Người đi sứ phần lớn xuất thân từ khoa bảng nên trên đường đi găp cảnh đẹp hoặc những di tích về đền miếu mình từng biết qua sách vở đều cảm xúc thành thơ. Cổ nhân có câu “Thiên ái thiên nhiên mỹ” nên một khối lượng lớn trong thơ đi sứ thời Nguyễn là những thi phẩm lấy từ danh thắng nổi tiếng
ở Hoa Hạ. Trong những danh thắng ấy, các nhà thơ đi sứ thường dừng lại ở những di tích gắn với các nhân vật lịch sử Trung Quốc. Một lẽ, vì đây được xem là những “tiểu vũ trụ”. Sự hiện diện của những “tiểu vũ trụ” này đã trang sức cho thiên nhiên thêm những sắc màu mới. Lẽ khác, không ít trường hợp, với sự khắc bạc của thời gian và sự vô tình của con người, những di tích lịch sử quý báu ấy trở nên hoang tàn, quạnh quẽ. Và bấy giờ, thi nhân đến đây cốt để gửi gắm tâm sự, tìm sự đồng vọng hay để chia sẻ hơn là để thưởng ngoạn: Đây chính là thế giới riêng của thơ đi sứ. Bởi lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, tâm sự uẩn khúc riêng tư ở loại thơ nào cũng có dù ít hay nhiều, nông hay sâu, nhưng chỉ có trong thế giới hoa trình, ta mới có dịp theo bước chân các sứ thần thực hiện một cuộc viễn du qua từng vùng đất của Trung Hoa diễm lệ.
Điểm gặp gỡ của các sứ thần thời Nguyễn trong mảng thơ viết về cảm quan lịch sử là tâm trạng man mác nỗi niềm hoài cổ. Thơ xưa thường chìm lắng trong nỗi buồn tê tái, buồn khi thấy tất cả đều phôi pha, đều tan vỡ, tiêu vong theo cơn lốc của thời gian.
Thơ đi sứ thời Nguyễn viết về đề tài lịch sử tuy lấy đề tài cũ, người xưa nhưng người viết đã phả vào đó một sắc thái mới, một cái nhìn mới. Dù viết về thắng cảnh, vịnh các di tích hay nhân vật lịch sử cảm xúc của các sứ thần bao giờ cũng trong sáng. Điều này thật mới. Nó bắt nguồn từ một nhận thức trong sáng, đầy ắp tấm lòng nhân hậu, bao dung. Điểm này biểu hiện ở nhiều phương diện:
Trước hết, viết về lịch sử, thơ của các sứ thần thời Nguyễn không hoàn toàn nhuốm màu vàng úa, chìm lắng trong những tình cảm u hoài. Viết về lịch sử, họ thường mang theo khí phách của thời đại và của dân tộc, mang những tâm tư thầm kín nên những bài viết ở đây đều mang những sắc thái riêng.
Người xưa mỗi khi lên lầu Hoàng Hạc nhìn thấy mây trắng họ chỉ thấy buồn, tang thương, thấy cuộc đời vô nghĩa mà xúc cảm đề thơ. Lầu Hoàng
Hạc đã trở thành nơi gởi mối sâu cổ kim của thi nhân:
Nhật mộ hương quan hà xứ thị, Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
(Trời về chiều tối, tự hỏi quê nhà nơi đâu?/ Trên sông khói tỏa, sóng gợn, khiến buồn lòng người.)
(Hoàng Hạc lâu – Thôi Hiệu) Trong thơ đi sứ thời Nguyễn, thi thoảng cũng phảng phất nỗi buổn muôn thuở ấy như tâm tình của Nguyễn Du:
Kim lai cổ vãng Lư sinh mộng, Hạc khứ lâu không Thôi Hạo thi.
(Hoàng Hạc lâu – Nguyễn Du) (Nay lại xưa qua, chỉ còn lại giấc mộng của chàng họ Lư,/ Hạc đi lầu vắng, chỉ còn lại lời thơ Thôi Hiệu.)
