của Hương hội (HĐTB) khá bao quát các mặt của đời sống xã hội: coi tất cả các việc trong làng xã từ việc lập khoán ước, lập sổ thu chi, bổ sưu thuế... Tộc biểu nào làm tốt công việc lúc mãn nhiệm sẽ được làng thưởng cho ngôi kỳ mục. Các tộc biểu tự bầu ra trong Hội đồng người làm Thư ký người Thủ quỹ. Nếu trong Hội đồng không có ai nhận thì chọn người trong làng, khi Hội đồng họp, Thư ký, Thủ quỹ được tham gia nhưng không được bàn, trừ khi nào hỏi đến. Ngoài ra, Hội đồng cũng có quyền bầu ra những người có khả năng nắm giữ những công việc hàng xã như Lý trưởng, Phó lý, Trương tuần…
Bên cạnh HĐTB, vai trò của Lý trưởng được đề cao. Lý trưởng là “người môi giới giữa làng xã với chính quyền cấp trên”, có trách nhiệm “thừa hành việc quan”, việc “hành chính” trong dân và được dự chân Hội đồng. Ngoài ra, còn có Phó lý - là người giúp việc cho Lý trưởng. Ai được nhận chức Lý trưởng đều phải “trình làng” là khao vọng. Mức vọng và khao của Lý trưởng thường cao nhất trong bộ máy làng xã, tùy qui định của từng làng thường các làng thưởng từ 3 hào đến 20 hào. Nếu có việc lợi ích của cả làng, Lý trưởng và người tộc biểu không được tự ý quyết định mà phải theo ý chung của HĐTB. Lý trưởng và tộc biểu đi làm việc gì của làng mà phải đi quá 5km đều được tiền lộ phí thường từ 3 đến 5 hào mỗi ngày. Lý trưởng là người có mức lương cao nhất trong làng, chủ yếu trả bằng tiền, một số ít làng trả bằng thóc. Hương ước xã Ninh Phú có ghi cụ thể mức tiền lương mà bộ máy quản lý làng xã nhận được như sau: “Lý trưởng mỗi năm 15 hào. Thủ quỹ, Thư ký mỗi
năm 10 hào. Mười người phu tuần mỗi năm 70 hào. Tiền cấp cho phu tuần chia làm hai kỳ tháng 5 và tháng 10, còn tiền lương cấp cho Lý trưởng, Thủ quỹ và Thư ký thì tháng 10” [170, 18]. Sau khi Pháp tiến hành cuộc cải lương hương chính lần một, ở huyện Thanh Liêm các làng xã đã thành lập HĐTB. Trong 21 bản hương ước được lập, nội dung đều nhắc tới “các tộc biểu”. Sau một thời gian, HĐTB “hiện nguyên hình của một bộ máy tham nhũng, vả lại nó cũng vấp phải sự chống đối mãnh liệt của lớp kỳ mục cũ” [10, 51]. Trước cuộc cải lương, làng xã chỉ có HĐKM, sau đó HĐTB được dựng lên lại thêm một bọn ăn trên ngồi chốc. Chính phủ bảo hộ phải thừa nhận rằng: “Người ta đã phạm một sai lầm trong việc lập các Nghị định năm 1921 là quên mất ảnh hưởng của các vị kỳ mục cũ, bởi vì những nhân vật hiểu biết có chức tước thường có sự đảm bảo vững chắc về tài sản và tinh thần, có quyền thế thực sự đối với lớp người sau” [32, 41]. Cải lương hương chính vì thế làm cho đời sống của người dân chốn thôn quê tối tăm. Nhận biết được những thiếu xót đó, Nghị định năm 1927 đã chấn chỉnh một phần tình trạng này.
Theo Nghị định ngày 25/02/1927, HĐKM được tái lập lại, còn HĐTB được giữ nguyên và thành phần được mở rộng không chỉ những người có tài sản mà còn phải biết chữ. Nhiệm kỳ của Hội đồng này kéo dài từ 3 đến 6 năm. Sự trở lại của HĐKM cũng được thực dân Pháp quy định rất rõ về tiêu chuẩn, nhiệm vụ và chức năng của từng thành viên. Đứng đầu vẫn là Tiên chỉ, tiếp đến là Thứ chỉ. Để bộ máy quản lý hoạt động có hiệu quả hơn, các làng xã đều có những chính sách ưu đãi đặc biệt với quan viên trong làng (miễn tạp dịch, sưu thuế)…
Như vậy, đến năm 1922, huyện Thanh Liêm chính thức bước vào cuộc cải lương hương chính lần một, HĐTB ra đời, HĐKM bị xóa bỏ, Hội đồng lý dịch trong làng được tăng thêm quyền lực (vai trò của Lý trưởng). Đến năm 1927, hoạt động của HĐTB tỏ ra kém hiệu quả nên chính quyền thực dân đã lập lại HĐKM bên cạnh HĐTB. Sự thay đổi này cho thấy chính quyền thực
dân đang bế tắc trên con đường can thiệp vào công việc nội bộ của các làng xã người Việt.
