Một số nhận xét về kết quả thực hiện hương ước cải lương ở huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam

Một phần của tài liệu Luận văn: Hương ước cải lương huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam (1921 – 1942) (Trang 105 - 114)

i, Sự quân điề n thổ

3.3. Một số nhận xét về kết quả thực hiện hương ước cải lương ở huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam

huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam

Cuộc cải lương hương chính của thực dân Pháp dù đã được chuẩn bị chu đáo bằng việc thử nghiệm ở tỉnh Hà Đông trước khi tiến hành rộng rãi trên toàn xứ Bắc Kì, nhưng có thể thấy nó không được như mong muốn của chúng.

Nguyên nhân chủ yếu là vì, mục đích sâu xa của của cuộc cải lương hương chính không nhằm làm cho làng xã “văn minh” hơn, thực chất là tăng cường kiểm soát và bóc lột, quan trọng hơn là sự thiếu hiểu biết sâu sắc về phong tục, tập quán cũng như lối sống chốn thôn quê của thực dân Pháp.

Trên cơ sở, tiếp cận và tìm hiểu 130 bản hương ước cải lương của huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam chúng ta có thể khẳng định, cuộc cải lương lần thứ nhất là thành công nhất. Vì trong đợt cải lương lần thứ ba, mặc dù, số lượng các hương ước cải lương được lập nhiều hơn nhưng chủ yếu là sao chép lại các bản hương ước mẫu soạn trong đợt cải lương hương chính lần thứ nhất. Sau đó các làng xã chỉnh sửa lại năm cho phù hợp. Tuy nhiên, là huyện có số lương hương ước cải lương được lập nhiều nhất trong tỉnh Hà Nam, có thể thấy nơi đây cuộc cải lương hương chính khá điển hình.

Không chỉ riêng ở huyện Thanh Liêm của tỉnh Hà Nam, hầu hết các làng xã đều bằng cách này hay cách khác chống lại chính sách cải lương hương chính của thực dân Pháp. Một số làng xã lập hương ước nhưng không hoàn toàn theo mẫu của chính quyền thực dân. Tục lệ xã Nam Công, tổng Cẩm Bối chỉ nêu lên những vấn đề về chức vụ, ngôi thứ, ruộng đất rất ngắn gọn, sơ lược. Có nhiều làng xã trong đợt cải lương hương chính lần ba lại sao chép y nguyên nội dung hương ước của lần cải lương hương chính năm 1921. Điều đó, phần nào nói lên mức độ tác động của cuộc cải lương hương chính lần ba đối với các làng xã là rất ít, thậm chí có thể nói không tác động đến các làng xã của huyện Thanh Liêm. Việc lập hương ước đối với các làng xã chỉ là sự bắt buộc, mang tính chất đối phó với những chính sách trái với thuần phong mỹ tục mà chính quyền thực dân đưa ra.

Việc lập sổ thu chi – nội dung quan trọng thứ hai của cuộc cải lương hương chính, được các làng ghi chép sơ sài và không đúng với thực tế diễn ra - biểu hiện của thái độ bất hợp tác với chính quyền thực dân của một bộ phận

trong chính quyền làng xã. Đa số các làng xã chỉ ghi đúng theo hướng dẫn của chính quyền cấp trên quy định, ghi chép về các khoản thu bắt buộc và tiền lương của các chức dịch, còn làng sẽ tự ý quyết định các khoản ngoại phụ đánh thuế ruộng đất tư và các khoản thu tùy ý khác. Những tiền ấy chính quyền thực dân Pháp sẽ không thể kiểm soát được. Điều này chứng tỏ rằng ý đồ quản lý chặt chẽ về tài chính của chính quyền thực dân đã bị thất bại.

Sự thay đổi trong cơ cấu tổ chức quản lý làng xã năm 1941 một lần nữa chứng tỏ sự thất bại của chính quyền thực dân, trong ý đồ can thiệp sâu hơn vào công việc nội bộ của làng xã, thông qua quyền kiểm soát và chỉ đạo các chức dịch. Sau 20 năm tiến hành cải lương hương chính, với nhiều nỗ lực, cố gắng, chính quyền thực dân lại trở về điểm xuất phát ban đầu của nó, thiết lập lại cơ chế quản lý cũ với sự tồn tại của Hội đồng kỳ mục. Đến thời điểm này, sự quẩn quanh, lúng túng trong chính sách cai trị của chính quyền thực dân đã bộc lộ rõ. Còn các làng xã càng chứng tỏ sự phản ứng linh hoạt của mình, trước những ý đồ xâm lược của kẻ thù, giữ vững tính chất tự trị và độc lập tương đối vốn có.

Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng, công cuộc cải lương hương chính của thực dân Pháp có những thành công nhất định. Một trong những thành công của chính quyền thực dân là đã thông qua hương ước quản lý được đời sống chính trị của các làng xã. Hương ước cải lương do chính quyền thực dân lên khuôn, góp phần hướng dẫn, điều chỉnh hành vi và lối sống truyền thống của các xã dân, theo hướng có lợi cho chúng. Trước hết, trong việc tổ chức lại bộ máy hành chính cấp cơ sở, thực dân Pháp đã phần nào xác định được quyền cai quản của mình đối với nông thôn Việt Nam nói chung và huyện Thanh Liêm của tỉnh Hà Nam nói riêng, làm cho bộ mặt của các làng xã bị biến dạng ít nhiều. Thêm nữa, các mặt của đời sống làng xã người Việt, lần đầu tiên được quy chế hóa thành văn bản. Do đó, chúng ta không thể không

thừa nhận trong nội dung của hương ước cải lương có những điểm mang tính chất dân chủ và tiến bộ. Ở hương ước mới, một số vấn đề như ma chay, cưới xin, khao vọng, hình phạt cũng có những thay đổi tích cực nhằm giảm bớt phiền phức, tốn kém. Đó là bỏ việc mời làng ăn uống trước và sau khi đưa tang, thay thế bằng việc nộp tiền theo các hạng phù hợp với hoàn cảnh của tang chủ…

Tiểu kết chương 3

Những bất cập trong việc duy trì hình thức hai Hội đồng cùng tham gia vào công việc quản lý làng xã ngày càng bộc lộ rõ, tình trạng cồng kềnh và hoạt động không hiệu quả của bộ máy quản lý khiến thực dân Pháp phải tìm biện pháp khắc phục tình trạng này. Tuy nhiên, mãi đến năm 1941, chúng mới tiến hành cuộc cải lương hương chính lần thứ ba với việc quay trở lại bộ máy quản lý làng xã truyền thống. Sự chậm trễ đó cũng dễ lý giải, vì từ năm 1930, trở đi phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc dâng cao mạnh mẽ khắp cả nước. Nhiệm vụ trước mắt của thực dân Pháp là phải dùng biện pháp can thiệp bằng vũ lực, để dẹp yên phong trào đấu tranh chống Pháp của quần chúng.

Nhận thấy rõ những tác động tích cực mà chính sách cải lương hương chính mang lại, nên chính quyền thực dân trong cách thức tiến hành dù có những điểm không phù hợp và còn vấp phải sự chống đối khá quyết liệt của nhân dân các làng xã, nhưng chúng vẫn muốn duy trì nó. Những điều nào chúng thấy không phù hợp mới điều chỉnh. Kết quả, là sự ra đời của hàng loạt các hương ước cải lương mới ở huyện Thanh Liêm trong năm 1942. Số lượng các hương ước cải lương nhiều nhất so với đợt một và cả đợt hai nhưng nội dung khá sơ lược, các làng xã chủ yếu kê khai tục lệ của làng mình.

Sự ra đời của các bản hương ước cải lương trong đợt cải lương hương chính năm 1941 đã giúp chúng ta có thêm cơ sở để đánh giá kết quả của cuộc cải lương hương chính nói riêng, chính sách thống trị nói chung của thực dân

Pháp. Cũng từ đây, chúng ta sẽ thấy được thái độ ứng xử của mỗi làng Việt, trước sự cai trị của chính quyền thực dân. Hơn nữa, hương ước mới và những bản hương ước đã được lập trong hai đợt cải lương hương chính trước đó còn giúp chúng ta phác họa nên được bức tranh toàn cảnh, đa dạng , vốn đã phức tạp về nông thôn Việt Nam thời kỳ trước Cách mạng Tháng 8/1945.

