Lòng tự hào dân tộc là nội dung khởi đầu sơ khai, là bài học vỡ lòng khai tâm của người công dân nước Việt.
Tự hào dân tộc trước tiên là tự hào về những chiến công lớn của đất nước. Mười thế kỉ của lịch sử trung đại là những thế kỷ của chiến công lừng lẫy: Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng vào mùa xuân năm Kỷ Hợi (938), ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng của vua quan nhà Trần (1258, 1285, 1288), mười năm lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Minh thắng lợi của vua Lê Lợi, chiến thắng Ngọc Hồi, Đống Đa đánh tan 20 vạn quân Thanh (1789) của vua Quang Trung…. Những
chiến công ấy đã thui chột lòng ham muốn xâm lược nước ta của bọn phong kiến phương Bắc. Đây chính là ngọn nguồn của lòng tự hào dân tộc và là đề tài lớn trong văn học trung đại. Non nửa thế kỷ sau trận Bạch Đằng, Trần Minh Tông vẫn còn như thấy sát khí của trận huyết chiến ác liệt ấy trong
Bạch Đằng giang, Phạm Sư Mạnh trong Đề Thạch Môn sơn, Động Chi Lăng. Mãi đến cuối đời Hồ, hơn trăm năm sau cuộc kháng chiến, Trần Lâu đi qua cửa Hàm Tử vẫn còn thấy tiếng trống trận và bóng cờ lệnh, vẫn còn nghe tiếng quân giặc lục xục chết chìm dưới đáy sông trong Quá Hàm Tử quan. Đến thế kỷ XV, âm vang Bạch Đằng, Hàm Tử vẫn còn sức ngân trong các thi phẩm của Nguyễn Mộng Tuân, Nguyễn Trãi,… Trong thơ đi sứ thời Nguyễn những bài thơ mang âm hưởng trên chiếm số lượng khiêm tốn như Sứ bộ xuất Nam quan hồi khẩu chiếm (Trịnh Hoài Đức) Giáp thành Mã Phục Ba miếu
(Nguyễn Du), Hồng mao hỏa thuyền ca (Cao Bá Quát), Lạng Sơn đạo trung
(Nguyễn Văn Siêu). Tuy số lượng không nhiều nhưng những bài thơ ấy luôn sống và nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta. Âm hưởng hào hùng cùng với khí thế hừng hực của những chiến công đã vọng vào tâm hồn các thi nhân, thai nghén nên những bài thơ cao diệu hiếm thấy.
Bùi Ngọc Quỹ đi sứ năm 1848 khi qua Ung Châu không quên nhắc tới cuộc kháng chiến chống Tống của Lý Thường Kiệt đã từng chôn vùi ngót sáu vạn quân địch tại đây. Ông viết rất hào hứng:
Lâm lưu hốt ức Ung Châu dịch, Thảo mộc do nghi Lý thị binh.
(Yên Đài anh thoại)
(Tới sông này bỗng nhớ tới việc Ung Châu,/ Cây cỏ còn ngờ tới quân đội của họ Lý.)
Tự hào về truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc trong thơ thời nào cũng có. Các thi nhân thời Nguyễn góp nhiều lời thơ tuy là giọng hoài cổ
nhưng chữ nghĩa vẫn không giấu được sự phấn khích khi nói về truyền thống quý báu ấy.
Trịnh Hoài Đức - người đứng đầu trong “Gia Định tam gia” là nhà thơ nhà văn hóa lớn. Ông vốn là công dân của Bắc triều (gốc người Phúc Kiến, Trung Quốc). Tuy là Hoa kiều nhưng ba đời đã ở Việt Nam nên tình cảm yêu nước của ông rất sâu sắc. Ông không những thấu hiểu mà còn rất tự hào về truyền thống, phong tục, đời sống tình cảm của người Việt Nam. Ông tỏ ra khinh thị nhân cách giả dối của tên tướng xâm lược họ Mã vốn được sử gia phong kiến Trung Quốc xưa kia có lúc khen là trong sạch:
Đồng trụ vị du Nam Bắc giới, Châu tê dĩ hoặc thánh vương thời.
