Ngôn ngữ nghệ thuật

Một phần của tài liệu những thành tựu của thơ đi sứ thời nguyễn (Trang 98)

3.2.1. Câu thơ

Ngữ pháp tiếng Việt xét về mặt hình thức thì có hai kiểu câu. Đó là câu đơn và câu phức. Xét về mặt ý nghĩa thì có những kiểu câu như: câu trần thuật, câu nghi vấn, câu cầu khiến, câu cảm thán. Ngữ pháp tiếng Việt và tiếng Hán không hoàn toàn trùng lắp nhưng về kiểu câu cơ bản thì giống nhau. Thơ đi sứ thời Nguyễn chủ yếu là thơ Đường luật chữ Hán nên cũng tồn tại bốn dạng câu cơ bản trên.

Khảo sát 101 bài thơ đi sứ thời Nguyễn trong tập Thơ đi sứ, chúng tôi nhận thấy dạng câu trần thuật được sử dụng nhiều nhất, tiếp đến là câu nghi vấn, câu cảm thán và câu câu khiến rất ít.

Câu trần thuật:

Trong đời sống cũng như trong văn chương, loại câu được dùng nhiều nhất vẫn là câu trần thuật vì chức năng của nó là thông báo, vì vậy rất thuận tiện khi dùng nó để miêu tả. Mang đặc điểm của thơ ca trung đại, thơ đi sứ thời Nguyễn phần lớn được làm trong các dịp họa thơ hay đề thơ kỉ nệm, tức cảnh, tức sự… dưới dạng “tự”, “trần”, “thuật” nên các kiểu câu trần thuật được các nhà thơ ưa dùng. Lại thêm, thơ đi sứ đậm tính kỷ sự (chép việc). Trên đường

đi sứ, các sứ thần thường hay ghi lại những điều tai nghe mắt thấy, những nhận xét, đánh giá khi đi qua hoặc dừng lại một địa danh, thắng cảnh, một di tích lịch sử nào đó. Vì thế, kiểu câu trần thuật thường xuất hiện trong các thi phẩm. Căn cứ vào thời gian được đề cập, câu trần thuật được chia thành: câu trần thuật quá khứ, câu trần thuật hiện tại, câu trần thuật tương lai.

Câu trần thuật quá khứ:

Tuy không sử dụng nhiều thời gian quá khứ nhưng có dịp thì các sứ giả nhà Nguyễn cũng hoài vọng, tiếc nuối những gì đã qua. Số lượng câu trần thuật quá khứ không nhiều (ngoài tác giả Nguyễn Du) nhưng lại đa dạng. Về hình thức, một số câu rõ ràng là quá khứ do có sự hiện diện của những từ như:

dĩ, tằng, thành, ký… Còn một số câu chỉ mang ý nghĩa quá khứ, người đọc nhận biết được qua cách trình bày của các tác giả.

Câu trần thuật quá khứ nhà được các nhà thơ dùng nhiều nhất khi hướng về một thời xưa cũ để ngưỡng vọng và nhớ tiếc:

Muội thổ thiên niên sự dĩ phi.

(Quá Ân cố đô cảm tác – Bùi Dị) (Việc nghìn năm trước ở Muội thổ nay đã khác rồi.)

Hồi đầu dĩ cách vạn trùng nhai.

(Vọng Quan âm miếu – Nguyễn Du) (Quay đầu lại nhìn đã cách muôn lớp núi.)

Trung Nguyên đại thế dĩ đôi đường,

Kiệt lực cô thành khống nhất phương.

(Quế Lâm Cù Các bộ - Nguyễn Du) (Đại thế Trung Nguyên đã sụp đổ rồi,/ Ông vẫn dốc sức giữ tòa thành trơ trọi để khống chế một phương.)

Hay biểu hiện tâm trạng ngỡ ngàng, ngạc nhiên trước sự thay đổi quá nhanh của con người và cảnh vật:

Thiên niên cự nhất thành quan đạo, Nhất phiến quan thành một cố cung.