KẾT LUẬN

Công cuộc “cải lương hương chính” của thực dân Pháp được thực hiện trên cả ba kì, ở những thời điểm khác nhau đã đem đến một diện mạo mới cho các làng xã người Việt. Thực dân Pháp trong quá trình tiến hành “cải lương hương chính”, phải điều chỉnh thường xuyên vì vấp phải sự phản ứng gay gắt từ phía các làng xã. Nhận định về việc thành công hay thất bại của chính sách này, có nhiều ý kiến trái chiều. Có ý kiến cho rằng, cuộc “cải lương hương chính” đã thành công vì thông qua cuộc cải cách này, thực dân Pháp đã can thiệp, nắm chặt các làng xã. Có ý kiến lại cho rằng “công cuộc cải lương hương chính” là sự thất bại nặng nề của Pháp trước tập tục truyền thống của làng xã, trước tính chất đóng kín của nông thôn Việt Nam. Vũ Quốc Thông trong cuốn “Pháp chế sử”, xuất bản năm 1937 còn nhận xét: “trong giai đoạn này, người Pháp đã nhận thấy sự thất bại của chính sách xã thôn tự trị mà họ hằng theo đuổi… đã bắt buộc trở lại chính sách bất can thiệp lúc ban đầu” [49, 243]. Nếu xem xét toàn bộ cuộc “cải lương hương chính” thì rất khó có thể đưa ra một nhận định chính xác. Vì xét ở khía cạnh này, nó thành công nhưng xét ở khía cạnh khác lại thấy những thất bại. Ngay như quá trình điều chỉnh của thực dân Pháp từ việc lập Hội đồng tộc biểu đến việc trở lại Hội đồng kỳ mục năm 1941, có thể thấy đây là một thất bại thực sự của cuộc “cải lương hương chính”, chính những người vạch ra chính sách cũng có lúc đưa ra đánh giá là nó thất bại.

Tuy nhiên , cần phải thấy rằng, thực dân Pháp đã rất khôn khéo và thực sự thành công trọng việc lợi dụng sức mạnh của hương ước để quản lý nông thôn. Các bản hương ước mà các làng xã soạn dù có nhiều điểm khác nhau nhưng đều phải theo yêu cầu của chính quyền thực dân và theo tinh thần của Nghị định về cải lương hương chính.

Nhìn toàn bộ cuộc cải lương hương chính ở Thanh Liêm, trên một khía cạnh nào đó, chúng ta có thể khẳng định rằng thực dân Pháp đã khá thành

công. Huyện Thanh Liêm có số lượng hương ước cải lương nhiều nhất so với các huyện khác trong tỉnh Hà Nam. Việc soạn thảo các hương ước cải lương lại chịu sự giám sát chặt chẽ của chính quyền thực dân. Do đó, cả 130 bản hương ước hầu hết đều khá giống nhau về cấu trúc. Một bản hương ước gồm 2 phần: phần “Chính trị” (cụ thể hóa các Nghị định và Thông tư của cuộc cải lương hương chính); phần “Tục lệ” được coi là “linh hồn của làng xã” (kê khai những tục lệ của làng). Tuy nhiên, thực tế mối quan hệ “trong họ, ngoài làng” ở huyện Thanh Liêm còn rất phong phú và phức tạp hơn những điều được phản ánh trong hương ước.

Qua nội dung phần “Chính trị” các bản hương ước cải lương ở huyện Thanh Liêm chúng ta có thể hình dung được toàn bộ hệ thống chính quyền thống nhất từ trung ương đến các làng xã, chính quyền thực dân đã nắm trong tay quyền quyết định về nhân sự và quyền kiểm soát mọi hoạt động của làng xã. Nói như vậy, không có nghĩa là thực dân Pháp hoàn toàn thành công trong quá trình can thiệp vào công việc nội bộ của làng xã Việt Nam nói chung, vì ngay từ đầu chủ trương “cải lương hương chính” đã thiếu những điều kiện và cơ sở để thành công. Bản thân những chủ trương mà Pháp đưa ra đều mang tính chất phản động, áp đặt “từ trên xuống” không đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân nên chắc chắn vấp phải sự phản kháng từ phía họ khiến cho mục tiêu của thực dân Pháp không thực hiện được.

