Định hướng chiến lược chung của Petrolimex

Một phần của tài liệu xây dựng chiến lược kinh doanh của công ty xăng dầu nghệ an đến năm 2020 (Trang 70)

Là doanh nghiệp Nhà nước hạng đặc biệt, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) có nhiệm vụ bảo toàn và phát triển nguồn vốn nhà nước, giữ vai trò chủ lực, chủ đạo điều tiết, ổn định và phát triển thị trường xăng dầu, các sản phẩm hóa dầu phục vụ đắc lực cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trước những thách thức của giá cả xăng dầu có nhiều biến động trên thị trường thế giới, với sức ép cạnh tranh và phản ánh đa chiều từ dư luận xã hội, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã nỗ lực chủ động nắm bắt thông tin và đưa ra nhiều mục tiêu, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ mang tính chiến lược để từng bước khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, duy trì sự phát triển ổn định, giữ vững được uy tín và vị thế chủ đạo ở thị trường xăng dầu trong nước. Petrolimex đã xác định các định hướng lớn trong việc tái cơ cấu là: Petrolimex chính thức hoạt động theo mô hình Tập đoàn đa sở hữu của công ty mẹ từ công ty nhà nước sang công ty cổ phần để huy động nguồn vốn của xã hội phục vụ đầu tư phát triển đồng thời định vị lại các lĩnh vực kinh doanh chính. Cổ phần hóa Petrolimex cũng là tiền đề cho việc minh bạch hóa, thị trường hóa hơn nữa hoạt động kinh doanh xăng, dầu; Nâng cao hiệu quả hoạt động, hoàn thành tốt hơn vai trò bảo đảm an ninh năng lượng, bình ổn thị trường xăng, dầu, góp phần vào điều tiết các cân đối lớn của nền kinh tế; Đổi mới và áp dụng các hệ thống quản trị doanh nghiệp tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả lao động; Phân bổ lại nguồn lực con người và nguồn lực tài chính; Phát triển cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ kinh doanh, phát triển nguồn nhân lực nhằm tối đa hóa lợi ích, tăng cường lợi thế kinh doanh trên thị trường và tăng cường quản trị rủi ro trên toàn hệ thống. Bên cạnh đó là gộp các công ty thành viên để giảm đầu mối, giảm chi phí và giảm sự cạnh tranh nội bộ, tạo nguồn sinh lực mới cho Tập đoàn. Hướng tới xây dựng và phát triển Petrolimex trong cơ chế thị trường có sự cạnh tranh và bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong kinh doanh.

Theo kế hoạch thực hiện từ năm 2012, bước sang năm mới 2013, Petrolimex vẫn tích cực đẩy mạnh các biện pháp hữu hiệu để quản lý chặt chẽ và tiết giảm chi phí kinh doanh trên toàn hệ thống. Vận hành hệ thống tổ chức và quản trị mới sau tái cấu

trúc, thường xuyên theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Tính đến năm 2015, Petrolimex cũng đã có những định hướng và giải pháp mang tính trung hạn. Một trong những giải pháp đầu tiên là xác định lại các mục tiêu chiến lược với tầm nhìn đến năm 2020, trên cơ sở đó xây dựng và triển khai kế hoạch tái cấu trúc toàn diện. Định vị lại các công đoạn trong chuỗi kinh doanh xăng dầu, phân vùng và tổ chức lại thị trường, hoàn thiện cơ chế kinh doanh, chủ động vận hành kinh doanh theo thị trường khi điều kiện cho phép; không ngừng quảng bá, bảo vệ và phát triển thương hiệu Petrolimex trên thị trường trong và ngoài nước, tăng cường kiểm soát trong kinh doanh để tăng hiệu quả, giảm thiểu rủi ro. Thông qua đó, ưu tiên phát triển kênh bán hàng tại các khu vực, thị trường có hiệu quả, tăng cường năng lực kinh doanh, hiện đại hóa, tin học hóa và đổi mới quản lý hoạt động bán lẻ. Đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu phát triển của Petrolimex, đặc biệt là hệ thống kho, cảng đầu mối, các dự án mang tính xương sống như lọc - hóa dầu, kho ngoại quan, cơ cấu lại đội tàu dầu… Từ đó, tạo ra lợi thế đón đầu trong cạnh tranh, nhất là cạnh tranh với các hãng xăng dầu nước ngoài.

Một phần của tài liệu xây dựng chiến lược kinh doanh của công ty xăng dầu nghệ an đến năm 2020 (Trang 70)