Giọng điệu là một phương tiện cơ bản cấu thành hình thức nghệ thuật của tác phẩm văn học, là thước đo để xác định tài năng và phong cách độc đáo của nghệ sĩ. Bởi văn chương trước hết là nghệ thuật ngôn từ, là cách nói bằng ngôn từ mà gắn liền với cách nói là thái độ, giọng điệu của nhà văn ẩn sau các kí hiệu, các mã nghệ thuật. Có thể nói, trong các tác phẩm nghệ thuật ưu tú, giọng điệu bao giờ cũng mang tính chất lượng, là sản phẩm sáng tạo đích thực của nghệ sĩ. Điều này thể hiện đậm nét trong thơ trữ tình, đặc biệt là Thơ mới. Còn trong thơ trữ tình trung đại, vai trò của giọng điệu có nhiều hạn chế bởi lẽ thơ trữ tình trung đại chịu áp lực lớn của những quy phạm: kiểu nhà thơ, thể thơ, ngôn từ... Trong đó, kiểu chủ thể, thể thơ, ngôn từ... Trong đó, kiểu chủ thể nhà thơ đã chi phối đến giọng điệu tác phẩm.
Cách biểu hiện chủ thể của thơ đi sứ thời Nguyễn mang đặc điểm của thơ trung đại. Họ chưa bao giờ tự coi mình là thi nhân, nhà thơ trữ tình mà chủ yếu coi mình là khách, lữ khách, du khách, lữ thứ... Nói khác đi, cách biểu hiện chủ thể trong tác phẩm thơ một cách gián tiếp, không biểu thị trực tiếp dưới dạng thức “tôi”, “ta”, “chúng ta” như thơ trữ tình hiện đại. Hình tượng tác giả trong thơ được giấu kín. Nhà thơ không phơi lộ toàn bộ cái nhìn, cách cảm, cá tính riêng biệt. Vì thế, trong thơ trung đại giọng điệu cá nhân chưa rõ. Lời thơ trong tác phẩm, nói như Trần Đình Sử là: lời không của ai cả, lời vô chủ thể mặc dù vẫn là sản phẩm sáng tạo của nhà thơ [38, tr 175]. Do thiếu vắng chủ thể nên lời thơ trung đại không hướng tới việc trò chuyện giao tiếp trực tiếp với người đọc mà gián tiếp. Chủ thể trữ tình không nói với ai mà nói với đất trời, với chính mình. Điều này xuất phát từ quan niệm triết học phương Đông: “Thiên nhân hợp nhất”, “Thiên nhân tương dữ”, “Nhân thân tiểu vũ trụ” nên con người trong thơ trung đại là con người vũ trụ, tồn tại như một phần vũ trụ, đứng giữa đất trời, xung quanh là càn khôn nhật nguyệt,
bốn bề là tùng cúc trúc mai...giữa con người và vũ trụ có mối quan hệ gắn bó cảm ứng lẫn nhau. Chính vì thế, tiếng thơ trung đại là tiếng nói giữa đất trời. Hơn nữa, do ngôn từ được ví với nhạc họa nhiều hơn là phát ngôn và lấy điệu ngâm làm chính nên lời thơ trung đại chưa tồn tại như một lời nói. Vậy thì, nói như tác giả Nguyễn Đăng Điệp: “chỉ khi lời thơ trở thành lời nói qua hình thức giao tiếp thì lúc ấy mới xuất hiện giọng điệu thơ với đúng nghĩa của nó” [10, tr 152]. Chúng tôi tán thành nhận xét này của tác giả công trình vừa dẫn trên. Đặc trưng của thơ trung đại để lại dấu ấn rất sâu trong thơ đi sứ thời Nguyễn. Sau đây là vài ví dụ tiêu biểu:
Bài Hành chu tương để Áo Môn hý tác (Đặng Huy Trứ) là nơi mà tất cả: bầu trời, mây, núi, gió, trăng, sông nước, con người hòa hợp gắn bó với nhau mật thiết. Bản thân nhân vật trữ tình dường như cũng hòa tan vào một thể thống nhất hùng vĩ nên thơ của ngoại cảnh:
Mộ vân quyển vũ sơn quyên quyên Viễn tự thừa xa thướng thiên. Dạ chúc thôi kim tận lạc,
Mân giang phong nguyệt bất luân tiền.
(Mây chiều mưa cuốn núi xinh xinh,/ Xa xa như cưỡi thuyền lên trời./ Tro vàng rơi từ đuốc đêm như giục nhà thơ,/ Gió trăng đầy sông, chẳng cần đến rượu.)
Người đọc không thưởng thức chúng như những câu thơ có giọng điệu mà như bức tranh với những đường nét, phối cảnh dù trong thơ có thấp thoáng dấu hiệu của chủ thể trữ tình: chủ thể nghe – nhìn, một cái nhìn vũ trụ siêu cá thể (viễn, lạc, bất luân tiền).
Trong bài Dạ bạc văn địch (Phan Thanh Giản), tác giả cũng bỏ quên cái tôi không cần thiết của mình:
Lạo há, ba bình bạn,
Thiên tinh, nguyệt mãn loan. Nhất thanh hà xứ địch, Lạc diệp hưởng không san.