Tương thức mỹ nhân kham bão tử,

Đồng du hiệp thiếu tẫn thành ông.

(Thăng Long I – Nguyễn Du) (Những ngôi nhà đồ sộ nghìn xưa, nay thành đường cái,/ Một dải thành mới làm mất dấu vết cung điện cũ./ Những cô gái xinh đẹp quen biết nay đều ẳm con,/ Những ông bạn hòa hiệp lúc trẻ nay thành ông già.)

Có khi để than thở, day dứt vì một dự định, ước nguyện không thành:

Bách niên tu mấn kinh tương bán.

(Dạ - Lý Văn Phức) (Cuộc đời trăm năm, giật mình đã non một nửa.)

Kinh doanh tráng chí mê như ngã, Hồ thỉ sinh sơ tiếu lăng huyền.

(Lữ thứ hoa triêu – Trịnh Hoài Đức) (Chí lớn giúp đời mà lầm lẫn như ta,/Thật đáng cười đã uổng treo cung dâu tên hồng lúc lọt lòng.)

Câu trần thuật hiện tại:

Các nhà thơ Đường thường hướng về thời gian quá khứ. Quá khứ luôn là thời gian lý tưởng, thời “hoàng kim” của thơ xưa. Trái lại, các nhà thơ đi sứ thường quan tâm đến điểm hiện tại. Công việc và kết quả đi sứ là điều được các sứ thần lo nghĩ đến trước tiên. Hoàn thành trách nhiệm sứ sự, đem lại thái bình cho nhân dân hai nước là chí nguyện của họ. Vả lại, hơn ai hết, họ là những người đi nhiều, đọc sách nhiều và hiểu rộng, nhất là về kiến thức lịch sử. Điều quan trọng là ở cách nhìn, cách cảm của họ. Khi viếng thăm một di tích xưa, ngắm một phong cảnh đẹp, nhìn những cảnh đời, cảnh người, các sứ giả không cảm nhận chúng bằng cách nghĩ của người xưa mà bằng cách nghĩ

tinh tế, tỉnh táo của người đời nay. Màu sắc quá khứ vì thế, không in đậm nhiều trong thơ đi sứ thời Nguyễn và câu trần thuật hiện tại có điều kiện xuất hiện nhiều.

Câu trần thuật hiện tại dùng để kể những điều đang diễn ra một cách cụ thể, trực cảm theo thời gian tuyến tính, theo lộ trình đi sứ. Điển hình là những tập thơ dài dưới dạng bút kí như Sứ trình tiện lãm khúc (Lý Văn Phức), Yên Đài anh thoại (Bùi Quỹ) và trong một số bài thơ khác:

Nam phong khải thược phất hành tinh, Cung kiếm đường binh giáp đạo nghinh. Bộ bộ vân sơn tân khách nhãn,

Triêu phát Mạc Phủ mộ Hàng Thành.

(Yên Đài anh thoại – Bùi Quỹ) (Mở cửa quan, gió nam thổi cờ bay phất phới,/ Lính canh đeo cung kiếm đứng hai bên đường đón tiếp./ Mỗi bước chân cảnh núi mây thêm lạ mắt khách,/ Sớm ra đi từ Mạc Phủ tối đến Hàng Thành.)

Hải tấn hà lai hạ pháo thanh,

Chu sư, dịch sứ, cánh tương nghinh. Hổ Đầu sơn hiểm phong như hám;

Sư Tử dương thâm vũ sạ tình.

(Chu tiến Hổ Môn giang, giang hành kỷ kiên – Phạm Phú Thứ) (Bến bể từ đâu có tiếng sung mừng đưa tới?/ Viên lái thuyền, viên thông ngôn, cùng nhau đón rước./ Núi Hổ Đầu hiểm, gió thổi như rung;/ Bể Sư Tử sâu, mưa chốc lại tạnh.)

