Phần quan điểm chung

Một phần của tài liệu Quy chế đấu thầu quốc tế về mua sắm hàng hóa (Trang 122)

e) Về phê duyệt và báo cáo

3.4.3.1.Phần quan điểm chung

a) Nhận xét, giải pháp chung về cấu trúc bộ luật

Xét về tổng thể, Luật đã bao hàm hầu hết các nội dung cần điều chỉnh trong các công tác đấu thầu và phù hợp với những quy định về đấu thầu của các tổ chức quốc tế tài trợ, mà chúng ta đã được thực hiện thông qua các nghị định của Chính phủ quy định đấu thầu trong nhiều năm qua.

Song có rất nhiều vấn đề hiện nay đang đặt ra nhiều bất cập. Nếu cấu trúc luật như hiện nay, thì không thể giải quyết tốt được các vấn đề nêu trên. Lý do là định hướng cấu trúc của Bộ luật này là điều chỉnh các vấn đề chung về đấu thầu, mang tính chất khung pháp lý cao nhất. Chính vì thế, Luật này đề cập đến vấn đề liên quan, hình thức đấu thầu, quy trình mở thầu…

Trong Điều 1, phạm vi điều chỉnh, tác giả ủng hộ quan điểm của luật là điều chỉnh việc sử dụng kinh phí của Nhà nước trong 3 nhóm:

- Nhóm dự án là nhóm đầu tiên, liên quan đến mục tiêu phát triển. - Nhóm thứ hai, liên quan đến mua sắm thường xuyên.

- Nhóm thứ ba, trang bị kỹ thuật.

Tuy nhiên, ba nhóm này khác hẳn nhau về việc sử dụng đồng tiền của Nhà nước. Nhóm đầu tiên là nhóm dự án liên quan đến mục tiêu đầu tư phát triển. Trong này nhấn mạnh nhiều về các dự án liên quan đến xây dựng, tuy nhiên trong xây dựng cơ bản chúng ta đã có quy định trong Luật Xây dựng quy định 13 điều về đấu thầu.

Ở nhóm hai, liên quan đến mua sắm thường xuyên của các cơ quan hành chính, Ủy ban nhân dân các tỉnh, của các tổ chức chính trị, xã hội. Nhóm này nếu đấu thầu đúng quy trình thì cũng có tư vấn, thiết kế, giám sát, … Trong khi đó trong Điều 20, khoản 1 quy định rằng dưới 100 triệu có thể chỉ định thầu, trên 100 triệu thì đấu thầu. Mà vấn đề mua sắm thường xuyên không thuộc pham vi điều chỉnh của đấu thầu hạn chế. Vì vậy, theo quy định của Luật này thì mua sắm thường xuyên phải áp dụng hình thức đấu thầu bình thường là rất phức tạp và khó thực hiện.

Ở nhóm thứ ba, liên quan đến trang bị kỹ thuật, mua các dây chuyền sản xuất cho các nhà máy. Các vấn đề liên quan đến điểm đ, khoản 1 là các dự án liên quan đến phát triển khoa học - công nghệ, làm các phòng thí nghiệm, cũng quy định ở vào nhóm này. Nhưng tính chất của việc mua sắm một dây chuyền sản xuất khác hẳn với việc mua sắm vật tư tiêu hao, mua sắm thường xuyên. Ở đây, hàm lượng trong tư vấn mua sắm trước khi đấu thầu, hàm lượng công nghệ là rất lớn, nó liên quan nhiều đến pháp luật về chuyển giao công nghệ.

Chính vì chúng ta không tách các nhóm ra được, nên trong điểm d, khoản 1, Điều 20 nói rằng: các gói thầu mua sắm các vật tư trong nhóm này có thể chỉ định thầu. Đây cũng là một vấn đề, nếu chúng ta không xét đến yếu

tố về chuyển giao công nghệ. Khi đầu tư cho một dự án mua sắm trang bị kỹ thuật phải có tính mở, phải có quy định áp dụng Luật Chuyển giao công nghệ, nếu không sẽ phải luôn luôn mua nguyên liệu của một nhà thầu nào đó, vì hệ thống trang thiết bị ấy không có tính mở, không có tính tương thích với hệ thông khác, như vậy rất nguy hiểm.

Từ đó, tác giả xin đề xuất giải pháp về cấu trúc lại luật này như sau: Tán thành với phạm vi điều chỉnh được thể hiện trong Điều 1 có ba nhóm. Ba nhóm này viết thành ba phần riêng biệt:

Phần 1 liên quan đến những dự án có mục tiêu đầu tư phát triển về xây dựng cơ bản. Trong đó quy định chặt để hạn chế tham nhũng, khe hở luật pháp… để đảm bảo có sự minh bạch, độc lập từ chủ đầu tư đến người làm tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, thi công.

Phần 2 về mua sắm công thường xuyên của các cơ quan nhà nước. Mua sắm công hiện nay có rất nhiều mô hình ở các nước. Có thể có một trung tâm mua sắm công để hàng năm tất cả các cơ quan nhà nước mua sắm trang thiết bị văn phòng, văn phòng phẩm. Tất cả mua sắm thường xuyên có thể đưa lên trung tâm mua sắm công qua trang Web nào đó để các nhà cung cấp có thể đưa giá lên, không phải qua đấu thầu phiền phức nữa.

