Việc thực hiện đợt cải lương hương chính cuối cùng của thực dân Pháp (năm 1941)

Một phần của tài liệu Luận văn: Hương ước cải lương huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam (1921 – 1942) (Trang 96 - 101)

i, Sự quân điề n thổ

3.2.1. Việc thực hiện đợt cải lương hương chính cuối cùng của thực dân Pháp (năm 1941)

dân Pháp (năm 1941)

Cuộc cải lương hương chính lần thứ hai duy trì chưa đầy 3 nhiệm kỳ, đến năm 1941, do những mâu thuẫn hình thành giữa hai Hội đồng, càng làm suy yếu năng lực quản lý của làng xã hơn. Mục tiêu ban đầu mà Pháp đề ra là xóa bỏ HĐKM, thay thế bằng HĐTB không thành công. Hơn nữa, thực dân Pháp đã không phá vỡ được cấu trúc bộ máy hành chính của làng Việt truyền thống, không triệt tiêu được sức sống của những tập tục cổ truyền.

Chính vì thế, để nắm lấy sự ổn định ở địa bàn nông thôn, Pháp phải chấp nhận sự trở lại với hình thức truyền thống của bộ máy quản lý làng xã. Điều này được phản ánh trong khuôn khổ những cải cách về hành chính, thông qua Đạo dụ ngày 23/05/1941, của vua Bảo Đại và được Toàn quyền Đông Dương chuẩn y bằng Nghị định số 3702, ngày 29/05/1941. Việc quản trị làng xã nằm trong tay HĐKM, xóa bỏ chế độ đầu phiếu, trở về với việc sắp xếp các thứ bậc trong Hội đồng. Điều đó có nghĩa là HĐTB do thực dân Pháp lập ra sau 20 năm tồn tại, đến đây, chính thức bị giải thể. Bộ máy quản lý làng xã chỉ còn lại Hội đồng kỳ mục với thành phần rộng rãi hơn. Sự thay đổi về thành phần

trong Hội đồng ấy là sự chiếm ưu thế của những người cộng tác với chính quyền thực dân tay sai đắc lực và trung thành với Pháp ở làng xã.

HĐTB bị giải thể, việc quản trị làng xã được đặt trong tay một Hội đồng duy nhất mang tên “Hội đồng kỳ mục”. Thành phần của Hội đồng kỳ mục bao gồm tất cả các dân đinh trong xã từ 21 tuổi trở lên với những tiêu chuẩn như văn bản năm 1927 đã quy định, tức là bao gồm những nhà khoa bảng, những người có phẩm hàm của Chính phủ Nam triều, các vị bô lão trong xã; ngoài ra được bổ sung thêm các quan lại, viên chức tại chức, những người đã tham gia lực lượng quân đội tại ngũ hay hưu trí, hoặc đã từ chức của cả Nam triều và chính quyền thực dân. Đứng đầu Hội đồng này là chức Tiên chỉ và Thứ chỉ. Hội đồng kỳ mục được củng cố và trở thành cơ quan điều hành mọi công việc của làng xã với sự trợ giúp của các chức dịch đứng đầu là Lý trưởng. Số lượng thành viên Hội đồng không hạn chế. Đối với làng xã mà số kỳ mục trên 20 người thì sẽ lập ra một Ủy ban quản trị (Ban hành chính) với 7 người là những kỳ mục cao nhất.

Đối tượng và phương thức tuyển lựa nhân sự cho bộ máy quản lý cấp xã cũng được quy định cụ thể. Bãi bỏ hoàn toàn phương thức bầu cử theo chế độ đầu phiếu như ở lần cải lương thứ hai. Việc sắp đặt thứ bậc trong Hội đồng cũng như việc chỉ định các chức dịch đều phải có sự đồng ý và công nhận của chính quyền cấp trên. Việc sắp xếp thứ tự trên dưới trong số các thành viên Hội đồng là tùy vào tập tục của từng nơi.

