3.1.1. Định hướng phát triển chung ngành y tế
Nghị quyết Đại hội Đảng và Nghị quyết của quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hộ 5 năm giai đoạn 2011-2015 đã tiếp tục khẳng định sự phát triển của sự nghiệp y tế trong thời kỳ mới. Đó là:
Đảng, quốc hội, Chính phủ ngày càng quan tâm đến ngành Y tế, xác định rõ vai trò quan trọng của sức khỏe trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, coi đầu tư cho sức khoẻ chính là đầu tư trực tiếp cho phát triển bền vững. Tăng cường đầu tư cho phát triển hệ thống y tế từ NSNN và từ sự đóng góp của cộng đồng thông qua hình thức thu viện phí một cách hợp lý và khuyến khích phát triển hình thức bảo hiểm y tế.
Tiếp tục xây dựng hệ thống y tế theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển. Bảo đảm cho mọi người đều được chăm sóc sức khoẻ, phù hợp với khả năng kinh tế của xã hội, đồng thời Nhà nước có chính sách khám chữa bệnh miễn phí và giảm phí đối với người có công với nước, người nghèo, người sống ở vùng có nhiều khó khăn và đồng bào các dân tộc thiểu số. Thực hiện chính sách hỗ trợ người cận nghèo mua thẻ bảo hiểm y tế; đưa tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt khoảng 65% dân số trong năm 2012
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 05/2005/NĐ-CP của chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động y tế. Đa dạng hoá các hình thức tổ chức chăm sóc sức khoẻ: nhà nước, dân lập và tư nhân trong đó y tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa một cách hợp lý, khuyến khích các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước mở rộng các hoạt động đầu tư trong lĩnh vực y tế. Phát triển các loại hình chăm sóc sức khoẻ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của nhân dân trong điều kiện nguồn lực của Nhà nước đầu tư cho y tế còn hạn chế. Khuyến khích, hướng dẫn và quản lý tốt hoạt động của các cơ sở y tế dân lập, y tế tư nhân nhằm mục tiêu thiết thực phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ nhân dân, chống mọi biểu hiện tiêu cực trong các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ.
Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế: tiếp tục thực hiện Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT ngày 5/6/2007 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ. Mở rộng các hình thức đào tạo nhằm bảo đảm nhân lực cho các cơ sở y tế trong thời gian tới; chú trọng đào tạo chuyên sâu, đào tạo để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật cao, chuyển giao công nghệ, nâng cao trình độ quản lý.
3.1.2. Định hướng phát triển Bệnh viện nội tiết Nghệ An
3.1.2.1. Định hướng phát triển chung của bệnh viện Nội tiết Nghệ An
Đến năm 2020 xây dựng Bệnh viện nội tiết Nghệ An trở thành Trung tâm y tế vùng Bắc Trung Bộ, có đội ngũ thầy thuốc giỏi, trình độ chuyên môn cao, tận tâm yêu nghề, có cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại và đồng bộ. Có phương pháp quản lý khoa học với môi trường làm việc thân thiện, mở rộng quan hệ hợp tác, tăng cường công tác đào tạo, công tác quản lý tài chính nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Hướng đi Bệnh viện trong thời gian tới nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược trên là:
Trên địa bàn TP Vinh số lượng BV, cơ sở y tế ngày một tăng cao, thậm chí có thể nói là "bùng nổ". Để nhiều người dân vẫn tin tưởng lựa chọn Bệnh viện nội tiết Nghệ An để đến khám và điều trị bệnh viện cần chú trọng nội dung nâng cao chất lượng khám và chữa bệnh. Khắc phục dần tiêu cực, hạn chế và phấn đấu nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, toàn thể cán bộ, nhân viên, y, bác sỹ thực hiện tốt hiện tốt qui chế chuyên môn của Bộ Y tế ban hành với tinh thần thực hiện nghiêm Đề án y đức, tổ chức bệnh viện đã triển khai sâu rộng Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng các hành động cụ thể trong công việc hàng ngày: Như nâng cao chất lượng phục vụ, chăm sóc người bệnh.. tập trung phát triển các mũi nhọn chuyên sâu, triển khai nhiều kỹ thuật mới, cao trong khám chữa bệnh.