Câu trần thuật hiện tại còn để miêu tả những sự kiện xảy ra liên tiếp, gấp gáp, chồng chất và những việc thường nhật của người đi sứ:

Thôi hiểu lâu chung vụ ế thanh, Tham loan thiều đệ sấn phong khinh.

Tín Dương thành thượng nguyệt sơ đạm, Thường Đức quan đầu kê chính minh. Vân tống hương tâm tài xuất tụ,

Liễu nghênh hành lộ bán khai tình. Phong sương tố thị nhân thần tiết, Kính lý ninh giao lưỡng mấn tinh.

(Tín Dương hiểu hành – Lê Quang Định) (Tiếng chuông lầu giục sáng chìm trong sương mù,/ Nhạc ngựa xa xăm lướt trong gió nhẹ./ Trên thành Tín Dương trăng đã mờ,/ Đầu ải Thường Đức gà đang gáy./ Mây đưa lòng quê trong núi vừa đùn ra,/ Liễu đón xe khách, con mắt mới hé nửa./ Xông pha sương gió vốn là bổn phận kẻ làm tôi,/ Soi gương chớ ngại hai mái tóc điểm bạc.)

Hay để khắc họa hình ảnh sứ thần. Đó là con người của công việc, của ý thức, lo âu vì sứ mệnh, quân mệnh, quốc mệnh:

Thập tải trì khu bất cố gia, Hư danh vô thực nại ngô hà! Quốc ân nhưng vị quyên trần báo, Thân sự tư duy oán ngải đa.

Thiên hữu đông xuân khan vãng phục, Địa phi giang hải diệc phong ba. Tân đà đãn nguyện thao trì định,

Vạn khoảnh thương mang nhất hạo ca.

(Phái vãng dương trình hiệu lực – Hà Tông Quyền) (Mười năm bôn ba, không đoái hoài gì đến nhà,/ Danh hão không thực, ta biết làm sao?/ Ơn nước vẫn chưa mảy may báo đáp,/ Việc mình nghĩ kĩ oán hận còn nhiều./ Trời có mùa đông xuân, xem thấy sự qua lại,/ Đất bằng chẳng

phải sông bể mà cũng nổi sóng./ Chỉ mong giữ được bánh lái con tim cho vững vàng,/ Giữa nơi sóng nước mênh mang muôn trùng cứ việc ca vang.)

Tự quý trần trưng khách, Kham liên kính lý nhân. Nhãn tiền vong vật, ngã, Phận nội giám quân, thần. Báo quốc, đan tâm tận, Tư hương, bạch phát tân. Nghiên xi tùy quá hóa, Tự nhĩ giác tồn thần.

(Đối kính – Ngô Nhân Tĩnh) (Thẹn mình là khách trong cõi trần,/ Đáng thương bóng mình trong gương./ Trước mắt, lãng quên vật và ta,/ Trong phận sự, soi xét nghĩa vua tôi./ Báo nước, hết lòng son,/ Nhớ quê, thêm tóc bạc!/ Xấu hay đẹp cũng theo quá khứ mà mất đi,/ Như “ngươi”, cảm thấy giữ được thần thái.)

Câu trần thuật thường đi với chỉ thụ đại danh từ như thử, kim… có tác dụng làm sáng rõ thời gian xảy ra sự việc:

Khách thuyền tạm bạc cô thành vũ, Vạn lý giang sơn thử dạ tâm.

(Túc tương âm – Phan Huy Chú) (Thuyền khách tạm đỗ trong mưa bên thành vắng;/ Nước non muôn dặm lòng ta đêm nay.)

Dao tri khuê khổn bần nan độ,

Kim dạ đăng tiền học tích ma.

(Giang thượng thư hoài – Trương Hảo Hiệp) (Xa biết người ở phòng khuê khó vuột được cảnh nghèo,/ Đêm nay trước đèn chắc đang học chắp gai.)