Trên thực tế, càng về cuối thời kỳ thuộc địa thì vai trò và hiệu lực của HĐKM càng giảm, nhiều khi Hội đồng chỉ tồn tại trên danh nghĩa mà không có thực quyền. Quyền lực thực tế chuyển dần sang tay các lý dịch. Trong khi đó, Đạo dụ năm 1941, không đề cập đến việc Công sứ có quyền giải thể HĐTB hay đề nghị lên Thống sứ giải thể HĐKM, nhưng quy định rất rõ đối với các kỳ dịch như Lý trưởng, Phó lý, Chưởng ban, Hộ lại, Thư ký thì Công

sứ có quyền lựa chọn cũng như giám sát mọi hoạt động và thi hành kỷ luật đối với bộ phận này.

Như vậy, bộ máy hành chính cấp xã đến đợt cải lương lần thứ ba có những chuyển biến sâu sắc, rõ nhất là việc xóa bỏ rồi thiết lập lại HĐKM và việc quy định một cách cụ thể, chi tiết nhiệm vụ, quyền hạn của các thành viên trong Hội đồng quản trị làng xã và tăng cường vai trò của các lý dịch. Trong giai đoạn cuối của thời kỳ thuộc địa, chính bộ phận viên chức, những sĩ quan, những nhà tân học gọi chung là những người có liên quan cộng sự với chính quyền thực dân mới là bộ phận đông đảo và giữ vai trò quan trọng nhất trong làng xã. Qua đội ngũ tay sai đông đảo này, thực dân Pháp nắm chặt hơn nông thôn đang có sự chuyển biến mạnh mẽ do ảnh hưởng của cuộc đấu tranh giành độc lập.

Về điều kiện thực hiện, cũng như trước kia, các điều khoản của Đạo dụ năm 1941, biến thành những điều khoản của hương ước, và xã dân cứ phải cúi đầu thực hiện. Tuy nhiên, do tình hình chiến tranh và bản thân chính quyền thực dân Pháp đang lung lay nên Đạo dụ năm 1941 không được thi hành rộng rãi. Ở nhiều làng xã vẫn còn tồn tại HĐTB và HĐKM theo nghị định năm 1927. Bằng chứng là, một số hương ước được lập sau năm 1941, vẫn ghi phần chính trị những điều khoản về HĐTB và HĐKM.

Việc lập lại và tăng cường vai trò của HĐKM ở lần cải lương thứ ba chúng ta thấy, là sự điều chỉnh có chủ ý của chính quyền thực dân vì thực dân Pháp nhận ra rằng: “Càng đặt công cụ của sự tổ chức hành chính là để đáp ứng những nhu cầu hiện nay trong đời sống An Nam thì càng thấy rõ sự cần thiết đối với tất cả, qua nghiên cứu quá khứ rút ra sự hiểu biết về những điều kiện mà trong đó biện pháp này được đem thực hiện. Sự phá vỡ một cách đột ngột những nếp cũ sẽ dẫn đến sự mất thăng bằng giữa những nguyên tắc đã tạo nên cơ sở chính trị của An Nam” [40, 26].

Chính sách cải lương hương chính ngay từ đầu khi đi vào thực tế đã vấp phải sự phản ứng từ các làng xã. Bởi vậy, thời gian và mức độ thực hiện chính sách này ở mỗi làng xã, mỗi địa phương có sự khác nhau. Từ đợt cải lương lần ba cho thấy, về cơ bản thực dân Pháp không đạt được mục tiêu đã đưa ra cho toàn bộ đợt cải lương hương chính, nhưng làng Việt nói chung có sự biến dạng sâu sắc.

Với việc xóa bỏ Hội đồng tộc biểu và cơ chế tuyển cử, chính quyền thực dân đã tước đi những quyền dân chủ nhỏ nhoi mà xã dân được hưởng trong hai thập kỷ. Hơn nữa, đối với việc bầu Lý trưởng, từ năm 1930, chính quyền thực dân quy định mới: Lý trưởng không phải do dân bầu mà do quan đề cử và Công sứ duyệt y. Trên thực tế, trong 10 năm cuối cùng của chế độ thuộc địa, Lý trưởng và các chức dịch hầu như không còn do dân bầu cử mà do quan lại bên trên chỉ định.