Sứ thần thời Nguyễn qua lầu Hoàng Hạc cũng để lại nơi đây nhiều lời thơ vịnh như Nguyễn Du, Ngô Thì Vị, Nguyễn Thuật… Trong số ấy, có bài mang tình điệu khảng khái, ý chí hào phóng thoát hẳn khuôn sáo vịnh lầu. Đáng chú ý là bài Đăng Hoàng Hạc lâu của Ngô Thì Vị. Ông đi sứ Trung Quốc hai lần. Lần thứ nhất vào năm 1809 và cũng là dịp ông lên lầu tẩu bút thành thơ. Bài thơ kết thúc bằng hai câu:
Việt Nam sứ giả Ngô Thì Vị, Đẩu đảm đề thi ký thử du.
(Sứ giả Việt Nam là Ngô Thì Vị,/ Lớn mật đề thơ ghi lại chuyến đi này.)
Bài thơ thoát hẳn khuôn sáo xưa và có một chút ngang tàng khí phách. “Lớn mật” là ông dám làm một việc mà thi tiên Lý Bạch cũng không dám. Cảnh lầu Hoàng Hạc đẹp, Thôi Hiệu đã đề thơ. Thấy thơ Thôi Hiệu hay quá, Lý Bạch đành gác bút không vịnh cảnh đó nữa. Thế mà sứ giả Việt Nam đã đề thơ lầu Hoàng. Trong một câu ông đã minh bạch ghi tên nước mình, tên
mình và chức vụ. Lời thơ lạ, tứ thơ cao quả là thi phẩm của người đi tìm sao Ngưu, sao Đẩu!
Bên cạnh lầu Hoàng, còn có biết bao cảnh, bao tình đã đi vào thơ đi sứ thời Nguyễn một cách sáng tạo như vậy. Là nghệ sĩ chân chính đồng thời là sứ giả của hòa bình, tình yêu con người của những nhà thơ đi sứ thời Nguyễn đã vượt ra ngoài biên giới của một quốc gia. Các thi nhân yêu thương, thông cảm với tất cả những số phận bất hạnh của bất kể quốc gia hay dân tộc nào. Dương Quý phi là ái phi của Đường Minh Hoàng, tài sắc tuyệt trần, sống trong lầu son gác tía với tột bậc giàu sang và uy quyền. Thế mà chỉ trong một chốc thôi, nàng phải cay đắng, nuốt tủi ngậm hờn bị bức tử. Người đời mắng chửi và nguyển rủa Quý Phi, xem nàng là tội nhân của đất nước. Điều này được Bạch Cư Dị ghi trong Trường hận ca như sau:
Cái chất đẹp trời sinh khó bỏ đi được. Một sáng kia, nàng được tuyển vào ở bên vua. Khi nàng ngoảnh đầu mỉm cười thì trăm vẻ đẹp phát sinh, khiến cho các người tô điểm phấn son trong sáu cung đều như không có nhan sắc (…) Mặt như hoa, tóc như mây, cài chiếc kim bộ đao. Nàng trải qua đêm xuân trong màn phù dung ấm áp. Tiếc rằng đêm xuân quá ngắn; khi mặt trời mọc, mới trở dậy. Từ đó, nhà vua không ngự triều sớm nữa.
Trong Thanh bình điệu, thi thánh Đỗ Phủ cũng hết lời ca ngợi nàng. Thế nhưng có mấy ai dành những câu thơ bênh vực, che chở, minh oan cho nàng và lên án sự bất tài, vô dụng của những kẻ làm quan chỉ biết ăn lương và ngồi cho đủ thứ vị như trong bài Dương Phi cố lý của Nguyễn Du:
Tự thị cử triều không lập trượng, Uổng giao thiên cổ tội khuynh thành.
(Chỉ vì cả triều đình đều như phỗng đứng,/ Mà nghìn năm cứ đổ tội oan cho sắc đẹp nghiêng thành.)
Sức sáng tạo trong thơ đi sứ thời Nguyễn còn được thể hiện ở việc xây dựng hình tượng nhân vật lịch sử. Những nhân vật anh hùng trong quá khứ luôn được hào quang của hiện tại chiếu rọi nên họ hiện lên với một tầm vóc khác. Dù đó là những nhân vật thực tế đã thất bại, vấp ngã thì qua ngòi bút của người chiến thắng, họ vẫn xuất hiện đầy khí thế lạc quan. Cái chất lý tưởng trong hình ảnh của họ không xa lạ mà lại phù hợp với tâm lý người thưởng thức.