Một khía cạnh đáng chú ý nữa trong câu trần thuật hiện tại là sự xuất hiện loại câu phức hợp. Đặc trưng của loại câu này là nó biểu đạt được những quan hệ tư duy ngữ pháp như quan hệ điều kiện (nếu… thì…), quan hệ nguyên nhân – kết quả (vì… nên…), quan hệ nhượng bộ (tuy… nhưng…), quan hệ tăng tiến (càng… càng…):

Vị liên thượng quốc phong quang hảo, Quan tỏa hương tình vị phóng qui.

(Chu hành tức sự – Nguyễn Du) (Vì yêu phong cảnh đẹp của thượng quốc,/ Nên khóa chặt tình quê chưa thả cho về.)

Bắc nam phân thổ tuy thiên lý Kim cổ tư văn diệc nhất gia.

(Đề phiến tặng Tương Đàm Lục Dự tri huyện – Lê Quang Định) (Bờ cõi bắc nam tuy cách xa nghìn dặm,/ Văn hiến xưa nay vẫn là một nhà.)

Tằng kinh thương hải dương dương đại, Cánh lịch thanh sơn bộ bộ cao.

(Nhâm Tuất niên mạnh đông… , Kỳ V – Ngô Nhân Tĩnh) (Đã từng vượt biển xanh mênh mông rộng,/ Lại phải trèo núi biếc bước bước cao.)

Lân hề, quả vị thử nhân xuất, Đại thị yên vật,hà túc trân?

Hoặc thị nhĩ sinh bất nhẫn kiến sát lục, Tiên tựu thử đại quyên kỳ thân.

(Kỳ lân mộ – Nguyễn Du) (Ôi kỳ lân! Nếu mày quả thật vì người ấy mà ra đời,/ Thì mày chỉ là vật yêu quái, có gì đáng quý?/ Hay là sống ở đời mày không nở thấy cảnh chém giết?/ Nên đến chốn này, mày đã bỏ mình trước? )

Cận thời mỗi hiếu vi kỳ phục, Sở bội tiêu lan cánh bất đồng!

(Tương Đàm điếu Tam Lư đại phu – Nguyễn Du) (Gần đây người ta thích ăn mặc lạ,/ Nhưng hoa tiêu hoa lan họ đeo khác ông nhiều.)

Qua những ví dụ trên, ta thấy về phương diện ngữ pháp, phải có hai câu thơ mới hình thành một câu mang ý nghĩa thông báo hoàn chỉnh; về phương diện hình thức, phải có hai câu thơ mới hình thành một câu ngữ pháp. Tuy nhiên, có lúc chỉ cần một câu thơ mà vẫn tạo được một câu đủ ý nghĩa và đúng ngữ pháp. Câu trần thuật phức hợp không nhất thiết lúc nào cũng có đủ cặp từ nối.

Câu trần thuật tương lai:

Theo truyền thống thơ cổ, thi nhân ít nói về tương lai. Với cổ nhân chỉ có cái xưa, cái cổ mới có giá trị bởi nó đã được kiểm nghiệm rồi, đủ độ tin cậy. Còn tương lai thì mờ mịt. Vì chưa qua sự kiểm nghiệm của thời gian nên không ai dám chắc diều gì sẽ xảy ra. Nếu có nói đến thì cũng chỉ nói một cách bâng quơ, mơ hồ. Trong thơ đi sứ thời Nguyễn, câu trần thuật tương lai không nhiều (10 câu / 101 bài) nhưng nội dung định hướng rõ ràng. Khát vọng của người đi sứ là đem lại sự bình yên cho đất nước mình nên họ cũng thường nghĩ về tương lai, về ngày mai.

Nói về tương lai, trước hết các nhà thơ thường nghĩ về hòa bình. Trong ý thức và tiềm thức, đất nước được thái bình, nhân dân được sống yên ổn là viễn cảnh mà họ hướng về nhiều nhất:

Cố quốc vị quy, tu ý cẩm,

Minh niên vô sự, vạn khuynh bôi.