(Quá Mã Viện từ)
(Ranh giới Nam Bắc chưa vượt quá cột đồng,/Mà đời vua thánh đã ngờ vơ vét ngọc châu sừng tê.)
Nói sử gia Trung Quốc khen là trong sạch vì họ cho rằng Mã chỉ đem mấy xe ý dĩ về. Kỳ thực, theo một số người khác, đó là những của vơ vét được ở Việt Nam.
Trong bài Sứ bộ xuất Nam quan hồi quốc khẩu chiếm, sau những câu tả thái bình ở biên giới, ông kết luận:
Ký ngữ chướng phong kim tự tích, Phi điên thiếp thiếp trụy hồng ba.
(Xin gửi lời nhắn rằng gió độc nay cũng như xưa,/Chim điều vùn vụt rơi tõm xuống khoảng sóng nước mênh mông )
Hậu Hán thư chép rằng: Mã Viện sang xâm lược nước ta, đánh dẹp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, đóng quân ở hồ Lãng Bạc. Hồ sóng nước mênh mông, hơi mù khí độc bốc lên mù mịt, chim điều đang bay trên hồ vùn vụt sa xuống nước. Mã Viện thấy vậy lo buồn kinh sợ. Ý của Mã Viện là đỗ
cho lam chướng khí hậu nước ta độc nên xâm lược bất lợi. Mượn tích này, lời thơ Hoài Đức như là lời nhắc nhở, cảnh báo bọn diều hâu triều đình Mãn Thanh nói riêng, bọn xâm lược phương Bắc nói chung nếu phiêu lưu bành trướng qua Nam quan, xâm phạm bên giới, xâm phạm nước ta thì chúng nhất định bị gãy cánh.
Cao Bá Quát, nhà thơ lớn dưới triều Nguyễn được tôn là Thánh Quát nhưng lại bị triều đình ruồng rẫy, tài năng không được trọng dụng. Hơn một ngàn bài thơ của ông là một bức tranh lớn về một thời kỳ vô cùng đen tối và mục nát trong lịch sử. Nhiều bài thơ ông làm trong thời gian đi “hiệu lực” đã bộc lộ lòng yêu nước thắm thiết. Ông chỉ là kẻ tội đồ bị phái đi hiệu lực cùng phái đoàn nhà Nguyễn sang miền Hạ Châu để chuộc tội nhưng thơ ông không kém cái hào khí của những người cầm cờ tiết đi sứ. Khi ra nước ngoài, tiếp xúc cuộc sống của người phương Tây ông nhận ra được sự phát triển của các nước phương Tây và nguy cơ bị xâm lược của các nước Á Đông. Trong bài
Hồng mao hỏa thuyền ca, ông đã miêu tả con tàu phương Tây: không buồm, không chèo, không người đẩy mà chạy nhanh như ngựa phi, khói phun ngùn ngụt, sóng tung tóe ầm ầm như sấm:
Quân bất kiến: Vĩ Lư chi thủy hối Ốc Tiêu Kiếp hỏa trực trướng thanh vân tiêu, Khai châm đông khứ thận tự giới Bất tỷ tây minh triêu mộ trào.
(Các người không thấy: Khi nước ở vũng Vĩ Lư rót vào tảng đá Ốc Tiêu,/ Thì ngọn lửa dữ dội bốc lên thẳng tới mây xanh./ Mở kim nam châm đi sang phía đông phải cẩn thận dè chừng,/ Không thể coi như bể tây, sớm hôm có nước triều đều đặn.)
Ông bắt đầu thấy cái họa xâm lăng của bọn phương Tây đối với các nước phương Đông. Hơn nữa, sóng nước ở bể Đông không dễ dàng như ở bể
Tây. Câu thơ mang hàm ý sâu xa của tác giả: Nếu bọn phương Tây vào bể Đông với ý đồ xâm lược thì ngọn lửa kháng chiến sẽ bốc lên tận trời như ngọn lửa Ốc Tiêu vậy.
