Những nỗ lực nhằm thiết lập quan hệ ngoại giao

Một phần của tài liệu Tiến sĩ lịch sử tiến trình quan hệ kinh tế hoa kỳ việt nam giai đoạn 2000 2015 (Trang 25)

7. Kết cấu của luận án

1.1.1.1.Những nỗ lực nhằm thiết lập quan hệ ngoại giao

Nam Không phải những thập niên gần đây mới có những nỗ lực nhằm thiết lập quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam, mà sử sách đã xác định từ cách đây gần 200 năm đã có những cố gắng nhằm kiến tạo mối quan hệ. Điều này đã được Tổng thống Bill

Clinton đề cập trong bài phát biểu tại Hà Nội nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam năm 2000: “Cách đây 2 thế kỷ, trong những ngày đầu của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, chúng tôi đã vượt biển đi tìm đối tác buôn bán và một trong những nước mà chúng tôi gặp trên đường là Việt Nam” [6].

Đó là sự kiện năm Minh Mạng thứ 13 (tức năm 1832), một phái bộ ngoại giao Mỹ do Edmund Robento, đặc phái viên Tổng thống đã ghé qua Việt Nam, trình Quốc thư của Tổng thống Hoa Kỳ và đề nghị giao thương với Việt Nam. Phía Hoa Kỳ còn mang theo “một bản dự thảo Hiệp ước với Việt Nam gồm tám điều khoản, trong đó Điều 1 quy định về một nền hòa bình bền vững giữa Mỹ và Việt Nam là hai nước đã ký vào bản Hiệp ước thương mại này” [168, tr. 30]. Đây có thể coi là sự kiện chính trị - ngoại giao chính thức đầu tiên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, phía Việt Nam không chấp nhận Quốc thư này

của Tổng thống Mỹ, do đó những nỗ lực để thiết lập bang giao của phía Hoa Kỳ đã bị bỏ lỡ một cách đáng tiếc.

Hơn 40 năm sau, chuyến đi vào năm 1873 của sứ thần Bùi Viện do vua Tự Đức cử sang tiếp kiến Tổng thống Mỹ Ulysses S.Grant nhằm đề nghị thông thương và muốn Mỹ giúp Việt Nam chống Pháp. Song, do sự cách trở địa lý và thiếu đi những thủ tục bắt buộc, khi Bùi Viện trở lại lần thứ hai vào năm 1875 thì cơ hội lại một lần nữa trôi qua. Đây là những chuyến đi thể hiện nỗ lực ngoại giao của phía Việt Nam với Hoa Kỳ nhưng cũng bị hai bên bỏ lỡ.

Những năm đầu của thế kỉ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường tìm đường cứu nước đã dừng chân, sống và làm việc ở Hoa Kỳ. Vốn hiểu biết về nước Mỹ đã là hành trang quan trọng đối với Hồ Chí Minh trong sự nghiệp chính trị, cũng như nỗ lực nhằm kiến tạo quan hệ với Hoa Kỳ về sau. Trong thời gian xảy ra Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 - 1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh và phong trào cách mạng do Người sáng lập và lãnh đạo đứng về phía Đồng minh chống chủ nghĩa phát-xít, tích cực hợp tác với các nhóm sĩ quan được Hoa Kỳ cử đến để bàn giải pháp chống phátxít Nhật. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Việt Nam được độc lập (1945), trong bản Tuyên ngôn Độc lập đọc tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn một số câu trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ, đề cập đến quyền được sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của mọi người và coi đó là quyền bất khả xâm phạm. Những năm sau đó, “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần gửi thư, điện đến tổng thống Harry Truman và Chính phủ Mỹ yêu cầu ủng hộ nền độc lập của Việt Nam, ngăn chặn các âm mưu xâm lược của Pháp” [168, tr. 162] Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như bày tỏ nguyện vọng của Chính phủ và nhân dân Việt Nam mong muốn phát triển mối quan hệ với Chính phủ và nhân dân Mỹ. Tuy nhiên, suốt chiều dài lịch sử, nhiều cơ hội để thiết lập và phát triển quan hệ giữa hai nước đã trôi qua một cách đáng tiếc, không những thế, Hoa Kỳ và Việt Nam còn dẫn đến sự đối đầu trong cuộc chiến khốc liệt kéo dài trong nhiều năm (1954 – 1975) cùng quãng thời gian dài đóng băng quan hệ và thù địch sau khi cuộc chiến tranh giữa hai nước kết thúc vào năm 1975.

Một phần của tài liệu Tiến sĩ lịch sử tiến trình quan hệ kinh tế hoa kỳ việt nam giai đoạn 2000 2015 (Trang 25)