Nhận thức của chính quyền làng xã ở huyện Thanh Liêm về cải lương hương chính

Một phần của tài liệu Luận văn: Hương ước cải lương huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam (1921 – 1942) (Trang 79 - 82)

i, Sự quân điề n thổ

2.3.1. Nhận thức của chính quyền làng xã ở huyện Thanh Liêm về cải lương hương chính

cải lương hương chính

Làng xã người Việt nói chung và làng xã huyện Thanh Liêm nói riêng, đều được tổ chức thành một hệ thống chặt chẽ trong mối quan hệ ràng buộc cả về đời sống vật chất, lao động sản xuất và phong tục tập quán. Mỗi làng xã được ví như một “pháo đài” ngăn cản mọi sự can thiệp thô bạo từ các thế lực bên ngoài, đặc biệt là giặc ngoại xâm. Mặc dù, chịu sự quản lý của chính quyền phong kiến nhưng tính chất “tự trị” vẫn là đặc trưng chủ yếu của các làng xã ở huyện Thanh Liêm. Chế độ tự quản cho phép các làng xã tự bầu ra những người quản lý các công việc chung của cộng đồng và giám sát nhân dân thực hiện những “lệ làng” đã đặt ra. Ngoài ra, họ còn có nhiệm vụ bàn bạc những việc quan trọng của làng và thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước cũng như việc “đối ngoại” giữa làng xã mình với làng xã khác. Tổ chức quản lý làng xã là tổ chức cai quản các đơn vị dân cư có địa vực riêng khá ổn định với những tục lệ riêng, nhằm đảm bảo sự hài hòa các mối quan hệ trong cộng đồng.

Trong quá trình hình thành và phát triển của mình, mỗi làng xã đều đặt ra những “bộ luật” riêng của làng. Hương ước chính là sự hợp lý hóa những phong tục, luật lệ của làng buộc mọi thành viên trong làng phải thực hiện. Vì những nghĩa vụ chung được thực hiện một cách tự nguyện, nên sự gắn bó, giàng buộc giữa các thành viên trong cộng đồng ngày càng bền chặt hơn.

Hương ước đã phát huy vai trò và tác dụng trong việc kiểm soát thái độ, hành động của từng thành viên trong phạm vi làng xã, tạo ra sự cưỡng chế của cộng đồng đối với từng thành viên, là điểm tựa tinh thần để mọi người dân hành động vì sự tồn tại và phát triển của cộng đồng làng xã. Nội dung các hương ước thường đề cập tới hoạt động lao động sản xuất, bảo vệ an ninh trật tự của làng xã, nêu cao tinh thần tự giác của mỗi cá nhân đối với công việc chung của làng. Bên cạnh đó, hương ước còn đề cập tới những vấn đề thuộc

về thuần phong mỹ tục, nêu cao giá trị của đạo đức nhằm củng cố những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Nhà nước chỉ gián tiếp cai quản làng xã bằng việc quy định các chức sắc đứng đầu quản lý làng xã, còn việc cắt đặt người tham gia vào bộ máy ấy giao cho nhân dân làng xã tự quyết định. Các vị chức sắc trong làng xã đều do dân làng bầu ra, họ là những người đại diện cho nhân dân trong việc giao thiệp với chính quyền cấp trên, có nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi của cộng đồng và gìn giữ phong tục của làng xã. Dần dần, những chức vụ này được cụ thể hóa và được biên chép thành những điều khoản cụ thể trong hương ước.

Theo đó, tổ chức bộ máy quản lý nông thôn ở huyện Thanh Liêm gồm hai bộ phận: Hội đồng kỳ mục là cơ quan quyết nghị và bộ phận lý dịch là cơ quan chấp hành. Thông thường cơ quan chấp hành của xã gồm có: Xã trưởng hoặc Lý trưởng đứng đầu, chịu trách nhiệm chung; Phó lý giúp việc cho Lý trưởng, đôn đốc từng việc cụ thể như bắt phu, đi lính, kiểm tra việc canh phòng; Trương tuần hay Khán thủ là người đặc trách đảm bảo an ninh cho làng xóm. Lý trưởng là người chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Nhà nước về mọi mặt trong làng xã và các nghĩa vụ của làng xã đối với Nhà nước.