Nguyễn Văn Siêu là bạn đồng liêu, bạn thơ thân thiết của Cao Bá Quát. Trong chuyến đi sứ sang triều Thanh (1849), ông có đến Lạng Sơn. Nhìn bức thành hoang tương truyền do Mã Phục Ba xây, trước đền Hổ Lao có một hòn đá như xác người nằm sấp và một hòn đá như cái đầu lâu, tương truyền là xác Liễu Thăng biến thành, nhà thơ cảm tác Lạng Sơn đạo trung có câu:
Phục Ba danh thăng không thành lý, Liễu nghiệt thi truyền ngọa thạch gian.
(Tên tuổi Phục Ba còn rớt lại ở bức thành hoang, / Cái thây của loài yêu nghiệt họ Liễu còn truyền ở phiến đá nằm.)
Câu thơ trong sáng với giọng hoài cổ vừa bộc lộ lòng khinh ghét, phỉ nhổ những tên tướng xâm lăng vừa tràn đầy niềm tự hào của Phương Đình. Một bài thơ khác của ông cũng với những cảm xúc như vậy:
Nguyên nhân vô yếm tứ lăng xâm, Bách vạn Nam lai độc lưu cầm. Tranh đạo chiết xung đa tướng được, Thùy tri sát Thát thử nhân tâm.
(Vịnh Chương Dương độ)
(Người Nguyên không chán giở thói xâm lăng,/ Sang Nam hàng trăm vạn đều bị bắt./ Tranh nhau nói rằng có nhiều mưu lược trong việc xông pha,/ Nào ai biết giết quân Thát là ở lòng dân.)
Những vần thơ trong sáng vừa bộc lộ lòng tự hào dân tộc, vừa đập mạnh vào tội ác của quân xâm lược, đó là đặc điểm văn chương chữ viết Việt Nam nói chung và thời kỳ này nói riêng.
hưởng những chiến công của các thời đại có một sức vang xa qua nhiều thế kỉ. Giữa thời Nguyễn đen tối, đầy những bi kịch xã hội, Ngô Thì Vị trên đường đi sứ qua Chi Lăng đã viết “Liễu Thăng thạch ký” với lời thơ rất kì thú:
Đề sự hà tu biện hữu vô,
Hoàng Lê công đức tại binh Hồ. Thạch ngân ẩn ước sương đao lạc, Đài sắc y hy huyết giáp ô.
Lưu thủy toàn như minh Liễu bại, Thường kim ngã tự tiếu Minh ngu. Đình luân nhật vãn khan di tích, Tưởng kiến đương niên bố trận đồ.
(Việc đó sao cần phải biện bạch có hay không,/ Công đức của nhà Lê là ở việc dẹp tan được giặc phương Bắc./ Ngấn đá còn lờ mờ vết đao chém xuống,/ Sắc rêu in nhạt dấu máu khô trên áo giáp./ Tiếng suối chảy như reo lên nỗi thất bại của Liễu Thăng,/ Đòi bồi thường người vàng, ta tự cười nhà Minh ngu./ Trời chiều dừng xe xem xét dấu xưa để lại,/ Ngỡ thấy cảnh đương thời bày trận chiến.)
Ông cũng hết sức phản ứng khi vừa đến biên giới thấy mấy chữ “Trấn Nam quan” đập vào mắt, ông bày tỏ sự khó chịu của mình: “Bỉ ổi thay cái cửa quan đặt tên là trấn Nam” (Lậu sái quan danh hiệu trấn Nam).
Nguyễn Du, Bùi Quỹ… và những nhà thơ khác thời Nguyễn cũng đã có những hồi ức trong thơ về chiến thắng của dân tộc.