Từ năm 1941, việc quản trị làng xã chỉ do một hội đồng duy nhất đảm nhiệm là HĐKM. Thành viên của Hội đồng này mặc dù do làng xã cử ra, không thông qua bầu cử nhưng phải đáp ứng những tiêu chuẩn của Nhà nước bảo hộ, theo hướng mở rộng thành phần những người tham gia cả hai guồng máy hành chính Pháp-Việt. Đối với bộ phận chấp hành của Hội đồng kỳ mục là Lý trưởng, Chưởng bạ, Hộ lại, Thư ký, Thủ quỹ thì Hội đồng kỳ mục chỉ có quyền lựa chọn rồi báo cáo danh sách lên tỉnh. Quyền quyết định tối cao vẫn thuộc Công sứ Pháp, kể cả phân công, phân nhiệm các công việc đối với các chức dịch thừa hành. Những hình thức kỷ luật như khiển trách, cách chức, bãi miễn… do viên quan đầu tỉnh ra quyết định, nhưng vẫn phải được viên Công sứ đồng ý. Việc sắp đặt lại cơ cấu hành chính cấp xã, chính quyền thực dân càng củng cố quyết tâm giám sát và kiểm soát mọi hoạt động nội bộ của làng xã, thông qua việc quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng thành viên và những bộ phận cấu thành Ban quản trị làng xã.

Trong vấn đề quản lý tài sản và ngân sách chính quyền thực dân tiếp tục thực hiện lập và quản lý sổ chi thu với những quy định trong Nghị định năm 1921 và năm 1927. Chính quyền thực dân càng tăng cường những biện pháp giám sát về tài chính. Để đối phó với tình trạng một số địa phương không chấp hành việc giám sát về tài chính, Thống sứ Bắc Kì đã đưa ra quy định mới. Các làng xóm không được quyền tự quản lý, không có quyền lập hội đồng và lập ngân sách riêng; hạn chế đến mức tối đa việc lập các làng mới có quy mô nhỏ, đồng thời nghiên cứu xúc tiến sáp nhập các làng nhỏ. Văn bản Nghị định năm 1927, quy định về việc mở rộng các làng thuộc diện phải lập ngân sách. Việc lập ngân sách làng xã không chỉ dựa và số đinh (500 dân đinh) mà còn căn cứ vào mức thu ngân sách xã (2000 đồng trở lên).

Như vậy, trong lĩnh vực tài chính thực dân Pháp đã dần nắm được quyền quản lý thông qua việc quy định rõ các nguồn thu, các khoản chi một cách chặt chẽ. Hình thức lập sổ chi thu có kết quả, nên trong đợt cải lương hương chính lần thứ ba vẫn là nội dung khiến chính quyền thực dân lưu tâm nhiều nhất. Đối với việc quản lý tài sản công mà quan trọng nhất là ruộng đất, thực dân Pháp tiếp tục tìm mọi cách để tước đoạt quyền sở hữu của làng xã, biến thành sở hữu trực tiếp của chính quyền thực dân.

Các khoản thu khác về việc thầu ao hồ và cho thuê ruộng đất của làng xã – chủ yếu là loại "bản xã công điền công thổ", loại “bút điền”, “lương điền”, “hậu điền” và cũng có thể là số “công điền công thổ quân cấp” của các xã mà số diện tích “công điền công thổ quân cấp” quá ít, không đủ chia cho dân đinh sẽ góp vào các khoản thường xuyên phải chi của xã, trong đó có khoản chi về ngày lễ tết, hội hè… Còn các khoản thu từ việc bán tài sản riêng của làng xã lúc này do Công sứ quyết định việc chi dùng.

Một phần của tài liệu Luận văn: Hương ước cải lương huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam (1921 – 1942) (Trang 96 - 101)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(127 trang)
w