Cải cách tổ chức hành chính về đấu thầu

Một phần của tài liệu Quy chế đấu thầu quốc tế về mua sắm hàng hóa (Trang 135)

e) Về phê duyệt và báo cáo

3.5.2.Cải cách tổ chức hành chính về đấu thầu

Nội dung quản lý hành chính nhà nước và đấu thầu bao gồm: quản lý về nhân sự, quản lý về cơ cấu tổ chức, ngân sách, khen thưởng, điều điều động, biệt phái các nhân viên nhà nước làm công tác quản lý đấu thầu...

Chính phủ là cơ quan quản lý hành chính nhà nước cao nhất, có chức năng quản lý mọi mặt đời sống xã hội, vì thế Chính phủ có chức năng quản lý hành chính nhà nước về đấu thầu. Các cơ quan nhà nước tại các Bộ, ngành

thống nhất quản lý hành chính về đấu thầu theo quy định của Chính phủ, đảm bảo chấp hành nghiêm túc Luật đấu thầu và các văn bản hướng dẫn dưới luật. Các cơ quan nhà nước ở các cấp trực tiếp quản lý nhà nước về đấu thầu nhằm đạt mục tiêu đã đề ra như công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế cao.

Nội dung cụ thể về tổ chức hành chính nhà nước về đấu thầu được quy định cụ thể tại các điều 60, 61, 62, 67, 68 Luật đấu thầu (xem chương 2 của luận văn, mục 2.4.1.2 - Về phân cấp quản lý). Trong đó quy định rõ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của từng cơ quan cụ thể, từ Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chủ đầu tư, … đến bên mời thầu.

Trong đấu thầu, bên mời thầu thực hiện những công việc từ chuẩn bị tổ chức đấu thầu đến ký kết hợp đồng; bồi thường thiệt hại cho các bên liên quan nếu thiệt hại đó do lỗi của mình gây ra theo quy định của pháp luật; giải quyết kiến nghị trong đấu thầu (Điều 62 khoản 1 Luật đấu thầu 2005). Còn việc thẩm định, phê duyệt kế hoạch, tiêu chuẩn kỹ thuật, kết quả đấu thầu lại do các cơ quan ở các cấp thực hiện, tùy theo quy mô của gói thầu. Các gói thầu quan trọng hoặc thuộc nhóm A sẽ do Chính phủ phê duyệt theo theo tờ trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Còn lại phần lớn các gói thầu đều phân cấp cho các Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét phê duyệt (Điều 69 Luật đấu thầu 2005). Về giải quyết thắc mắc thì do Bên mời thầu thực hiện, nhưng giải quyết khiếu nại lại do chủ đầu tư giải quyết (đôi khi bên mời thầu là chủ đầu tư - Điều 62 khoản 2 Luật đấu thầu 2005).

Việc phân cấp quản lý đấu thầu như trên có ưu điểm là: có nhiều cấp phê duyệt, sẽ tăng độ chính xác của kết quả đấu thầu; việc giải quyết thắc mắc và khiếu nại nhanh chóng. Tuy nhiên, trong thực tế công tác, tác giả thấy quy định như vậy sẽ có những nhược điểm sau:

- Thẩm định, phê duyệt qua nhiều cấp khác nhau sẽ tạo cho tiêu cực quan liêu, hành chính phát triển;

- Trách nhiệm của mỗi cơ quan không được xác định rõ ràng. Đây là nguyên nhân gây ra xử lý dây dưa, kéo dài đối với các vi phạm xảy ra thường xuyên tại các dự án sử dụng vốn nhà nước;

- Cơ quan quản lý nhà nước vừa tổ chức thực hiện đấu thầu, ký hợp đồng kinh tế vừa tự thanh tra, giải quyết thắc mắc, khiếu nại quy định như vậy vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc khách quan, độc lập, minh bạch trong nền kinh tế thị trường.

Tác giả xin đề nghị các giải pháp để cải cách tổ chức quản lý hành chính đối với hoạt động đấu thầu như sau:

- Phân cấp ủy quyền cho các bộ, ngành chịu trách nhiệm thẩm định, phê duyệt để phân định rõ trách nhiệm của từng cơ quan theo ủy quyền đó;

- Cơ quan thực hiện đấu thầu có kế hoạch mua sắm cụ thể. Các kế hoạch phải gối đầu nhau để tránh tình trạng chờ phê duyệt, gây chậm tiến độ dự án.

Tóm lại, công tác đấu thầu cần phải được xem xét nghiêm túc từ khía cạnh quản lý hành chính để các hoạt động đấu thầu đi vào khuôn khổ, đạt hiệu quả kinh tế cao. Thông qua hoạt động quản lý đấu thầu nhiều năm qua và kinh nghiện quản lý của các nước, tổ chức tài trợ quốc tế để rút ra được mô hình quản lý đấu thầu hiệu quả nhất. Đặc biệt, phải kết hợp chọn lọc giữa hoàn cảnh thực tế Việt Nam với các lý thuyết khoa học, mô hình quản lý tiên tiến trên thế giới nhằm hoàn thiện và nâng cao năng lực quản lý kinh tế trong nền kinh tế thị trường nói chung và quản lý đấu thầu nói riêng.

Một phần của tài liệu Quy chế đấu thầu quốc tế về mua sắm hàng hóa (Trang 135)