7. Kết cấu của luận án
3.1.1.2. Về quan hệ đầu tư
Cùng với quan hệ thương mại, quan hệ đầu tư Hoa Kỳ - Việt Nam giai đoạn 2000 - 2012 cũng đạt những bước tiến mạnh mẽ. Sau BTA, Hoa Kỳ nhanh chóng vươn lên trở thành một trong những nhà đầu tư hàng đầu của Việt Nam.
Năm 2000, khi BTA chưa có hiệu lực thực thi, các công ty và doanh nghiệp Hoa Kỳ mới có 101 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn 1,1 tỷ USD, xếp thứ 10 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Khi BTA có hiệu lực (2001) và nhất là sau khi Việt Nam gia nhập WTO (2006), đồng thời Hoa Kỳ trao Quy chế PNTR, FDI của Hoa Kỳ vào Việt Nam tăng mạnh mẽ.
Việt Nam đã có Luật đầu tư nước ngoài năm 1988 và sau đó tiếp tục sửa đổi bổ sung. Nhưng có thể nói, cam kết của Việt Nam về đầu tư nước ngoài trong BTA là cam kết toàn diện, đầy đủ nhất từ trước đến nay. Điều này đã tạo cơ hội tiếp cận thị trường cho các lĩnh vực mà doanh nghiệp Hoa Kỳ có lợi thế cạnh tranh đầu tư, như các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ cao, hóa dược, năng lượng, cơ khí chế tạo và cơ sở hạ tầng. Nhiều tập đoàn, công ty lớn của Hoa Kỳ như Intel, IBM, Citi Group, Coca Cola, Pepsi Cola, Chevron, AES đã hiện diện tại Việt Nam.
Tính đến hết năm 2012, lũy kế các dự án còn hiệu lực của Hoa Kỳ là 639 dự án với tổng vốn đăng ký trên 10,5 tỷ USD. Hoa Kỳ tiếp tục là một trong những quốc gia có FDI lớn, đứng thứ 7 trong số 80 quốc gia, vùng lãnh thổ có vốn đầu tư tại Việt Nam. Trải qua 12 năm (kể từ BTA) thực hiện quan hệ đầu tư, FDI của Hoa Kỳ ở Việt Nam đã mang lại một hiệu quả to lơn đối với cả hai phía.
Về mặt kinh tế, đầu tư FDI của Hoa Kỳ đã góp phần quan trọng trong việc bổ sung nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển xã hội và tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, FDI của Hoa Kỳ ở Việt Nam đã góp phần không nhỏ trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp và chuyển giao công nghệ. Thông qua FDI của Hoa Kỳ, giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào đời sống kinh tế quốc tế.
Về mặt xã hội, cùng với ĐTNN nói chung, FDI của Hoa Kỳ ở Việt Nam đã góp phần quan trọng tạo việc làm, tăng năng suất lao động, cải thiện nguồn nhân lực cho đất nước. Nếu đem so sánh nguồn vốn đầu tư FDI và viện trợ của Hoa Kỳ ở Việt Nam giai đoạn này với thời kỳ trước năm 1975, chúng ta mới thấy được ý nghĩa và hiệu quả to lớn của nó.
Tóm lại, với kết quả đạt được qua tiến trình kinh tế Hoa Kỳ - Việt Nam từ năm 2000 đến năm 2012 đã góp phần quan trọng vào tốc độ tăng trưởng GDP một cách
ổn định và bền vững của của phía Việt Nam. Do đó, đã góp phần bảo đảm ổn định chính trị, kinh tế xã hội, giúp Việt Nam hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, vững bước trên con đường hội nhập quốc tế.