Mặc dù, các triều đại phong kiến luôn tìm cách với tay đến tận các làng xã thông qua việc nắm những người đứng đầu trong bộ máy cai trị xã thôn. Nhưng Nhà nước cũng chỉ biết nội tình các đơn vị làng xã một cách đại khái. Những con số trong sổ sách của Nhà nước cho các làng xã kê khai chỉ mang tính chất ước lệ. Tệ lậu đinh, lậu điền xảy ra thường xuyên khiến chính quyền trung ương buộc phải chấp nhận tình trạng này. Chính vì thế, trong quá trình tồn tại và phát triển của mình, làng xã luôn đảm bảo được tính tự trị về nhiều mặt.

Sau này khi có sự can thiệp của thực dân Pháp, bộ máy chính quyền từ trung ương đến địa phương đã có sự thay đổi. Thực dân Pháp đã thiết lập bộ máy cai trị hoàn toàn mới. Để thâm nhập một cách hiệu quả vào các làng xã và nắm giữ việc điều hành đơn vị hành chính cấp cơ sở này chúng đã chú ý

đến Hội đồng kỳ mục và bộ phận chức dịch, đặc biệt là Xã trưởng hoặc Lý trưởng và coi Lý trưởng là “chìa khóa” để chúng “mở cánh cửa” nắm giữ và can dự sâu hơn vào công việc nội bộ của làng xã. Chính quyền thực dân đã tiến hành công cuộc cải lương hương chính ở hầu khắp các làng xã Bắc Bộ trong đó có huyện Thanh Liêm từ năm 1921, nhằm thực hiện mục tiêu kiểm soát các làng xã người Việt. Chúng cho biên soạn các hương ước mẫu yêu cầu các làng xã thực hiện.

Ngay ở phần mở đầu của các hương ước cải lương, chúng ta đều thấy, chính quyền làng xã đã có nhận thức ban đầu về việc cải lương, rằng “khoản ước các làng lưu truyền từ xưa hoặc chỉ khẩu truyền mà không có minh văn hoặc có minh văn mà không hợp thời thế…” [93, 1]. Mặc dù phải tuân thủ các nội dung trong một hương ước mẫu nhưng các làng xã vẫn cố gắng duy trì tính chủ động trong việc quy định các chức vụ cũng như chức năng và quyền hạn của nó. Trong hương ước cải lương, các làng xã vẫn kê khai những phong tục tập quán riêng của mình bên cạnh những nội dung mới. Chính vì thế, những truyền thống tốt đẹp, những đặc trưng vốn có của làng xã phần nào vẫn được bảo lưu trước sự can thiệp của chính quyền thực dân.

Những vấn đề liên quan đến đời sống của nhân dân trong các làng xã cùng việc bảo vệ thuần phong mỹ tục vẫn được chú ý. Điều này được thể hiện rất cụ thể thông qua các nội dung nói về các quy định: trong bảo vệ an ninh trật tự, trong đoàn kết cộng đồng, những nguyên tắc trong việc sử dụng công quỹ và những hình phạt đối với bộ phận chức sắc không làm tròn nghĩa vụ của mình cũng như việc bảo vệ quyền lợi của người dân trước chính quyền cấp trên. Hương ước các làng xã ở huyện Thanh Liêm còn cho thấy sự giàng buộc giữa các chức sắc trong việc phụ trách các công việc về chăm lo vệ sinh, giáo dục, tế tự, khao vọng… Nhằm hạn chế sự lạm quyền của những chức sắc tham gia trong tổ chức làng xã thì việc đề cao tiếng nói cộng đồng là việc cần thiết mà các làng xã đã thực hiện và đem lại hiệu quả thực sự.

Như vậy, chính quyền làng xã ở huyện Thanh Liêm, mặc dù, càng ngày bị thực dân Pháp thao túng thông qua bộ máy cai trị các cấp và các lần cải lương nhưng ở một góc độ nào đó vẫn ý thức được chức năng và nhiệm vụ của mình đối với đời sống sinh hoạt ở làng xã. Điều đó có nghĩa là không ít thì nhiều, những quy định về quyền lợi và nghĩa vụ của chính những “tay sai” của chính quyền thực dân vẫn hạn chế được sự can thiệp sâu vào công việc của làng xã.

Một phần của tài liệu Luận văn: Hương ước cải lương huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam (1921 – 1942) (Trang 79 - 82)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(128 trang)
w