Lòng yêu nước gắn với khát vọng hòa bình

Một phần của tài liệu những thành tựu của thơ đi sứ thời nguyễn (Trang 44)

Như đã trở thành quy luật trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc nhất là thời kỳ gươm giáo hai bên vừa xếp lại, thì sứ giả đã phải lên đường tiếp tục giải quyết những vấn đề mà cuộc đọ gươm chưa giải quyết xong. Thông qua những công việc có vẻ nghi thức như dân biểu cầu phong, cống sản vật mừng thiên tử mới lên ngôi, viếng tang mừng thượng thọ, nhưng thật ra là các sứ giả đang thực hiện từ bước ước vọng hòa bình. Họ phải làm được nhiệm vụ bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ chủ quyền độc lập dân tộc và làm tan ý đồ xâm lược của kẻ thù phong kiến phương Bắc. Được cử đi sứ là vinh dự lớn, cổ nhân có câu “không làm khanh tướng thì làm sứ giả”. Nhưng công việc đi sứ vốn không dễ dàng đơn giản chút nào. Các sứ giả phải chiến đấu trong hoàn cảnh không cân sức. Chỉ một nhóm ít hoặc một người mà phải

đương đầu với sự đe dọa, bức bách, dụ dỗ của kẻ thù. Trong tình thế ấy, nếu không tỉnh táo thì sẽ nguy hiểm đến sự tồn vong của quốc gia. Các sứ giả rất hiểu đều đó. Sứ trình vất vả, nguy hiểm, một khi đã đi khó có ngày trở về:

Giai tiết khủng khiên ly biệt huống, Thả bằng khi trẩm mộng trung qui…

(Nghi Câu khách trung thất tịch – Lê Quang Định) (E rằng tiết lành kéo dài thêm cảnh ly biệt,/ Hãy mượn gối trở về quê hương trong giấc mộng.)

Hình ảnh “thiên thượng khứ” (đi lên trời), “thiên khuyết” (cửa trời) đã có sức khái quát sự gian nan vất vả của người đi sứ. Đâu chỉ có thế, việc đi sứ thực tế còn nguy hiểm hơn nhiều. Không ít sứ thần thời Nguyễn sang Trung Hoa đã bị giữ lại hoặc bị giết chết. Đấy là chưa kể việc các sứ thần thời Nguyễn còn phải vượt qua hàng vạn kí lô mét đường bộ, đường thủy, khi đi xe ngựa, khi đi thuyền, khi nắng gió, khi tuyết rơi lạnh buốt, khi đắm thuyền, khi mưa dột, khi ốm đau bệnh tật chết trên đường đi… Và thời gian cả đi lẫn về có thể kéo dài đến hàng năm:

Tằng kinh thương hải dương dương đại, Cách lịch thanh sơn bộ bộ cao.

(Nhâm tuất niên mạnh đông, sứ hành do Quảng Đông thủy trình vãng Quảng Tây, họa Trịnh Cấn Trai thứ Lạp ông tam thập vận, kỳ V – Ngô Nhân Tĩnh)

(Đã từng vượt biển xanh mênh mông rộng,/ Lại phải trèo núi biếc bước bước cao.)

Thế nhưng, với tinh thần “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, các sứ thần thời Nguyễn đã phải cầm tiết ngọc, hai vai nặng trĩu sứ mệnh của nước nhà như Trương Khiên cưỡi bè thăm Ngưu, Đẩu. Họ không hề thi vị hóa vai trò của kẻ hát bài ca Hoa trình, cũng không hy vọng học được nhiều điều

tốt đẹp ở thượng quốc. Họ nhận rõ trách nhiệm của mình và tự giác gánh vác trách nhiệm nặng nề mà quốc gia giao phó. Đây là sự khởi đầu, là nền tảng của lòng yêu chuộng hòa bình. Đây cũng là một sự đóng góp của thơ đi sứ thời Nguyễn. Có điều cách thể hiện ở mỗi người mang sắc thái khác nhau. Người thì nhấn mạnh vào bản lĩnh cần có của một sứ thần yêu nước để hoàn thành trọng trách như Lê Quang Định:

Phong sương tố thị nhân thần tiết, Kính lý minh giao lưỡng mấn tinh.

(Tín Dương hiểu hành)

(Xông pha sương gió vốn là bổn phận của kẻ làm tôi,/ Soi gương chớ ngại hai mái tóc điểm bạc!)

Trương Hảo Hiệp thì mạnh mẽ và dứt khoát trong trọng trách đi sứ:

Hứa quốc thùy nhân cảm cố gia, Thất niên lữ để nhất tinh sà.

(Giang thượng thư hoài)

(Đã đem mình hiến cho nước, còn ai dám nghĩ đến nhà,/ Bảy năm nơi đất khách một chiếc bè sao!)

Còn Ngô Nhân Tĩnh thì vì sự tồn vong và an nguy của Tổ quốc, kẻ có chí lớn cần gì phải đợi gà gáy mới thức dậy múa gươm như Tổ Địch thời Đông Hán:

Tĩnh tọa thường tư tiên đắc sách, Hà tu khởi vũ đãi văn kê.

(Nhâm Tuất niên mạnh đông…, kì III) (Lặng ngồi mà luôn luôn suy nghĩ sẽ sớm được chước hay,/ Cần gì phải đợi gà gáy mới thức dậy múa gươm.)

