Buồn là âm điệu chính của thơ đi sứ. Nó rất phù hợp để các sứ giả chuyển tải nỗi niềm ưu tư, vọng Việt hay nỗi lòng trắc ẩn.
Dõi theo hành trình thơ đi sứ thời Nguyễn, ta nhận thấy có một mảng là tiếng thơ u buồn sâu kín. Trước thời Nguyễn, đất nước đẹp, yên bình, trong sáng biết bao trong những vần thơ đi sứ. Đây là cảnh Tây Hồ:
Ngã quốc phồn hoa bất như thử, Xuân lai biến địa thị tang ma.
(Tây Hồ - Vô danh) (Cảnh phồn hoa ở nước tôi không như thế,/ Mỗi khi xuân về khắp nơi đều là dâu gai.)
Và đây là nét đặc trưng rất thu ở Việt Nam:
Tranh tự Việt Nam sinh ý hảo,
Bất tùy kim lệnh trụy phương nghiên.
(Thu diệp – Đoàn Nguyễn Tuấn) (Đâu được như ở Việt Nam có đầy hơi sống,/ Chẳng theo tiết thu mà mất mùi hương rất đẹp.)
Nhưng đến thời Nguyễn thì không ít những câu như thế này:
Nhị thủy hàn nha tà chiếu ngoại, Tô kiều phi yến lạc hoa tiền.
(Để Hà Nội – Bùi Dị) (Bên sông Nhị, đàn quạ lặng lẽ ngoài ánh nắng chiều,/ Trên cầu Tô, lũ én bay liệng trước ngàn hoa rụng.)
Hay một tiếng thở dài ngao ngán:
Hu ta hồ!
Hoàng Hà chi thủy hà nhật thanh? Năng sử tư dân kiến thái bình.
(Hoàng Hà cơ dân dục tử hành – Bùi Dị) (Than ôi!/ Nước sông Hoàng Hà biết ngày nào trong,/ Để nhân dân nơi này được trông thấy cảnh thái bình!)
Bi thảm hơn, suy nghĩ này là của Nguyễn Du hay là của ông già nghèo mù hát rong kia:
Phàm nhân nguyện tử bất nguyện bần.
(Thái Bình mại ca giả) (Người ta thà chết còn hơn nghèo.)
Đã có một giọng thơ não nề, chán chường như vậy tồn tại trong thơ đi sứ thời Nguyễn. Tiêu biểu cho giọng điệu này là tiếng thơ của Ngô Nhân Tĩnh, Nguyễn Du, Bùi Dị, Cao Bá Quát… Riêng nhà thơ của Gia Định tam gia thi – Ngô Nhân Tĩnh cũng có nhiều điều đáng nói. Tuy cùng nhóm Bình Dương thi xã nhưng thơ của Ngô Nhân Tĩnh so với Trịnh Hoài Đức và Lê Quang Định, có bản sắc riêng: nặng về lối giải bày tâm sự kín đáo. Gần với người bạn tri kỷ của ông là Nguyễn Du, Ngô Nhân Tĩnh là người trầm lặng ít nói nhưng rất sâu sắc trong tư duy. Tiếng thơ của ông tiêu biểu cho tâm sự u
buồn, bất mãn với hiện thực, thế thái nhân tình. Ông có chí khí cao ngất của vị tướng đời Trần –Trần Quang Khải “Đè ngang ngọn gió đọc thơ chơi”.
Tửu tán cựu sầu lâm thủy chước, Thi đề tân cú đối phong tao.
(Nhâm Tuất niên mạnh đông… , Kỳ V) (Rượu khuây sầu xưa, nghiêng bầu trên mặt nước,/ Đề thơ câu mới, ngâm vịnh trước gió trào.)
Hoài bão của ông làm xúc động lòng người bao thế kỷ:
Báo quốc đan tâm tận, Tư hương bạch phát tân.
(Đối kính)
(Báo nước hết lòng son,/ Nhớ quê thêm tóc bạc.)
Tấm lòng ấy, dưới triều đại phong kiến nhiều rối ren như triều Nguyễn hẳn đã rất cô đơn vì không tìm được tri kỷ. Cho nên, giọng thơ trở nên buồn bã, u uất:
Hận thùy khinh bạc hoa lưu thủy, Liên ngã thanh hàn nguyệt đáo sang.
(Nhâm Tuất niên mạnh đông… , Kỳ I) (Giận ai khinh bạc, hoa trôi theo dòng nước,/ Thương thân ta hàn trăng đến bên cửa sổ.)
