Tác động của hệ thống chính trị

Một phần của tài liệu Tiến sĩ lịch sử tiến trình quan hệ kinh tế hoa kỳ việt nam giai đoạn 2000 2015 (Trang 44)

7. Kết cấu của luận án

1.3.1.1.Tác động của hệ thống chính trị

Nếu như hệ thống luật pháp là cơ sở của chính sách kinh tế thương mại Mỹ thì hệ thống quyền lực chính trị với tư cách là chủ thể xây dựng, thực thi và bảo vệ luật pháp lại có một tác động trực tiếp đến việc hoạch định chính sách kinh tế - thương mại của quốc gia này.

Với thể chế đa nguyên về chính trị, tam quyền phân lập, ở Hoa Kỳ có ba nhánh quyền lực cơ bản, đó là ngành lập pháp với Quốc hội (bao gồm Thượng viện và Hạ viện); ngành hành pháp với Chính phủ - Tổng thống Hoa Kỳ; ngành tư pháp với Tòa án tối cao.

Quốc hội Mỹ là cơ quan lập pháp, theo cơ chế phân quyền trong “tinh thần Hiến pháp” quyền lực ngăn cản quyền lực của các nhà lập quốc thì Quốc hội bị hạn chế quyền lực. Tuy vậy, sự hạn chế này không triệt tiêu mà ngược lại, làm cho cơ quan này trở thành cơ quan lập pháp có nhiều quyền lực nhất thế giới. Do đó, đảng cầm quyền ở Mỹ cũng là đảng có nhiều quyền lực nhất thế giới. Qua cơ chế trên, có thể nhận thấy đảng cầm quyền ở Mỹ có một vai trò rất lớn trong việc hoạch định chính sách, trong đó có chính sách kinh tế, thương mại. Để nắm được chính sách kinh tế, thương mại trong quan hệ kinh tế với Hoa Kỳ, cần phải nắm được đường lối quan điểm của các đảng chính trị Mỹ nói chung và đảng cầm quyền nói riêng.

Quốc hội là cơ quan hoạch định chính sách kinh tế nhưng do Quốc hội thường bị hạn chế trong việc cập nhật thực tiễn, nên “việc hoạch định chính sách thường do cơ quan chính phủ (hành pháp) đề xuất, thực hiện để Quốc hội xem xét tính pháp lý của chúng và phê chuẩn thông qua” [96, tr. 30].

Trong hoạch định chính sách, nhánh hành pháp Hoa Kỳ (tức tổng thống và các cơ quan của chính phủ là cơ quan) có vai trò quan trọng nhất. Bên cạnh tổng thống có một Hội đồng cố vấn kinh tế và các cơ quan chức năng có khả năng giúp hình thành chính sách như Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Ủy ban Chính sách thương mại, Cục Dự trữ Liên bang… Tổng thống Hoa Kỳ dù đứng đầu nhánh hành pháp nhưng trên thực tế “khái niệm về một Tổng thống có quyền lập pháp đã được phổ biến từ sau chiến tranh thế giới thứ hai” [67. tr. 223]. Nguyênnhân của tình trạng này, như các nhà nghiên cứu chỉ ra là do Quốc hội Mỹ không thể vượt qua được những nhược điểm khách quan, cố hữu của chính nó, luôn lạc hậu và quan liêu trước các quá trình kinh tế - xã hội, không gắn với thực tiễn tổ chức điều hành để trực tiếp thấy được khiếm khuyết của các công cụ quản lý.

Tổng thống và cơ quan hành pháp luôn đi tiên phong trong việc cập nhật thực tiễn bên trong và bên ngoài nước Mỹ. Đặc biệt khi một tổng thống mới lên nắm quyền,

ông thường đưa ra chính sách ngoại giao - an ninh mới (có xem xét lại chính sách của các chính quyền trước). Vì vậy, chính sách kinh tế thương mại của Hoa Kỳ giai đoạn 2000 - 2012 cũng không nằm ngoài nguyên tắc này. Trước hết, các chính quyền G.W. Bush và B. Obama đều xem xét và kế thừa các chính sách kinh tế, thương mại đã được vận dụng từ thời Tổng thống B. Clinton, đặc biệt là tiếp tục công cuộc cấu trúc lại nền kinh tế Mỹ, mà cụ thể là:

- Tiếp tục nâng cấp các ngành có sức cạnh tranh yếu hơn các đối thủ Nhật Bản và Tây Âu. Dân sự hóa một phần hoạt động của các ngành công nghiệp quân sự, đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế mới.