Thứ đến, viết về đề tài lịch sử, điều đáng nói hơn là các sứ thần thời Nguyễn phần lớn đã chọn những trung thần nghĩa sĩ chết oan. Trong lịch sử Trung Quốc, không ít những kẻ nắm trong tay vận mệnh quốc gia vì đớn hèn mà đầu hàng ngoại bang hay vì tham quyền cố vị mà lật đổ lẫn nhau khiến cho nhân dân đói khổ mà nổi loạn. Vì vậy, những bề tôi trung thành không còn con đường nào khác là chết theo ông vua họ thờ.
Là những đại khoa, đại gia, các nhà thơ đi sứ thời Nguyễn được nuôi dưỡng tâm hồn bằng những cuốn sách Thánh hiền và tên tuổi của những bậc hiền thần Trung Hoa đã in đậm trong họ: Cù Các Bộ, Khuất Nguyên, Đỗ Phủ, Lý Bạch, Hàn Tín, Tỷ Can, Nhạc Phi... Viết về họ, nhà thơ thường có cái nhìn cảm thông sâu sắc với số phận rủi ro của những nhà yêu nước đất Bắc, thường sẻ chia với nhân dân nước bạn nỗi đau xót, lòng căm giận bọn thống trị Trung Quốc. Điều đáng chú ý hơn, những bài thơ viết về các hiền thần Trung Quốc luôn có hai mảng: một nửa nói về họ, một nửa nói về bọn thống trị hoặc bọn cơ hội xấu xa. Dù đôi khi các sứ giả không nói về lớp người thứ hai này thì bóng đen của chúng vẫn trùm lên cả bài thơ.
Đến viếng miếu thờ Nhạc Phi ở Yển Thành – nhà yêu nước vĩ đại thời Nam Tống, Phạm Chi Hương xúc động viết:
Nhạc vương từ hạ bách sâm sâm, Độc bãi tàn bi, tứ bất câm!
Niên Hãn hữu mưu quy tặc Cối,
Thiệu Hưng vô chí diễn thù Câm (Kim). Sơn hà cộng sái ban sư lệ!
Cơ Vĩ không huyền báo quốc tâm! Thống ẩm Hoàng Long ta dĩ hĩ! Anh hùng di hận đáo như câm (kim)!
(Đề Nhạc Vũ Mục vương miếu – Phạm Chi Hương) (Dưới nền Nhạc vương, thông trắc xum xuê./ Đọc xong tấm bia mòn, dạ khôn cầm!/ Niên Hãn có âm mưu thả giặc Cối về,/ Thiệu Hưng không có chí diệt kẻ thù người Kim./ Núi sông cùng nhỏ nước mắt về việc rút quân,/ Tài Cơ Vĩ luống treo lòng báo quốc./ Lời hẹn uống say mềm ở Hoàng Long, ôi thôi đã hỏng!/ Anh hùng còn để mối hận lại đến ngày nay…)
Thi nhân nước ta ngưỡng mộ và khóc thương Nhạc Phi. Người anh hùng ấy khảng khái tài cao khác nào như sao Cơ, sao Vĩ mà vẫn không thực hiện được lòng ái quốc của mình một cách trọn vẹn. Con người, cỏ cây, sông núi cùng nhỏ nước mắt vì chiến công không thành, đành lỗi ước tiệc rượu thắng trận ở Hoàng Long. Bên cạnh ấy, nhà thơ không quên nhắc đến tên Hán gian bán nước Tần Cối và ông vua mù quáng hèn nhát Tống Cao Tông. Bọn họ đã gây nên cái chết oan uổng của trung thần Nhạc Phi để người anh hùng ấy suốt đời ôm uất hận xuống tuyền đài cùng với án oan “Tam tự ngục”.