Thứ hai, sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
Cần phát triển nguồn nhân lực y tế cân đối và hợp lý cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu, đáp ứng nhu cầu về cán bộ y tế phù hợp với quy hoạch phát triển ngành. Bảo đảm đạt được các chỉ tiêu cơ bản: có trên 8 bác sỹ/10.000 dân; 1,5 dược sỹ/10.000 dân. Bảo đảm cơ cấu cán bộ y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh là 3,5 điều dưỡng/1 bác sỹ.
Đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ theo nhiều hình thức, xây dựng đề án đào tạo nhân tài, đào tạo kỹ thuật cao cho các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế tuyến tỉnh và tuyến trung ương. Phát triển nguồn nhân tài, cán bộ y tế trên đại học, và có chế độ đãi ngộ đặc biệt đối với nhân tài trong ngành y tế. Mở rộng việc đưa cán bộ có trình độ cao đi đào tạo ở nước ngoài bằng nguồn kinh phí của nhà nước, nguồn tài trợ nước ngoài, khuyến khích du học tự túc theo các chuyên ngành đang có nhu cầu.
Để việc đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị hiệu quả tránh tình trạng chưa được điều phối, đôi khi quá với nhu cầu cần thiết, không đồng bộ với đào tạo người sử dụng, có thể gây lãng phí lớn. Khoảng 20% trang thiết bị ở một số bệnh viện tỉnh nghiên cứu không được sử dụng hết công suất. Hiện tượng lạm dụng dịch vụ y tế bao gồm cả thuốc và dịch vụ kỹ thuật cao, cung ứng thuốc và dịch vụ không cần thiết, dẫn đến làm tăng chi phí cho người sử dụng dịch vụ y tế ở các mức độ khác nhau. Phương thức thanh toán theo phí dịch vụ cũng tạo động cơ chỉ định sử dụng dịch vụ quá mức cần thiết, đặc biệt đối với các dịch vụ công nghệ cao, gây lãng phí nguồn lực không nhỏ.
Thứ ba, là về công bằng và hiệu quả y tế. Để đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, Bệnh viện cần có thêm nguồn kinh phí trong điều kiện NSNN cấp cho rất hạn hẹp. Vì vậy, một mặt có biện pháp tăng thu viện phí và BHYT nhưng đồng thời thực hiện chế độ miễn giảm cho người nghèo, người có công với cách mạng... theo quy định của Nhà nước.
Thứ tư, Xây dựng và bảo vệ môi trường Bệnh Viện xanh- sạch- đẹp. Tích cực truyền thông giáo dục sức khỏe nhằm đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Thứ năm, là về việc tạo động lực của cán bộ y tế. Nhân lực y tế, nhân tố quyết định hiệu quả hoạt động khám chữa bệnh của bệnh viên. Tạo nguồn tài chính để bảo đảm thu nhập tăng thêm cho cán bộ, nhân viên y tế là một khâu quan trọng của đổi mới cơ chế tài chính bệnh viện, góp phần tạo động lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả dịch vụ y tế.
3.1.2.2. Định hướng đối với công tác quản lý tài chính của bệnh viện Nội tiết Nghệ An.
Mở rộng các hoạt động dịch vụ, tăng nguồn thu cùng với nguồn kinh phí ngân sách nhà nước giao, từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, công tác phòng bệnh,.. tạo điều kiện cho người đến khám chữa bệnh ngày càng có nhiều cơ hội lựa chọn, tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng cao (gia tăng chi/giường bệnh), đảm bảo cân đối thu-chi và có tích lũy, nâng cao đời sống vật chất cho CBCNV,...
Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu khắt khe trong quản lý Bệnh viện nói chung, quản lý tài chính Bệnh viện nói riêng: phải vừa đảm bảo công bằng y tế, vừa đảm bảo tính hiệu quả kinh tế. Bệnh viện vừa chữa trị và thực hiện các quyền của người khám chữa bệnh nói chung và những người được hưởng chính sách ưu tiên trong khám chữa bệnh y tế nói riêng, đồng thời tìm kiếm, khai thác các nguồn thu để đảm bảo các khoản chi và nâng cao điều kiện cơ sở vật chất cũng như đời sống của cán bộ trong bệnh viện. Cân đối thu chi, điều này có nghĩa là vừa đảm bảo “ khung” tài chính do Nhà nước quy định ( mức giá viện phí, chế độ miễn giảm...) vừa đảm bảo các mục tiêu cho phát triển Bệnh viện. Nói cách khác quản lý tài chính không thể tách rời khỏi quản lý bệnh viện nhưng đồng thời phải tuân thủ các quy định tài chính của Nhà nước.