ii, Sổ chi thu
Việc lập sổ chi thu là để kê khai các khoản thu và chi của một xã, một tỉnh hay một xứ, “kê khai bao nhiêu tiền thu vào ,bao nhiêu tiền chi đều kê rõ cả, như vậy tránh sự gian tham và sự hà lạm” [34, 25]. Chính quyền bảo hộ muốn kiểm tra thu chi của làng xã và kiểm soát nó chứ không phó mặc cho chính quyền xã như trước khi cải lương nữa. Trong sổ thu có hai khoản chính là thu bắt buộc (thu thường) đối với các khoản như tiền cheo, việc hiếu, khoản thu về giấy khai sinh, hộ tịch, thịt súc vật và thu bất thường (tùy ý). Trong đợt một các khoản thu thường có thuế trâu bò, tiền ngoại phụ và các thuế chính ngạch, tiền lúa sương, tiền bán ngôi thứ. Trong đợt hai những khoản thu ở đợt một chuyển hết thành khoản thu tùy ý. Sổ chi cũng có hai phần là chi thường thuộc các khoản về công vụ hàng xã, việc công ích, việc tế tự và các khoản chi bất thường gồm tiền làm lại đình chùa, cầu cống, trợ cấp cho người nghèo khó.
Ngày 01 tháng 11 hàng năm, HĐTB của các làng xã đều họp để dự tính các khoản thu và chi trong năm sau. Bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 năm sau, làng xã thực hiện những điều đã được thông qua trong sổ. Chánh hương hội là người có quyền duyệt các khoản chi thu trong làng xã. Đối với các khoản chi thu thì làng nào cũng ghi lại những điều trong hương ước mẫu. Từ điều thứ 3 đến điều thứ 7 là nói về các khoản chi thu. Hương ước xã Cát Trì, tổng Động Xá năm 1922, hương ước làng Cẩm Du, tổng Cẩm Bối năm 1923, tục lệ xã Đại Bái, tổng Thanh Hòa đều ghi rõ trong Điều thứ 5: “Ai nộp tiền vào công quỹ mà không có thủ quỹ biên lai, thời món tiền ấy cũng coi như chưa nộp”. Điều thứ 6: “Những món tiền mà thủ quỹ chi ra mà không có chữ Chánh hương hội thì không kể. Hễ ai đến lĩnh tiền thời thủ quỹ phải bắt người ấy giao cho một cái phái lai xé ở sổ răng cưa ra và có chữ ký của Chánh hương hội, chữ ký hay là điểm chỉ của
những người lĩnh tiền ấy. Cứ đến cuối tháng thì Hương hội phải kiểm quỹ lại một lần và phải làm biên bản để lưu truyền” [174, 12].
Hầu hết các bản hương ước đều ghi chung chung: “Sổ chi thu trong xã phải làm theo cách thức đã nói trong Nghị định Quan Thống sứ ngày 12/08/1921 về sự chỉnh đốn sổ chi thu trong hàng xã và phải tuân thủ lệnh chuyền định theo bản nghị định ấy mà thi hành… Hết năm, Hương hội phải tính sổ, họp Hội đồng xem thực thu vào bao nhiêu tiền, đi bao nhiêu, còn thừa bao nhiêu yết tại đình ít nhất là một tháng để dân cùng biết; hễ yết thị thì phải cho mõ đi rao” [82, 2]. Theo tinh thần của cải lương hương chính, việc lập sổ chi thu “không phải là thiết lập cho các làng được một cái quyền tự lập về tài chính” [42, 2] mà chỉ làm cho sự quản lý của chính quyền cấp trên với cấp xã được dễ dàng hơn. Mọi khoản chi thu của làng đều nằm trong khuôn khổ của sổ dự trù. Chỉ khi nào Hội đồng bàn và quyết định các khoản chi thu thêm thì các làng xã mới được thực hiện. Đây là cách thức để chính quyền