- Tiếp tục tái cấu trúc nền kinh tế thông qua điều chỉnh trong lĩnh vực năng lượng, do nền kinh tế khổng lồ của Mỹ tiêu thụ nhiều năng lượng nhất thế giới “Mỹ chiếm 4,6% dân số thế giới nhưng sử dụng tới 25% tổng năng lượng tiêu dùng của toàn thế giới, Trung Quốc chiếm 21,2% dân số thế giới chỉ tiêu dùng 9,9% tổng năng lượng, con số nay ở Nga là 2,5% và 7%; Nhật 2,1% và 5,8%; Đức là 1,3% và 3,9%” [53, tr. 62]. Đặc biệt, trong giai đoạn này, các chính quyền G.W. Bush và B. Obama tiếp tục điều chỉnh trong lĩnh vực thương mại quốc tế hướng đến chú trọng các nguồn cung cấp năng lượng và an ninh năng lượng thế giới do nhu cầu về dầu mỏ trên thế giới tăng rất nhanh vì sự trỗi dậy về kinh tế của các quốc gia có số dân khổng lồ như Trung Quốc và Ấn Độ.

Trong thương mại thế giới, nếu như thời Tổng thống B. Clinton, việc mở cửa thị trường được tiến hành theo ba hướng: đàm phán quốc tế, đàm phán khu vực và đàm phán song phương thì vào thời Tổng thống G.W. Bush, ba hướng trên vẫn được duy trì nhưng ưu tiên hàng đầu dành cho đàm phán song phương, mặt khác để đàm phán nhanh chóng kết thúc bằng những Hiệp định thương mại “chính quyền Bush một mặt tích cực triển khai các cuộc đàm phán quốc tế mới có tầm ảnh hưởng, đồng thời thuyết phục Quốc hội trao quyền đàm phán nhanh cho chính phủ, được gọi là quyền thúc đẩy thương mại (TPA)” [53, tr. 317].

Đối với Đông Nam Á, Tổng thống Bush kêu gọi các nước trong khu vực tăng cường mối quan hệ kinh tế thương mại với Mỹ: phát động chương trình Sáng kiến thương mại với khối ASEAN (EAI), đối với một số nước chưa sẵn sàng mở cửa nền kinh tế

(trong đó có Việt Nam), Mỹ sẽ sử dụng hình thức đàm phán Hiệp định khung Thương mại và Đầu tư.

Lên cầm quyền năm 2009, chính quyền của Tổng thống B. Obama tiếp tục đối mặt với khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế, vì vậy phải tiếp tục điều chỉnh các chính sách đối nội và đối ngoại. Về kinh tế, chính quyền B. Obama “tập trung khắc phục cuộc khủng hoảng kinh tế với các hoạt động: tăng cường giải ngân gói kích thích kinh tế, đưa ra kế hoạch mua lại tài sản nợ của các tổ chức tài chính, cứu trợ khu vực bất động sản, ngành công nghiệp ô-tô, cải cách toàn diện các quy định về hoạt động tài chính, ngân hàng…” [164, tr. 30]. Về chính sách đối ngoại, học thuyết Obama cũng có nhiều thay đổi căn bản so với các chính quyền tiền nhiệm, trong đó Mỹ chú trọng đến vai trò của “quyền lực khôn ngoan” trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế.

Tác động của hệ thống chính trị Hoa Kỳ đến chính sách đối ngoại của quốc gia này với thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng còn có thể kể đến vai trò của các “nhóm lợi ích”. Nhìn từ phía Hoa Kỳ, việc thực hiện “tiêu chuẩn kép” trong chính sách đối ngoại là một hiện tượng phổ biến. Nghĩa là, với các đối tác của mình, chính sách của Hoa Kỳ vừa có biện pháp tích cực, thúc đẩy phát triển, nhưng vừa có biện pháp kìm hãm, chi phối sự phát triển nhằm theo “quỹ đạo” của Hoa Kỳ. Nguyên nhân của tình trạng trên là do xuất phát từ đặc thù của nền dân chủ Mỹ tác động đến hệ thống chính trị, kéo theo sự chi phối việc hoạch định chính sách của Hoa Kỳ. Do đó, nhìn từ góc độ chính sách của Hoa Kỳ đối với Việt Nam và trên các khía cạnh chính trị nội bộ của họ, có thể nói luôn tồn tại hai loại nhóm lợi ích: Một là, các nhóm lợi ích thúc đẩy quan hệ gồm: các lợi ích kinh tế - thương mại, giáo dục, an ninh, quân sự… và đặc biệt là lợi ích trùng hợp với lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ ở khu vực Đông Nam Á và Đông Á, gọi chung là nhóm “lợi ích chiến lược”. Hai là, các nhóm lợi ích cản trở quan hệ mà tiêu biểu là những lợi ích xuất phát từ mục tiêu quảng bá giá trị Mỹ, gọi chung là nhóm “phổ biến giá trị”. Do đó, sự tác động của hai nhóm lợi ích này ở Hoa Kỳ đến quan hệ kinh tế song phương là rất lớn, vì vậy phía Việt Nam để thúc đẩy quan hệ với Hoa Kỳ, luôn phải xử lý “hài hòa” các động thái, chính sách và chiến lược của quốc gia này do tác động đan xen của hai nhóm lợi ích nói trên.

Một phần của tài liệu Tiến sĩ lịch sử tiến trình quan hệ kinh tế hoa kỳ việt nam giai đoạn 2000 2015 (Trang 44)