Có người lại rất thực trong niềm băn khoăn của một sứ thần đối với hòa bình, độc lập dân tộc, niềm tự hào được gánh vác trọng trách quốc gia:

Thập tải trì khu bất cố gia, Hư danh vô thực nại ngô hà! Quốc ân nhưng vị quyên trần báo, Thân sự tư duy oán ngải đa.

Thiên hữu đông xuân khan vãng phục, Địa phi giang hải diệc phong ba. Tân đà đãn nguyện thao trì định, Vạn khoảnh thương mang nhất hạo ca.

(Phái vãng dương trình hiệu lực – Hà Tông Quyền) (Mười năm bôn ba không đoái hoài đến nhà,/ Danh hảo không thực ta biết làm sao?/ Ơn nước vẫn chưa mảy may báo đáp,/ Việc mình nghĩ kĩ oán hận còn nhiều./Trời có mùa đông xuân, xem thấy sự qua lại,/ Đất bằng phẳng chẳng phải sông bể mà cũng nổi sóng gió./ Chỉ mong giữ được bánh lái con tim cho vững vàng,/ Giữa nơi sóng nước mênh mang muôn trùng cứ việc ca vang.)

Không nệ cổ, không theo đuôi người trước, luôn có tinh thần sáng tạo, ấy là tinh thần của sứ giả Đại Việt nói chung và sứ giả thời Nguyễn nói riêng.

Trọng trách đi sứ tự nó đã có sức cổ vũ, nâng đỡ bước chân người đi sứ. Đem lại thái bình cho đất nước là niềm tin luôn thường trực trong họ. Vì thế tâm trạng phơi phới hân hoan trên đường hoa đã xuyên suốt trong thơ sứ trình của Nguyễn Thuật, Phạm Chi Hương:

Nhập cảnh nhân tình mang ứng tiếp; Vong gia thần phận cảm bồi hồi. Dự kỳ cách tuế xuân phong tảo, Mã thủ hồi khan tái thượng mai.

(Khải quan – Nguyễn Thuật)

nhà đâu dám băn khoăn./ Hẹn trước, cách năm sau, khi gió xuân chớm thổi,/ Quay ngựa lại xem hoa mai trên cửa ải!)

Là người nổi tiếng hay chữ, hai lần đi sứ nhà thanh, Phạm Chi Hương cũng như nhiều sứ thần khác có nhiều thơ nói về cảnh sắc ở Trung Quốc. Tuy là cảnh xứ người nhưng người đọc cảm nhận được niềm tin chan chứa vào một vận hội mới của đất nước với tinh thần sảng khoái của thi nhân:

Ninh Minh giang thượng khách hàm bôi, Tằng thử chinh nhiêu bãi tố hồi.

… Truyền ngữ nam huân thông tín tức, Hoa tu liên dạ báo đăng khai!

(Ninh Minh dạ bạc)

(Trên sông Ninh Minh khách dâng chén,/ Nơi đây, mái chèo xa đã thôi cuộc ngược dòng./ … Nhắn nhủ ngọn gió nam hãy đưa tin hộ./ Luôn đem hoa đèn cứ báo điềm mừng!)

Khát vọng hòa bình của các sứ thần triều Nguyễn còn được thể hiện ở tấm lòng hòa hiếu dân tộc, không muốn có chiến tranh. Thật lạ lùng và cũng thật thú vị! Một dân tộc gần một ngàn năm chịu sự thống trị tàn bạo của phong kiến phương bắc mà không có lời thơ nào tỏ ý kì thị dân tộc. Nhiều bài trong thơ đi sứ thời Nguyễn thể hiện lòng mến thương đối với nhân dân Trung Quốc. Điều này bắt nguồn từ lòng nhân ái vốn yêu chuộng hòa bình của người dân Đại Việt.

Lê Quang Định là một trong ba nhà thơ đất Gia Định nổi tiếng. Thơ của ông hầu hết là thơ vịnh cảnh, nhất là vịnh cảnh trên đường đi sứ Trung Quốc. Nhưng thơ ông không chỉ mô tả phong cảnh chung chung mà còn thể hiện ước vọng tha thiết của dân tộc ta là nhân dân hai nước được sinh sống trong cảnh thái bình, an lạc:

Bắc Nam phân thổ tuy thiên lý, Kim cổ tư văn diệc nhất gia.

Bán diệc mạc hiềm tương thức thiển, Thời khiên thanh một đáo thiên nha.

(Đề phiến tặng Tương Đàm Lục Dự Tri huyện) (Bờ cõi bắc nam tuy cách xa nghìn dặm,/ Văn hiến xưa nay vẫn là một nhà./ Quen nhau chưa bao lâu, song chớ hiềm biết nhau còn ít,/Thường vấn vương với giấc mộng trong trẻo tìm đến chân trời.)

Niềm tự hào về chiến công, về cảnh đẹp và nền văn hiến dân tộc… đều là những chiều kích của lòng yêu nước. Trong thơ đi sứ thời Nguyễn, âm hưởng ấy vang lên rất rõ, có chiều rộng và chiều sâu. Đó là tiếng nói tích cực của những thần dân, tri thức yêu nước triều Nguyễn trên con đường đi sứ ngay trong hoàn cảnh khó khăn nhất của thời cuộc và tiếng nói ấy đã góp phần làm phong phú thêm nội dung văn học nước nhà.

Một phần của tài liệu những thành tựu của thơ đi sứ thời nguyễn (Trang 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(151 trang)