Nguyễn Du trong bài “Kỳ lân mộ” nêu câu hỏi: sao lúc ấy kỳ lân không sang phương Nam, nơi có “thánh nhân” (Lê Lợi) ra đời ? Lòng yêu nước thương nhà của Nguyễn Du trong Bắc hành tạp lục cũng như Cao Bá Quát trong Dương trình tập là một điều rất đáng lưu ý. Nó chứng tỏ các nhà thơ lớn này không chỉ phơi bày những bất công của đời sống xã hội mà còn quan tâm
day dứt đến sự mất còn của đất nước.
Cảm hứng anh hùng, cảm hứng tự hào dân tộc đã làm nên cái tính chất của cả một dòng thơ. Lòng yêu đất nước đã như một ngọn đuốc sáng rực chuyền tay nhau giữa các nhà thơ qua bao thế kỷ.
Một chiều kích khác của niềm tự hào dân tộc là niềm tự hào về quê hương đất nước. Bên cạnh những bài thơ mang âm hưởng tự hào chiến công là niềm tự hào về đất nước của các sứ thần.
Chiếm một số lượng lớn trong thơ đi sứ thời Nguyễn là thơ có nội dung nói về cảnh đẹp thiên nhiên. Các sứ thần đi sứ là để thực hiện quân mệnh, quốc mệnh nhưng cũng là dịp họ thực hiện cuộc thắng du đến đất nước giàu đẹp phồn hoa với vô vàng danh lam thắng cảnh, thực hiện chí tang bồng bốn cõi, mở rộng tầm nhìn:
Tang bồng là chí nam nhi
Non sông ngoảnh lại bước đi lại dừng.
(Sứ trình tiện lãm khúc – Lý Văn Phức) Trên đường vạn dặm, sứ giả Việt Nam hoặc thăm chốn thanh u, hoặc viếng nơi cổ tích, ngắm cảnh thiên nhiên đẹp… Vì thế, nhất là cảnh đẹp Trung Quốc được nhiều sứ giả quan tâm và cảm nhận. Bầu nước như ngọc rung rinh nơi hồ Động Đình; sông Minh Ninh sung túc, trù phú và đẹp như tranh họa đồ; lầu Hoàng Hạc với cỏ thơm, mây trắng, khói xanh; tiếng chuông ngân ở bến sông Tương làm trong mắt người thưởng ngoạn; bóng trăng Ngạc Trì óng ánh như hạc châu; núi ngọc thanh cao phủ dày khói sóng trên núi Cô Sơn; non nước liền trời đầy sắc biếc ở ghềnh Thái Thạch,… Tất cả đều là những danh thắng nổi tiếng nhất nhì của nước bạn Trung Hoa đã khơi nguồn cho mạch cảm xúc tuôn chảy và in sâu trong tâm hồn các thi nhân. Một điều thú vị nhưng rất tự nhiên đã xảy ra, cảnh sắc Trung Hoa làm say lòng người đến thế nhưng các thi nhân sứ thần nước ta không bao giờ quên đất nước
mình. Qui hứng (Muốn về nhà) luôn là khát vọng, là ước mong thường trực trong họ.
Nói đến quê hương đất nước trong thơ đi sứ thời Nguyễn không thể không nhắc đến địa danh Lạng Sơn địa đầu tổ quốc. Xuôi dặm vạn lý sứ trình, Lạng Sơn là vùng đất gắn bó với nhiều sứ giả Việt Nam. Nơi đây đã trở thành nguồn thi hứng trong các thi tập sứ trình. Vùng đất lịch sử, hiểm yếu của Lạng Sơn đã thể hiện mình một cách sinh động cụ thể không đâu bằng thơ đi sứ thời Nguyễn.
Trước hết, Lạng Sơn trong thơ Trịnh Hoài Đức được hiện diện qua những xóm nhỏ thật hiền lành:
Nam quan lúc vô sự lạc tình đa, Trung ngoại dân di kích nhưỡng ca.