Đối với làng xã cổ truyền, chính sách cải lương hương chính đều có tác động tích cực và tiêu cực. Đối với hương tục không thể phủ nhận nó có tác động tích cực, mặc dù, còn ít ỏi đối với các tục lệ truyền thống của làng xã được thể hiện rõ nhất qua các bản hương ước cải lương. Trong các hương ước cải lương, yếu tố tích cực của hương ước cũ vẫn được bảo lưu và có sửa đổi chút ít cho phù hợp. Đó là các quy định được nêu trong sự học hành và giáo dục. Ngoài ra, hầu hết các làng đều có những quy ước về việc giữ vệ sinh nơi ở và nơi công cộng. Trong các hương ước mới này một số vấn đề như ma

chay, cưới xin, khao vọng, hình phạt cũng được thay đổi theo hướng tích cực nhằm giảm bớt phiền phức, tốn kém. Tuy nhiên, những chính sách ấy đưa ra chỉ trên giấy tờ, còn việc thực hiện quá ít ỏi, thậm chí có những nơi vẫn duy trì hủ tục lạc hậu. Tác động tiêu cực mà chính sách “cải lương hương chính” gây ra còn là sự tăng thêm mâu thuẫn và những cuộc tranh giành quyền lợi giữa các phe phái vốn tồn tại dai dẳng chốn hương thôn. Việc HĐTB ra đời tồn tại song song với HĐKM đã làm cho bộ máy quản lý xã thôn trở nên cồng kềnh hơn, cuộc đấu đá, tranh giành quyền lợi giữa các phe phái càng trở nên gay gắt, phức tạp hơn; theo đó, ách áp bức đối với nông dân nặng nề hơn.

Chính sách “cải lương hương chính” đã tạo nên sự thay đổi lớn trong đời sống nông thôn, nhất là về mặt đời sống chính trị, trong đó có những điểm được coi là thay đổi tích cực, biểu hiện ở tính chất dân chủ trong bầu cử Hội đồng tộc biểu: cử tri từng giáp, từng họ bỏ phiếu dưới sự giám sát chặt chẽ của các cấp chính quyền. Việc lập sổ thu chi đã góp phần làm minh bạch thêm vấn đề về chi tiêu ngân sách làng xã. Nhưng ở tác động tiêu cực, việc làm đó chỉ phục vụ mục đích chính của thực dân Pháp, là tìm cách kiểm soát chặt chẽ hơn về việc thu chi của các làng xã.

Chính sách “cải lương hương chính” đã phá vỡ nền “dân chủ làng mạc” – được biểu hiện trước hết ở sự tôn trọng và đề cao lớp già, ở hình thức quản lý tập thể... Trong nội bộ xã thôn đã có sự phân hóa đẳng cấp và giai cấp sâu sắc. Việc đề cao lớp già chỉ là mang tính hình thức. Tất cả mọi quyền hành trong làng xã đều nằm trong tay các quan viên hàng xã - những người có điền sản, phẩm hàm hoặc có chức tước.

Chế độ tự trị làng xã không những không còn nguyên vẹn mà hầu như đã bị tước bỏ trên những mặt cơ bản nhất” khi “cải lương hương chính” được tiến hành. Cơ chế tự trị của làng xã được biểu hiện rõ nhất thông qua hương ước. Trước đây, các làng xã tự lập hương ước theo tục lệ riêng của làng, lệ làng nhiều khi quan trọng hơn phép vua. Nhưng trong cuộc “cải lương hương

chính” thực dân Pháp đã lập ra mẫu hương ước chung theo hướng có lợi cho chúng buộc các làng xã phải thực hiện. Hương ước vốn là “bộ luật riêng” của các làng trở thành công cụ cai trị trực tiếp của chính quyền thực dân. Mặc dù vậy, đối với những tục lệ, tín ngưỡng, chính quyền thực dân chỉ can thiệp ở mức độ nhất định. Nhờ đó, khi tìm hiểu những hương ước cải lương thời kỳ này, chúng ta không những hiểu được đặc điểm riêng của các làng xã mà còn hiểu thêm về bức tranh tổng thể của làng xã Việt Nam trước cách mạng Tháng 8/1945.

Một phần của tài liệu Luận văn: Hương ước cải lương huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam (1921 – 1942) (Trang 105 - 114)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(128 trang)
w