Vịnh về nhân vật trung thần, bút lực sung nhất có thể kể đến Nguyễn Du. Cũng như tất cả những ai từng đọc sử sách Trung Quốc, Nguyễn Du thích tìm đến các di tích lịch sử, nhớ lại những nhân vật quen thuộc từ khi còn để tóc trái đào. Bây giờ đặt chân lên mảnh đất họ sinh sống, hoạt động, ông như thấy họ hiển hiện trước mắt. Nhà thơ đã ghi lại cảm xúc của mình trong Bắc hành tạp lục – một tập nhật ký đi sứ. Chiếm một số lượng lớn trong tập Bắc hành tạp lục của Nguyễn Du là tình cảm yêu thương lẫn kính phục đối với
bậc hiền tài. Ai có tấm lòng nghìn đời hơn những bậc ấy? Thế mà cuộc đời đã quăng họ vào vòng xoáy của bão tố, buộc họ chết trong tủi nhục và oan ức.
Nguyễn Du thường dành những vần thơ tha thiết đối với các nhà văn hóa lớn của Trung Quốc, đặc biệt là Khuất Nguyên. Niềm thương xót vô hạn của ông đối với Khuất Nguyên được gửi cả vào năm bài thơ. Cốt cách và tài năng của Khuất Nguyên sánh cùng nhật nguyệt thì đài tạ của vua Sở chỉ là núi gò. Cảm thương nhà thơ Khuất Nguyên sâu sắc, thi nhân không quên được bọn “rồng rắn, quỷ quái”, bọn “cắn xé thịt người ngọt xớt như đường”. Bọn chúng là những Sở Hoài Vương, Khoảnh Tương Vương, tên thuyết khách Trương Nghi, bọn nịnh thần và ăn hối lộ Thượng quan, Trịnh Tụ… Vì thế, ông tha thiết khuyên linh hồn người “ cô trung độc tỉnh” ấy đừng trở về nhân thế nữa mà “hãy sớm thu tinh thần về với thái hư”, bởi vì:
Hậu thế nhân nhân giai Thượng quan Địa địa xứ xứ giai Mịch La
Ngư long bất thực, sài hổ thực Hồn hề! hồn hề! nại hồn hà?
(Phản chiêu hồn) (Đời sau người đều là bọn Thượng quan,/ Mặt đất này đâu đâu cũng là sông Mịch La,/ Cá rồng không nuốt hùm sói cũng ăn,/ Hồn ơi! hồn ơi! hồn làm thế nào?)
Lòng thương xót của ông đối với Khuất Nguyên sâu sắc như nỗi căm phẫn của ông đối với những người cầm vận mệnh đất nước mà vô tài bất tướng.
Khuất Nguyên, Nhạc Phi, có tên trong sử sách được nhiều người biết. Còn như Cù Thức Trĩ ít ai biết nhưng khi qua Quế Lâm, Nguyễn Du cũng tỏ lòng ngưỡng mộ con người này. Cù Thức Trĩ đỗ tiến sĩ, làm tuần vũ Quảng Tây. Sau, ông được thăng Đông các đại học sĩ. Khi người Mãn Châu chiếm
Trung Quốc, ông giữ thành Quế Lâm không chịu hàng phục và vẫn để tóc dài theo phong tục của dân tộc mình. Ngưỡng mộ, Nguyễn Du dành những câu thơ xúc động cho ông:
Trung Nguyên đại thế dĩ đồi đường, Kiệt lực cô thành khống nhất phương, Chung nhật tử trung tâm bất động, Thiên thu địa hạ phát do trường.
(Quế Lâm Cù Các Bộ)
(Đại thế của Trung Nguyên đã sụp đổ rồi,/ Ông vẫn dốc sức giữ tòa thành trơ trọi để khống chế một phương./ Suốt ngày trước cái chết lòng không nao núng,/ Nghìn thu nằm dưới đất tóc vẫn dài.)
Tuy vẫn là âm điệu ca ngợi, tán dương thường thấy trong lối thơ vịnh sử nhưng lời thơ có chiều sâu thành thực hơn bởi nó được thốt lên từ những mất mát, đắng cay trong cuộc đời mà ông từng nếm trải.