3.2. Các giải pháp hoàn thiện công tác quản lý tài chính tại Bệnh viện nội tiếtNghệ An Nghệ An
3.2.1. Giải pháp khai thác các nguồn thu tài chính3.2.1.1.Tăng cường nguồn NSNN 3.2.1.1.Tăng cường nguồn NSNN
Mặc dù kinh phí thường xuyên là do NSNN cấp hàng năm tăng chậm và ngày càng có tỷ trọng giảm trong tổng nguồn kinh phí của Bệnh viện song đây là nguồn kinh phí tương đối ổn định. Có thể nói nguồn NSNN hiện vẫn là nguồn kinh phí chủ đạo cho các bệnh viện công. Bởi ngoài kinh phí thường xuyên, NSNN còn đầu tư với khối lượng lớn cho Bệnh viện dưới các Dự án đầu tư XDCB các khoản kinh phí không thường xuyên.
Bệnh viện cần phát huy thế mạnh bệnh viện tỉnh trên cơ sở tiêu chí phát triển của Bệnh viện và chủ trương đầu tư trọng điểm của Nhà nước. Tranh thủ sự giúp đỡ của các bộ ngành hữu quan tạo môi trường thuận lợi cho Bệnh viện khai thác tối đa nguồn ngân sách, trên cơ sở thực hiện tốt các chỉ tiêu nhiệm vụ hàng năm cũng như việc quản lý Dự án đầu tư để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
3.2.1.2.Tăng cường huy động sự đóng góp của nhân dân
Đóng góp của Nhân dân thể hiện dưới hình thức viện phí và BHYT. Đây hiện đang là nguồn chủ yếu bổ sung kinh phí cho hoạt động chuyên môn của Bệnh viện. Trong những năm qua, nguồn thu này có tốc độ tăng trưởng mạnh. Bệnh viện cần duy trì tốc độ tăng trưởng này. Song như đã nói ở chương 3, hiện nay Bệnh viện vẫn còn để thất thoát trong quá trình thu viện phí . Vấn đề đặt ra là cần thu đúng, thu đủ. Đây là điều kiện thiết yếu và là yếu tố để tăng nguồn vốn quan trọng này nhưng vẫn đảm bảo được công bằng y tế. Đó là:
Thu đúng theo quy định của Nhà nước. Thực hiện thu từng mục đặc biệt là thuốc và chuẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm. Riêng đối với giá chi phí cho hình thức tự nguyện cần hạch toán đủ trong phẫu thuật, xét nghiệm và chuẩn đoán hình ảnh.
Thu đủ: ngoài việc thu đúng theo quy định của Nhà nước, Bệnh viện cần thu phí có chọn lọc (selective user fee) theo khuyến cáo của World Bank: thu đủ những ai có khả năng đóng góp và miễn giảm cho những ai ít có khả năng đóng góp. Thu đủ còn bao gồm việc thu vào kinh phí bệnh viện chứ không phải thu vào túi của một số cá nhân.
Thứ nhất, Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp đón, thu viện phí cho bệnh nhân. Bệnh nhân dù nằm ở bất cứ khoa phòng nào, sử dụng bất cứ dịch vụ nào đều có thể nộp tiền ở nơi mà mình thấy thuận tiện nhất. Đặc biệt trong việc thu khám và xét nghiệm, cần sắp xếp, bố trí lại hệ thống tổ chức một cách hợp lý đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện cho bệnh nhân. Chẳng hạn: tất cả các bệnh nhân đến khám chữa bệnh (trừ các trường hợp cấp cứu thì đến thẳng phòng cấp cứu) được tiếp đón tại “Phòng tiếp đón”. Tại đây, các bác sỹ, y tế sẽ tiếp bệnh nhân, hỏi bệnh nhân về yêu cầu khám chữa bệnh, tình trạng bệnh tật... Khi đã hiểu và nắm được nhu cầu, nguyện vọng cũng như tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân, các bác sỹ sẽ tư vấn, chỉ dẫn bệnh nhân đến các chuyên khoa sâu cần thiết. Có như vậy vừa tránh tình trạng ùn tắc bệnh nhân vừa góp phần làm giảm thất thu cho bệnh viện. Đối với bệnh nhân thì không bị khám chữa bệnh không đúng với nguyện vọng, nhanh chóng, thuận tiện tránh các khám chữa bệnh không cần thiết gây lãng phí cho cả người bệnh lẫn NSNN.