(Lũ rút, sóng ngang bờ,/ Trời quang, trăng đầy vịnh./ Một tiếng sáo nơi nào.../ Lá rụng vang núi xa.)
Đây là bài thơ tả cảnh. Cảnh vật thanh thoát, bốn bề sóng nước mênh mông, trắng xóa. Trời quang, trăng sáng khiến cho cảnh vật thêm trong suốt. Tưởng chừng như bài thơ không có bóng dáng của một ai đó nhưng ai đó trên thuyền, mắt dõi theo từng góc độ của cảnh vật, lắng nghe tiếng sáo, tiếng lá rụng mơ hồ từ nơi nào đó vọng lại. Bài thơ không có giấu vết gì của chủ thể trữ tình. Trái lại, trong thơ trữ tình hiện đại, chủ thể trữ tình bộc lộ một cách trực diện. Nó không khép kín mà thể hiện một cuộc giao tiếp trực tiếp. Tiếng nói của chủ thể trữ tình tồn tại dưới dạng cá thể riêng biệt, như bài Vu quy của Nguyễn Bính:
Tháng chạp cho cải hoa vàng, Cho cam da đỏ, cho nàng vu quy. Nàng về mãi xứ bên kia,
Cam thôi màu đỏ, bướm chê hoa vàng. Sáng nay sương xuống đầy làng,
Tưởng như khói pháo đưa nàng năm xưa. Nàng về kẻ đón người đưa,
Tôi chờ gì nữa mà chưa giang hồ? Sông Thương cách mấy lần đò,
Chợ Hoàng họp mãi bao giờ cho tan!
Chủ thể trữ tình ẩn mình, giao tiếp gián tiếp với người đọc khiến cho lời thơ thiếu dấu giọng, không rõ ngữ điệu. Đó là nét đặc trưng của thơ trung
đại và thơ đi sứ thời Nguyễn. Tuy nhiên, trên cái nền chung đó, thơ đi sứ thời Nguyễn cũng tìm cho mình một “thi hiệu” riêng. Tính cá biệt này cuả thơ đi sứ thời Nguyễn thể hiện ở hai điểm:
Điểm thứ nhất: Diện giao tiếp trong thơ được mở rộng và yếu tố chủ thể ít nhiều đã mang màu sắc điệu nói. Đó là trường hơp trong thơ Bùi Quỹ. Tác giả ký thác tâm sự của mình qua lời người vợ. Ông có hai bài viết dạng này. Bài Nghĩ sứ thần phụ ký thi(Thơ viết thay vợ sứ thần gửi chồng):
Niên tương ước tạm tương ly, Đa thiểu tình hoài ký viễn tri. Thế lộ kinh trăn tu ổn bộ;
Tha hương phong nguyệt mạc đề thi. Tuân tư yếu tại thành lân háo,
Ứng đối duy cầu tráng quốc uy. Dã hoắc viên sơ, hưu niệm thiếp, Nguyện vô khuê diếm tảo ngôn quy.
(Trăm năm ước hẹn tạm biệt ly nhau,/ Bao nhiêu tâm tình gửi cho người phương xa hay biết./ Đường đời chông gai hãy nên vững bước,/ Trăng gió ở quê người, đừng có đề thơ./ Việc thăm hỏi cốt sao nên tình hữu hảo láng giềng,/ Tài ứng đối chỉ cầu cho oai danh nước nhà mạnh mẽ./ Chút phận rau vườn cỏ nội, đừng nghĩ tới thiếp làm chi,/ Mong ai như ngọc khuê không vết sớm trở về.)
Không kể tựa bài,ở phần kết, đại từ nhân xưng “thiếp” xuất hiện cho ta biết phụ ngâm thi phó sứ quân, chủ thể trữ tình cũng là lời người vợ sứ thần. Bài này đã có dịp đề cập ở trên.
Điểm thứ hai: Tuy chưa thật đậm nét như thơ ca hiện đại nhưng thơ đi sứ thời Nguyễn đã xuất hiện hoặc đậm hoặc nhạt giọng điệu nhà thơ.
Văn học giai đoạn nào cũng mang dấu ấn thời đại. Thơ đi sứ thời Nguyễn càng chịu sự khúc xạ mạnh mẽ của tính thời đại. Bởi lẽ, tác giả thơ đi sứ hơn ai hết là những người rất nhạy bén với mạch đập của thời cuộc và sang nước người họ mang theo tinh thần ấy của thời đại, của dân tộc vào trong bang giao và văn chương. Vì lẽ đó, giọng thơ đi sứ thời Nguyễn thổn thức, ẩn chứa nhiều ưu tư. Nếu đi vào từng nội dung, từng bài cụ thể thì giọng điệu thơ đi sứ thời Nguyễn cũng khá đa dạng như thơ trữ tình hiện đại. Có điều nó không sống động, biến hóa, tường minh như trong thơ trữ tình hiện đại nhất là các yếu tố thuộc chủ âm của giọng như nhịp điệu, độ dài câu thơ, hình tượng cảm xúc...