Nỗi buồn chán và thất vọng của ông là nỗi buồn trước đất nước và thời cuộc rối ren đen tối. Rồi cũng dễ hiểu, ông đã tìm đến bóng mình trong gương để trò chuyện, để cảm thương bóng mình trong đó – một biểu hiện của sự cô đơn tột bậc:
Tự quý trần trưng khách, Kham liên kính lý nhân.
(Thẹn mình là khách trong cõi trần,/Đáng thương bóng mình trong gương.) Lời tâm sự chân thành nên tuy ngắn mà vẫn diễn tả được khối u tình chất chứa bấy lâu nay trong ông.
Nói về gia đình (cha mẹ, vợ con, anh em… ), các nhà thơ đi sứ thời Nguyễn lại tìm đến sắc thái tha thiết. Những bài thơ nói về thân nhân của người đi sứ được người đọc cảm nhận như chính tình cảm của mình là nhờ ở chất giọng thiết tha này. Dễ thấy hơn cả là những bài thơ nói về mẹ, cha, vợ… như trong thơ của Phan Huy Chú, Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Bùi Quỹ, Phan Thanh Giản… Đâu dễ tìm được những vần thơ tha thiết thế này:
Lưỡng độ niên hoa vạn lý hành, Gia tình quốc sự bán kinh doanh. Tang bồng dị túc bình sinh chỉ,
Hương hỏa nan cung nhất thốn thành. Huy lệ tự tu sài lại niệm,
Đê đầu không thính giá cô minh. Chỉnh dung thiểm vọng hư linh giám, Sương mấn sầu thôi kính lý doanh.
(Khách ngộ húy nhật cảm tác – Lê Quang Định) (Hai độ niên hoa, đường đi vạn dặm,/ Tình nhà việc nước chia phần lo toan./ Tang bồng dễ toại chí làm trai,/ Hương hỏa khó hiến dâng tấc lòng thành./ Vẩy lệ tự thẹn mình có ý nghĩ như của loài chó sói, rái cá,/ Cúi đầu luống nghe tiếng chim đa đa./ Sửa nét mặt xa vọng hồn linh chứng giám,/ Trong gương đã hiện mái tóc sầu giục điểm sương.)
Phận làm con có cái tang suốt đời là giỗ cha mẹ. Nơi đất khách, gặp ngày đó, người con biết tìm đâu nén hương bát nước. Càng đau đớn hơn khi nhà thơ bất giác nhận ra chí tang bồng thì dễ toại mà hương lửa tấc thành khó
dâng, gạt lệ mà tự thẹn mình không khác nào giống vật. Nhà thơ đành nén nỗi lòng, sửa nét mặt vái vọng mong vong linh chứng giám.
Chiếm một số lượng khá lớn trong thơ đi sứ thời Nguyễn là những bài vịnh di tích lịch sử. Qua một di tích lịch sử, một tòa miếu, ngôi đền… lòng hiếu cổ như phiếm đàn rung lên muôn điệu. Biết bao bài thơ đề cao những con người tài cao, đức cả, tỏ lòng thương cảm với những người trung nghĩa, cương trực gặp phải tai ương, thể hiện tình cảm sâu nặng đối với phong cảnh, tình người. Những bài thơ ấy, tuy có khác nhau về khung cảnh, điều kiện, hoàn cảnh lịch sử, mức độ cảm xúc… nhưng cùng chung điểm dừng: được khơi nguồn bằng mạch cảm xúc dạt dào chân thành, lòng ngưỡng mộ cảm phục với âm điệu cảm khái.
Nhìn thấy cái vô nghĩa, thê lương qua tấm mồ Sở Bá Vương hoang sơ,trơ trọi, Nguyễn Du bùi ngùi viết:
Lộ bang phiến thạch độc tranh vanh, Bất thị Ô Giang vị Lỗ thành.
Cập thức bại vong phi chiến tội, Không lao trí lực dữ thiên tranh. Cổ kim vô ná anh hùng lệ,
Phong vũ do thanh sất sá thanh. Tịch tịch nhị thời vô tảo tế, Xuân lai ngu thảo tự tùng sinh.
(Sở Bá Vương mộ, Kỳ II – Nguyễn Du) (Tấm đá đứng chênh vênh một mình cao ngất bên đường,/ Không phải ở bến Ô Giang mà chính là ở thành nước Lỗ./ Đến khi biết bại vong không phải vì trận đánh kém,/ Mới hay đem trí lực tranh với trời chỉ uổng công./ Xưa nay không biết bao nhiêu anh hùng đã rơi lệ,/ Trong gió mưa còn nghe như tiếng
gầm thét./ Vắng vẻ hai mùa không ai quét dọn cúng tế,/ Mỗi mùa xuân đến, cỏ Ngu mĩ nhân lại mọc xanh tươi.)
