Những nỗ lực thiết lập quan hệ kinh tế

Một phần của tài liệu Tiến sĩ lịch sử tiến trình quan hệ kinh tế hoa kỳ việt nam giai đoạn 2000 2015 (Trang 26)

7. Kết cấu của luận án

1.1.1.2.Những nỗ lực thiết lập quan hệ kinh tế

Như đã trình bày, những cơ hội ban đầu để thiết lập quan hệ ngoại giao và quan hệ kinh tế Hoa Kỳ - Việt Nam đã không thành hiện thực và trôi qua một cách đáng tiếc suốt gần hai thế kỷ (XIX – XX). Do giữa thế kỷ XIX, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam, nên khoảng thời gian này Hoa Kỳ chỉ quan tâm đến Việt Nam với vai trò quan sát và gián tiếp thực hiện các lợi ích kinh tế của mình thông qua thực dân Pháp và các lãnh sự quán Hoa Kỳ.

Đầu thế kỷ XX, dù chỉ thực thi quyền lợi kinh tế ở Việt Nam thông qua tư bản Pháp nhưng vai trò của Hoa Kỳ đã tăng lên đáng kể, có thể thấy qua vài con số, nếu trong những năm 1925 - 1929, hàng nhập khẩu từ Đông Dương chỉ chiếm 2,6% tổng số hàng nhập vào nước Mỹ thì đến những năm 1935 - 1939 đã tăng lên 6,6%...[105, tr.55]. Hàng hóa nhập khẩu của Hoa Kỳ từ Đông Dương có thể kể như cao su, thiếc, “nếu tính bằng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Đông Dương thì phần buôn bán với Hoa Kỳ trong thời kỳ 1925 - 1929 là 2,6%, trong thời kỳ 1930 - 1934 là 2,3%, trong thời kỳ 1935 - 1939 là 6,6%.” [114, tr. 18]. Nếu tính riêng xuất và nhập khẩu thì trong thời kỳ giữa hai cuộc chiến tranh thế giới, Hoa Kỳ chiếm

3,8% nhập cảng và 8,4% xuất cảng của Đông Dương

Trong những năm 1935 – 1939, hàng của Hoa Kỳ xuất sang Đông Dương gồm nhiều loại khác nhau trong đó có các loại nguyên liệu như sản phẩm dầu lửa, nhựa, kim loại chiếm một tỷ lệ lớn.Từ đầu thế kỷ XX, người dân Đông Dương đã bắt đầu biết đến Hoa Kỳ qua một số sản phẩm do các tàu buôn Mỹ mang tới bán, trong đó thứ được chú ý nhiều nhất là dầu hoả dùng để thắp đèn, “để giúp dân có thể thắp đèn bằng dầu hoả, công ty Caltex Petroleum chế tạo một loại đèn mới, lúc đầu đem biếu không, về sau được bán rẻ kèm dầu hoả. Cũng vì thế người Việt Nam gọi chiếc đèn này là đèn Hoa Kỳ” [142 tr.1]. Sự phổ biến nhanh chóng của “đèn Hoa Kỳ” đã kéo theo mức tiêu thụ của dầu hoả tăng lên nhanh chóng. Vì vậy, Hoa Kỳ bắt tay vào xây dựng những cơ sở kinh tế đầu tiên tại Việt Nam đánh dấu bằng các đại lý dầu hỏa của Công ty Caltex Petroleum.

Trong những năm 1939 - 1954, Hoa Kỳ là một bên tham chiến trong Chiến tranh thế giới thứ hai, sau đó từng bước can thiệp vào cuộc chiến tranh Đông Dương của Pháp. Việt Nam với tư cách là một chủ thể của quan hệ, bị phân hóa bởi những tác động dưới sự thống trị của chủ nghĩa thực dân: Việt Nam thuộc địa của Pháp; thuộc

địa của phát xít Nhật (1940); Mặt trận Việt Minh cùng Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà (DCCH); Việt Nam dưới sự kiểm soát của chính phủ quốc gia thân Pháp. Vì vậy, tác động của nhân tố quan hệ lịch sử giữa hai quốc gia trong giai đoạn này đối với tiến trình kinh tế hiện nay còn mang dấu ấn nhất định.

Vị trí chiến lược cùng những lợi ích của Đông Dương và Việt Nam đã được Hoa Kỳ ngày càng xác định rõ và quyết tâm theo đuổi. Năm 1950, tờ New York Times viết: “Đông Dương là một miếng mồi đáng để cho chúng ta đánh một ván bài lớn. Nó có thể xuất khẩu thiếc, tungstene, mangannese, than đá, gỗ, gạo, cao su, dừa, hạt tiêu và da thuộc. Cho đến trước chiến tranh thế giới thứ hai lợi tức thu được ở Đông Dương đã lên tới khoảng 300 triệu USD hàng năm” [114, tr.8].