Phần ba liên quan đến trang bị kỹ thuật. Khi Pháp lệnh về chuyển giao công nghệ có hiệu lực thì phải ưu tiên áp dụng, để những vấn đề về chuyển giao công nghệ bảo đảm có một hệ thống mở, tương thích với nhiều hàng sản xuất công nghệ, theo chuẩn quốc tế, chuẩn quốc gia. Như thế khi đấu thầu thuận sẽ hiệu quả.

b) Nhận xét, giải pháp chung về nội dung

Thực tế là Luật đấu thầu có một số nội dung quy định còn chung chung. Cả luật có 77 điều, nhưng có tới 13 điều và một số nội dung cần thiết phải chờ Chính Phủ quy định một cách chi tiết, có hướng dẫn thực hiện. Có chỗ lại quy định thời gian phải 3 năm thì Luật mới được thực hiện áp dụng. Vì vậy, cần phải làm rõ một số nội dung sau trong Luật liên quan tới đấu thầu quốc tế như:

- Thông tin đấu thầu: thông tin đấu thầu nên như thế nào để bảo đảm bí mật, chống được tiêu cực, tham nhũng trong vấn đề này, đồng thời cũng tạo điều kiện cho người tham gia đấu thầu có chuẩn bị thật tốt.

- Tư cách hợp lệ của nhà thầu quốc tế và điều kiện tham gia đấu thầu. - Đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu (Điều 11).

- Thuật ngữ "đấu thầu quốc tế" như thế nào để dễ hiểu. - Hình thức lựa chọn nhà thầu

- Thời gian hoàn thiện quy trình đấu thầu.

- Hợp đồng trong đấu thầu (từ Điều 46 đến Điều 59).

Để Luật Đấu thầu khắc phục được nhiều tồn tại trong thực tiễn, để Luật là công cụ quản lý, có hiệu lực trong lĩnh vực đấu thầu, theo tác giả cần có những quy định về nội dung mang tính nguyên tắc về đấu thầu, để từ đó có thể cụ thể hóa các điều của luật này. Vấn đề cạnh tranh nếu hiểu rộng ra thì đó là làm sao chúng ta chọn được những đơn vị có đủ điều kiện và thực hiện tốt. Vì vậy, tác giả đề nghị cần có một ở chương quy định chung ở Chương I là về nguyên tắc đấu thầu: "đấu thầu phải đảm bảo nguyên tắc là công khai, minh bạch, công bằng và đảm bảo cạnh tranh, hiệu quả kinh tế". Từ đây nó sẽ được cụ thể hóa vào những nội dung trong toàn bộ hoạt động đấu thầu theo quy định của Luật này.

Xoá bỏ sự khép kín hiện nay và tạo ra được sự cạnh tranh lành mạnh là yếu tố cốt lõi để làm nên sự lành mạnh trong đấu thầu. Nhưng dù chỉ định thầu, đấu thầu hạn chế, hay đấu thầu rộng rãi quốc tế, các vấn đề mà chúng ta đặt ra quy định cấm, thực ra đã có trong các quy chế, nhưng gần như chúng ta thực hiện không đúng hoặc không thể thực hiện được. Điều quan trọng nhất là bằng hình thức nào và bằng cách nào để chúng ta đấu thầu rộng rãi hay chỉ định thầu mà chọn ra cho được những đơn vị, nhà thầu có đủ năng lực, có đủ uy tín trong việc thực hiện hợp đồng. Nếu đơn vị này làm không tốt thì dù có đấu thầu rộng rãi quốc tế, cuối cùng kết quả cũng không như chúng ta mong muốn.

Tóm lại, nội dung Luật đấu thầu mới chỉ quy định mang tính chất định khung pháp lý cho hoạt động đấu thầu ở Việt Nam. Vì vậy, trong thời gian tới cần phải có nhiều nghị định hướng dẫn thực hiện thì luật mới đi vào cuộc sống. Luật đấu thầu, là một trong số ít luật mà ngay khi ban hành đã có dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết đi kèm. Qua đó, những nội dung trong Luật đấu thầu và nghị định hướng dẫn đã được quy định khá chặt chẽ, rõ ràng. Có thể nói, luật và dự thảo nghị định hướng dẫn thật sự được soạn thảo bởi những nhà làm luật chuyên nghiệp, có hiểu biết rất sâu về đấu thầu và thực trạng đấu thầu của chúng ta hiện nay. Nhiều nội dung đã được xử lý khá tốt trong dự thảo nghị định hướng dẫn. Tuy nhiên, Luật Đấu thầu còn nhiều tiểu tiết phức tạp, không rõ nghĩa,… không nên đưa hết vào văn bản luật. Trong thời gian tới cần xem xét để chỉnh sửa, bổ sung, giải thích, hướng dẫn Luật cho rõ ràng hơn, đầy đủ hơn, tránh những thiếu sót, gây hiểu lầm đáng tiếc.

Một phần của tài liệu Quy chế đấu thầu quốc tế về mua sắm hàng hóa (Trang 122)