Thứ hai, có chính sách miễn giảm viện phí đúng đối tượng: người có thẻ người nghèo, người có công với cách mạng, thương binh, con liệt sỹ... Giảm bớt nhập viện không cần thiết, gia tăng các điều trị ngoại trú tại Bệnh viện trong ngày.
Thứ ba, để tăng nguồn thu viện phí và BHYT trong điều kiện giá viện phí không được quá cao để đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khoẻ , bệnh viện cần có chiến lược cho việc khai thác nguồn thu này. Cụ thể là thay cho việc thu viện phí theo mức giá chung như hiện nay đối với tất cả các đối tượng đến khám chữa bệnh, bệnh viện có thể áp dụng mức giá cao đối với những người muốn khám theo yêu cầu ( gồm cả yêu cầu về thời gian khám chữa bệnh, yêu cầu lựa chọn bác sỹ, yêu cầu về hình thức khám chữa bệnh...). Khi xây dựng mức giá viện phí tự nguyện này ngoài việc tính đủ chi phí, Bệnh viện cần lưu ý một số điểm sau:
Một là, khi xây dựng mức giá viện phí tự nguyện bệnh viện cần phải dựa trên cơ sở phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến việc định giá. Mức giá viện phí tự nguyện phụ thuộc vào tính chất, chất lượng dịch vụ y tế mà bệnh viện cung cấp, hình thức và phương thức cung ứng, thời gian và địa điểm cung ứng, nhu cầu sử dụng dịch vụ y tế tự nguyện, phương thức thanh toán, tâm lý người sử dụng dịch vụ... Ngoài ra còn phụ thuộc vào chính sách quản lý vi mô và vĩ mô về dịch vụ y tế công cộng nói chung và dịch vụ y tế tự nguyện nói riêng.
Hai là, Bệnh viện có thể đa dạng hoá các cách định giá dịch vụ y tế cho hình thức tự nguyện. Cụ thể là:
(1). Giá chi trả theo từng loại dịch vụ (Fee for service): giá cả được hình thành trên cơ sở các chi phí trực tiếp, gián tiếp của các dịch vụ y tế mà bệnh nhân đã sử dụng theo từng mục ( khám bệnh, thuốc, can thiệp...)
(2). Giá cố định cho từng dịch vụ y tế: giá này là như nhau cho từng loại hình dịch vụ nhất định theo quy định của hội nghề nghiệp hay của Nhà nước. Cơ sở của phương pháp tính giá này là dựa trên kết quả nghiên cứu hồi cứu số liệu thống kê của việc tính toán đầy đủ các chi phí hoặc giá cả đã thực thu trong quá khứ cộng (hoặc trừ) một tỷ lệ nào đó cho phù hợp với tình hình thực tế. Thực chất đây là giá trị trung bình của từng loại dịch vụ ( giá trung bình cho mỗi lần khám, chẩn đoán...)
(3). Giá dịch vụ trọn gói: là việc người sử dụng trả như nhau cho một loại hình khám chữa bệnh nào đó mà không cần quan tâm tới diễn biến của quá trình sử dụng dịch vụ y tế. Thực chất của việc định giá này là người cung cấp dịch vụ đã xác định tương đối chuẩn chi phí cần thiết và giá này cao hơn giá trị trung bình cần thiết.
(4). Giá cố định cho mỗi lần mắc bệnh: cách tính giá này áp dụng cho các khách hàng có bệnh mãn tính và “ khách hàng thuỷ chung”. Có nghĩa là bệnh viện nắm khá rõ bệnh sử của người sử dụng dịch vụ và khuyến khích sự thuỷ chung của khách hàng bằng việc chỉ lấy tiền công chẩn đoán lần đầu, các lần tiếp theo nếu không có bệnh tình mới phát sinh thì không phải trả công chẩn đoán... Cách định giá này khuyến khích khách hàng theo một chu kỳ điều trị hoàn chỉnh và sự trở lại trong tương lai, đây