Cuối cùng, khi viết về nhân vật lịch sử, các nhà thơ thời Nguyễn không hẳn chỉ để hoài cổ, để ngợi ca, tán dương mà muốn dùng cái xưa để hiểu những việc đang và sẽ xảy ra trong hiện tại và tương lai, gởi vào đó những triết lý về con người và cuộc đời.
Trong Bắc hành tập lục, Nguyễn Du cũng tập trung nói đến những cuộc lật đổ xảy ra thường xuyên trong lịch sử Trung Quốc: khi thì bề tôi giết vua (Cựu Hứa Đô), cháu giết chú (Tỷ Can mộ), chú giết cháu (Kỳ lân mộ), khi thì em giết anh (Thái bình mại ca giả), bằng hữu giết hại lẫn nhau (Sở Bá Vương mộ, Hàn Tín giảng binh xứ…). Qua những chuyện ấy, nhà thơ đã khái quát về lẽ hưng phế của cuộc đời:
Ngụy thụ Hán thiện, Tấn thụ Ngụy, Tiền hậu sở xuất như nhất đồ. Ngụy vong Tấn tục canh triều đại,
Tự thử hất kim kỷ thiên tải. Kỳ trung hưng phế tri kỷ nhân, Nga nga thành điệp ha tằng cải.
(Cựu Hứa Đô)
(Ngụy nhận ngôi của Hán nhường, Tấn lại nhân ngôi của Ngụy nhường,/ Trước sau đều đi theo một con đường ấy./ Ngụy mất Tấn nối, đổi thay triều đại,/ Từ ấy đến nay đã mấy ngàn năm rồi?/ Trong khoảng thời gian ấy biết bao kẻ dấy lên rồi sụp đổ,/ Mà tòa thành cao nhất vẫn chưa từng thay đổi.)
Tô Tần rõ là tên đầu cơ chính trị, bậc thầy của bọn tráo trở; xem bạn là thù, xem thù là bạn. Nhân vật lịch sử này được Nguyễn Du nói đến hai bài. Cuối bài thứ nhất, nhà thơ cảm khái nói:
Nhân sinh quyền lợi thành vô vị, Kim cổ thùy năng phá thứ mê?
(Tô Tần đình I)
(Đời người, quyền lợi thật vô vị,/ Xưa nay, ai có thể phá vỡ được cái mê muội ấy?)
Cuối bài thứ hai, nhà thơ gởi vào hậu thế nhiều điều hết sức tâm đắc và đấy là điều nhà thơ muốn cảnh báo:
Thế nhân đa độc Tô Tần truyện Do vi vị thế phú quý thương kỳ sinh.
(Tô Tần đình)
(Đời người lắm kẻ đọc truyện Tô Tần,/ Thế mà còn để cho địa vị, giàu sang làm hại đời mình.)
Sự mục nát, sụp đổ, trượt dốc không gì cứu vãn nổi của chế độ phong kiến nhà Nguyễn cùng với những bước thăng trầm, dâu bể của cuộc đời đã khiến Nguyễn Du vốn có được “Tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời” lại có thêm
một đối tượng như nhau nhưng cái nhìn của Nguyễn Du sâu sắc hơn, suy nghĩ của Nguyễn Du thực hơn.
Ninh Minh là con sông khá nổi tiếng ở Trung Quốc. Ninh Minh trong con mắt của nhiều nhà thơ khác thì đẹp như một bức tranh:
Ninh Minh giang thượng khách hàm bôi, Tằng thử chinh nhiêu bãi tố hồi.
Chu hướng trúc âm lương xứ bạc, Nguyệt tòng sơn sắc thúy biên lai.
(Ninh Minh dạ bạc – Phạm Chi Hương) (Trên sông Ninh Minh khách nâng chén,/ Nơi đây, mái chèo xa đã thôi cuộc ngược dòng./ Thuyền ghé nơi râm mát dưới bóng trúc mà đỗ;/ Trăng từ bên màu biếc của núi nhô lên.)
Trong khi đó, với Nguyễn Du, sông Ninh Minh chỉ toàn là sóng cồn đá dữ, núi cao vực thẳm, hình thù kỳ lạ như rồng, rắn, cọp, beo, trâu, ngựa và có