(Ngô Châu trữ dạ – Lê Quang Định) (Cố quốc chưa về, thẹn mặc áo gấm,/ Sang năm vô sự, hãy dốc chén tràn.)

Nhiều khi, các nhà thơ vọng về tương lai với bao niềm mơ ước. Nhà thơ muốn làm một việc gì đó có ích cho dân, cho nước:

Nhược tương phiến tác đồ nhà địa, Khước quý thiên biên nhạn kỳ hàng.

(Thu nhật vãng Thập Giới viện cấu thư – Đặng Huy Trứ) (Đem quạt làm chỗ vẽ quạ,/ E rằng sẽ thẹn với hàng nhạn trên trời.)

Từ những dẫn chứng đã nêu, ta thấy các dạng câu trần thuật đều có trong thơ đi sứ thời Nguyễn. So với câu trần thuật quá khứ và tương lai, câu trần thuật hiện tại chiếm ưu thế hơn bởi nó phù hợp với tính chất thơ đi sứ (ghi việc, thuật việc). Mặt khác, các dạng câu phức hợp cũng đã xuất hiện. Điều này nói lên thơ đi sứ thời Nguyễn cũng phong phú về các kiểu quan hệ (quan hệ điều kiện, quan hệ tăng tiến, quan hệ nhân quả, quan hệ nhượng bộ). Các kiểu quan hệ này có khi được hiện diện trọn vẹn trong hai câu thơ nhưng có khi chỉ tồn tại trong một câu và thường xuất hiện ở phần kết bài thơ nhằm nêu bật trọng tâm vấn đề.

Câu nghi vấn:

Trong thơ đi sứ thời Nguyễn, câu nghi vấn xuất hiện khá thường xuyên (25 câu/ 101 bài), nhất là trong tập Bắc Hành tạp lục của Nguyễn Du, câu nghi vấn xuất hiện với tầng xuất khá nhiều (65 lần). Trách nhiệm đi sứ nặng nề luôn khiến các nhà thơ phải lo lắng, suy tư. Có biết bao sự khó khăn, nguy hiểm bủa vây họ. Trước sân rồng Bắc quốc, làm gì để bảo vệ sự an nguy và thể diện quốc gia mà không làm tổn hại đến mối quan hệ ngoại giao? Lại thêm, mỗi lần đi sứ, thời gian thường kéo dài đến vài năm, quan san vạn dăm, ngày về không hẹn trước… nên tình nhà cũng thường canh cánh trong lòng người đi sứ. Rồi, trên mỗi dặm đường đi qua, được sở kiến nhiều điều cũng làm cho nhà thơ thắc mắc, băn khoăn… Tóm lại, bước chân sang xứ người, lòng người đi sứ ngổn ngang trăm mối. Họ thường đặt nhiều câu hỏi để suy nghĩ, để day dứt. Không như câu tiếng Việt, câu thơ chữ Hán ít có dấu chấm

câu, đặt biệt là câu hỏi. Tuy vậy, ta vẫn nhận ra được là nhờ vào sự hiện diện của những từ: hà, thùy, như hà, ná đắc, an đắc, nại hà, nhược hà…

Dạng câu hỏi hay gặp là câu hỏi hướng về đối tượng giao tiếp cụ thể:

Hà xứ thôi ta hán?

(Hà Nam đạo trung khốc thử – Nguyễn Du) (Anh chàng đẩy xe kia ở đâu nhỉ?)

Nhưng có khi câu hỏi đặt ra mà không cần lời đáp (còn gọi là câu hỏi tu từ). Đó là trường hợp dùng hình thức câu hỏi nhưng lại để khẳng định, để nhấn mạnh:

Trung tình vô hạn bằng thùy tố? Minh nguyệt thanh phong dã bất tri.

(Hoàng Hạc lâu – Nguyễn Du) (Biết cùng ai bày tỏ niềm cảm xúc từ trong đáy lòng?/ Trăng trong gió mát cũng không biết được (nỗi niềm đó)).