(Sứ bộ xuất Nam quan hồi quốc khẩu chiếm – Trịnh Hoài Đức) (Nam quan lúc vô sự, tình cảnh vui vẻ xiết bao,/ Nhân dân trong ngoài cửa ải cùng gõ nhịp ca hát).
Trên hành trình đi sứ, Lạng Sơn trong cái nhìn của Nguyễn Du không những hùng vĩ oai nghiêm mà còn rất hữu tình:
Quần phong dũng lãng thạch minh đào, Giao hữu u cung, quyên hữu sào.
Tuyền thủy hợp lưu giang thủy khoát, Tử sơn bất cập, Mẫu sơn cao,
Đoàn thành vân thạch tịch tương hậu…
(Lạng thành đạo trung) (Núi chập chùng núi, sóng nhảy vọt lên kêu trên đá,/ Giao long có hang sâu, chim cuốc có tổ./ Các dòng suối hợp thành sông rộng,/ Núi con cao không bằng núi mẹ./ Chiều xuống mây và nước trên thành Lạng Sơn như chờ đợi nhau.)
Ngoài cảnh thanh tú của núi non, sương khói và vẻ đẹp kỳ vĩ oai nghiêm, Lạng Sơn còn là vùng đất có vị trí chiến lược. Dường như mỗi dòng sông, ngọn núi, cửa ải đều tiềm ẩn một sức mạnh dữ dội, bí hiểm làm nên chất thép cho dãy thành trì biên cương tạo điều kiện ngăn chặn bước chân quân xâm lược. Hầu hết các thi nhân đều có cái nhìn như vậy: Nguyễn Văn Siêu (Lạng Sơn đạo trung), Nguyễn Du (Quỷ Môn quan),… Đặc biệt không chỉ do tạo hóa, dưới bàn tay tái tạo của con người, Lạng Sơn đã trở thành hùng trấn gắn bó khăng khít với những chiến công chống xâm lược như đá Liễu Thăng, ải Chi lăng và nhất là Quỷ Môn.
Bắc hòa tới Quỷ Môn quan,
Lời xưa “Thập khứ nhất hoàn” là đây. Khí mù xuống ban ngày muốn tối Hơi nước lên ngợp khói đường bay.
(Sứ trình tiện lãm khúc – Lý Văn Phức) Trong thơ đi sứ thời Nguyễn, Lạng Sơn còn là chỗ dựa tinh thần nâng đỡ họ vững bước trên vạn dặm. Lạng Sơn bấy giờ đối với họ tươi vui, khỏe khoắn, rộn rịp lạ thường. Bởi đấy là nơi đã diễn ra bao cuộc tiễn đưa rộn ràng, tấp nập, ngựa xe cờ xí sáng rực hòa trong tiếng chim kêu rộn rã giữa núi rừng quang đãng trước khi xuất quan:
Quan tỉnh Lạng đón mời vào sảnh, Việc sứ trình lo tính vẹn vang. Biện đồ lễ miếu thành hoàng,
Nhận rồi dạo bước ngắm tường cảnh thanh… … Đến đâu thường tới quỳ nghênh,
Thường ngày cung ứng nặng tình địa phương.
(Sứ trình tiện lãm khúc – Lý Văn Phức) Bởi ở đấy cũng đã có cái không khí của một “kẻ chợ” bán buôn tấp nập
đông vui. Kỳ Lừa, Đồng Đăng đã khiến cho trấn Lạng Sơn thành nơi phồn hoa trần thế, một chốn giải trí khiến du khách “Mãi vui quên hết lời em dặn dò”. Không biết bài ca “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa” đã đi vào trong thơ đi sứ lúc nào:
Chiêu Đức phong thanh nhàn Mạc Phủ, Đồng Đăng trần thiếp tĩnh Mai Pha.
(Sứ bộ xuất Nam Quan hồi quốc khẩu chiếm – Trịnh Hoài Đức) (Đài Chiêu Đức gió mát, Mạc Phủ nhàn rỗi,/ Phố Đồng Đăng bụi yên, Mai Pha êm đềm.)