7. Kết cấu của luận án
3.1.1.1. Về quan hệ thương mại
Dưới hiệu ứng tích cực của BTA và các chính sách tiếp theo, quan hệ kinh tế nói chung và quan hệ thương mại nói riêng giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã có những bước tiến toàn diện, vượt bậc, nhất là phía Việt Nam. Sau BTA, nhịp độ tăng trưởng và cơ cấu kinh tế của Việt Nam có những dấu hiệu bền vững hơn trước. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam không bị phân biệt đối xử tại thị trường Hoa Kỳ, điều này mang lại cơ hội mở rộng giao thương cho cả hai bên, nhanh chóng đưa Hoa Kỳ trở thành thị trường hàng đầu cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Nếu như năm 1999 (khi chưa có BTA), kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước chỉ mới đạt 838,89 triệu USD, thì đến năm 2001 con số này là 1,4 tỷ USD và tăng mạnh vào năm 2002 (khi BTA có hiệu lực), đạt 2,398 tỷ USD.
Năm 2005, kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 7,763 tỷ USD, nhưng sang năm 2006, khi Việt Nam gia nhập WTO, đồng thời Hoa Kỳ trao cho Việt Nam PNTR, đặc biệt năm 2007 (khi những chính sách trên có hiệu lực trên thực tế) kim ngạch xuất nhập khẩu tăng một cách ngoạn mục: đạt 12,364 tỷ USD, gần gấp đôi con số của năm 2005.
Trong những năm 2008, 2009, dù bị tác động suy thoái kinh tế ở Hoa Kỳ, nhưng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước vẫn tăng và đạt trên 18 tỷ USD vào năm 2010. Năm 2012 (sau 12 năm thực hiện BTA), tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt trên 24 tỷ USD (tăng gấp hơn 28 lần con số của năm 1999).
Tính chung cả giai đoạn từ năm 2001 đến năm 2012, tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu Hoa Kỳ - Việt Nam đạt 136 tỷ 401,477 triệu USD, trong đó Hoa Kỳ nhập khẩu từ Việt Nam với trị giá 109 tỷ 332,329 triệu USD và xuất sang Việt Nam đạt 27 tỷ 069,148 triệu USD. Đây là một con số khích lệ, tự nó đã nói lên tất cả thành tựu của quan hệ kinh tế song phương Hoa Kỳ - Việt Nam
Đặc điểm của thị trường Hoa Kỳ cũng là thế mạnh để Việt Nam phát huy lợi thế xuất khẩu. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa mỗi năm của Hoa Kỳ lên tới khoảng 1.250 tỷ USD, đây là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn nhất thế giới. Do chủng tộc và văn hóa đa dạng, nên nhu cầu và tập quán tiêu dùng của thị trường Hoa Kỳ cũng rất đa dạng. Thu nhập bình quân đầu người cao, song chênh lệch thu nhập cũng rất lớn. Số dân nhập cư vào Hoa Kỳ hàng năm cũng rất lớn (khoảng 1 triệu người/năm), trong đó phần đông là những lao động phổ thông, có thu nhập thấp. Yếu tố thu nhập và dân số này dẫn đến thị trường Hoa Kỳ có nhu cầu cả về hàng cao cấp đắt tiền lẫn hàng bình dân rẻ tiền tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào thị trường này.
Nhập khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ từ Việt Nam (tức xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ) có thể xem là lĩnh vực thành công nhất trong quan hệ kinh tế song phương giai đoạn 2000 – 2012. Theo số liệu đã thông kê cho thấy, nếu như trong năm 2005 và 2006, tổng kim ngạch hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ chỉ đạt tương ứng là 5,91 tỷ USD và 7,83 tỷ USD thì đến năm 2007, tổng trị giá hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ đã vượt con số 10 tỷ USD. Từ năm 2008, tuy chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc suy thoái kinh tế bắt đầu tại Hoa Kỳ (12/2007) và cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu sau đó, nhưng hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ vẫn tăng trưởng mạnh và đạt 19,668 tỷ USD vào năm 2012. Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Một thành tựu khác trong lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam đó là cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu. Điểm mạnh hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là các sản phẩm nông, lâm, thủy sản và các sản phẩm chế biến có hàm lượng lao động cao như dệt may, giầy dép. Nhưng cơ cấu hàng xuất khẩu cũng đang có những chuyển dịch tích cực theo hướng đa dạng hóa chủng loại mặt hàng và tăng tỷ trọng hàng chế biến và chế tạo. Điều này phản ánh chuyển biến tích cực trong cơ cấu sản xuất của nền kinh
tế Việt Nam, đồng thời nói lên thành công bước đầu công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Trong lĩnh vực xuất khẩu của Hoa Kỳ sang thị trường Việt Nam, trị giá cũng tăng đều qua các năm. Tổng trị giá xuất khẩu của hàng hóa Hoa Kỳ sang Việt Nam nhỏ hơn tổng trị giá mà quốc gia này nhập khẩu từ Việt Nam, tức là Hoa Kỳ luôn luôn nhập siêu. Như vậy, cán cân thương mại của Việt Nam trong buôn bán giữa hai nước luôn duy trì mức thặng dư lớn. Đây cũng có thể xem là thành tựu của phía Việt Nam trong quan hệ song phương. Mặt khác, các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ Hoa Kỳ trong những năm qua bao gồm máy móc, thiết bị và dụng cụ, phụ tùng, bông các loại, chất dẻo nguyên liệu, thức ăn gia súc và nguyên liệu, nguyên phụ liệu dệt may, da giầy… Cơ cấu mặt hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ luôn đứng đầu là nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, chiếm tỷ trọng khoảng 1/5 tổng trị giá nhập khẩu. Điều này cũng phản ánh trình độ tiên tiến của nền sản xuất Hoa Kỳ và do đó đã hỗ trợ đắc lực cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang diễn ra ở Việt Nam.
Những thành tựu lớn thông qua quan hệ thương mại với Hoa Kỳ đã giúp Việt Nam cân bằng cán cân thương mại đối với thị trường thế giới, nhất là với thị trường Trung Quốc. Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, nhưng trong nhiều năm qua Việt Nam luôn nhập siêu từ quốc gia này
Nhìn từ góc độ của phía Hoa Kỳ, kể từ sau năm 1975, nhất là sau khi bình thường hoá quan hệ với Việt Nam, Hoa Kỳ đã không những không mất đi tầm ảnh hưởng ở Việt Nam và khu vực mà trái lại dưới tác động của quan hệ kinh tế, ảnh hưởng của Hoa Kỳ đối với Việt Nam và khu vực ngày càng gia tăng ở mức độ nhất định. Trên đà phát triển của quan hệ kinh tế, quan hệ chính trị tiếp tục được củng cố với việc mở đầu bằng chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống B.Clinton năm 2000, kế tiếp là chuyến thăm của Tổng thống G. Bush vào cuối năm 2006.