Hay để châm biếm, để phê phán, để bác bỏ:

Hổ môn cận sự quân tri phủ? Thán tức hà nhân ủng tị khan.

(Dạ quan Thanh nhân hí trường diễn hí – Cao Bá Quát) (Việc ở Hổ Môn gần đây anh có biết không?/ Đáng phàn nàn cho ai đó cứ hếch mũi ngồi xem!)

Cũng có thể câu hỏi đặt ra để biểu lộ tình cảm, cảm xúc. Bằng cách này câu hỏi thường hỏi chính mình và khêu gợi những suy tưởng ở người đọc:

Mộng hồi sạ ức gia hà xứ Lậu tận na tri dạ kỷ canh.

(Dạ điểu – Ngô Thì Vị) (Mộng vừa tỉnh, sực nhớ nhà ở chốn nào?/ Đồng hồ cạn nước, không biết đêm vào canh thứ mấy?)

Xuân quy thượng tác tha hương khách, Hương tín bằng thùy ký dịch mai.

(Cửu khách Chân Lạp – Trịnh Hoài Đức) (Xuân về, còn làm khách nơi quê người,/ Biết nhờ ai gửi cành mai báo tin đẹp?)

Có khi các nhà thơ đặt câu hỏi để thể hiện sự nuối tiếc, ngậm ngùi về những gì đã đi qua cùng thời gian:

Y nhân tại hà xứ,

Di miếu bắc môn thâm.

(Bình Nam phỏng cổ – Phan Thanh Giản) (Người ấy nay ở đâu?/ Miếu thờ còn sót lại nơi cửa Bắc âm u.)

Có lẽ, không ở đâu, người đi xa lo nghĩ, suy tư nhiều như trong thơ đi sứ. Tâm trạng đó được thể hiện trên câu chữ. Sự biến hóa linh hoạt của các dạng câu nghi vấn đã nói lên điều đó. Có câu hỏi hướng về đối tượng cụ thể, có câu hỏi không có đối tượng tiếp nhận nhưng định hướng rõ ràng (hỏi để khẳng định, nhấn mạnh; hỏi để châm biếm, bác bỏ hay hỏi để thể hiện sự nuối tiếc, ngậm ngùi…). Dù ở dạng nào thì những câu hỏi ấy mãi vang vọng làm thổn thức bao trái tim đời sau.

Câu cảm thán:

Số lượng câu cảm thán không nhiều (15câu/ 101bài). Đây là loại câu thích hợp để bộc lộ cảm xúc, thái độ tình cảm của người đối với đối tượng được nói tới và thường đi với những phó từ biểu cảm tình thái: trù trướng, liên, khả liên (khả lân), vô hạn, dĩ hĩ…

Thống ẩm Hoàng Long ta dĩ hĩ!

(Đề Nhạc Vũ Mục vương miếu – Phạm Chi Hương) (Lời hẹn uống say mèm ở Hoàng Long ôi thôi đã hỏng.)

Hận thùy khinh bạc hoa lưu thủy,

Liên ngã thanh hàn nguyệt đáo sang (song).

(Giận ai khinh bạc, hoa trôi theo dòng nước,/ Thương ta thanh hàn, trăng đến bên cửa sổ.)

Đáng chú ý là nhóm từ bất thăng, kỷ đa… diễn tả được mức độ cảm xúc của câu cảm thán nhiều lần hơn:

Giang biên trữ vọng kỷ đa thì.

(Đề Lưu tam muội thạch – Trương Hảo Hiệp) (Đứng trông ngóng bên sông đã bao lâu rồi!)

Cô đăng liêu lạc bất thăng tình.

(Dạ điểu – Ngô Thì Vị) (Ngọn đèn leo lét lòng buồn khôn xiết!)

Một phần của tài liệu những thành tựu của thơ đi sứ thời nguyễn (Trang 98)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(151 trang)