Do thấy được những nguồn lợi kinh tế ở Đông Dương và Việt Nam, Hoa Kỳ rất quan tâm đến vấn đề này. Các nhà chiến lược Hoa Kỳ từ lâu đã có những mưu tính trong việc xâm nhập kinh tế ở Việt Nam. Ngay những ngày đầu của Việt Nam DCCH, tướng Gallagher của Hoa Kỳ đã bay đến Hà Nội (16/9/1945) muốn tỏ ý “giúp đỡ” Việt Nam. Gallagher đã đề nghị Chính phủ ta để cho tư bản Hoa Kỳ được độc quyền khôi phục hệ thống giao thông đường sắt và sân bay, “người Mỹ rất quan tâm đến cảng Hải Phòng, các mỏ khoáng chất, các con lộ chiến lược nối liền với miền Nam Trung Quốc” [69, tr.10]. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam “do thấy rõ tính chất hai mặt của Mỹ...nên đã dứt khoát khước từ đề nghị đó” [105, tr.179]. Theo nhà báo N.Dzelepy thì “người Mỹ đã thất vọng sau khi đưa ra cho chính phủ Cụ Hồ những đề nghị nhằm tổ chức lại nền kinh tế của Việt Nam theo lối kinh tế tư bản kiểu Mỹ với những giá trị tư do, nhân quyền của họ” [69, tr.11]. Do quyết tâm theo đuổi ý đồ kinh tế của mình, Hoa Kỳ tiếp tục cử đại diện tiếp xúc với Bảo Đại và Cao uỷ Pháp. Cao uỷ Pháp ở Đông Dương Bollaert kể lại rằng, “Bullit (đại diện Hoa Kỳ) đã hỏi tôi tỷ mỷ tình hình công nghiệp và thương mại của Đông Dương trước kia và hiện nay” [105, tr.180].

Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, nhằm ngăn chặn phong trào giải phóng dân tộc và “nguy cơ cộng sản” ở Đông Nam Á, Hoa Kỳ từng bước ủng hộ Pháp trong cuộc chiến tái chiếm Đông Dương. Mặt khác, để xây dựng bộ máy chính quyền thân Pháp mà thực chất là chính quyền thân phương Tây tại Việt Nam, Hoa Kỳ cùng với Pháp đưa ra “Giải pháp Bảo Đại”. Việc một phái đoàn Nghị viện Hoa Kỳ được cử sang nghiên cứu việc “giúp đỡ” Đông Dương (30/9/1949) và việc Hoa Kỳ chính thức mời Chính phủ Quốc gia Bảo Đại sang thăm Hoa Kỳ (28/11/1949), cũng như việc Quốc hội Hoa Kỳ quyết định viện trợ cấp tốc 15 triệu USD cho chính quyền

Bảo Đại (15/2/1950) và cuối tháng 5 năm 1950, một phái đoàn viện trợ Hoa Kỳ được quyết định thành lập có trụ sở tại Sài Gòn, trong năm đó phái đoàn cố vấn quân sự Hoa Kỳ (MAAG) được thành lập ở Việt Nam… là những minh chứng cho nhận định trên.

Ngày 7 tháng 9 năm 1951, tại hội nghị bàn về hợp tác kinh tế, Chính phủ Hoa Kỳ và chính quyền Bảo Đại ký “Hiệp ước Hợp tác kinh tế Việt - Mỹ”, trong đó quy định Hoa Kỳ sẽ viện trợ kinh tế và kỹ thuật trực tiếp cho chính quyền Bảo Đại. Sau khi hiệp định trên được ký kết, viện trợ của Hoa Kỳ chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong ngân sách của Pháp ở Đông Dương, tăng từ 50 tỷ Franc năm 1950, (bằng 19% ngân sách Pháp ở Đông Dương) lên 62 tỷ năm 1951 (bằng 20%), năm 1952 tăng lên 200 tỷ, bằng 35%; năm 1953 là 285 tỷ, bằng 43%; năm 1954 là 555 tỷ, bằng 73%. Trong tài khoá năm 1954, Hoa Kỳ viện trợ thêm cho Pháp 1 tỷ USD [105, tr. 206]. Tuy nhiên, diễn biến thực tế trên chiến trường Đông Dương lại cho thấy liều thuốc viện trợ cũng như hoạt động của hệ thống cố vấn Hoa Kỳ ở Đông Dương tỏ ra kém hiệu lực, không phát huy được tác dụng trong việc dập tắt cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam.

Trong những năm 1950 - 1954, Hoa Kỳ đã viện trợ cho chính phủ Bảo Đại 23 triệu USD bằng hàng hoá và khoảng 36 triệu USD bằng tiền Việt Nam (Hoa Kỳ có số tiền này do bán hàng, dịch vụ và do chính quyền Bảo đại đã cung cấp cho Hoa Kỳ một số ngân khoản để chi tiêu). Ngoài ra, Hoa Kỳ còn viện trợ thêm cho chính quyền Bảo Đại khoảng 15 triệu USD vũ khí. Vì vậy, trên thực tế, viện trợ của Hoa Kỳ cho Pháp và chính phủ Bảo Đại đã kéo Hoa Kỳ ngày càng lún sâu vào cuộc chiến tranh Đông Dương. Lập trường của Hoa Kỳ về vấn đề Đông Dương tại Hội nghị Geneva và quyết tâm chia cắt Việt Nam sau năm 1954 là sự tiếp nối chính sách trên của Hoa Kỳ.

Một phần của tài liệu Tiến sĩ lịch sử tiến trình quan hệ kinh tế hoa kỳ việt nam giai đoạn 2000 2015 (Trang 26)