Lòng yêu nước gắn liền với lòng tự hào về nền văn hiến dân tộc

Một phần của tài liệu những thành tựu của thơ đi sứ thời nguyễn (Trang 41)

Lòng yêu nước cùng vẻ đẹp của thiên nhiên, gắn liền với niềm tự hào về nền văn hóa dân tộc. Nền văn hiến ấy là sự chung đúc những giá trị tinh thần cao quý đã hình thành nên trong suốt hàng nghìn năm đấu tranh. Độc lập dân tộc phải được thể hiện ở nền văn hiến riêng: khái niệm dân tộc bao gồm khái niệm văn hóa dân tộc. Mở đầu bài Bình Ngô Đại Cáo, sau khi nói đến “nhân nghĩa”, đến “trừ bạo an dân”, Nguyễn Trãi liền nhắc đến truyền thống văn hiến của Đại Việt. Dịp đi sứ chính là dịp tốt để biểu dương tính ưu việt, tính độc lập của nền văn hóa ấy.

Trong sự nghiệp đi sứ, khái niệm quốc thể trong nhận thức của mỗi sứ thần nước ta không phải là cái gì trừu tượng mà chính là nền văn hiến dân tộc. Kẻ đi sứ không làm nhục quốc thể. Điều đó có nghĩa là phải biết phát huy truyền thống văn hiến dân tộc, khiến cho đối phương nhận thức được sức mạnh dân tộc và tầm vóc của nền văn hiến ấy, là bảo vệ một cách thông minh sắc sảo khi kẻ thù định xuyên tạc hạ thấp.

Thơ đi sứ thời Nguyễn cũng đã nở rộ nhiều bài thơ hay thể hiện niềm tự hào văn hiến dân tộc. Đi sứ cũng là dịp để các nhà thơ thể hiện ý thức độc lập tự chủ của nước mình và cũng là dịp để đấu tranh chống chủ nghĩa bành

trướng bá quyền nước lớn của Trung Quốc. Các sứ thần – tác giả của những thi phẩm thời Nguyễn đều là những người trực tiếp đương đầu, đối mặt với tầng lớp thống trị triều đại phong kiến phương Bắc.

Tự hào về văn hiến trước hết là tự hào về văn chương.

Với đề tài lưu biệt, bài Lưu biệt Việt Đông Tạ Khôi trưởng đã thể hiện tình bằng hữu thông giao giữa sứ thần nước ta với nước bạn, Lý Văn Phức và người Trung Quốc họ Tạ. Tuy mới quen biết nhau nhưng họ đã là người bạn tri âm tri kỷ như Bá Nha, Tử Kỳ. Quan san muôn dặm nhưng tình ý hợp nhau, lúc “Kê đầu gối bên nhau trong lầu sắt”, khi “Gãy đàn trong tòa miếu cổ”. Đến lúc từ biệt, tình cảm mặn nồng, lưu luyến ấy được gửi gắm vào con thuyền thơ. Mới hay tình duyên ấy là do “Văn tự một nhà” vậy:

Vạn lý quan hà kỳ khế hợp Nhất gia văn tự tối trù mâu.

(Quan san muôn dặm, nhưng tình ý hợp nhau lạ lùng;/ Văn tự một nhà, gắn bó chặt chẽ hết sức.)

Hay như trong bài Lưu biệt Phúc Kiến Lâm Hữu Lan, Lý Văn Phức viết:

Tuyên trác ứng thù văn hiến mạch, Biên quan tình ngụy tiếu đàm trung.

(Thư từ qua lại tỏ rõ mạch văn hiến,/ Điều thật giả nơi quan ải trao đổi trong lúc nói cười).

Cùng dòng suy nghĩ trên, Đặng Huy Trứ lấy hình ảnh “sông Tứ núi Ni” để nói lên mối tình đằm thắm giữa ông với Nhật Diệp Thanh – quan tri huyện ở Tiền Đường. Họ đều là đệ tử của thầy Khổng, cũng từ cửa Khổng sân Trình mà ra. Vậy thì về văn chương có gì để phân biệt Nam với Bắc, Hoa với Di:

Độc cơ thanh khí vô nam bắc, Tứ thủy Ni sơn nhất bản chi.