Trong thơ đi sứ thời Nguyễn, những trang viết về những vị anh hùng, những hiền thần, nhà văn hóa… có sức đậu lại lâu bền trong lòng người đọc, nhất là những câu thơ của Nguyễn Du viết về Khuất Nguyên hay Đỗ Phủ. Hôm nay đọc lại Phản chiêu hồn, lòng người se thắt đau đớn theo tiếng gọi hồn thảm thiết của ông:
Hồn hề! Hồn hề! hồ bất quy? Đông, tây, nam, bắc vô sở y. Thướng thiên há địa giai bất khả, Yên, Sính thành trung lai hà vi?
(Hồn ơi! Hồn ơi! Sao không về?/ Đông, tây, nam, bắc không có nơi nào nương tựa./ Lên trời xuống đất đều không được,/ Còn trở về thành Yên, thành Sính làm gì?)
Giọng điệu khổ thơ gần với sự ngơ ngác, bàng hoàng. Giục giã, ân cần trong câu một (Hồn hề! Hồn hề! hồ bất quy?)để rồi rời rạc, hẫng hụt ở ba câu sau. Thực ra, sự ấm áp chỉ vỏn vẹn có trong âm hưởng yêu thương, luyến láy ở bốn chữ “Hồn hề! Hồn hề!” để rồi nhức buốt ngay sau đó “hồ bất quy?”.
“Sao không về?” là một câu hỏi, một câu hỏi tu từ có tính phủ định, bản thân nó đã là một cách trả lời. Thương thay mảnh hồn lưu lạc của Khuất Nguyên lại càng bơ vơ khi tất cả mọi hướng trở về đều không có chỗ đặt chân. Ba địa chỉ, ba bến bờ: độ rộng (đông, tây, nam, bắc), chiều cao (lên trời, xuống đất), hẹp hơn, quen thuộc hơn là cả hai thành nước Sở (Yên, Sính) đều cùng một nghĩa là không (không nơi nương tựa, đều không được). Nằm trong mạch phủ định toàn bài, các câu:
Hồn hề! Hồn hề! suất thử đạo, Tam hoàng chi hậu phi kỳ thì.
Tảo liễm tinh thần phản thái cực, Thân vật tái phản linh nhân xi.
(Hồn ơi! Hồn ơi! Nếu cứ theo đường đó,/ Thì sau Tam Hoàng không còn hợp thời nữa./ Hãy sớm thu tinh thần trở lại cõi thái cực,/ Đừng trở về đây nữa mà người ta mỉa mai.)
Lại thêm một lần phủ định, phủ định xã hội phong kiến Trung Hoa mấy nghìn năm sau đời Tam Hoàng – đời của bọn “ăn thịt người ngọt xớt”, một ranh giới để lịch sử sang trang đầy nước mắt. Vậy thì, không còn cách nào hơn là cho tinh thần bơ vơ ấy một lời khuyên, một lời nhắn nhủ “Hãy sớm thu tinh thần trở lại cõi thái cực, đừng trở về đây nữa mà người ta mỉa mai”. Giọng thơ thân thiết, bình dị như một sự ngang hàng không cần đến sự cầu kỳ trau chuốt nữa. Bài thơ dồn trọng tâm ở phần cuối: giá trị tổng kết, lòng bi phẫn, nỗi xót thương, niềm uất ức:
Hậu thế nhân nhân giai Thượng quan, Địa địa xứ xứ giai Mịch La.
(Đời sau người người đều là thượng quan,/ Mặt đất này đâu đâu cũng là sông Mịch La.)
Ngôn từ giàu tính hình tượng và tính ám chữ. Cái xấu, cái ác không còn là khái niệm trừu tượng mà trở thành nhân vật đi lại, nói năng đặc biệt nham hiểm khó lường. Câu hỏi cuối bài:
Hồn hề! Hồn hề! nại hồn hà?
(Hồn ơi! Hồn ơi! hồn làm thế nào?)
Theo Lê Thu Yến thì đây là dạng câu hỏi tu từ, có tác dụng mở ra một khía cạnh mới của vấn đề để gây ấn tượng mạnh nơi người đọc, gây một chấn động về mặt tâm lý tạo nên một trường liên tưởng, trường cảm xúc nơi người đọc [53, tr 188]. Nguyễn Du hỏi hồn Khuất Nguyên nên trở về hay không hoặc khuyên hồn Khuất Nguyên đừng trở về mà đi vào cõi hư vô còn hơn,
Nguyễn Du đã quyết định thay cho Khuất Nguyên hay để Khuất Nguyên tự quyết định… ? Câu hỏi mở ra nhiều hướng liên tưởng.