(Chỉ có thanh khí không phân Nam Bắc,/ Sông Tứ núi Ni vốn cùng cội nguồn.)

Mượn hình thức bút đàm, sứ họa văn chương, các sứ thần Đại Việt muốn phản bác lại tư tưởng kì thị dân tộc, tư tưởng Hoa – Di vốn là thứ tư tưởng điển hình của giai cấp phong kiến Hán tộc. Họ cho rằng văn hóa Trung Quốc là ưu việt, là đỉnh cao, còn văn hóa từ bên ngoài Trung Quốc là thấp kém lạc hậu. Tư tưởng này được các triều đại phong kiến Trung Quốc vận dụng một cách nhất quán liên tục, là cơ sở của chính sách xâm lược, coi khinh và sẵn sàng tiêu diệt các nền văn hóa khác nhằm mục tiêu đồng hóa. Qua những vần thơ triều đình và những nho sĩ phương Bắc đã phần nào thấy được dân tộc Việt Nam không phải là dân tộc man di mà là một dân tộc văn hiến, một dân tộc có trình độ văn minh ngang với các dân tộc khác như Trung Quốc.

Tự hào về nền văn hiến còn là niềm tự hào về người tài và người hiền của đất nước. Thơ đi sứ thời Nguyễn nói về họ với âm điệu kiêu hãnh sảng khoái lạ thường. Ngay từ những bước đi chập chững của nhà nước phong kiến phôi thai, bầu trời Đại Việt đã xuất hiện những tinh tú làm sáng rạng cõi trời Nam. Thành tựu này được Lê Quý Đôn viết trong Bắc sứ thông lục để trả lời Chu Bội Viên – tổng trấn Quảng Tây như sau:

Nước tôi từ thời Lý - Trần nhân vật văn hiến đã thịnh đạt như các ông Trương Hán Siêu, Nguyễn Bá Quát, Nguyễn Trung Ngạn, Phạm Sư Mạnh đều văn chương nổi tiếng ở đời. Văn Trịnh hầu Chu Văn An đời Trần thì học hành tinh thuần, xa gần nức tiếng” [40, tr 523].

Chính bản thân họ – thi sĩ sứ thần Đại Việt là những tấm gương sáng về nhân cách, đức độ và tài năng. Như đầu đời Nguyễn đầy nhiều biến cố mà Ngô Thì Vị và Nguyễn Thuật cũng có được những tứ thơ cao, lời thơ lạ, có lòng yêu nước đầy tự hào. Đây cũng là hiện tượng đáng để cho nhiều thế hệ

sau suy ngẫm:

Việt Nam sứ giả Ngô Thì Vị, Đấu đảm đề thi ký thử du!

(Đề Hoàng Hạc Lâu)

(Sứ giả Việt Nam là Ngô Thì Vị,/ Lớn mật đề thơ ghi lại chuyến đi này.) Thời xưa hiếm thấy ai xưng tên xưng chức một cách ngông ngạo như vậy. Có chăng cũng chỉ sau này cách Thì Vị gần thế kỷ là Hồ Xuân Hương và Trần Tế Xương. Điều thú vị là tên nước Việt Nam lần đầu tiên được hiện hữu trong thơ như một niềm kiêu hãnh lớn. Bài Đăng Hoàng Hạc lâu của Nguyễn Thuật cũng mang cái khí vị sảng khoái, tự hào và một chút ngang tàng như thế:

Đăng lâm khước lạc Đường nhân hậu, Doanh đắc kỳ quan viễn hải chu.

(Lên đây ngắm cảnh, ta tới sau những người thời Đường,/ Giành được kỳ quan có mấy chiếc tàu từ biển xa đến)

Một phần của tài liệu những thành tựu của thơ đi sứ thời nguyễn (Trang 41)